Năm 2005 sẽ không có giải thưởng Nobel Văn học?

Năm 2005 sẽ không có giải thưởng Nobel Văn học?
Kể từ năm 1901 - tức là khi giải Nobel Văn học đầu tiên được trao cho nhà văn người Pháp tên là Sully Prudhomme - đến năm nay, đã 7 lần tấm huy chương vàng Nobel văn học bị gác lại, không trao cho ai cả.
Năm 2005 sẽ không có giải thưởng Nobel Văn học? ảnh 1
 Nhà thơ Ko Un người Hàn Quốc, có thể sẽ giành được giải Nobel Văn học

Đó là vào các năm 1914, 1918, 1935 và các năm từ 1940 - 1943. Những năm ấy được coi là không có tác giả nào xứng đáng.

Theo truyền thống, số tiền giải thưởng không được trao sẽ chia làm 2 phần: 1/3 sẽ chuyển trả quỹ chính, 2/3 còn lại được đưa vào giá trị giải thưởng dành cho Nobel Văn học năm sau (nếu có). Như vậy, nhà văn nào giành giải thưởng năm sau sẽ có cơ hội nhận được món tiền gần gấp đôi trị giá giải thông thường.

Sở dĩ phải nhắc lại những thông tin này vì năm 2005 đã xuất hiện “nguy cơ” không có giải Nobel dành cho văn chương.

Tin từ Stockholm, thủ đô Thụy Điển cho biết, giải thưởng Nobel Văn học 2005 phải chờ đợi thêm ít nhất là 1 tuần nữa mới (may ra) có chủ. Bình thường nó phải được công bố vào ngày thứ Năm tuần này (6/10) trước khi Nobel Hoà bình được công bố vào thứ Sáu (7/10).

Thế nhưng cả 18 thành viên của Hội đồng xét giải đã giữ im lặng mà không một lời giải thích. Điều đó dẫn đến suy đoán giữa họ đã có những cuộc tranh luận quyết liệt và không đi đến thống nhất ai sẽ trở thành chủ nhân của tấm séc trị giá 1,3 triệu USD dành cho người đoạt giải Nobel Văn học năm nay.

Ngoài huy chương vàng và bằng chứng nhận, người được giải còn có sự đảm bảo bằng vàng cho việc xuất bản sách của mình những năm tiếp theo trên toàn thế giới.

Bà Anna Tillgren, người của NXB Bonniers nói, sự im lặng của Hội đồng giải thưởng có thể hiểu rằng Nobel Văn học sẽ được công bố vào thứ Năm tuần sau (tức là vào ngày 13/10). “Tuy nhiên chẳng ai biết họ (Hội đồng) sẽ quyết bề nào cả !”.

Hiện đang có rất nhiều ứng cử viên, trước tiên phải kể đến Philip Roth và Carol Oates (cùng là người Mỹ) như những người được coi là sáng giá nhất. Ngoài ra còn có Margaret Atwood (người Canada) và Nuruddin Farah (người Somalia).

Một nhà văn người gốc Peru tên là Mario Vargas Llosa, người từng nhiều lần được đề cử trước đó cũng có hy vọng. Trong mười năm trở lại đây có tới 9 nhà văn châu Âu được nhận giải Nobel Văn học, cho nên nhiều chuyên gia cho rằng, Hội đồng giải thưởng đang lúng túng kiếm tìm một nhà văn mới, đến từ các châu lục khác.

Nếu đúng là như vậy thì hai nhà thơ: Ali Ahmad Said (bút danh quen thuộc là Adonis) người Syri và Ko Un người Hàn Quốc lại có thể có hy vọng.

MỚI - NÓNG