Mưu sinh nghề bán báo

Cô Ái với quầy sách báo ế ẩm
Cô Ái với quầy sách báo ế ẩm
TP - Chị Hương, người bán báo trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Hồ Chí Minh rơm rớm nước mắt nói: “Khó khăn quá chú ơi. Mỗi báo chị nhận 20 tờ mà từ sáng tới chiều bán được năm, sáu tờ. Biết sống bằng gì đây?”. Dịch bệnh COVID-19 xảy ra, người đi mua báo thưa thớt dần. 

Sạp báo cuối cùng

Chị Hương là người bán báo cuối cùng trên “phố báo” Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TPHCM.

Trước kia, dọc con phố này  nhiều nhà sách và sạp bán báo. Vào sáng sớm, ngay trước cửa báo Sài Gòn Giải Phóng có tới dăm chục sạp chen nhau nhận báo mới in. Cả con phố nhộn nhịp từ lúc 2-3 giờ sáng, sương đẫm mái tóc bạc màu. Rồi cả ngày nườm nượp người mua bán báo. Người thành phố thích đọc báo, xích lô xe thồ tới công chức… Nhiều người không đặt qua bưu điện mà cứ sáng mở mắt ra là phóng xe đến đường Nguyễn Thị Minh Khai, mua báo, ngồi cà phê xem xong rồi đi làm. Những mùa World Cup, ngày bán vài trăm tờ báo mỗi loại là thường. Lắm khi ghếch mũi giày lên vỉa hè, đọc vài tin tức rồi với xếp báo chạy xe đi, chút nữa đọc nốt.

Chục năm nay, báo mạng thay thế dần báo in, lại gặp dịch COVID-19 hạn chế người lưu thông, công việc bán báo trở nên vất vả chưa từng thấy. Chị Hương kể: “Cả họ chúng tôi từ Vĩnh Long lên thành phố làm nghề bán báo, tổng cộng tới mấy chục người bán báo, có hàng chục sạp báo, rải rác mấy phường. Nhưng nay, mọi người bỏ đi làm công nhân, đi làm nhân viên vệ sinh, chỉ còn lại mình tôi bám trụ trên con đường này”.

Rơm rớm nước mắt, chị đếm cho tôi những xếp báo vẹn nguyên sau gần một ngày trời cách ly xã hội: “Đây, chú đếm xem. Mỗi đầu báo chị lấy 20 tờ, nhưng có xếp còn nguyên”. Chị Hương nhẩm tính: “Không biết ngày hôm nay tôi có kiếm nổi 60.000 đồng không?”.

Chị Hương nói với tôi rằng chị làm việc vì yêu thích công việc, vì quen với khách hàng, yêu quý mọi người: “Chú cứ hỏi mọi người xem có phải trước đây, dọc đường Minh Khai này có 20 sạp báo hay không? Giờ này, ngoài chị ra thì còn ai khác nữa bán báo trên con đường này?”.

Bán báo công viên

Công viên Tao Đàn cũng là một điểm bán báo nhộn nhịp xưa nay. Người Sài Gòn có thói quen sáng sớm tản bộ, tập thể dục, uống cà phê trong công viên Tao Đàn, thậm chí trong công viên có quán cho khách đến treo hàng trăm lồng chim. Quanh công viên mọc lên  nhiều sạp báo.

Từ Tết, đại dịch COVID-19 xảy ra, người đi lại hạn chế. Công viên treo biển không đón khách. Những máy tập thể dục bị niêm phong. Lác đác dăm ba người ghé vào rồi lại quay ra. Hình ảnh người người ngồi ghế đá đọc báo trong công viên không còn nữa.

Góc công viên có sạp báo đã tồn tại hơn 20 năm, qua hai đời chủ. Chị Kim Hòa bán báo mà không bày ra sạp, vẫn để nguyên báo trên chiếc xe máy cũ. Khách vắng quá, chị  chẳng cần hình thức màu mè gì. Chị nói: “Làm gì có người tập thể dục nơi công cộng. Trước, mỗi ngày bán được hơn trăm tờ báo, từ dạo COVID-19, mỗi ngày em bán được 40 tờ”.

 Quanh Công viên Tao Đàn hiện còn 3 sạp báo. Trước kia cả 3 sạp đều mở bán từ sáng tới chiều, bây giờ họ chỉ mở đến tầm 10 giờ sáng là rủ nhau về hết. Chị Kim Hòa đoán: “Chắc nhiều khách quen về quê chưa lên lại thành phố. Bán hết chỗ khách quen thì đóng báo thôi, khách vãng lai không có ai”.

Mưu sinh nghề bán báo ảnh 1 Chị Kim Hòa vẫn bám trụ bán báo tại Công viên Tao Đàn phục vụ bạn đọc

Người bán báo kỳ cựu muốn giải nghệ

Giới bán báo tại TPHCM không ai không biết đến cô Ái ở đường Lê Thị Riêng. Cô là một trong những cựu trào bán báo tại thành phố. Cô vào nghề từ những năm 1980. 

Cô Ái kể: “Ngày xưa bán báo là công việc sang trọng, có địa vị. Khi ấy phải nhiều loại giấy tờ xác nhận, ưu tiên mới được cấp giấy phép bán báo”. Cô Ái được Bưu điện TPHCM cấp giấy phép mở sạp báo, nhờ đó nuôi được cả gia đình.

Khi mới vào TPHCM, tôi vẫn thường tới chỗ cô Ái để mua những báo tạp chí xuất bản tại Hà Nội, như tờ Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội. Cảm tưởng tới cô Ái,  không có loại báo và tạp chí nào không có! Cô lăn tăn: “Thật ra tôi nể chú mới bán. Báo tôi bao nhiêu tờ, trong ngày đã có bấy nhiêu người mua”. Tôi cứ phải năn nỷ mãi mới được mua một cuốn tạp chí. Mua nhiều cuốn, cô sẽ bị mất các mối khách thân. Thế mà bây giờ, cô lại bảo: “Tôi đang muốn giải nghệ chú ạ. Bán báo giờ không sống nổi, đang tính cho thuê mặt bằng không báo biếc gì nữa”.

Nhận xét về đại dịch COVID-19, cô Ái nói: “Trước Tết mỗi ngày tôi vẫn bán được độ 80 tờ báo in, giờ chỉ được hơn nửa số ấy. Các báo ưu tiên cho tôi, nếu bán không được tờ nào thì báo trừ tiền vào số sau, nếu không, tôi chẳng dám nhận phát hành nữa”.

Mưu sinh nghề bán báo ảnh 2 Sạp báo mong dịch bệnh COVID-19 qua mau. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Tri ân

Là một người có thâm niên phát hành, cô Ái hiểu quy trình và sự khó khăn của công việc này hơn ai cả. Cô nói: “Chúng tôi mở một sạp, xưa nay vẫn phải cần tới 3 người. Một người dậy từ 3 giờ sáng, chạy đi các nhà in lấy các loại báo đem về. Hai người còn lại thay nhau bán từ tờ mờ sáng đến 11 giờ đêm. Các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, Lễ Tết hầu như không bao giờ đóng cửa. Nếu không làm thế, khách sẽ bỏ đi mua ở sạp khác”.

Cô Ái không phải thuê sạp, dùng tầng trệt của gia đình để bán báo, 3 nhân lực đều người trong nhà, mỗi tháng tiền thuế khoảng 1 triệu đồng, nhưng cô cũng cảm thấy đuối sức. Cô Ái lắc đầu: “Không có các bạn trẻ đọc báo giấy, khách của tôi đều là người già. Giờ gặp đại dịch cúm, người già đi lại mua báo không nhiều, chiều tối ngồi nhìn con đường không ai đi ngang. Mà người ta cũng dần quen với thông tin báo mạng”.

Cô Hoa, một chủ sạp báo kỳ cựu ở đường Nguyễn Thị Minh Khai cách đây mấy năm qua đời vì bệnh phổi. Dân bán báo nói với nhau: “Cô chết vì cả đời hít phải bụi đường của nghề bán báo”.

Còn chị Hương, một chân cũng đã bị viêm khớp đi cà nhắc, bảo: “Có lẽ do tôi đứng từ sáng đến tối, một tháng 30 ngày không nghỉ ngày nào, giờ đứng đi không nổi”. Chị Hương hai chục năm bán báo, mà vẫn ở nhà thuê. Dịch COVID-19 xảy ra, chị chưa nhận được hỗ trợ gì ngoài 3 chiếc khẩu trang do một tòa soạn đem tới tặng.

 Anh Tài, người bán báo lâu năm ở quận 3 hỏi tôi làm báo nào? Tôi nói làm ở báo Tiền Phong. Anh vui vẻ bảo: “Năm nào chúng tôi cũng bán báo Tết Tiền Phong, bán chạy lắm!”.

Anh Tài lại bảo: “Chúng tôi từ bé tới lớn làm nghề bán báo, có biết làm gì khác đâu! Giờ báo giấy bán ế quá. Dịch bệnh lại xảy ra, tạp chí trước kia mỗi ngày bán được 10 tờ, giờ chỉ bán được 2 tờ. Tôi đành bỏ nghề bán sạp báo đi làm bảo vệ cho một phòng khám”.

4/2020 

Chị Hương vừa đi cà nhắc vừa phân trần: “Tôi thương khách hàng của tôi. Dịch bệnh xảy ra, tưởng họ không đi mua báo nữa, ai ngờ vẫn đeo khẩu trang chạy xe cà tàng ra, gặp nhau mừng rỡ bảo: Tôi đi kiếm chị nãy giờ. Có báo mới bán tôi vài tờ đem về nhà xem”. Tôi cũng ấn tượng với cảnh bác Đinh Kỳ năm nay hơn 70 tuổi, sáng sáng đeo khẩu trang chở vợ ra Công viên Tao Đàn chỉ để mua một tờ báo. Bác nói: “Dù cuộc sống khó khăn đến mấy, tôi cũng cố không đánh mất thói quen đọc báo”. 
Cũng vì những khách hàng chưa đánh mất thói quen chạy xe máy đi mua báo mỗi sáng ban mai, chị Hương còn bám trụ mặt đường bán báo cho họ, dù mỗi ngày chị không kiếm nổi 100.000 đồng tiền bán báo nuôi thân. 

MỚI - NÓNG