Một ngày trên 'Hoa quả sơn'

Một ngày trên 'Hoa quả sơn'
TP - Có sống cùng lũ con cháu của Tôn Ngộ Không mới thấy hết sự chịu đựng và tình yêu nghề của 15 công nhân chăm sóc khỉ ở đảo Rều . Những chú khỉ ở đây không chỉ nghịch mà còn cực kỳ thích gây rắc rối cho con người bằng những “quái chiêu”.
Một ngày trên 'Hoa quả sơn' ảnh 1

Khỉ ăn cơm trên sân ăn  Ảnh: Trần Hân

Cách trung tâm TX Cẩm Phả, Quảng Ninh về phía Đông Nam khoảng 3km, nằm giữa vịnh Bái Tử Long lại có một hòn đảo nhỏ phủ kín bằng nhiều loại thực vật. Trên đảo có hơn 600 con khỉ đang được nuôi dưỡng... Cuộc sống thường nhật của những công nhân trên đảo ra sao trước một đàn khỉ vô cùng hiếu động?

Đảo Rều là tên hành chính của “Hoa quả sơn” nhưng từ lâu, được quen gọi là đảo Khỉ. Chỉ vẻn vẹn hơn 1km2, được phát hiện, khai khẩn và nuôi khỉ từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20.

Cũng từ đó đảo được Bộ Y tế chọn là một trong hai nơi nuôi dưỡng và chăm sóc loài khỉ vàng Macaca Mulatta và Macaca Nemestrina, 2 loài khỉ quý hiếm có trong danh sách bảo vệ của Việt Nam.

Trại chăn nuôi đảo Rều hiện thuộc Trung tâm sản xuất vắcxin và sinh phẩm (Poliovac) của Bộ Y tế.  Nhiệm vụ của trại là nuôi dưỡng, duy trì và cung cấp khỉ để sản xuất các loại vắc xin.

Những con khỉ quý giá

Khi Việt Nam chưa sản xuất được vắc xin, khỉ nuôi trên đảo được trao đổi và xuất khẩu sang các nước như Liên Xô, Trung Quốc… Ngày nay, số khỉ nuôi trên đảo góp phần không nhỏ giúp Việt Nam tự sản xuất được vắc xin  phòng chống dịch sởi, viêm gan A, B, C, bại liệt...

Hàng năm trại còn xuất khẩu khỉ thu hàng tỷ đồng. Những năm gần đây số khỉ trên đảo cũng góp phần để các nhà khoa học nghiên cứu điều chế vắc xin chống virus H5N1…

Vì thế, khỉ vàng trên đảo được nuôi và chăm sóc cực kỳ cẩn trọng. Người lạ, không phận sự tuyệt đối không được lên đảo. Hòn đảo tuyệt đẹp với rất nhiều dừa bao phủ, không khí trong lành thật sự là một thiên đường nghỉ dưỡng nhưng từ lâu nó được đóng kín chỉ để nuôi khỉ.

Một sớm chúng tôi được theo chân một công nhân chuyên làm vệ sinh chuồng trại và cho khỉ ăn. Tuy được sinh sống trong điều kiện tự nhiên nhưng để chế tạo được vắc xin, khẩu phần ăn của khỉ phải theo một tiêu chuẩn đặc biệt về dinh dưỡng và vệ sinh, nếu không khỉ dễ mắc bệnh đường ruột và chết...

Thành phần ăn của khỉ gồm gạo, đậu, lạc. Những con khỉ nuôi riêng dùng để chế vắc xin, ngoài cơm, còn được ăn các chất bổ sung như ổi, mía, cam. Máng nước, sân ăn của khỉ được rửa và thay liên tục... Khỉ được nuôi, nhân giống và chọn những con vừa tầm, khỏe mạnh để làm vắc xin.

Đúng 9 giờ, công nhân gõ kẻng là khỉ tập trung lên các sân ăn. Anh công nhân dẫn chúng tôi tham quan cho biết: Khỉ rất kỷ luật, mỗi đàn có một con cầm đầu. Khỉ đực ăn trước, khỉ nhỏ, khỉ cái ăn sau và các con yếu, già thường ăn sau cùng...

Thi thoảng mới có con liều chạy vào cầm một cục cơm chạy tót lên cây. Vừa ăn chúng vừa kêu chí chóe hệt trẻ con. Cả đảo có nhiều sân ăn và thường mỗi đàn chiếm một sân, các con khỉ khác đàn không bao giờ dám bén mảng tới sân đàn khác.

Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là... khỉ

Những ai đã từng tới vườn thú hẳn sẽ rất thích thú với những chú khỉ nghịch ngợm và thông minh, cho chúng ăn và ngắm nhìn chúng vui đùa. Tuy nhiên, với những cán bộ, công nhân viên sống và làm việc trên đảo Rều không phải lúc nào những chú khỉ cũng đáng yêu…

Có sống cùng lũ con cháu của Tôn Ngộ Không mới thấy hết sự chịu đựng và tình yêu nghề của 15 công nhân chăm sóc khỉ trên hòn đảo này. Những chú khỉ ở đây không chỉ nghịch mà còn cực kỳ thích gây rắc rối cho con người bằng những “quái chiêu”.

Có lẽ một phần do được chiều chuộng vì là động vật quý và quan trọng nên khi chúng phá, nghịch và dù ta có bực mình cũng chỉ có thể xua đuổi chứ không được đánh, ném chúng.

Chuồng nuôi nhốt khỉ có lưới sắt là đương nhiên. Nhưng, một cán bộ ví von, nhà chúng tôi cũng bao quanh... lưới sắt. Bởi khỉ ngoài tài leo trèo chúng còn là những tên “trộm” khét tiếng.

Chỉ một thoáng sơ sảy, mất cảnh giác là lập tức có vài chú lẻn vào nhà phá phách lục lọi ngay. Và nếu bị phát hiện chúng bỏ chạy nhưng không quên cầm theo một thứ gì đấy trong nhà.

Chuyện mất cái chén, quần áo, đồ ăn thường xảy ra vì công việc thì bận nên dù cảnh giác cao độ nhưng cũng không thể lo xuể trước hàng chục cặp mắt “soi” từ lũ con cháu của Tôn hầu. Chuyện về những tên “đạo tặc” mang họ Tôn kể không xuể. Làm vỡ đồ, bốc trộm đồ ăn là việc... nhỏ.

Đến phơi quần áo cũng không thể lơ là. Chẳng lẽ mang quần áo vào nhà phơi nên muốn có quần áo mặc thì phải cất cử người trông coi. Thế nhưng, nhìn khỉ ùa vào sân phơi quần áo, mỗi “thằng” một cái quần ngắn, quần dài, áo dài, áo cộc vừa chạy vừa mặc vào không ai có thể nhịn được cười. Thậm chí cả những đồ phụ trang của chị em chúng cũng không bỏ qua…

Cây trồng phải rào kín, chuồng nuôi gà kín cổng cao tường… nói chung có gì cũng phải rào kín, buộc chặt. Cửa phải cài khuy, móc chốt. Nhưng khỉ rất thông minh, sau vài lần kéo lắc mà không xâm nhập được, chúng ngồi trên cây quan sát gia chủ mở cửa.

Chỉ vài lần thấy người thao tác mở cửa là chúng làm thuần thục. Rất nhiều lần mọi người tá hỏa tưởng trộm vào nhà nhưng hóa ra là mấy anh khỉ biết mở cửa… Tốt nhất và an toàn là phải khóa nếu ra khỏi nhà...

Đồ vật đã vậy nhưng vật nuôi như gà ở đây cũng không yên. Chuyện khỉ bắt gà, trộm trứng là cơm bữa. Thịt gà không ăn được nhưng trứng thì chúng rất khoái. Và chúng cũng rất khôn khi biết giờ nào thì gà đẻ và rình chủ nhà sơ ý... Còn gà thì chúng sử dụng làm đồ chơi. Bắt một con gà, bẻ cổ, vặt lông quăng chuyền từ cây nọ cây kia, chán chúng lại bắt con khác…

Khỉ trên đảo này rất dạn người. Gặp người lạ chúng phồng mang trợn mắt doạ. Nếu ai có vẻ sợ sợ chúng sẽ tiếp tục đi theo... bắt nạt. Trẻ con phụ nữ là đối tượng bị chúng dọa nạt nhiều nhất.

Những ai cầm đồ ăn là sẽ có “thám tử” đi theo ngay, nếu sơ ý là bị chúng cướp. Có con khỉ không chỉ liều lĩnh mà đã trở nên cực kỳ manh động khi ngang nhiên tiến gần tới người rồi ôm chân cắn. Nhưng ngược lại, khỉ cũng biết tạo... mối quan hệ. Hễ thấy ai ăn gì là chúng đến gần xòe tay xin.

Tình cảm

Sống theo bầy đàn là đặc trưng của đàn khỉ trên đảo. Rất có trật tự, phân ngôi chủ thứ rất chặt chẽ. Đặc biệt khỉ rất thương con. Một năm khỉ chỉ đẻ một lứa. Mỗi lần nhiều nhất là 2 con. Khỉ con luôn bám vào bụng mẹ và được khỉ mẹ “địu” đi khắp nơi...

Nếu không may khỉ con bị chết, khỉ mẹ sẽ ôm đứa con cho tới khi xác khỉ con chỉ còn xương và rơi xuống đất mới thôi. Khi khỉ mẹ vì bệnh mà chết, khỉ con chỉ ngồi bên xác mẹ đến chết. Rất nhiều lần người trên đảo chứng kiến cảnh các “anh, chị” của khỉ mới sinh nuôi dưỡng em rất cảm động.

Một cán bộ cho biết, những con khỉ con nếu không mang về nuôi chắc chắn sẽ chết vì đói và bị các con khỉ khác bắt nạt. Thi thoảng trong nhà các anh có thêm một thành viên mới là những chú khỉ mồ côi được chăm sóc và nuôi dưỡng cực kỳ cẩn thận...

MỚI - NÓNG