Mùa phượng cháy

TP - Tháng Năm rực trời hoa phượng đỏ. Cứ ngỡ câu ca ấy chỉ dành cho thành phố Hải Phòng. Là thành phố rực đỏ hoa phượng mỗi khi tháng Năm về. Nhưng không, tôi đã bất ngờ đến sững sờ khi chứng kiến những cây phượng trong một trường trung học phổ thông bán công ở thị trấn Đức Hòa, Long An vào ngày đầu tháng Năm năm 1975 cháy rực hoa đỏ. 

Đại đội cao xạ pháo 57 ly của chúng tôi sau khi hành tiến cùng cánh quân mặt trận 232 tiến vào giải phóng Sài Gòn đã được lệnh chốt lại bảo vệ vùng trời phía tây nam này. Chiến tranh khiến các trường học của chế độ Sài Gòn vào thời điểm xảy ra chiến dịch Hồ Chí Minh đã phải đóng cửa. Và khi các cánh quân giải phóng ào ạt tiến vào vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát thì gần như ngay lập tức các cánh cửa trường học được bung mở. Học sinh tấp nập đến trường tập trung cùng thày, cô giáo. Đơn vị chúng tôi triển khai trận địa ngay trong khuôn viên trường học và đây cũng là nơi được đặt làm địa điểm cho ủy ban quân quản thị trấn làm việc tiếp nhận số sĩ quan, binh lính quân lực Việt Nam cộng hòa, cùng các viên chức chính quyền cũ ra trình diện.

Sân trường học bằng bê tông. Những dãy nhà một tầng, mái được lợp bằng tấm lợp xi măng và tôn. Tất cả đều trống trải và nếu như không có những cây phượng rực rỡ trổ hoa thì cảm giác đây là một trại lính chứ không phải trường học. Có lẽ chính những cây phượng lại là tác nhân khiến cho các thày cô giáo trong ban giám thị nhà trường và học sinh gần gũi với những người lính giải phóng. Không thiếu những ánh mắt sợ sệt ẩn giấu sự thù địch nhưng phần nhiều là những ánh mắt lạ lẫm đã bắt đầu có nét gần gũi chia sẻ thậm chí là hân hoan cởi mở. Đại đội lính pháo chúng tôi đa phần là lính trẻ Hà Nội. Và đây là lứa học sinh phổ thông vừa rời thậm chí còn đang ngồi ghế nhà trường đã lên đường nhập ngũ và vào chiến trường với binh đao trận mạc. Khỏi nói chúng tôi đã thích thú thế nào khi được đóng quân trong trường học và nhất là được đứng dưới tán phượng cháy rực để hồi ức về một thuở thiếu thời với những ngôi trường Hà Nội cùng những hàng me, tán phượng, những cây sấu ngọt ngào kỷ niệm. Lứa lính chúng tôi nhập ngũ năm 1972 tham gia chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở miền Bắc và khi hiệp định Pari được ký kết thì chúng tôi di chuyển vào chiến trường B2 (Đông Nam bộ) cho đến ngày tham gia đánh trận cuối cùng tiến vào Sài Gòn. Những cây phượng cháy đỏ hoa xới lên, lật tung hồi ức của những người lính Hà Nội. Và cũng chính nó kết nối mọi người mới vài hôm trước còn chưa biết rõ về nhau thậm chí còn ở hai bên chiến tuyến. Và cũng phải nói rất thẳng thắn rằng, tất cả các giáo viên nam là những người đã học trường sĩ quan Thủ Đức, họ là những sĩ quan dự bị dù chưa tham gia trận mạc nhưng họ cũng trong danh sách trình diện và dĩ nhiên họ mặc cảm. Và thực tế sau này không ít thì nhiều họ đều phải trải qua những lớp cải tạo. Tôi nhớ thày Thông lúc đó là Tổng giám thị trường. Dù dè dặt e ngại ban đầu nhưng với sự nhạy cảm của một giáo viên dạy văn, thày đã chân tình tiếp cận và mở lòng với chúng tôi. 20 năm sau, năm 1995 tôi quay trở lại vùng đất này, đến trường học và tìm đến tư gia của thày. Thày Thông sau đợt cải tạo đã nghỉ dạy. Khi tôi tặng thày cuốn tiểu thuyết mới in thày đã rất mừng rỡ và nhắc với tôi tên từng người lính thày đã tiếp xúc. Qua thái độ của thày tôi biết ngày đó những người lính trẻ Hà Nội đã thuyết phục được cả thày lẫn trò của ngôi trường trung học. Lúc đó với học sinh cũng là cả một câu chuyện dài. Gia đình của các em chẳng có gia đình nào lại không có người tham gia chính quyền và quân đội của chế độ cũ. Cái nhìn của các em dù trong trẻo nhưng đây đó là những xét nét và tìm hiểu những người lính của phía bên kia.

Mùa phượng cháy ảnh 1

Lại nói những ngày đầu hòa bình đó. Rất nhanh những người lính trẻ Hà Nội ngoài nhiệm vụ chiến đấu đã hòa nhập vào môi trường mới bằng những gì họ có. Tổ văn nghệ đại đội tham gia sinh hoạt cùng các thày cô và học sinh. Những buổi tập hát sôi nổi những bài hát cách mạng và bao giờ cũng kết thúc bằng ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Đây là bài hát rất được phổ biến ở những ngày này trong các cuộc sinh hoạt tập thể. Những người lính trẻ Hà Nội mới hôm nào còn lặn lội trong rừng sâu, núi thẳm, sốt rét xanh tái đi hết chiến dịch này đến chiến dịch khác mong một ngày hòa bình giờ dường như thỏa nguyện. Họ đến với những thành viên của trường học như thể đấy chính là ngôi trường của mình bằng những câu chuyện về cuộc đời, về thành phố Hà Nội của họ. Phải công nhận lứa lính Hà Nội nhập ngũ năm đó là lứa học sinh có nhiều tài lẻ. Đa số đều sử dựng được ghi ta. Có người sáng tác được ca khúc. Văn thơ thì khỏi bàn. Tôi có chút năng khiếu được phân công sáng tác một vở kịch nói cho trường. Việc sáng tác kịch tôi đã từng làm trước đó khi sáng tác một vở và kiêm mọi vai trò từ tác giả, đạo diễn đến diễn viên chính. Vở kịch đó từ đại đội qua vòng hội diễn tiểu đoàn, trung đoàn lên đến cấp sư đoàn thì chiến dịch cuối cùng mở. Đại đội tôi sau này có hai nhà văn và nhiều người là bác sĩ, kỹ sư, nhà báo, giáo viên…Tiếc rằng nhiều người lính xuất sắc đợt nhập ngũ 1972 đó đã nằm lại ở chiến trường. Có lẽ tôi không bao giờ quên được buổi nói chuyện với đội văn nghệ toàn học sinh khối 12 đã qua thi tú tài phần 1 thì phải dừng vì chiến tranh cùng một số giáo viên nhà trường vào dịp đó. Trong đời viết văn sau này, từng nhiều lần có tham luận văn chương trong các hội thảo lớn nhưng chưa bao giờ tôi lại có những phát biểu mà tâm trạng lại nặng nề thử thách đến vậy. Chính trị viên đại đội trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi. Ông nói đây là nhiệm vụ chính trị phải tuyên truyền sao đó để họ hiểu về miền Bắc xã hội chủ nghĩa thông qua văn nghệ. Nói thật lúc đó tôi mới 19 tuổi, chưa học hết phổ thông thì nhập ngũ, dù chăm đọc sách nhưng thời đó cũng chẳng có nhiều sách mà đọc, nhất lại là điều kiện chiến trường và tuy có võ vẽ làm thơ, viết truyện, viết kịch thật nhưng chả đủ kiến thức để nói chuyện trước một đám đông như thế. Tôi cùng Lê Thọ Lân, anh này là công nhân nhập ngũ sau làm đến phó giám đốc một đài truyền hình được phân công đảm nhiệm buổi nói chuyện. Anh Lân có giọng hát khá tốt sẽ nhận việc dạy hát còn tôi nói chuyện về văn nghệ của những người lính thế nào. Là tôi thu hẹp đề tài nói chuyện lại như thế cho đỡ căng thẳng. Dù đã đứng trên sân khấu trước hàng trăm người lính khán giả nhưng tôi vẫn run cầm cập khi đứng trước cử tọa chỉ dăm chục người. Các em nữ mặc áo dài trắng tinh khôi. Nam sinh áo sơ mi trắng bỏ trong quần lịch sự. Các thày cô thì khỏi phải bàn. Kiến thức của họ là thày của mình. Tôi bí từ để diễn giải vấn đề và sau ít quanh co rào đón bất chợt tôi nhìn ra cây phượng. Tán phượng xòe mát và những chùm hoa như lửa cháy. Tôi như nhập thần vào cây phượng và tôi bắt đầu từ nó. Tôi kể về những cây phượng trong ngôi trường Hà Nội. Những kỷ niệm học trò. Về mùa hoa đỏ. Về hàng sấu cổ thụ với những quả sấu chín thần thánh. Tôi chuyển sang tiếng ve kêu mùa hè ran từ Hà Nội vào suốt dọc Trường Sơn. Rồi cuộc sống chiến trận của những người lính. Tôi liệt kê những gì mình đã đọc. Văn học cổ điển. Cổ sử và dã sử Trung Hoa. Tự lực văn đoàn và cả những cuốn sách của các tác giả miền Nam mà tôi vớ được sau mỗi trận đánh. Những cuốn sách có tác dụng thế nào với những người lính. Tôi như người lính miên mải trong một trận đánh không hề có một phút dừng lại để nghĩ ngợi sinh tử. Tôi hoàn toàn quên đi mình đã định phải nói những gì. Tất cả như tâm sự của tôi với chính bản thân mình. Cuộc nói chuyện kết thúc tự lúc nào và nhìn những ánh mắt tôi hiểu rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ.

Mùa phượng cháy ảnh 2

Sau buổi nói chuyện và tiếp tục những cuộc dạy hát, cánh lính đại đội tôi nhận được sự thân tình hiếm có từ thày cô và học trò. Lúc này trường chưa học lại vì rơi đúng vào mùa hè. Tôi bắt tay vào sáng tác vở kịch. Tôi đặt luôn tên vở kịch là “Mùa phượng cháy” với sự trọng thị và cả lòng biết ơn dãy phượng trong sân trường đã cứu tôi một bàn thua trông thấy. Mùa phượng cháy chính là những ngày tháng Năm của một mùa hè lịch sử. Tôi viết xong kịp bàn giao cho trường vở kịch thì đơn vị tôi di chuyển khỏi trường học. Tôi cũng chẳng rõ số phận vở kịch thế nào. Chỉ biết từ chính ngôi trường ấy, anh lính trẻ con mít đặc là tôi đã biết rung động trái tim với một tà áo dài trắng có cặp mắt đen dài biết nói. Dẫu là hòa bình, nhưng sự xa cách đã ngăn cản mối tình của tôi. Đơn vị tôi chuyển quân tít vào tận Hà Tiên. Hết năm 1975 tôi ra quân. Tôi có về thăm lại vùng đơn vị đóng quân và gặp lại người tôi rung động. Tôi biết tôi phải trở về Hà Nội với bố mẹ với gia đình của tôi và sự xa cách kia là không thể khỏa lấp. Tôi kìm nén không thổ lộ tình cảm của tôi với em dù rằng cả hai đều hiểu rằng chỉ cần một tích tắc là cái ranh giới kia sẽ biến mất. Nhưng có lẽ đó là số phận. Tôi tin vào điều đó dành cho tình yêu. Ngày chia tay, tôi có làm một bài thơ để tặng chính tôi bởi em không bao giờ được nghe những lời thơ đó:

- …Thế nhé em ơi, mỗi đứa một cuộc đời

Anh sẽ sống như ngày xưa đã sống

Sống vì đời với bao nỗi khát khao

Sống cho mình như một giấc chiêm bao….

Một giấc chiêm bao. Đã hơn 40 năm kể từ cái ngày cánh lính trẻ chúng tôi tập kết ở ngôi trường bán công. Sau lần về lại nơi đó năm 1995, tôi cứ lần lữa mãi mà chưa có thêm lần nào về được nữa. Và tháng Năm, lại thêm một mùa phượng cháy. Tôi chợt nghĩ, chẳng biết ngôi trường xưa, phượng giờ có còn hay vật đã đổi, sao đã rời. Và những người năm đó ai nhớ, ai quên, ai còn, ai mất….

Hà Nội 11/5/2016

Mùa phượng cháy ảnh 3Lãng mạn như một thời anh và những người lính - những chàng trai Hà Nội đã sống. Một kỷ niệm mà tin chắc cứ nhìn thấy “mái trường phượng vĩ dâng hoa” tác giả lại bồi hồi. Trong hồi ức này, Phạm Ngọc Tiến thực sự trở về với thời hoa đỏ, thời trai trẻ ngày xưa, khác với giọng điệu gân guốc của anh trong những tác phẩm được nhiều người biết đến như “Họ đã trở thành đàn ông”, “Tàn  đen đốm đỏ”, “Chạy trốn”, “Những sinh linh bé bỏng”, “Những trận gió người”… hay các kịch bản phim “Chuyện làng Nhô”, “Ma làng”…

Phạm Ngọc Tiến sinh năm 1956, trải qua lính, cán bộ ngành truyền tải điện, biên kịch Hãng phim Truyền hình Việt Nam.    

L.V

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.