Nắm đất làng quê

Minh họa: huỳnh ty
Minh họa: huỳnh ty
Có những câu chuyện đời tự thân đã trở thành những áng văn sâu sắc, cảm động. Người viết dường như chỉ cần thấu hiểu và dùng chút khả năng ngôn ngữ là có thể biến một câu chuyện dung dị trở thành tác phẩm. Tôi đã có lần được nghe nhà văn Trần Nguyễn Anh kể câu chuyện trong gia đình mình. Và đây, hôm nay nó đã trở thành một truyện ngắn như thế.

Quê hương, tình yêu nước hay nghĩa vụ, trách nhiệm giữa con người với nhau, tất thảy những giá trị thiêng liêng và sâu sắc đều xuất phát từ những điều giản dị. Có lẽ đó là điều mà Trần Nguyễn Anh muốn nói qua câu chuyện này.

Làng anh nằm ở gần biển, phi lao xanh um, cồn cát nóng bỏng chân người. Làng quê nghèo xác xơ thưa thớt bóng người. Ngôi làng cổ có từ đời Trần, nhưng trải năm tháng mưa gió và chinh chiến nay chẳng còn dấu tích gì ngoài vài nấm mộ cổ vùi sâu trong cát.

Nhà anh có nghề hát dân ca cổ, nó tựa như hát tuồng vậy, với những trích đoạn các câu chuyện cổ. Ông nội thường đem đoàn đi diễn khắp các làng ven biển, nơi những khuôn mặt khán giả xạm đen và tiếng hát hòa trong sóng biển và mùi cá mú vẫn còn mặt mòi.

Những câu chuyện về lòng yêu nước, và quê hương lại khiến giặc Pháp để ý, chúng bắt những nghệ nhân tra khảo và buộc giải tán gánh hát nhỏ. Chúng hỏi: “Ai cấp tiền cho đi diễn? tại sao lại diễn các tích kích động dân chúng nổi loạn?”. Đáp: “Người xem hát trả tiền cho chúng tôi. Những tích này dân chúng ai đều biết cả”.

Bác anh khi ấy còn rất nhỏ, một cậu bé tóc để chỏm, theo các chú bác đi làm cách mạng. Vào đêm tối trời, bác của anh trèo lên ngọn cây cao giữa chợ và treo lá cờ cách mạng. Sáng sớm ra, lá cờ phần phật bay trong gió.

Thanh niên trong làng nhiều người rời làng làm cách mạng, xa quê hương từ ngày đó. Giặc Pháp lại vây xóm, đốt làng, khủng bố. Pháp lập đồn canh, ngăn chặn tiếp tế cho cách mạng, chúng muốn xóa sổ làng của anh. Nhiều người chịu không nổi sự kìm kẹp, đã bỏ làng đi vào thành phố, đi nơi khác làm ăn. Người ở lại, ngày ra đồng trồng cấy, tối về làm du kích. 

Những người trong gánh hát theo chân cách mạng lên chiến khu. O của anh cũng trong số ấy. Giọng o hát rất hay, những lời dân ca ngấm vào lòng anh từ thủa bé thơ và nỗi nhớ o ngày ngày không nguôi.

Lớn lên chút nữa anh vào du kích. Mọi người bảo: “Thông ơi, con phải vượt rừng, vượt bốt đồn vào chiến khu gia nhập bộ đội, cuộc đời biết đó đây, làm nên sự nghiệp. Công việc du kích ở làng đã có cô bác lo”. Thế là theo giao liên, ngày nấp đêm đi, vượt qua nhiều thôn làng, băng qua nhiều đồn bốt, lên chiến khu, trở thành anh bộ đội cụ Hồ.

Bấy giờ anh đã tham gia mấy trận đánh, nhưng chưa bao giờ về được làng của mình. Làng anh nằm vùng ven biển rất xa chiến khu. Anh không biết tin tức gì nhiều, chỉ nghe nói địch vẫn thường càn quét. Làng quê bị đốt cháy, Du kích bám biển giữ làng.

Anh có một mơ ước, chiến thắng giặc, trở về làng, cày cấy như xưa. Sáng ra đồng, trưa về nhà. Ngủ dưới mái nhà mình, mở mắt ra không nhìn thấy địch, tối không nghe pháo cầm canh, ra đường không bị soát người. Hát những bài ca quê hương không bị bắt vì kích động dân tình nổi loạn.

Ước mơ vậy thôi, anh cũng chưa biết ngày nào về. Mới hôm qua, đánh đồn địch, anh còn làm công tác tử sĩ, bạn bè anh, nhiều đứa từ ngày ra đi cũng chưa một lần được về làng. Nhắn gửi nhau rằng, hôm nào mời ông về thăm làng tôi. Làng tôi có giếng nước trong, có mái chùa cổ, có một ngôi đình. À mà ngôi đình đã bị giặc đốt cháy mất rồi.

***

Một lần, người nghệ sĩ lão thành đang diễn ở vùng giới tuyến Vĩnh Linh, chợt có một chàng bộ đội trẻ nói rặt tiếng quê đến xin gặp và hỏi: “Có phải O đó không?”. Hóa ra đó là anh Thông, cháu gọi người nghệ sĩ o ruột.

Hai o cháu ôm nhau mà khóc. Thông nói: “O ơi, con đi tìm o khắp mấy chiến trường. Nghe nói o làm ở đoàn văn công, đoàn ca kịch. Mà nay mới gặp được o”.

Câu đầu tiên o hỏi là: “Con có tin tức chi về làng ta không?”.

Anh trả lời: “Từ ngày con đi theo bộ đội đến giờ, cũng chưa một lần được về làng o ạ”.

Rồi anh lại bảo: “Đất nước hòa bình thống nhất, con sẽ đưa o về thăm làng, o cứ yên tâm”.

Rồi o theo đoàn kịch ra Hà Nội, Thông theo đơn vị tiếp tục chiến đấu ở chiến trường miền Trung.

Cả đời anh gắn với màu áo bộ đội, với những khói lửa chiến trường mà lòng vẫn nhớ về người o với những bài ca cổ và những tuồng tích yêu nước.

Nắm đất làng quê ảnh 1

Tác giả Trần Nguyễn Anh

***

Ngày thống nhất cũng tới rồi. Thông cùng đơn vị từ Truồi đánh ngược lên đồn Mang Cá, giải phóng thành phố rồi tiếp tục tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Dọc quốc lộ, đơn vị anh bộ binh kết hợp xe tăng tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn.

Anh ngồi lên tháp pháo, xe đi qua cách làng chừng dăm cây số, dừng chân hỏi người du kích: “Đường về làng tôi ngả nào?”.

Người du kích đáp: “Trước kia không có đường nào về làng anh hết. Còn bây giờ tất cả đều là đường”.

Họ vẫy chào nhau, rồi tiếp tục cuộc chiến đấu hẵng còn dang dở. Anh nói với người đồng chí trên chiếc xe tăng: “Tôi đi xa nhà đã bao năm, giờ đơn vị hành quân qua làng mà cũng không kịp ghé về thăm. Chỉ nghe được tiếng nói người du kích”.

Nhưng cũng thật không ngờ, vào những ngày chiến tranh kết thúc, anh đã bị thương và phải vào điều trị. Khi mọi người đã về nhà, về quê hương, đất nước hòa bình, thống nhất, anh vẫn còn nằm trong trại điều dưỡng và những mảnh đạn vẫn ở trong người anh.

Trại điều dưỡng hỏi anh: “Anh có người thân thích không? Vợ con anh? Trong nhà còn ai nuôi dưỡng?”. Thông đáp: “Người thân tôi đã chết, đã hy sinh. Tôi chưa có vợ con, chẳng muốn ai nuôi dưỡng mình”. Trại bảo: “Vậy anh nằm trong danh sách những người ở lại trại điều dưỡng lâu dài”. Thông phản đối: “Tôi muốn về làng. Tôi phải về làng”.

Rồi mãi tới một ngày, trong đoàn khách thăm trại điều dưỡng, anh đã gặp một nữ du kích người làng. Họ nhận ra nhau qua tiếng nói. “Trời ơi! Hòa bình thống nhất chục năm rồi mà anh không về làng, anh vẫn ở đây sao!”.

Người nữ du kích nói với anh: “Chính mấy anh đi bộ đội, đã là tấm gương cho chúng em vào du kích. Nghe nói anh hy sinh, cả làng đều tiếc, không ngờ anh còn sống. Phải đưa anh về làng”.

Trại phản đối: “Đồng chí ấy về làng, ai sẽ chăm sóc cho đồng chí ấy?”. 

Người nữ du kích dõng dạc: “Tôi. Chính tôi sẽ chăm sóc cho đồng chí Thông”. 

***

Ngày họ làm đám cưới, cũng là ngày anh trở về làng trên chiếc xe lăn. Con đường gập ghềnh từ trại điều dưỡng thương binh cho về tới làng, như một cuốn phim quay chậm giúp anh nhớ lại những tháng năm đã qua. Ngày anh vào du kích, rồi đi bộ đội. Ngày anh ở chiến trường. Ngày gặp o. Ngày bị thương ngay trước cửa của hòa bình.

“Em là một nàng tiên” – anh nói với người vợ hiền. Vợ anh đáp: “Không, em chỉ là một cô du kích làng Trừng Hà thôi”.

Trước mắt anh, ngôi làng thân quen yêu dấu năm nào vẫn còn đó dù cảnh vật khác xưa. Ôi những cơn gió vẫn thổi mặn mòi từ biển cả không bao giờ ngừng, những đồi cát xác xơ và những mái nhà nhỏ bé nằm dưới rặng cây. Cánh đồng khô hạn và anh thì chẳng bao giờ còn có thể đi sau con trâu mà cày ruộng nữa.

Đám trẻ ùa ra xem đám cưới chú bộ đội thương binh với cô du kích mà không biết chú rể là ai. Ngang qua chợ, vẫn thấy cây đa nơi từng treo lá cờ. Ngày đám cưới mà tràn ngập nước mắt. Các cô bác, các anh chị đều khóc mà bảo: “Thông ơi, sao giờ con mới về!”.

Năm tháng cứ thế trôi qua. Bọn trẻ lớn lên và đôi khi, anh được nhà trường mời lên kể chuyện chiến công, kể về ngày tháng chiến đấu gian khổ. Bọn nhỏ mơ ước lớn lên được đi đây đó, được đi học, đi du học nước ngoài. Còn Thông, tuổi trẻ của anh chỉ có một mơ ước được về làng. Nhưng anh ủng hộ lớp trẻ: “Các con hãy học giỏi, hãy đi đến mọi phương trời. Giờ đây chúng ta sống trong hòa bình, giờ đây chúng ta muốn về làng lúc nào thì về. Hãy bay cao, bay xa”. Người thương bình ngồi xe lăn nói như vậy.

Có người đi xa mà có người trở về. Cuộc đời là vậy. Những đứa con, đứa cháu xa quê làm ăn. Còn o của anh, người nghệ sĩ thần tượng mà anh đã gặp ở Vĩnh Linh năm xưa, lúc nằm xuống cũng có nguyện vọng trở về làng. Vợ chồng anh đã chôn cất bà chu đáo ngay sau mảnh vườn của mình. “O đã biểu diễn cho những người nổi tiếng nhất nghe, tiếng hát của o vang lên trên đài phát thanh, trên khắp các chiến trường. Giờ đây, o được an nghỉ, ngay tại làng của mình, tại mảnh vườn của mình”. Anh Thông nói.

*** 

Một lần, tôi đã ghé ngôi làng nhỏ bé ấy trên bờ biển miền Trung. Câu chuyện tình cờ bên bếp lửa, anh Thông đã kể tôi nghe câu chuyện về một ngôi làng kháng chiến, một ngôi làng yêu âm nhạc và những cuộc chia ly thời chinh chiến.

Ngôi nhà lợp ngói nhỏ bé của anh, núp dưới rặng phi lao. Anh ngồi trên chiếc xe lăn và người vợ tảo tần hàng ngày chăm lo tất cả. Anh đã trở về làng, sau cuộc chinh chiến dài, trong mình mang những mảnh đạn và những câu chuyện cổ về ngôi làng mấy trăm năm tuổi.

“Nếu ngày tháng quay lại, trong những năm bị kìm kẹp ấy, tôi cũng vẫn sẽ chọn con đường làm du kích, vào bộ đội, đi tìm o tôi, một nghệ sĩ hát dân ca hay nhất mà tôi từng biết” – anh Thông nói.

Vợ anh đẩy anh trên chiếc xe lăn ra sau vượt để thắp cho bà o một nén nhang. Bà o của anh là nghệ sĩ hát dân ca nổi tiếng, từng được tỉnh cấp biệt thự để ở, nhưng bà từ chối. Năm tháng cuối đời, bà về làng và sống cùng vợ chồng đứa cháu thương binh. Một buổi tối, không ốm đau, bà ra đi năm 96 tuổi.

Tôi lặng nhìn người cháu ngồi nghiêm trang trên chiếc xe lăn, nghiêng mình trước ngôi mộ o mình vùi trong cát trắng quê hương.  “Làng của chúng tôi đây – anh Thông nói – nơi chúng tôi ra đi và nơi chúng tôi trở về”.

8/2019              

MỚI - NÓNG