Ngắn như thanh xuân?

Ngắn như thanh xuân?
TP - Phải nói bộ phim truyền hình “Về nhà đi con” làm được nhiều việc hay. Chẳng hạn, đây là bộ phim qui tụ gương mặt nghệ sỹ của cả hai miền Nam-Bắc, góp phần xoa dịu hiềm khích từng tồn tại. 

Cách đây hai năm có ý kiến cho rằng: Phim truyền hình miền Nam chết vì diễn viên mải chạy show đã gây ra phản ứng dữ dội trong giới nghệ sỹ miền Nam. Một diễn viên miền Nam không ngại “bóc mẽ”: “Hay vì lâu lâu mới có một phim gọi là nên cất cao tiếng gáy.(…). Người miền Nam làm phim dễ thương vô cùng tận, không ép giá nhiều như miền ấy”… Chẳng nên phân biệt vùng miền, phim Việt hay đều đáng vỗ tay như nhau bởi chúng có chung tác dụng kéo khán giả trở về thưởng thức “món ăn tinh thần” Việt, thay vì quen với “ẩm thực” xứ người.

Bên cạnh cơn mưa lời khen, “Về nhà đi con” vẫn râm ran tiếng chê.  Có “thượng đế” góp ý: Nên để phim kết thúc gọn gàng còn đọng lại dư âm trong lòng khán giả. Kéo dài chỉ khiến phim nhạt nhẽo.  Song một số “thượng đế” khác lại cho rằng: “Về nhà đi con” không quá dài. Vì “mang tiếng 85 tập phim nhưng mỗi tập chỉ chừng 20, 30 phút. Phần thực sự dài chính là… quảng cáo đan xen”.

Một vị tự giới thiệu đã sống ở nước ngoài 25 năm nhận xét: Chưa thấy khán giả nào lại dễ tính và nhẫn nại như khán giả Việt. Chấp nhận xem ti vi với lượng quảng cáo nhiều và dày đặc. Cứ 30 phút chiếu phim đã có gần 10 phút quảng cáo, chiếm khoảng 1/3 độ dài của phim. Nhận xét này làm phật lòng một số “thượng đế” đang bị phim “gây mê”: “Phải thông cảm cho “người ta”. Đã xem phim miễn phí còn đòi hỏi gì?”. Thế ra, người nhận đồ “miễn phí” cũng phải chấp nhận cả sự kém tôn trọng dành cho mình?

“Về nhà đi con” có hay đến mức như nó đang gây bão hay không, khó nói. Cũng không chắc tất cả khán giả đến với “Về nhà đi con” đều vì phim hay, hấp dẫn. Có người thấy ồn ào thì vào xem. Cũng có người không muốn mình “lạc quẻ” giữa dòng chung nên nhất định theo dõi cho bằng được. Từ đó, gây ra hiệu ứng khủng từ “Về nhà đi con”. Trong 84 cá nhân được đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu NSND, dư luận chủ yếu hướng sự quan tâm đến “ông bố quốc dân” Trung Anh. Điều này, sẽ khiến cho những nghệ sỹ khác ít nhiều chạnh lòng.

Không những thế, “Về nhà đi con” còn có “tội” tạo trào lưu. Một độc giả than phiền: “Chẳng biết phim hay thế nào mà hiện tại tôi ngán lắm cái phong trào “Thanh xuân như một li trà…”. Hãy yên tâm cơn “ngán” sẽ mau qua, bởi trào lưu chế lời bài hát/quảng cáo… tuổi thọ thường không cao.  Chỉ không biết cơn nghiện phim truyền hình Việt kéo dài được bao lâu? Nếu đó là một niềm đam mê bền lâu thì mừng là chính. Nhưng cũng phải đề phòng, khéo không chỉ khán giả nhí thích xem quảng cáo mà “thượng đế” ở ta cũng nghiện “món” này thì khôi hài lắm lắm. n

MỚI - NÓNG