Một cuốn sách truyền lửa tình thương

TPO - Lật mở từng trang, từng trang, tôi có cảm giác ngọn lửa Tình thương trong cuốn sách nhỏ này đang bập bùng lan tỏa khắp thế gian – như niêu cơm nhỏ bé của chàng Thạch Sanh thuở hồng hoang đã nuôi sống cả một biển người.  

Tháng 6/2017 - một ngày đầu hè dịu mát như mùa thu, tôi ghé thăm chị Bùi Thị Lan vì nghe tin chị vẫn ốm. Thật may là chị đang bình phục rất nhanh so với lần đầu tôi đến thăm chị tại Bệnh viện 108. Sau mấy câu chuyện tâm tình, hàn huyên, như chợt nhớ ra điều gì, chị bảo tôi: “Em chờ chị một lát” rồi chị hối hả lên tầng hai. Khi xuống, chị đưa cho tôi mấy trang giấy in khổ A4. Thì ra, đây là những trang viết đầu tay của cậu con trai út Hà Huy Thanh của chị. Sau dòng chữ TÌNH THƯƠNG in to, đậm ở trang đầu là trang Mục lục với 13 chương. Tên các chương thật sáng rõ, ngắn gọn và logic.

Tôi lật giờ chương đầu tiên: Tại sao chúng ta cần 1 cuốn sách về tình thương? Chỉ tiêu đề  cùng trang Mục lục và câu hỏi đầu tiên ngay ở chương I đã khiến tôi chú ý. Tôi đọc và như bị hút ngay vào những trang viết đầu tiên. Tôi thốt lên: “Thật lạ, em đã biên tập khá nhiều sách về khoa học lối sống nhưng những trang viết này đặc biệt quá. Không thể tin được là của một cậu trai trẻ mới hơn 30 tuổi. Chúc mừng chị… Nhưng mà…sao mới chỉ có chương I chị ơi?”. Chị bảo: “Thì đó, cậu chàng mới đặt xong được tên sách, làm xong được cái Mục lục và mới viết được chừng đó, công việc kinh doanh bận rộn, hắn vẫn chưa viết tiếp được. Nhưng chị đọc thấy cũng thích nên muốn em đọc thử xem sao. Khi nào hắn viết xong, chị sẽ nhờ em xem giúp con trai, xem có in được không. Vì chị thấy bây giờ, đúng là xã hội mình đang thiếu tình thương quá. Bao nhiêu chuyện đau lòng xảy ra, ngay trong các gia đình… rồi ra ngoài xã hội…”. Vốn cùng là nhà giáo, tôi chia sẻ và thấu hiểu điều chị muốn nói.

Chia tay chị, tôi mang theo về những trang viết đầu tiên ấy của Hà Huy Thanh. Theo thói quen của nghề biên tập, tôi sửa các lỗi chính tả, một vài câu, chữ và thầm nghĩ: “Cậu này không phải dân văn chương mà viết khá ghê, câu nào ra câu ấy, lại đầy cảm xúc và triết lý. Cậu ta có vẻ tự tin quá. Được rồi,  mình thử rà xem những câu trích dẫn này xem có chính xác không đã. Mấy tay viết trẻ chúa là hay ẩu, hay nhớ mang máng rồi trích dẫn bừa…” . Nhưng tôi đã lập tức mất hứng vì phỏng đoán của mình, các câu trích dẫn kinh điển của cậu hoàn toàn chính xác… Thế rồi bẵng đi mấy tháng, tôi bị cuốn vào công việc và hoàn toàn không nhớ gì đến mấy trang viết ấy nữa.

Một cuốn sách truyền lửa tình thương ảnh 1 "Lịch sử chỉ ra rằng hầu hết bi kịch của cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia hay nhân loại xảy ra đều thiếu tình thương hoặc hiểu biết đầy đủ về Tình thương"

Cho đến ngày 13/8, khi tôi đang trên đường đi công tác từ Huế trở về Hà Nội thì thấy chị gọi điện cho tôi. Chị bảo: “Hắn viết xong cuốn sách rồi đó em ơi. Chị cho em số điện thoại rồi phiền em gọi luôn cho con trai giúp chị. Hắn đang chờ em gọi đó. Chị đã về Hà Tĩnh rồi, em gắng giúp con trai xem có in được sách không. Khi nào chị ra Hà Nội, chị em mình lại gặp nhau hàn huyên nha…”. Hôm đó, ngồi trên xe, theo lời nhắn gửi hối thúc và tha thiết của chị, tôi nhắn tin cho Hà Huy Thanh. Cháu gọi lại và hẹn tôi sáng hôm sau xin được gặp cô.

10g45 phút tôi đến điểm hẹn ở số 10A Khúc Hạo. Thật bất ngờ khi tôi gặp lại chị Thanh Hương và ca sĩ Thanh Lam – con gái chị ở đó. Thì ra Hà Huy Thanh và Thanh Lam đang cùng kinh doanh. Huy Thanh mời tôi cùng ăn trưa với mẹ con chị Thanh Hương và trao đổi công việc. Thanh nói rằng đã nhờ một nhà xuất bản cuốn sách.

Tôi chúc mừng Huy Thanh và nhận bản thảo con tặng để về đọc – như lời Thanh cậy nhờ: “Con vẫn muốn cô đọc giúp và góp ý cho con. Vì con hy vọng khi được tái bản sẽ chuyển sang nhà xuất bản khác để in ạ”.

Cầm bản thảo về, tôi đọc một mạch vì không thể dừng lại. Trong tâm trí tôi vang lên những câu nói của J.K. Rowlinh “Tôi không tin vào những phép thuật mà tôi sáng tác. Nhưng tôi thật sự tin rằng phép mầu có thể xuất hiện khi bạn đọc một quyển sách hay”. Cuốn Tình thương có hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào cảm nhận của bạn. Nhưng với tôi, cuốn sách đầy ma lực và vô cùng hữu ích vì nó đang truyền lửa tình thương, nó đang chạm tới thứ cốt lõi của cái tồn tại NGƯỜI là tình thương - thứ mà thiếu nó, kiếp sống nhân sinh sẽ đầy bi kịch và sẽ bị hủy diệt. Tình thương – thứ ta tưởng thật đơn giản, thật vô tận mà  đang ngày càng hao mòn, thiếu vắng ở chốn nhân gian.  Bao câu chuyện đau lòng vì thiếu tình thương vẫn diễn ra hàng ngày quanh ta: Nào anh chị em kiện tụng, đưa nhau ra tòa vì tranh chấp đất đai; nào con đánh cha, chồng giết vợ, cháu đánh ông bà… vì những lý do thật  vụn vặt, vô lý….

Tôi thấy tâm hồn mình thư thái khi đọc những trang viết này cùng sự trăn trở về các nguyên lý : Thấu hiểu – Chia sẻ - Kiến tạo giải pháp cùng các mục tiêu, quy trình… cho đến “Chìa khóa cho vấn đề toàn cầu” , và câu hỏi ở chương cuối cùng đầy sức ám ảnh: “Bạn có phải là sứ giả của tình thương?”.  Điều đáng nói là cách lý giải khúc triết, mạch lạc, rõ ràng và rất tự tin lại bắt đầu từ những câu chuyện giản dị về tình thương của cha mẹ, vợ con, bạn bè và của bản thân tác giả trong cuộc sống hàng ngày… Tác giả đã truyền cho ta một ngọn lửa, một niềm tin về tình thương khi đạo đức xã hội đang  băng hoại, đang xuống cấp. Tình thương như thấm qua từng hơi thở, từng cử chỉ, tình thương như khí trời, nước uống và ánh sáng… tình thương là vĩnh cửu… Tất cả được diễn tả thật giản dị, thân thương mà đầy tính triết lý của một tư duy sáng rõ, giàu cảm xúc: “ Để hóa giải những đau khổ bi kịch hãi hùng sẽ diễn ra  trước mắt chúng ta trong nay mai, chỉ có khái niệm duy nhất: Tình thương và chỉ có tình thương mà thôi.

Lịch sử chỉ ra rằng hầu hết bi kịch của cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia hay nhân loại xảy ra đều thiếu tình thương hoặc thiếu hiểu biết đầy đủ về Tình thương” (Tr 7).

“Khi tôi viết những dòng này, trong trái tim tôi cũng thấm đẫm tình thương dành cho cha mẹ, vợ con, bạn bè, cộng đồng xứ sở yêu quý và cả nhân loại đang cùng nhau chu du trong vũ trụ bao la.” (tr112)…  Thật gần gũi mà giản dị, khúc triết mà sâu sắc. Đây đâu phải là những trang viết của cậu trai mới ngoài ba mươi tuổi.

Và tất nhiên, đó chỉ là cảm nhận ban đầu của tôi khi đọc trọn vẹn Tình thương - ở dạng bản thảo. Và tôi suýt soa vì những “hạt sạn” về lỗi morat, về vài câu, chữ khi diễn đạt ào ạt theo dòng chảy của cảm xúc, và vì tiếc… giá như,  tác giả thêm được những câu chuyện, những dẫn chứng sinh động về tác hại của cuộc sống thiếu tình thương và ngược lại… thì sẽ cuốn sách sẽ tăng phần hấp dẫn và hoàn thiện hơn. Sáng hôm sau, chưa kịp gọi để trao đổi với Huy Thanh về cảm nhận của mình thì Thanh đã gọi cho tôi, giọng  hối hả: “Cô ơi! Tiếc quá, con đang cần in sách gấp mà nhà xuất bản không thể làm nhanh được. Con đã xin lại bản thảo, cô giúp con được không ạ?”. Tất nhiên là tôi không thể từ chối Thanh được, nhất là không thể từ chối sự “ủy nhiệm” của mẹ Huy Thanh.

Thế là tôi lập tức chọn biên tập và trực tiếp đọc cẩn trọng từng câu chữ. Tôi trao đổi với Thanh những đề xuất “giá như” của tôi. Thanh vui vẻ tiếp nhận và bảo: “Con sẽ bổ sung thêm chút ít thôi, còn để khi tái bản con sẽ hoàn thiện tiếp ạ. Bây giờ con đang cần in sách gấp để  kịp triển khai hẳn một Dự án về Tình thương. Cô giúp con cho kịp tiến độ cô nhé”. Thế là chúng tôi cùng thần tốc trong cả một dây chuyền để có một cuốn Tình thương xinh xắn đang trên tay quý độc giả hôm nay.

Lật mở từng trang, từng trang, tôi có cảm giác ngọn lửa Tình thương trong cuốn sách nhỏ này đang bập bùng lan tỏa khắp thế gian – như niêu cơm nhỏ bé của chàng Thạch Sanh thuở hồng hoang đã nuôi sống cả một biển người.

Bất chợt, tôi nhớ đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nikolai A. Ostrovsky. Sau lần in đầu tiên, tác phẩm đã nhanh chóng được in hàng triệu bản và trở thành cuốn sách gối đầu giường của hàng triệu triệu thanh niên Việt Nam và thế giới. Cuốn sách nói về  “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”. Và hôm nay, cuốn sách của Hà Huy Thanh nói về Tình thương

“Để hóa giải những đau khổ bi kịch hãi hùng sẽ diễn ra  trước mắt chúng ta trong nay mai, chỉ có khái niệm duy nhất: Tình thương và chỉ có tình thương mà thôi.”.

Henry David- một học giả nổi tiếng người Mỹ cũng từng khẳng định: “Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia”. Như J.K. Rowling đã từng tâm niệm rằng: “Tôi không tin vào những phép thuật mà tôi sáng tác. Nhưng tôi thật sự tin rằng phép mầu có thể xuất hiện khi bạn đọc một quyển sách hay.

MỚI - NÓNG