Nghệ sĩ đương đại đề xuất trích một phần không gian NVH làm không gian sáng tạo

Hội trường lớn của NVH quận Hai Bà Trưng biến thành hội trường cưới
Hội trường lớn của NVH quận Hai Bà Trưng biến thành hội trường cưới
TP - Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, các không gian sáng tạo độc lập đều thuộc quản lý của tư nhân hoặc các quỹ văn hóa nước ngoài. Ví dụ như Nhà sàn Studio, Studio Anh Khánh, Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh TPD, Manzi, Heritage Space, Zó Project…

Trong khi hầu hết các NVH đều đang để trống nhiều không gian và hoạt động không mấy hiệu quả. Một số nghệ sĩ đương đại đã đề xuất ý tưởng được chia sẻ một phần không gian trong các NVH làm không gian sáng tạo cho giới trẻ.

“Không gian sáng tạo nói đơn giản là nơi chia sẻ, kết nối và thực hành nghệ thuật. Đó là nơi gặp gỡ, trao đổi công việc, chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm của những người làm công việc sáng tạo như nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà thiết kế, người làm phim… Nó cũng là cái nôi để phát hiện, bồi dưỡng các tài năng nghệ thuật. Nhưng hiện tại, ở Việt Nam, nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ các không gian này. Nếu có thể chia sẻ một phần không gian của các NVH, tôi nghĩ các hoạt động văn hóa ở thủ đô sẽ sôi động hơn. Nó cũng sẽ hỗ trợ lại hoạt động của các NVH hiện nay”, nghệ sĩ Nguyên Limo nêu
ý kiến.

Một cán bộ phòng nghệ thuật của Trung tâm văn hóa Pháp cho biết: “Nhiều nghệ sĩ xếp hàng ở chỗ chúng tôi để được hỗ trợ về không gian trưng bày, biểu diễn, triển lãm, gặp gỡ. Trong khi tôi biết, các NVH đều để trống hoạt động này. Một số nghệ sĩ nói với tôi, khi đề cập các NVH hỗ trợ không gian thì không được duyệt vì họ sợ nội dung nhạy cảm hoặc “quá mới mẻ”. Đây là một lãng phí lớn, trong khi nếu NVH và nghệ sĩ bắt tay được với nhau, thì đôi bên cùng có lợi”.

“Các không gian sáng tạo càng nhiều thì khán giả càng có cơ hội tiếp cận nghệ thuật và nâng cao trình độ thưởng thức. Đây là một cách giáo dục tự nguyện và dễ thấm. Người mình thường không có nền tảng về các bộ môn nghệ thuật cơ bản nên trình độ thưởng thức nhìn chung thấp. Đối với đa số, nghệ thuật đương đại vẫn là một cái gì đó “điên điên”, kỳ quái, dị mọ... Trong khi ở thế giới, trẻ con ba bốn tuổi đã bắt đầu được tiếp cận nghệ thuật đương đại rồi”, Nguyên Limo nói thêm.

“Một mô hình có thể làm giữa NVH (thuộc quản lý của chính quyền) và các nghệ sĩ tự do chính là hợp tác, kết nối trên cơ sở hỗ trợ lẫn nhau. Đây là cách người phương Tây đã làm từ lâu và khá hiệu quả. Nhà nước đưa cơ sở vật chất, nghệ sĩ góp chất xám. Người được lợi chính là công chúng. Phải bày ra nhiều lựa chọn và nhiều thông tin hơn cho giới trẻ, mới có thể thu hút sự chú ý của họ”. giảng viên Nguyễn Thị Hoa (ĐH Hà Nội).

MỚI - NÓNG