Mùa na chín

Na bở Chi Lăng vẫn là thương hiệu, được mọi người yêu thích Ảnh: Duy Chiến
Na bở Chi Lăng vẫn là thương hiệu, được mọi người yêu thích Ảnh: Duy Chiến
TP - Thu sang. Tháng 8 nắng vàng trải dài trên dãy Kai Kinh cũng là lúc người dân vùng núi Chi Lăng rộn ràng với việc đi thu hoạch những chùm na đang lúc lỉu trên cành. Đặc sản na chín sớm, ngày hái hai bận không xuể. Na đến thời khi chín thường tụt nõ rơi xuống đất dễ  bị chim rừng mổ quả to đẹp mang hạt đi.

Được coi là “thủ phủ” của na bởi diện tích na phủ ở huyện Chi Lăng có khoảng 1.600 ha, tổng sản lượng năm 2019 ước đạt trên 16.000 tấn. Tham gia trồng na có khoảng 3.500 hộ dân của 8 xã, thị trấn trên địa bàn.

Na Chi Lăng nổi tiếng, thơm ngon riêng biệt bởi thổ nhưỡng nơi đây hợp với loại cây ăn trái này. Na cũng kén đất vùng miền, ví như vùng na dai phát triển rất tốt ở khu vực Đồng Bành, xã Chi Lăng, Than Muội, còn na bở có nhiều ở thị trấn Đồng Mỏ, Lũng Cút, Đèo Rộ...

Sinh ra từ làng

Ông Lăng Văn Út, dân tộc Nùng rời xã bản Tùng Nọt, xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng đến phố Ôn Châu (thị trấn Đồng Mỏ bây giờ) vào năm 1958. Khi đó, Út đang học lớp 5, ở dãy phố nằm ép dưới chân núi Kai Kinh lơ thơ vài nóc nhà, xung quanh là núi đá lởm chởm, rừng cây um tùm. Đúng lúc gia đình Út chuyển nhà xuống phố cũng là khi hàng xóm bắn được một con hổ lớn khi nó mò xuống chuồng định ăn thịt con lợn nhà.

Ông Út lững thững dẫn chúng tôi ngược dốc Đèo Bén nằm trên con đường dân sinh 279 nối từ Đồng Mỏ đi xã Thượng Cường (huyện Chi Lăng). Những bước chân của ông tựa như những cuốn phim quay chậm về một thuở xa xưa.

Ngày ấy, gia đình ông Út là một trong 4 nhà có na đầu tiên ở Chi Lăng. Theo ông thì cũng chẳng ai biết loài cây ăn quả này nó xuất xứ từ đâu. Bởi khi nhà ông vỡ những góc đất len lỏi qua những tảng đá tai mèo trên núi Kai Kinh, cách nhà chừng 1 km thì đã thấy giống na bở xuất hiện. Khu này, người ta gọi là Dốc Đỏ, bởi bên cạnh mảng màu xanh xám của đá lộ ra những thớ đất đỏ au như son. “Năm xưa, người dân tộc địa phương chỉ biết trồng khoai môn, củ lạc, khoai lang, đến khi con chim Kheng Quý trên núi hót vang rồi nhả những hạt đen nhánh xuống thớ đất,  mọc lên thành cây, rồi xuất hiện chùm hoa trắng thơm lừng, sau cùng thì đậu quả tròn, có mắt hồng tươi. Không kịp hái, quả rụng xuống đất mọc lên những vạt na típ tắp”, ông Út hào hứng kể.

Thập kỷ 60 của thế kỷ trước, quả na chủ yếu được biếu tặng hoặc “đối lưu”. Nhà ông Út cho quả na, hàng xóm biếu lại nải chuối, lạng muối. Quả na dễ ăn, thơm mát, an lành có thể ăn thay cơm mà không sợ say, ngộ độc như thứ quả khác nên lúc nào thích là tụi con trai phố Đồng Mỏ lại rủ nhau lên núi hái na.

Ông Út chỉ cho chúng tôi thấy những quả na đã đến thời kỳ “mở mắt” trong địa phận vườn do gia đình đang sở hữu rồi giới thiệu: Nhà chủ yếu trồng na bở bởi loại này có vị ngọt thanh, mát, mọng nước. Vỏ na bở mịn màng và khi chín nứt mắt ở cuống hoặc trên thân quả. Na bở còn có hàm lượng chất dinh dưỡng vitamin, khoáng chất cao, tác dụng chống oxy hóa, có lợi cho sức khỏe.

Theo ông Út, sau thời kỳ đổi mới vài năm, người dân Hà Tây lên xứ Lạng khai hoang và mang đến vùng Đồng Bành, Chi Lăng trồng thứ na dai thụ phấn bằng tay thành “cơn sốt”. Quả mới lạ này ngọt đậm, dầy múi, dai, dễ bóc vỏ và để được lâu. Thế là nông dân trong vùng  đổ xô nhau trồng na dai, trong đó có một số người dân Đồng Mỏ chặt na bở để ươm trồng loại na mới đang hút khách.

“Tuy thế, ba năm trở lại đây, người dân khu vực Đồng Mỏ vẫn duy trì lượng lớn na bở và đang phát triển trở lại với hàng trăm hộ trồng, diện tích trên 100 ha. Na bở trồng tự nhiên ở những sườn núi cao nên khách sành ăn lùng tìm mua. Loại na bở to đầu mùa được bán 100 đến 120 ngàn đồng/kg luôn cháy hàng. Hiện nay, tư thương ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đến tận vườn đặt mua, giá cao gấp 3 lần na dai”, ông Út thổ lộ.

Ông Út cho biết, gia đình ông năm nay có khoảng 500 cây na bở, trong vòng hơn một tháng thu hoạch, tiền thu về cũng được cỡ hai, ba trăm triệu đồng. Ông bảo, na trồng cũng dễ, hợp đất thì 3 năm là cho quả. Con trai của ông bây giờ thay cha cai quản, chăm sóc và thu hoạch vườn na. Nó đúng nghĩa như cha ông truyền lại kinh nghiệm: “Trẻ trồng na, già trồng chuối.

Trái ngọt nối đời

Ông Út bảo, cuộc đời ông gắn liền với việc ươm trồng vị ngọt cho đời. Thực tế, ông là chủ vườn na và dìu dắt, đào tạo thế hệ kế tiếp theo nghề làm vườn.

Ông Út nhìn vào dãy đại ngàn Kai Kinh rồi chậm rãi kể lại câu chuyện gia đình. Vào những năm thực dân Pháp chiếm đóng Lạng Sơn, bố mẹ ông đều mù chữ. Một hôm nhờ một người hay chữ tên là Sao Châu ở huyện soạn văn tự bán ruộng. Mặc dù tốn không ít thịt gà, thuốc phiện cho người viết chữ, ấy vậy mà thầy viết chữ Nôm từ chữ “Mại”, ông ta lại viết nhầm sang chữ “Đoản”, thế là gia đình mất trắng tài sản lớn. Chính vì điều này, bố ông đổ bệnh, yếu dần. Cuối năm 1956, ông cho gọi Út đến bên giường, căn dặn: “Con là người sáng dạ, phải học nhiều cái chữ để sau này gia đình đỡ khổ”. Nói đoạn, ông nhắm mắt đi vào cõi vĩnh hằng.

Mùa na chín ảnh 1 Thầy giáo Út trở lại vườn na của gia đình Ảnh: Duy Chiến

Nghe lời ông, sau này gia đình Út đã bán tài sản để về phố Đồng Mỏ, tạo điều kiện cho cậu con trai có điều kiện học hành. “Những năm đó, tôi luôn nhớ về lời trăng trối của bố và ra sức học tập. Năm 1964 học xong phổ thông hệ 10 năm thì ông Hoàng Đình Trang, Trưởng phòng giáo dục huyện Chi Lăng đến nhà bảo: “Tao chọn mày làm giáo viên vì ở huyện ít ai học kỹ và thông minh như mày”. Thế là, tôi trở thành giao viên dạy học ở Trường cấp 1-2 Đồng Mỏ”, ông Út kể.

Theo ông Út, cuộc đời ông gần như gắn liền với nghề dạy học ở huyện Chi Lăng. Trong giờ hành chính xách cặp lên lớp giảng bài, hết giờ lại lên vườn nhổ cỏ, vun trồng cây na.

Ông vui mừng vì các thế hệ học trò đã phấn đấu và trường thành. “Ví như, Tiến sỹ Phạm Ngọc Thưởng, người học trò cũ bây giờ là Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cùng nhiều người trở thành kỹ sư, bác sỹ, văn nghệ sỹ, Anh hùng LLVTND và doanh nhân thành đạt. Trong số này có hai “nhà nông” theo nghề thầy, đó là anh Nguyễn Duy Hòa, hiện có khoảng 400 cây na vườn ở ngay chân Đèo Bén thị trấn Đồng Mỏ và anh Nguyễn Mạnh Khải cũng có vài trăm gốc na xanh tốt ở khu Đèo Rộ. Ngày đầu mùa, hay ngày rằm, các trò đều mang quả to, đẹp đến biếu thầy”, ông Út hào hứng nói.

Năm 1991 ông Út nghỉ hưu và hiện ở cùng con trai Lăng Quốc Hoàng (SN 1981), là con trai duy nhất trong tổng số 8 người con của ông. Anh Hoàng tiếp chuyện cùng bố, cho biết: Phát huy truyền thống trồng cây đặc sản quê nhà, anh đã học được nhiều kinh nghiệm của cha mình. Ngoài ra, anh cũng nối nghiệp cha, hiện nay Hoàng đang là giáo viên dạy mầm non ở Chi Lăng.

“Lão nông tri điền”, nhà giáo Lăng Văn Út năm nay bước sang tuổi 77 nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và hào sảng khi nói về chuyện xưa, nhất là khi nói về công việc trồng, thu hái na và được trở lại khu vườn rợp bóng na, ông thấy mình trẻ ra.

Chúng tôi dõi theo ánh nhìn của ông Út về phía dãy núi Kai Kinh trùng điệp. Nơi đó còn ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu mà người dân các dân tộc nơi đây đã và đang viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.     

Ngày hội na Chi Lăng lần thứ 3 năm 2019 sẽ được UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc vào ngày 11/8. Ngay sau đó, tuần lễ quảng bá kết hợp diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng và nông sản đặc sản tỉnh Lạng Sơn diễn ra tại Hà Nội từ ngày 16 đến 21/8.

MỚI - NÓNG