Mùa bông điên điển, cá linh

Mùa bông điên điển, cá linh
TP - Thuyền đi giữa Tràm Chim biếc xanh lúa ma, có tiếng reo “ô, bông điên điển”. Tôi ngước mắt, thấy bên tay trái hiện từ lúc nào, điên điển trĩu bông vàng sáng rực mặt nước lũ mênh mông, ôi chao quyến rủ hương sắc trời đất phương Nam!
Lẩu cá linh, bông điên điển. Ảnh: Thanh Hải
Lẩu cá linh, bông điên điển. Ảnh: Thanh Hải.

Anh cán bộ của Vườn Quốc gia Tràm Chim giọng vui vẻ, lũ lớn nên bông điên điển cũng nhiều. Tôi nhớ bài hát Bông điên điển: “Với màu điên điển say mê/Vàng trong ánh mắt vỗ về gót chân/Trót thương tình nghĩa vợ chồng/Nên bông điên điển nở cho lòng vấn vương/Tình thương em khó mà lường”.

Người ta kể rằng, từ thời xưa, bông điên điển nấu cháo giúp người Đồng Tháp Mười vượt qua những tháng mùa lũ hàng năm. Nó quý như lúa ma ấy! Lúa ma với khả năng kỳ diệu là vươn cao cả gang tay mỗi ngày đêm, nên nước lũ không nhấn chìm được, dù đã nhấn chìm nhiều thứ trên mặt đất, để làm lương thực cho muôn loài ở thời điểm thiên nhiên khắc nghiệt. Nhưng lúa ma phải nhiều tháng mới chín. Còn bông điên điển, chỉ tháng ngập lụt là bắt đầu vàng rực.

Ngày nay, bông điên điển đã trở thành đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long. Kèm với cá linh nữa, cũng là đặc sản mùa lũ, làm nên một món ăn hấp dẫn bao khách phương xa. Ca dao có câu: “Nước không chân sao kêu nước đứng/Cá không thờ sao gọi cá linh”.Tương truyền, lúc Nguyễn Ánh bôn tẩu vùng này, một lần cá linh từ đâu phóng ào ào vào thuyền, ông cho là điềm gở nên không đi theo hướng đã định và thoát nạn. Từ đó, có tên gọi cá linh.

Cá linh thuộc loài cá vảy trắng. Một mùa lũ, cá linh có hai thời kỳ. Khi mưa rả rích trên đồng, lũ bắt đầu dâng, cá từ thượng nguồn sông Mê Công xuôi về, lên đồng để đẻ, bắt đầu mùa cá linh vào cuối tháng 7 Âm lịch. Cá linh lúc này nhỏ chỉ bằng đầu đũa, gọi là cá linh non, thịt ngọt béo, hầu như không có xương, đậm hương vị gió mưa tinh khiết bao la. Còn từ cuối tháng 10 Âm lịch, lũ rút, con cá linh lớn cỡ ngón tay, vảy cứng, thân nhiều xương và đầu lại có sạn. Cá linh đã già, bắt đầu hết mùa, khi ấy trên bờ, bông điên điển cũng kết trái, tàn một mùa hoa.

Cá linh làm được nhiều món. Nhưng dù bao nhiêu món, khéo cỡ nào cũng không qua được những món chế biến dân dã trăm năm khẩn hoang. Vô nhà hàng ở thị trấn Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) giữa mùa lũ lớn, gặp cô chủ quán xinh đẹp vui một thì không khí rộn ràng vui lên hai. “Có cá linh không em?”. “Dạ có, anh dùng món chi?”. “Em cho món chi thì dùng món gì”. Cười tủm tỉm, mắt lúng liếng. “Bông điên điển nữa nghe?”. “Dạ!!!...”, tiếng dạ kéo dài như gió thơm ngát trên đồng bao la.

Thật khác mấy năm trước không có lũ. Vào nhà hàng hỏi cá linh, cô chủ mắt buồn: “Chú ơi, không có cá linh. Năm nay lũ không về, cá tôm ít mà cá linh thì biệt tăm luôn”. Khách cũng ngẩn ngơ. Ấy năm ngoái năm kia, không có cá linh, cô chủ quán buồn gọi tôi bằng chú, năm nay cá linh nhiều, cô tươi cười gọi tôi bằng anh. Không có cá linh thì đồng bằng sông Cửu Long mênh mông như cũng co nhỏ lại, mất vẻ hoang dã thi vị độc đáo.

Cá linh non rửa sạch, để cho ráo nước rồi sắp lên đĩa. Nước lẩu liu riu, ngọt chua hay mặn nhạt cô chủ nêm vừa ý rồi, trút nhẹ cá linh vào, chờ nước sôi bùng lên hớt bỏ chút bọt, chốc lát mùi cá chín thơm ngát cả gian nhà. Múc cá linh ra đĩa, không để trong nồi lâu bởi cá linh non thịt mềm, để lâu dễ nát mất. Bấy giờ mới gắp bông điển điển nhúng nước sôi.

Có người không nhúng nước sôi mà gắp bông điên điển tươi cho luôn vào chén, rồi gắp cá linh non chấm nước mắm nguyên chất dằm ớt. Miếng ăn dân dã gắn với bao kỷ niệm, có biết bao nhiêu niềm cảm khái về ân huệ đất trời ở trong đó!

Nên có khách phương xa vào đồng bằng sông Cửu Long dịp lũ, sau đó hàng năm cứ điện: “Năm nay có lũ không, có cá linh và bông điên điển không?”. Chợt hiểu và thương cô gái Đồng Tháp Mười đi lấy chồng xa: “Còn đâu mà thong thả đi về nhà thăm/Xa xăm nơi chốn bưng biền/Ăn bông mà điên điển/Nghiêng mình nhớ đất quê/Chồng xa em khó mà về”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG