'Nàng thơ' trong tranh Bùi Xuân Phái

Bùi Xuân Phái và “nàng thơ” Văn Dương Thành
Bùi Xuân Phái và “nàng thơ” Văn Dương Thành
TP - Bùi Xuân Phái đã vẽ khoảng 300 bức tranh về Văn Dương Thành. Chị là “nàng thơ” số một trong tranh của danh họa. Gần đây, có một tác giả nước ngoài đề nghị họa sỹ, người mẫu Văn Dương Thành kể tường tận mối quan hệ với Bùi Xuân Phái để viết sách, với điều kiện, chị phải kể tất cả sự thật, không che giấu điều gì.  

Văn Dương Thành đã từ chối đề nghị đó. Nếu muốn viết sách về mối quan hệ đặc biệt này, chính “nàng thơ” có thể tự viết. Chị vốn giỏi chữ nghĩa. Nhưng có những tình cảm không nên, cũng không thể diễn đạt bằng lời nói hay câu chữ. (Như mối quan hệ giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trong âm nhạc, ai đó càng khát khao đi tìm lời giải càng rơi vào vùng mịt mù khói sương).

Nhịn ăn sáng để gom minh họa của Bùi Xuân Phái

Văn Dương Thành lâu nay được nhiều người nhắc đến như một mỹ nhân, có thể vì chị từng là người mẫu trong tranh của một số danh họa, nhất là danh họa Bùi Xuân Phái.  Nhưng bản thân người mẫu phủ nhận mình đẹp: “Hồi xưa, giai trẻ không nhìn tôi. Tôi vừa thô, vừa thấp, tính tình lại khó chịu”, chị tự phác họa chân dung. Văn Dương Thành trở thành “nàng thơ” trong tranh Bùi Xuân Phái không hẳn vì vẻ ngoài. Chị gặp Bùi Xuân Phái khi mới 17, 18 tuổi. Tình yêu hội họa là điểm gặp gỡ đầu tiên giữa hai người.

Văn Dương Thành bén duyên hội họa lúc 7 tuổi: “Hồi ấy, gia đình tôi đi làm cách mạng, nghèo lắm. Nhà không có đàn, không có điều kiện mời thày dạy nhạc. Trước đây, các anh chị của tôi toàn chơi đàn. Một hôm, cha tôi bận công việc phải ra khỏi nhà nên đưa cho tôi mảnh giấy bé cùng cái bút chì để tôi vẽ chơi. Khi trở về nhà, cha ngắm hình vẽ và khen: Con vẽ hay thế. Hãy cố lên”.

Cha Văn Dương Thành, một nhà trí thức và cách mạng yêu nước, mất sớm. Chị được gửi vào trường dòng ở Hải Phòng. Học nội trú, không có mẹ, không có anh em bên cạnh, Thành cảm thấy cô đơn nên vẽ nhiều hơn. Một ngày nọ, Diệp Minh Châu, khi đó là giảng viên Trường Mỹ thuật ở Hà Nội đến trường, ngắm bức vẽ của cô bé 10 tuổi, ông thích nên đề nghị cô bé cho mượn để mang về trường. Suốt một năm không thấy tin tức gì từ họa sỹ Diệp Minh Châu, Văn Dương Thành xấu hổ với bạn bè.

Không ngờ, năm sau Thành nhận được giấy gọi đi học. Cô hiệu trưởng mời mẹ ruột của Văn Dương Thành đến, nói: “Bao nhiêu em chỉ có một em được chọn vào trường. Bây giờ em được chọn rồi, chị có cho em đi không, vì học 12 năm rất lâu”. Dù tình cảnh mẹ góa, con côi song bà vẫn quyết định cho con gái của mình theo đuổi đam mê hội họa. Văn Dương Thành hứa với mẹ: “Con sẽ học vài năm nếu không thích sẽ chuyển sang trường tổng hợp văn”. Nhưng Văn Dương Thành lỗi hẹn với văn chương. Sau một thời gian học mỹ thuật, chị biết đó là con đường mình sẽ gắn bó trọn đời. Trên con đường hội họa, nhiều cơ hội đã mở ra cho Văn Dương Thành, trong đó có cơ duyên gặp gỡ Bùi Xuân Phái.

Vốn yêu văn chương nên Văn Dương Thành thích đọc báo Văn nghệ. Không ngờ, trong báo Văn nghệ thuở ấy, còn có thứ lôi cuốn chị hơn cả văn chương, đó là những minh họa của  Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Văn Cao… Lần đầu được ngắm minh họa của các anh tài chị đã mê ngay, từ đó quyết định nhịn ăn sáng dành tiền mua báo. Những minh họa trên báo được chị cắt ra dán vào quyển sổ. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đến nay Văn Dương Thành vẫn giữ cuốn sổ ấy.

Khi chị 17, 18 tuổi, người anh của chị, một phó tiến sỹ khoa học, dẫn chị đến chơi nhà một người bạn. Tại đây, chị gặp Bùi Xuân Phái: “Bước vào nhà, tôi thấy một ông trông giống như Giê su đang ngồi ở đó”, chị nhớ lại. Thời buổi khó khăn, danh họa gầy xơ xác khiến Văn Dương Thành không khỏi cảm thương. Chị kể cho ông chuyện sưu tầm minh họa trên báo Văn nghệ, danh họa rưng rưng nước mắt. Giữa thời đói kém, có một người trẻ chịu nhịn ăn sáng để mua báo sưu tầm tác phẩm nhỏ của mình, không cảm động mới lạ. Ông mời hai anh em Văn Dương Thành qua nhà chơi để gặp vợ ông và các con của ông. Mối quan hệ giữa họ hình thành từ đó.

Người con gái mắt lá dăm không biết chê bai, hờn giận

Người mẫu trong tranh Bùi Xuân Phái không phải chỉ có mỗi Văn Dương Thành. Song chắc chắn Văn Dương Thành là người gợi nhiều cảm hứng sáng tạo nhất cho danh họa. Theo “nàng thơ”, Bùi Xuân Phái thích vẽ chị, vì:  “Người ta bảo tôi hơi giống bác gái thời trẻ (Bà Nguyễn Thị Sính-PV). Nhưng cái chính là trông tôi rất Việt Nam: Mắt lá dăm, ti hí, rất nhà quê”. Ngoài ra, vì cùng nghề cầm cọ, nên Văn Dương Thành tôn trọng người sáng tạo hơn những cô người mẫu xinh đẹp khác: “Tôi không cần biết bác vẽ gì. Cứ để bác tự do sáng tạo. Còn các cô người mẫu khác cứ một chốc lại chạy ra xem, trách sao mắt bé thế, mũi to thế, thành ra bác ấy khó vẽ. Bác khen Văn Dương Thành là người mẫu lí tưởng, không bao giờ chê bai, không bao giờ bình luận, không bao giờ buồn rầu”, chị kể. Văn Dương Thành từng nói với Bùi Xuân Phái: “Bức tranh của bác chính là bác. Cháu chỉ là cái cớ để bác sáng tác”.

'Nàng thơ' trong tranh Bùi Xuân Phái ảnh 1 Họa sỹ Văn Dương Thành-  ảnh: Văn Dương Thành cung cấp

Theo tiết lộ của chị, bức tranh cuối cùng Bùi Xuân Phái vẽ Văn Dương Thành theo lối bóp méo hình khối rất độc đáo, khổ 30x40 đã được gia đình danh họa bán cho một người Đài Loan dăm năm trước. Trước khi Bùi Xuân Phái mất khoảng 2 năm, Văn Dương Thành đã mời hai vợ chồng danh họa đến trao tặng bức tranh khổ lớn hiếm hoi. Đến nay, bức tranh này đã lưu lạc. Ban đầu nó được bán cho một giáo sư gốc Việt đang sống ở Pháp. Sau khi sở hữu bức tranh vị giáo sư đã gửi ảnh khoe với Văn Dương Thành. Khi tuổi cao, vị giáo sư chuyển giao bức tranh cho người khác. Hiện nay, Văn Dương Thành không biết tác phẩm lưu lạc nơi đâu. Họa sỹ, “nàng thơ” của Bùi Xuân Phái đương nhiên vẫn giữ được nhiều bức Bùi Xuân Phái vẽ mình, do tác giả tặng hoặc được chị mua lại từ gia đình. Ngoài bức tranh vẽ thiếu nữ áo hồng đọc sách đang lưu lạc, Bùi Xuân Phái còn vẽ thiếu nữ áo đỏ dưới trăng: “Lúc đó, tôi ngồi dưới trăng. Bác vẽ tôi tại nhà tôi ở Quán Thánh (Hà Nội)”. “Thiếu nữ áo đỏ dưới trăng” đã được một viện bảo tàng mua ngay sau khi bức tranh hoàn thành. Là họa sỹ nên ngoài thời gian làm mẫu cho Bùi Xuân Phái, Văn Dương Thành còn vẽ ông. Trong số đó có một bức được danh họa cho điểm cao: “Đó là một bức màu đen, bác thích lắm nên mượn treo”, chị nói.

Vẽ “nàng thơ” bằng tưởng tượng 

Suốt bao năm Văn Dương Thành ở nước ngoài, Bùi Xuân Phái vẫn vẽ chị trong tưởng tượng. Bà Nguyễn Thị Sính, vợ Bùi Xuân Phái từng đan cho “nàng thơ” của chồng một cái khăn dài 2m và một cái mũ để chị chống chọi với cái lạnh nơi xứ người. Bà còn viết thư cho Văn Dương Thành, gọi “cô”, xưng “tôi”: “Cô Văn Dương Thành, lâu lắm không gặp cô. Tôi đọc những dòng thư của cô tôi rất cảm động…”.  Văn Dương Thành gửi về cho Bùi Xuân Phái một cái áo dạ và một cái mũ. Danh họa cũng hay gửi thư cho “nàng thơ”. Bức thư của Bùi Xuân Phái đặc biệt, vì ngoài tâm sự còn kèm tranh ông vẽ. Ngày mất, vợ ông để ông mặc bộ comple do bà đặt may cho ông, bên cạnh, đặt cái mũ “nàng thơ” tặng ông, khi còn sống ông rất thích. Văn Dương Thành và họa sỹ Thành Chương chính là 2 trong số 6 người khiêng quan tài Bùi Xuân Phái.

Rất nhiều người nghĩ quan hệ giữa danh họa và “nàng thơ” ẩn chứa một tình yêu (trai gái) ngầm. Văn Dương Thành phủ nhận: “Nếu là mối tình bình thường thì quên nhau lâu rồi. Đằng này, rất nhiều năm sau ngày bác mất tôi vẫn làm triển lãm cho bác ở Thụy Điển. Chỉ có tình nghệ sỹ tri kỉ “đồng thanh tương ứng”, tình thầy trò mới bền lâu thế, cho dù khi tôi vào trường bác đã không còn dạy”. Sắp tới, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bùi Xuân Phái (1/9/1920), Văn Dương Thành dự định mở một triển lãm trong đó giới thiệu những tác phẩm của Bùi Xuân Phái và Văn Dương Thành. Hiện nay, Văn Dương Thành đã vẽ 100 bức tranh về Bùi Xuân Phái.

Vì sao Bùi Xuân Phái hay vẽ những bức tranh nhỏ?

Chỉ bởi, danh họa khi ấy rất nghèo. Văn Dương Thành kể: “Bà ve chai đi qua gánh một thúng sách. Bác mua về xé ra, hai cái bìa vẽ sơn dầu… Cho nên tranh sơn dầu của Bùi Xuân Phái bây giờ màu bị hút vào bìa. Chỉ có những bức dùng toan của tôi hay của một số người mang từ Pháp về là chịu được thôi. Những bức để ở nhà bác có khi ngả màu nâu vì ám khói bếp của một gia đình có đến 7 người ăn và khói thuốc lá nữa. Các cụ đến nhà chơi, ai cũng “kéo bễ” cả”. 

MỚI - NÓNG