Mẹ của Lê Vân:

Mong những lời sám hối của con được tha thứ

Mong những lời sám hối của con được tha thứ
Bà hiểu, Vân in cuốn sách để sám hối, dẫu Vân biết, không phải mọi sám hối đều được tha thứ. Viết mà “lôi ruột gan ra” như Vân, rõ ràng không phải là “ca công tụng đức”. Ngẫm lại, bà thương con hồng nhan bạc phận...

Hơn 3 tháng sống chung với vợ chồng cô út Lê Vi ở Pháp, nghệ sĩ (NS) Lê Mai vừa về nước. Lê Vân ra sân bay đón mẹ.

Suốt chặng đường từ sân bay về phố Phan Đình Phùng (Hà Nội), bà không hề đả động đến cuốn tự truyện Lê Vân yêu và sống, dù bà biết Vân đang thấp thỏm muốn biết ý kiến của mẹ.

Những ngày ở Pháp, bà phần nào đoán biết dư luận xung quanh cuốn sách của Lê Vân. Bên đó, Lê Vi vào “mạng”, đọc những phần của cuốn sách được trích đăng trên báo điện tử cho bà cùng nghe, rồi dõi theo phản hồi của người đọc.

Mấy hôm sau, Lê Vân đưa sách tặng bà, hai mẹ con mới có dịp tâm tình. Bà bảo hơn 20 năm trôi qua, mọi chuyện đã lùi vào dĩ vãng, Vân nhắc lại không phải để bới móc quá khứ, ôn nghèo kể khổ hay đấu tố ai. Nhìn về quá khứ để trân trọng cuộc sống bây giờ. Ai sống qua cái thời cơ cực ấy chẳng phải trải qua những vui-buồn-đói-khổ…

“Nhiều người cứ tưởng Vân viết bịa, nhưng những gì Vân kể đều là sự thật. Ai đã từng xếp hàng nhận thực phẩm, khi được ném cho một lạng thịt vào tay rồi gói ghém mang về như vớ được vàng, mới hiểu cuộc sống thời đó ra sao. NS được ưu tiên cũng phải chờ từ sáng đến trưa, tiêu chuẩn phụ cấp thanh sắc của mỗi người là một kg thịt. Giới trẻ bây giờ không thể tưởng tượng nổi chúng tôi đã sống như vậy”, bà vừa cười vừa nói.

Bà hiểu, Vân in cuốn sách để sám hối, dẫu Vân biết, không phải mọi sám hối đều được tha thứ. Viết mà “lôi ruột gan ra” như Vân, rõ ràng không phải là “ca công tụng đức”. Ngẫm lại, bà thương con hồng nhan bạc phận. Tài năng cả ở sân khấu và điện ảnh, sự nghiệp tỏa sáng nhưng đời sống riêng thì quá nhiều lận đận.

Lấy người đàn ông đã có ba con nhưng về ở với nhau, Vân lại không có con. Khát khao làm mẹ khiến Vân đã có lúc nói ra ý định xin cô út Lê Vi một đứa con về nuôi. Vân đi bước nữa, sinh được con trai.

Bà nhớ cái khoảnh khắc Vân ôm đứa con đỏ hỏn vào lòng, vừa nựng vừa nói: “Mẹ được thằng này rồi, không cần thằng nào nữa nhé!”. Nghe con nói mà bà ứa nước mắt.

Mấy mẹ con có những dịp ngồi cùng nhau, “ôn nghèo kể khổ” để rồi cười vui vẻ, nhưng nhớ lại thời ấy, bà làm sao quên cái hôm gò lưng đạp xe hơn hai chục cây số xuống thăm con ở nhà trẻ ngoại thành, rồi hối hả lên Hà Nội ngay cho kịp giờ diễn. Trước đó bà kỵ ăn ruột bánh mì nhưng đói quá, hôm đó bà ăn gọn cả chiếc. Ăn để lấy sức đạp xe đến với con.

Từ đó, “nỗi sợ” ăn ruột bánh mì biến mất. Vân đã kể trong sách về cái buổi chiều đứa trẻ lên ba bịu cửa đợi bà, nhưng Vân không biết chặng đường mẹ đã đói lả để đến với con.

Ai đó hỏi bà, Vân “vạch áo cho người xem lưng”, lại nhiều chuyện chẳng hay ho, nào chuyện bố mẹ đêm đêm cãi vã nhau, rồi chuyện ngày cưới, mẹ chẳng cho con gái nửa chỉ vàng vì nghèo quá…, bà có sợ hình ảnh một gia đình NS không còn đẹp trong mắt công chúng?

Bà nói: “Chuyện gia đình tôi không nói ra thì nhiều người cùng thời cũng biết. Cơ quan hai đơn vị đã kỷ luật cả ông ấy và tôi. Thời ấy, đâu chỉ riêng tôi, nhiều NS khác cũng có hoàn cảnh tương tự. Chỉ có điều, ai biết dừng lại ở giới hạn nào, ai còn giữ lại cho mình điều gì mà thôi. Bây giờ, bạn bè đồng nghiệp gặp nhau, nhắc lại chuyện cũ, chuyện ông A với bà B, rồi chuyện kiểm điểm, kỷ luật…, toàn chuyện “tày trời”, thế mà ai cũng cười”.

Chuyện chia con khi ly hôn, lý do “bố nhận nuôi Vi, mẹ nhận nuôi Khanh” như Vân đã viết dằn vặt, đớn đau, cay đắng trong sách thì sự thật vì lúc đó, Vân vào học ở trường múa nên không còn tên trong sổ hộ tịch. Ra tòa, người ta lấy sổ hộ tịch làm căn cứ để chia. “Nếu Vân hỏi chuyện này thì tôi giải thích đơn giản như thế, nhưng Vân không hỏi, cứ giữ trong lòng”, bà nói.

Bà cũng nghe có người trách móc, rằng Vân hơi nặng lời với bố trong cuốn sách. Nhưng những gì Vân rút ruột viết ra là suy nghĩ của một người đàn bà trải nghiệm, không phải cảm xúc tức thời của ngày ấy nữa. Vân thì lúc nào cũng vậy, mạnh mẽ, dứt khoát và rất rõ ràng, phân minh. Vân muốn bộc bạch hết, không giấu lòng.

Sự thực cũng có lúc phũ phàng. “Chắc ông ấy bất ngờ khi đọc những gì con viết. Bây giờ thì bố con ông ấy đã ngồi nói chuyện với nhau rồi, “hòa bình” rồi… Giá như câu chữ, ý tứ được cân nhắc thận trọng hơn, mềm mại hơn, làm cho không khí dịu đi thì chắc có lẽ người đọc cảm thông hơn, và người trong cuộc cũng đỡ xót xa hơn”, bà tâm sự.

Chuyện ngày ấy đã lùi vào dĩ vãng, ai nấy đều cất giấu vào một góc sâu trong tâm hồn mình. Chỉ mình Vân dũng cảm dám mở toang hộp thư ký ức, dù không phải tất cả đều là bí mật.

30 năm trời mà ngỡ như chớp mắt. Đôi lúc bà thảng thốt, đôi vai của những người đàn bà sao cứ trĩu nặng hai chữ yêu và sống. Trong 3 con gái, cuộc đời Lê Vân nhiều trắc ẩn như chính bà.

Bây giờ trời yên biển lặng, có thể Vân chọn thời điểm này để viết về cuộc đời mình, như ai đó nói, còn hơi sớm. Dẫu sao bà vẫn mong lòng con thanh thản, và mong những lời sám hối của con được tha thứ…

Theo Phụ nữ TPHCM

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.