Ngày về với Trần Vàng Sao

Nhà thơ Trần Vàng Sao và tác giả.Ảnh: T.N.A
Nhà thơ Trần Vàng Sao và tác giả.Ảnh: T.N.A
TP - Năm 1975, thi sĩ Trần Vàng Sao trở về quê hương cùng giấc mơ đất nước thống nhất nay đã thành hiện thực. Dưới hàng cau, câu chuyện giữa chúng tôi như không thể dứt.

Những năm 1960, ở ngoài Bắc phổ biến bài thơ của tác giả Trần Vàng Sao (tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941), thật dung dị, khúc chiết và da diết biết bao. Bài thơ có tên: “Bài thơ của một người yêu nước mình”. Không biết tác giả là ai, bởi tác giả còn hoạt động bí mật trong chiến khu ở khu IV với các biệt danh.

Cũng thời điểm ấy, khi thành phố Huế chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, bỗng dưng xuất hiện hàng ngàn tờ báo từ chiến khu gửi xuống, trong đó in một bài thơ dài, có thể nói là bài trường ca có cái chất Huế đặc sệt với bút danh Trần Vàng Sao lạ hoắc. Bài thơ được lưu truyền khắp nơi, nhất là trong sinh viên, học sinh. Không khí bao nhiêu năm bị kìm kẹp, chia cắt, bị bắt bớ giam cầm, như được thổi luồng gió vừa như rất xa lạ, vừa như rất thân quen.

Buổi sáng tôi mặc áo đi giày ra đứng ngoài đường/ Gió thổi những bông nứa trắng bên sông/ Mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua/ Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà/ Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé/ Tôi yêu đất nước này như thế/ Mỗi buổi mai.

Gặp anh Trần Vàng Sao trong ngôi nhà ngói trong thôn Vĩ Dạ (Huế), tôi như gặp người anh thân thiết. Chúng tôi vốn người cùng một làng, nhưng chúng tôi ở ngoài Bắc, còn anh trong Nam. Chúng tôi cùng thuộc một câu ca dao. Chẳng hạn câu: “Đồng Xuyên, Mỹ Xá ăn cá thay cơm”. Biết tôi cũng người làng Đông Xuyên, anh nói: “Tui quê ở Đông Xuyên nhưng tôi không ở đó. Ông nội và bố lên thành phố, cùng xây ngôi nhà ngói ni ở Vĩ Dạ. Năm 1946 tôi đi tản cư về Đông Xuyên 10 ngày rồi lại lên. Bố tôi tên Nguyễn Lê, năm 1947, ông đi hoạt động Việt Minh rồi bị Pháp giam trong Lao Thừa Phủ. Chúng đem ra Dương Hòa bắn chết. Tui ở với mẹ và chị”.

Ngày về với Trần Vàng Sao ảnh 1

Nhà thơ Trần Vàng Sao trước ngôi nhà của mình ở Vĩ Dạ

Anh Đính học trường Quốc Học, lúc còn sinh viên viết những bài báo phê bình, giới thiệu các tập thơ mới của Vũ Hoàng Chương, Ngô Kha. Nhà giáo Ngô Kha đến tận nhà thăm học trò. Anh nói: “Những năm nớ tui hay đưa chị tôi tên Miên ra bến đò về làng. Lâu quá rồi”.

Loay hoay tìm tập thơ hiếm hoi đã phai màu, anh đọc cho tôi nghe một đoạn:

Cơn bão số hai sắp rớt vào Hải Phòng/ buổi trưa cây cối ở Vỹ Dạ rất buồn/ em đưa chị về Đông Xuyên/ qua mấy dãy phố không thấy ai quen để chào/ hai chân chị đi vấp vào nhau(…)/ hôm qua máy bay thả bom ở Đông Xuyên/ người ở Mỹ Xá lên nói có trẻ con chết và nhà cháy/ em ngó vào mắt chị

(Trong cơn sốt đưa chị Miên về Đông Xuyên)

Chiến tranh đã tàn phá làng mạc quanh thành phố Huế. Nhà chúng tôi (gồm 4 tòa nhà rường cổ bằng gỗ lim, mỗi tòa 5 gian, quay mặt vào nhau, giữa sân có văn miếu thờ Khổng Tử, là nơi sĩ tử trong vùng đỗ đạt thường tới hương khói) và nhà anh cũng rất đẹp và kiên cố ở gần, sau con suối nhỏ rất nhiều cá. Quân ta kiên quyết bám trụ để bảo vệ cánh đồng Đông Xuyên vốn cung cấp gạo cho chiến khu.

Cuộc chiến đấu rất ác liệt, kéo dài nhiều năm tháng. Nhà cửa tan hoang hết, không còn gì nữa. Bạn bè của anh nhiều người ngã xuống. Anh viết: mi về Đông Xuyên trước tết/ và thoát chết trong một trận càn/ hầm ngập hết nước/ mi ăn gạo sống chạy nổi ngoài cồn mả ba ngày ba đêm/ mi gởi cho tau mấy viên thuốc dạ dày/ và một xấp Phong Lai/ bây giờ mi chết thật rồi sao.

(Đồng chí)

Khi còn sinh viên, anh Đính hoạt động bí mật trên thành phố cùng Nguyễn Đắc Xuân, in báo tuyên truyền. Địch về Vĩ Dạ vây bắt, may anh thoát được. Anh kể: “Tui thấy chúng bao vây nhà tui, tui phải thoát vô chiến khu Dương Hòa”. Anh làm công tác thanh niên, rồi làm tuyên giáo cùng với mấy người bạn thân là Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vĩ. Trước chiến dịch Mậu Thân, mọi người nói: “Sắp in số báo đặc biệt phát hành vô thành phố đó, có viết chi không Đính?”. Nghe vậy, anh vô hầm ngồi viết một mạch “Bài thơ của một người yêu nước mình”, với những câu: “Tôi yêu đất nước này khôn nguôi/Tôi yêu mẹ tôi áo rách/Chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu”.

“Sau đó tui trúng đạn pháo, bị thương, ra Bắc điều trị”. Anh đem nhiệt huyết và say sưa với cuộc sống với thơ theo cả cuộc hành trình mới. Anh kể: “Ra Bắc, tôi thấy nhiều điều đúng, nhưng cũng có việc chưa thật phù hợp. Tôi viết nhật ký, không ngờ bị người ta đọc được, cho là tôi có vấn đề, cái nhìn hơi tiêu cực”. Anh nói: “Tôi chỉ mong mọi việc tốt đẹp hơn, nghĩ sao thì viết vậy”. Anh nhớ lại: “Họ làm khó dễ tôi nhiều lắm. Nhưng khi đất nước thống nhất, tôi được cho về Nam, đó là điều tôi mừng nhất”.

“Tất cả mọi người đều quen với hình ảnh tui đi xe đạp mấy chục năm qua và nghĩ tui không biết đi xe máy”.

Thi sĩ Trần Vàng Sao

Trong “Bài thơ của một người yêu nước mình” anh đã viết: “Đất nước này còn chua xót/ Nên trông ngày thống nhất/ Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam / Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc”. Anh nói: “Những ngày tháng đó, tui chỉ mong mau thống nhất để được về gặp lại mẹ tui”.

Tủm tỉm cười, anh kể: “Tui vừa về đến Vĩ Dạ, bà con bạn bè chạy ra kêu toáng lên: Thằng Đính về rồi! Mạ ơi! thằng Đính về rồi!”.

Như trong bài thơ, anh về, đứng trước ngôi nhà của mình đượm màu thời gian. Mẹ anh mở cửa, bà lặng người đi. “Tui đứng trước cửa, mạ tui mở cửa tui vô. Mừng dễ sợ anh ơi”. Bạn bè trong làng Vĩ Dạ thì chạy tới sau lưng, dặn dò: “Ai nói đi mô mi cũng đừng đi nữa nha! Mi đừng đi mô nữa hết”.

Anh tiết lộ bí mật: “Tất cả mọi người đều quen với hình ảnh tui đi xe đạp mấy chục năm qua và nghĩ tui không biết đi xe máy. Thật ra, bữa nớ về Huế, tui đã mượn một chiếc xe máy, chạy một vòng quanh khắp thành phố”.

Ai tập kết ra Bắc về cũng làm chức này chức nọ. Còn anh thì sao? Anh Đính chỉ là một nhà thơ thôi. Ra Bắc, viết nhật ký thì bị tịch thu, đại khái thế. “Họ xếp tui về đi làm cơ quan tuyên huấn một thời gian rồi điều tui về làm liên lạc ở xã”.

Anh vẫn làm thơ. Cái gì khiến anh xúc cảm, đều thành thơ. Anh nghèo, làm bài thơ nói về cảnh nghèo. “Họ đăng thơ tôi rồi họ trị tôi. Các báo đánh tôi. Họ đổi mới, không đánh nữa, lại đăng thơ của tôi, cũng vẫn một bài thơ ấy!”. Có người quy chụp anh có vấn đề tư tưởng, dù bài thơ chỉ tả về chính tác giả: “năm nay bốn mươi ba tuổi/thường không có một đồng trong túi” (Người đàn ông bốn ba tuổi nói về mình”.

Chiều muộn, thành phố Huế lên đèn. Du khách khắp thế giới tới du ngoạn, họ về thăm viếng Vĩ Dạ rất đông. Anh Đính vẫn làm thơ trong ngồi nhà cũ, nhưng không gửi đăng ở đâu. Theo nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì: “Ngay cả việc người ta mời anh vào Hội Nhà Văn VN, anh cũng không vào vì sợ... khép vào một tổ chức nào đó lại bị kiểm điểm. Vậy nên, anh cứ sống thế, viết và vẽ”.

Ngôi nhà cũ, đầy sách cũ, những con người cũng cũ kỹ như muốn giữ lại dấu vết của năm tháng xưa. Anh dặn, ngày chạp chung của làng nhớ về. Anh có hai đứa con, một trai một gái. Con trai, anh lấy nguyên tên làng tôi mà đặt: “thằng nớ tên là Đông Xuyên”.

Anh Đính vẽ đức Phật rất nhiều bức, cố làm sao vẽ cho được cái thần của đức Phật. Anh Đính cũng có lối làm thơ thật độc đáo đó là cố làm sao cho thơ thật đúng với cuộc đời này. Phải chăng với anh, chính cuộc đời đã là một bài thơ? Anh sống và viết giản dị như cuộc đời: tôi yêu đất nước này chân thật/như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi/như yêu em nụ hôn ngọt trên môi/ và yêu tôi đã biết làm người/cứ trông đất nước mình thống nhất

(Bài thơ của một người yêu nước mình)

4/2014

MỚI - NÓNG