Nghệ sĩ Quốc Khánh:

Mười mấy năm đóng Ngọc Hoàng, chỉ một lần “sướng”

Nghệ sĩ Quốc Khánh (trái) trong một chương trình “Táo quân”.
Nghệ sĩ Quốc Khánh (trái) trong một chương trình “Táo quân”.
“Năm ngoái tôi cũng được diễn một tí, đó là khi Ngọc Hoàng ốm có một người dân đóng thay Ngọc Hoàng, tôi đóng một lúc 2 vai nên được thoải mái một chút. Duy nhất trong mười mấy năm đóng Ngọc Hoàng thì có được một lần “sướng”, thoải mái tung hoành”, nghệ sĩ Quốc Khánh tiết lộ về vai diễn Ngọc Hoàng của mình trong các chương trình “Táo quân”.

Ngọc Hoàng hơi ít đất diễn

Năm nào cũng đóng “Táo quân”, cũng vẫn vai Ngọc Hoàng. Anh cảm thấy vai diễn này còn nhiều sức hút với mình không?

Tất nhiên là có chứ, vì thực ra “Táo quân” là một chương trình được nhiều người đón đợi nhất vào dịp cuối năm. Đây cũng là một chương trình rất vui. Anh em nghệ sỹ mỗi người một nghề, mỗi người một nhà hát... phải đến dịp cuối năm mới tụ tập lại được với nhau để làm một chương trình có nhiều thứ thú vị.

Ngọc Hoàng là vai ít thay đổi nhất. Năm nào cũng một ông Ngọc Hoàng mặt mày đăm chiêu, lầm lầm lì lì, khô khô, khổ khổ... Anh nghĩ sao về điều này?

Nếu muốn đổi mới thì phải thay hẳn cả một êkíp để sáng tạo ra một ông Ngọc Hoàng khác chứ không thể hôm nay ông Ngọc Hoàng thế này, ngày mai ông Ngọc Hoàng thế khác. Nhân vật đã được đạo diễn tạo cho tính cách phải như thế rồi, đã định hình rồi nên nó phải như thế thôi. Nếu có mới thì cần mới về sự kiện, mới về câu chuyện, mới về cách làm...

Nhưng anh có nghĩ Ngọc Hoàng trong Táo quân hơi ít đất diễn?

Đúng, điều này tôi công nhận. Ngọc Hoàng gần như là vai ngồi nghe để hiểu vấn đề hoặc thỉnh thoảng có những câu giải quyết vấn đề, tìm xem vấn đề sai ở đâu đúng ở đâu, cuối cùng thì kết vấn đề, có những lời động viên để sang năm làm tốt hơn.

Phải thừa nhận với vai trò đó mà chỉ dành được ngần đó đất để diễn cũng là làm khó tôi. Nó có một cái gì đó hơi cứng nhắc, hơi khô khan nhưng mỗi vai, mỗi một năm có sự thú vị riêng. Sự thú vị đó do cá nhân diễn viên phải tìm tòi, suy nghĩ, nhìn nhận để biết đâu là trọng điểm mà hướng mình vào đó...

Đã bao giờ anh đề xuất với đạo diễn cho đổi vai khác?

Chưa bao giờ, nhưng  nếu có thì cũng không thể vì nếu đạo diễn hỏi lại: “Anh muốn đổi vai thì ai sẽ thế vai anh?” là mình cũng “chết”. Nói là nói vậy nhưng năm ngoái tôi cũng được diễn một tí, đó là khi Ngọc Hoàng ốm có một người dân đóng thay Ngọc Hoàng, tôi đóng một lúc 2 vai nên được thoải mái một chút. Duy nhất trong mười mấy năm đóng Ngọc Hoàng thì có được một lần thoải mái tung hoành.

Không ngại việc đụng chạm vấn đề nhạy cảm

Ngọc Hoàng của “Táo quân” năm nay có gì mới so với mọi năm, thưa anh?

Ngọc Hoàng năm nay vẫn thế thôi vì hiện tại chúng tôi đang tập, chưa có gì để khẳng định được cả. Nói rồi đến khi đoạn đó bị bỏ lại bảo tôi nói phét. Bản thân chúng tôi là diễn viên nên chỉ biết cố gắng làm tốt nhất thôi, mọi thứ phía sau đều do đạo diễn quyết định.

Chương trình có cái hay là phục vụ cho số đông khán giả nên mang nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau. Người sâu sắc hiểu về chương trình theo một cách khác, người “ào ào” thì hiểu về chương trình theo một cách khác. Tất cả đều cười nhưng cái cười của mỗi người mang một xúc cảm khác nhau.

“Táo quân” hàng năm đụng đến nhiều vấn đề nhạy cảm của xã hội nên trong 2 năm nay đều phải nhận sự nhắc nhở của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Anh nghĩ sao?

Cái đó thuộc về góc độ pháp lý, trách nhiệm của ai thì người ấy làm. Chúng tôi chỉ biết làm và cũng chẳng sợ gì những chuyện đó cả. Chúng tôi có chê bai, phê phán một chút vào những điều tiêu cực trong xã hội thì cũng là nói lại những điều mà báo chí đã đề cập.

Chúng tôi nói có số liệu cụ thể chứ không phải dựng chuyện. Phê phán trên tinh thần xây dựng nên chúng tôi không ngại những chuyện ấy. Chỉ có điều, đừng dung tục, phản cảm, đừng có bêu riếu, bêu xấu ai...

Năm nay “Táo quân” không ghi hình ở sân khấu lớn như mọi năm mà sẽ ghi tại Đài Truyền hình Việt Nam và sẽ hạn chế khán giả đến xem. Cảm giác của anh như thế nào?

Cũng bình thường thôi. Có thể diễn nơi đông khán giả sẽ thăng hoa hơn nhưng mình đã là diễn viên thì dù diễn trên sân khấu nào cũng phải hết mình, kể cả trong trường quay không có nhiều khán giả. Vì cuối cùng thì chương trình đó cũng đến với khán giả nên mình phải làm tròn nhiệm vụ, làm tốt nhất có thể.

Không lấy vợ, “ra đi” sẽ  nhẹ nhàng hơn

Anh lý giải gì về chuyện vẫn chưa chịu lấy vợ khi tuổi càng lúc càng nhiều?

Tôi chẳng biết nói sao cả. Có thể duyên số chưa tới hoặc mình cảm thấy vẫn còn mải chơi, thích tự do, không muốn vướng bận để thoải mái làm nghề... nên cứ sống thế thôi. Sống thế cũng có cái hay đó là vì không vướng bận nên khi mình “đi” cũng nhẹ nhàng, không vướng bận (cười).

Có vẻ anh khác biệt mọi người quá nhỉ?

Ôi, thế chẳng lẽ mình cứ giống người ta à? Nếu thế, không phải là mình nữa rồi. Có thể mình khác biệt mọi người nhưng sự khác biệt đó có làm ảnh hưởng đến ai đâu, cũng không làm điều gì xấu đi mà cũng chẳng vi phạm pháp luật. Thế thì điều đó có nhất thiết phải lên án không?

Nếu đáng lên án và phạm luật thì để tôi nghĩ lại. Còn nếu lấy vợ để xã hội nhìn vào “À cũng có vợ à” thì tôi có cần điều đó đâu. Tôi không có vợ cũng có làm sao? Quan trọng nhất là gia đình tôi hiểu và thông cảm cho tôi là được rồi.

Cảm ơn anh đã tham gia cuộc trò chuyện này!

Theo Hà Tùng Long

Theo Gia Đình & Xã Hội
MỚI - NÓNG