Một chuyện khó nói

Một chuyện khó nói
TP - Cổ nhân có câu Ngôn nan chi ẩn (cái điều khó nói ra). Khó nhưng cốt là nói ra như thế nào? Quả là hơi bị khó nói ra chuyện ở cái thời hai ông anh ở Tiền Phong. Hai ông anh bây giờ đã là người thiên cổ.

> Cố nhân - hồn vẫn quanh đây!
> Tiền Phong - 60 năm trong đội ngũ tiên phong

Phóng viên Mai Cát chụp ảnh cùng nhân vật trong một bài báo của ông
Phóng viên Mai Cát chụp ảnh cùng nhân vật trong một bài báo của ông.

Trước nhất là ông anh Mai Cát. Ông về Tiền Phong cuối những năm mươi, năm hơn năm kém với một số sĩ quan quân đội chuyển ngành như nhà văn Tất Vinh (Hồng Dương), nhà văn Bùi Ngọc Tấn...

Lứa hậu sinh chúng tôi nhập trạch Tiền Phong thì các anh đã sắp ngũ tuần.

Anh Mai Cát như con dao pha. Viết bài như một phóng viên. Maket kiêm trình bày báo. Đọc dò nhà in. Chép nhạc. Cả tòa soạn độc anh Mai Cát biết chép nhạc. Không riêng báo Tiền Phong mà rât nhiều báo hồi ấy in ca khúc. Thường xuyên anh có khoản nhuận kẻ nhạc bé mọn này.

Mau mắn và chút xăng xái... Mát tính cùng là vui tính. Cái tính chỉn chu hay bà vợ đảm quen chăm chút cho chả biết? Mai Cát thuộc diện biết ăn mặc. Diện nữa là khác. Quần áo tầu tầu thôi nhưng là phẳng phiu.

Năm mươi, rồi sáu mươi. Nhoáng cái đã bảy mươi... Anh Mai Cát dường như không thực ở những đận tuổi ấy? Duy lần đó, tưởng sập hẳn xuống một ông anh mau mắn xởi lởi, phong độ... Ở bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi phải thật lẹ để đỡ lấy ông anh, khi đó khuôn mặt bệch ra như sáp bởi người con trai duy nhất nhớn nhao đẹp trai mới hăm mấy đột ngột ra đi vì bạo bệnh!

PV Mai Cát (bìa trái) và Mạc Lân (bìa phải) tại lễ kỷ niệm 50 năm báo Tiền Phong 2003. ảnh: Hồng Vĩnh
PV Mai Cát (bìa trái) và Mạc Lân (bìa phải) tại lễ kỷ niệm 50 năm báo Tiền Phong 2003. ảnh: Hồng Vĩnh.

Những tưởng anh vốn mát tính thì vô tâm? Lần ấy nằm dưới mỏ Quảng Ninh non tuần, gần như hai đêm tôi thức trắng với anh... Hóa ra có những người tưởng đã định hình đã đóng đinh, đã cố hữu trong mình những là tính cách, thói quen... Tưởng đã nhạt nhòa, mòn sáo? Nhưng đột nhiên, ở vào một hoàn cảnh nào đó, ta thấy họ thoắt lạ thoắt mới tóm lại chẳng giống như những gì mình đã định hình. Đằng sau cái cười hê hê cùng là vẻ vô tâm là một Mai Cát biết nén, biết thu gọn những nỗi đau ngôn nan chi ẩn. Hình như anh biết cách để vo nén cho nó bé đi thứ kềnh càng dễ vướng bận thậm chí thương tổn cho người thân cho người đời?

Đêm ấy mồn một chất giọng bình thản của anh. Hóa ra nhiều năm nay chúng tôi vô tâm. Mà sao ở cơ quan chả thấy ai, dẫu thì thầm về cái chuyện khó nói ấy?

Bà chị bây giờ là tập hai. Trước đó, ông anh đã có một gia đình êm ấm.

thủ phạm của việc đổ vỡ tan hoang ấy là một người bạn thân của ông anh Mai Cát.

Tôi choáng người khi nghe tên người ấy... Cũng một ông anh khác ở ngay Tiền Phong. Khi lứa chúng tôi về thì anh đã nghỉ. Nhưng không lạ...

Khúc đường quen thuộc rẽ từ Cầu Giấy vào nhà ông con trai của nhà văn Lê Văn Trương sao bữa ấy cứ thăm thẳm?

Nhồi máu cơ tim... Tiểu đường, huyết áp cao, sỏi thận. Hai lần gẫy chân. Ba lần mổ... Bên tôi là cái tủ như chẳng thể cũ nát xộc xệch hơn, ban ngày ban mặt mà mọt nghiến trong đó trèo trẹo. Bên giường là hai cái nạng chầu vào thân hình có cặp giò bệch bạc.

Chà, ông anh Mạc Lân.

Cao to. Mặt thô ráp. Chất giọng oang oang. Đã nhiều lần, tôi như phiêu du trong câu chuyện với Mạc Lân. Tám tuổi cậu đã theo cha, nhà văn Lê Văn Trương về Sài Gòn rồi sau đó ra Bắc.

 Bao lần chuyện với anh Mai Cát, anh Mạc Lân, ngồi riêng nhưng cấm bao giờ thấy họ hé ra những cay đắng phỉ báng của thói thường này khác?

Tấm phản gụ vốn đã loáng đã bóng lắm nhưng vẫn được cậu con trai cả Lê Văn Lân phẩy qua một lượt phất trần để những Vũ Hoàng Chương, Lan Khai, Vũ Bằng, Nguyễn Triệu Luật... ngả lưng. Ngọn đèn dầu lạc cũng được cậu hạ bớt tim bấc cho bớt bốc. Coóng thuốc phiện mới nhất cũng đã được thằng sen mua về. Lê Văn Lân, cậu con trai cả của Lê Văn Trương không biết học bao giờ mà làm bồi tiêm khá thạo.

Lê Văn Lân trở thành Lê Mạc Lân là cả một việc liệt oanh!

Tháng 4 năm 1945, Lê Văn Lân được bí mật giác ngộ và tham gia Thanh niên cứu quốc. Trong đoàn quân Nam tiến đầu tiên ngày 10 tháng 9 năm 1945, đơn vị của Lê Văn Lân dự các trận ác liệt ở miền Trung và cực Nam Trung Bộ.

Ra Bắc, đơn vị Lê Văn Lân nhập vào đơn vị cảm tử Liên khu II dự trận quyết tử trong lòng thành Hà Nội. Đánh Ô Cầu Dền. Phố Huế, Thanh Lương... Trung đội trưởng trung đội quyết tử Hoàng Đình Mạc người mà Lân thân quí lâu nay trong trận đánh vào nhà La My (nay là Đại sứ quán Pháp) đã anh dũng hy sinh cùng 3 người con trai (tên của họ là Bút, Nghiên, Mặc). Trận ấy Lân thoát chết và có tên mới Lê Mạc Lân để kỷ niệm noi gương người anh yêu quí Hoàng Đình Mạc!

Theo kháng chiến, nhà văn Lê Văn Trương công tác tại Tiểu ban văn nghệ thuộc Phòng chính trị liên khu III. Còn ông con Lê Mạc Lân lúc này đã là đảng viên được thăng cấp cán bộ đại đội kiêm phái viên kiểm tra thuộc phòng chính trị Bộ tư lệnh quân khu II.

Rồi Mạc Lân được điều về làm báo Vệ quốc quân quân khu II, Quân Bạch Đằng của Quân khu III.

Sau cái chết của vợ ở vùng tản cư Ninh Bình, nhà văn Lê Văn Trương càng thêm buồn nản. Sau đó ông đã hồi cư về thành.

Mạc Lân tiếp tục liên miên những ngày chiến dịch Quang Trung Đường số 6, Hà Nam Ninh... Và những ngày vào vùng địch hậu. Rồi chiến dịch Điện Biên Phủ, Mạc Lân lăn lội với bộ đội dân công. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ít lâu là thời điểm cuốn Bảo vệ đường lên mặt trận (viết chung với Hồ Phương) của Mạc Lân ra mắt bạn đọc...

Cha bỏ kháng chiến vào thành. Rồi đi Nam… Nội chi tiết ấy đủ để đen ngòm và trĩu một sức nặng khủng khiếp trong lý lịch! May thay lá thư tay của ông Chính ủy sư đoàn Trương Công Cẩn gửi cho Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Lam đã ngoặt đời Mạc Lân sang một hướng khác.

Cuối 1954, Mạc Lân khoác ba lô cùng về báo Tiền Phong một đợt với Tất Vinh, Vũ Lê.

Hóa ra thời gian ông cày khỏe nhất là những năm bom Mỹ ấy với tư cách phóng viên thường trú báo Tiền Phong tại Khu Tư bút danh là Hoàng Hoan (tên người con gái đầu của Mạc Lân) chứ không phải thời gian phụ trách ban Văn nghệ và Bạn đọc.

(Sau buổi gặp ông, tôi về lật giở những trang báo Tiền Phong thời kỳ chiến tranh phá hoại, mới tính sơ sơ tôi đã thấy bài tường thuật tại chỗ của Hoàng Hoan về những trận ở Hàm Rồng, Nghệ An, Vinh, Trại phong Quỳnh Lập - bài phóng sự của Mạc Lân về trận ném bom dã man Trại Phong Quỳnh Lập trên Tiền Phong đã được hơn 10 Hãng thông tấn và báo chí của nước ngoài đăng lại).

Giang sơn dị cải bản tính nan di. Chưa nói đến một chút ngòm ngòm trong lý lịch, nội cái ngang, nóng, thẳng... Tỷ như Mạc Lân oang oang khăng khăng và sẵn sàng tranh luận với bất kỳ ai về tính “hơn hẳn” của Việt Bắc của Trần Dần so với một tập thơ cùng tên của một tác giả nổi tiếng. Mà Trần Dần khi đó đâu có yên ổn với những người người lớp lớp?

Một khúc ngoặt lớn. Nghỉ việc ở Tiền Phong. Mạc Lân có thêm tổ ấm mới với người vợ của Mai Cát.

Sống bằng tính cách của mình. Lại phải bảo vệ tình yêu của mình khi rời bỏ tổ ấm một vợ với ba con thì cách nào cũng phải trả giá chưa phải là sinh mạng nhưng những nhọc nhằn của Mạc Lân là có thực.

Mạc Lân đi bán máu đều đặn một thời gian dài ở bệnh viện. Một thời gian dài viết văn chui. Văn chui là thế nào? Là viết nhưng không được ký tên mình nhưng được người ta trả tiền!

Hàng trăm bài báo, hàng chục cái truyện ngắn và hai cuốn tiểu thuyết và 5 cái giải thưởng cuộc thi viết của một số ngành và đoàn thể được sản xuất từ made in MacLan!

Cứ như thế, tiền bán máu lẫn tiền viết thuê, nguồn thu ngầm ấy đã khiến cái gia đình ông cũng lắt lay được một thời gian dài. Có một chuyện, lần ông đi viết thuê ở một tỉnh phía Nam, vợ ông khâu vào lần quần lót cho ông 200 đồng phòng khi hợp đồng bị bể. Nhưng lần ấy, Mạc Lân trúng khá.

Anh có biết tôi dùng số tiền ấy vào việc đầu tiên là gì không- ông trợn trừng hỏi tôi và không hề có chút gì láu lỉnh lẫn hóm hỉnh lộ ra - tôi mua một chiếc xe đạp cho vợ vì từ khi ở với nhau đến lúc ấy cả hai vợ chồng đều không biết cái xe là gì. Và gì nữa, một nửa tá đồ lót trên và đồ lót dưới... ở với vợ bao nhiêu năm nhưng vẫn không sao quen được thứ đồ lót dầy cộp cứng quèo thi thoảng mới thấy bán nhỏ giọt ở quầy mậu dịch quốc doanh thời bao cấp!

Trên đời này tình yêu là có thực chăng khi ông “dẫn’’ ra chi tiết nghe hơi sượng sần ấy? Nhưng có thực như hai người khi ấy quyết để lại hai mái ấm đằng sau để dấn vào cái sự mịt mùng vô định ở phía trước? Cuộc hôn nhân mới không thêm con cái. Rồi sau bao nhiêu tao loạn trắc trở, những nạn gần ách xa, ông tuy lệt bệt và bệnh tật nhưng thanh thản mỗi sáng như thế không cầm được bút nhưng vẫn khểnh cặp chân lên để đọc khi thì cho vợ lúc thì cho đứa cháu chép tiếp một cuốn tiểu thuyết đang viết dở.

Như ông hé cho hay đó là một cuốn dạng tự truyện có tên là Số phận. Lời đề từ cho cuốn sách là những dòng thế này Nếu số phận đứng về phía tàn bạo thì tôi sẽ chống lại số phận khôn nguôi!

Chống lại số phận? Đã có bao lăm những quyết liệt ở chốn nhân gian như thế? Mà cũng lạ, bao lần chuyện với anh Mai Cát, anh Mạc Lân, ngồi riêng nhưng cấm bao giờ thấy họ hé ra những cay đắng phỉ báng của thói thường này khác? Lần ấy, hình như ở nhà anh Mai Nam có việc vui. Tôi đụng cả hai ông anh. Chỉ thấy trong rượu, những khúc tiếu lâm nối nhau với những tràng cười cùng lối xưng hô mày tao thân ái bất tận! Và cũng trong cuộc rượu đó tôi được nghe lại chuyện đúng thời điểm mà vợ anh Mai Cát về với Mạc Lân. Có một “sếp” bên an ninh gặp Mai Cát để làm việc. Trước những câu hỏi đại loại rằng Mạc Lân có dính có dây đến bọn phản động và nhân văn? vv... Một câu nói khác đi của Mai Cát là số phận Mạc Lân cũng sẽ khác! Nhưng mặc dù đang rất buồn nản và bấn loạn về chuyện riêng nhưng Mai Cát cũng phải phì cười “Phản động nhân văn gì cái thằng ấy. Chỉ oang oác cái mồm...!’’.

Bận ấy đến thăm Mạc Lân, tôi phải đứng ở ngoài một lúc lâu để đợi bà tắm cho ông. Cái âm thanh khè khè khà khà ấy là tiếng bệnh nhân thoả mãn vì được tắm bằng nước ấm bà nấu bằng nhiều loại lá thơm. Ngó ông vẻ thơ thới hẳn sau cơn tắm và bà âu yếm cài lại cho ông chiếc cúc áo, tôi gai người để mà quay đi bởi một cảm giác chợt ập đến rằng có lẽ tình yêu là thứ có thật trong cái mông lung hỗn mang mà nhiều giá trị đang lộn tùng phèo này?

Gìn gắng hàng chục năm để yên lành hai mái ấm mà thêm ấy, đâu chỉ hai ông anh?

Mà còn là những gắng gỏi nhịn nhường của hai... bà chị nữa chứ nhỉ?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG