Chấn chỉnh lễ hội thế nào? - Bài cuối

Một dân tộc mê tín là dân tộc không có hy vọng

Tranh cướp lộc, phát ấn tràn làn và lao vào lễ hội bằng niềm tin mù quáng là những mặt trái của xã hội say mê lễ hội hiện nay. Ảnh: Toan Toan
Tranh cướp lộc, phát ấn tràn làn và lao vào lễ hội bằng niềm tin mù quáng là những mặt trái của xã hội say mê lễ hội hiện nay. Ảnh: Toan Toan
TP - “Tệ đoan không chỉ ở người dân, mà còn cả những người tổ chức, người tu hành. Sự mê tín không từ một ai”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ nói. 

Là nhà nghiên cứu dân gian hẳn ông điền dã và đi hội không ít, ông có thể miêu tả lễ hội hiện nay thế nào?

Khi nói đến lễ hội hiện nay như thế nào, có nghĩa là chúng ta so sánh với lễ hội trước đó. Thời xưa, trên chứng tích trống Đông Sơn, ta thấy nó phản ánh lễ hội một cách xôn xao: Phong phú về đề tài, liên tục trong thời gian và phổ biến trong không gian.

Thời Bắc thuộc, ghi chép cổ để lại cho chúng ta thấy những lễ hội tôn giáo hòa nhập cùng những hành vi tín ngưỡng bản địa. Thời phong kiến, ghi chép của từ thư trung đại chủ yếu cho ta những lễ hội ở kinh thành, thuộc thượng tầng kiến trúc. Kiểu ghi chép thời xưa ít soi mói vào “mặt sau của tấm huy chương” chốn thôn dã. Mô tả và ảnh chụp thời thuộc Pháp cho ta hình ảnh buồn thảm về một Annam qua lễ hội: Một không gian u buồn, rách rưới, nghèo hèn của người dân thuộc địa. Từ cung đình đến thôn dân, lễ hội buồn như đám tang.

Nhìn như vậy mới thấy một hình dung lễ hội hiện nay. Người đi hội đẹp đẽ, tự tin, sáng ngời tư cách một công dân của dân tộc độc lập. Tư duy chỉ thấy rằng “xưa tốt nay xấu” là kiểu tư duy duy tình, thiếu cơ sở khoa học. Nhưng cũng như bất cứ thời kì nào, có tiêu cực, có tích cực, có tốt, có xấu... Đó là cách nhìn của tôi về lễ hội hiện nay.

Chẳng cần xa xôi hội hè ở đâu chỉ cần bước chân đến vài ngôi chùa trong mùa giải hạn ở Hà Nội cũng thấy một phần bức tranh xã hội nhốn nháo. Dân gian có tục dâng sao giải hạn đầu năm. Nhiều nhà nghiên cứu nói tục này hiện ở mức tệ đoan, quan điểm của ông ra sao?

“Một dân tộc mê tín là một dân tộc không có hy vọng ngẩng lên bằng người được đâu”.

Nhà nghiên cứu 

Nguyễn Hùng Vĩ 

Không thể chỉ “bước chân đến vài ngôi chùa”, người nghiên cứu phải điền dã khắp nơi, phải thấu hiểu cả rừng mới nói chuyện cái cây. Mỗi tục, mỗi lệ nó có mặt này và mặt khác. Trước hết phải hiểu từng cái một, sau hiểu cái toàn thể mới dám phát ngôn, không thể kết luận vội vàng.

Năm 2015, vì tắc đường ở Ngã Tư Sở mà tôi quá chân vào chùa Phúc Khánh, thấy một nhà sư có số má giải thích cho hàng ngàn người “Sao La Hầu là gì? La là hét lên, Hầu là cổ họng. Năm nay, ai bị sao La Hầu chiếu thì nên giữ gìn việc ăn nói. Ví như ra đường đụng xe, to tiếng là mang vạ...”. Tôi quay ra và rất buồn. Là người có đọc Phật giáo, tôi biết vị đại đức đó nói sai hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tâm đắc với những sai lầm ngớ ngẩn đó. Đời là vậy. Nói là tệ đoan thì không chỉ người dân, mà còn cả những người tổ chức, người tu hành. Sự mê tín không từ một ai. Một dân tộc mê tín là một dân tộc không có hy vọng ngẩng lên bằng người được đâu.

“Tả tơi xem hội” có vẻ không chỉ dừng lại ở sự đông đúc, chen lấn mà nó được đẩy lên tới ngưỡng loạn các giá trị khi người người lao vào cướp lộc, cướp ấn. Ngoài tâm lý đám đông ở lễ hội, theo ông tại sao xu hướng tranh cướp này có xu hướng leo thang?

Cụ thể, các tranh cướp dẫn đến bạo lực là vi phạm pháp luật. Pháp luật không cho phép điều đó dù là cuộc sống hay lễ hội. Tranh cướp như một tín ngưỡng và không dẫn đến bạo lực mới là thượng tôn pháp luật. Tâm lí đám đông thì ai mà trách được. Trách là trách các nhà quản lí và tổ chức lễ hội. Xu hướng tranh cướp sẽ gia tăng khi mà nạn buôn thần bán thánh gia tăng, khi mà những người tổ chức và quản lí lễ hội đặt thiếu sự thấu hiểu, đặt thói háo danh hoặc vụ lợi lên trên luật pháp.

Tại sao lại phát ấn nhiều như vậy, xưa không có thì bịa ra chuyện phát ấn cho đền này phủ nọ? Vụ lợi và bất chấp luật pháp mà thôi. Chính tính vụ lợi cho nhóm và cá nhân làm cho tình trạng đó leo thang không ngừng.

Sau nhiều năm cấm đoán, lễ hội có vẻ đang ở thời cực thịnh khi nơi nơi mở cửa hết sức, phục hồi liên miên. Đương nhiên nhiều lễ hội truyền thống tốt đẹp, vui vẻ có cơ hội khôi phục nhưng không ít lễ hội được khoác chiếc áo truyền thống để một nhóm nào đó trục lợi. Trong số này thì khai ấn và phát ấn có vẻ là điều dễ làm nhất, ông có nhận xét gì về vấn đề này?

Phục hồi lễ hội thì phải thấu hiểu nó cái đã. Đồng thời phải thượng tôn pháp luật và có cái “tâm” chân, thiện, mỹ. Truyền thống không phải cái gì cũng tốt đẹp. Chỉ có “giá trị truyền thống” mới bao hàm những tính chất tích cực, cần bảo tồn hoặc phát huy. Không thấu hiểu thì việc khôi phục để trục lợi (có ý thức hoặc không ý thức) là điều tất nhiên.

Tôi nhớ mãi việc phục hồi lễ chém lợn ở Khắc Niệm, Bắc Ninh. Các cụ làm sai những gì tiền nhân đã ghi chép. Người ghi chép hơn các cụ lúc đó khoảng 40 tuổi, ấy thế vẫn cứ làm và bao biện. Các cụ cần phục hồi. Tốt. Nhưng các cụ không tôn trọng chính tiền nhân trước hai đời của mình thì sao? Không tôn trọng tiền nhân thì tôn trọng truyền thống sao được. Rất may, bây giờ đã kín đáo hơn một chút.

Chuyện khai ấn là chuyện của quan quyền. Sĩ tử khai bút, nông phu khai canh, thợ thuyền khai nghệ, doanh thương khai trương nhà hàng... Ấy thế mà đua nhau cướp ấn thì thực lạ. Tạo điều kiện cho “cướp ấn” là cướp quyền thể chế đấy. Thế mà vì đồng tiền mà người ta vẫn làm. Triết lí của thiết chế văn hóa này là vậy chăng? Là bất chấp sinh mạng của từng con người để thêm thu nhập cho đền chùa và địa phương chăng? Một thể chế nhân văn nhất định không được làm điều đó.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.