Nghệ sỹ xiếc, múa đánh đu số phận

Nghệ sỹ xiếc, múa đánh đu số phận
TP - Nhịp tim có thể cao gấp ba lần, tiêu thụ lượng calo lớn, dễ bị bệnh xương khớp, tuyến yên, bàn và mu chân, loãng xương, mất kinh - điều đang diễn ra với nghệ sỹ múa, xiếc và diễn viên đóng thế.
Nghệ sỹ xiếc, múa đánh đu số phận ảnh 1
Một màn biểu diễn xiếc ở Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Thiên Nga

Hội thảo An toàn vệ sinh lao động trong một số ngành nghề đặc thù xiếc, múa, điện ảnh diễn ra sáng 13/11, do Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Vệ sinh Lao động Việt Nam tổ chức, đã chỉ rõ thực tế trên.

Theo số liệu khảo sát của PGS.TS Nguyễn An Lương - Chủ tịch Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, sau 35 - 40 tuổi, nghệ sỹ múa không thể tiếp tục biểu diễn, phải chuyển nghề và cũng là lúc họ giảm sút sức khỏe, bị các bệnh về xương khớp, tim mạch, thần kinh.

Một đại biểu dự hội thảo có con gái là nạn nhân của nghệ thuật múa, đó là TS Y học Nguyễn Thị Toán. Con gái chị từng du học múa ở Nga, đang biểu diễn thì gãy xương đùi. Cả gia đình chạy khắp nơi chữa trị, rồi cho em đi học báo chí, vĩnh biệt ánh đèn sân khấu.

“Chẳng thấm vào đâu so với xiếc. Nghệ sỹ xiếc đúng là đánh đu với số phận, mạo hiểm với tính mạng” - người của ngành múa - NSND Nguyễn Công Nhạc nói.

Xét về mức độ và cường độ lao động thì xiếc phải được coi là loại lao động đặc biệt nặng nhọc và nguy hiểm. Hiện, theo phân loại lao động, xiếc và ba-lê được xếp vào loại V - nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại và loại VI đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm độc hại.

Nghệ sỹ xiếc, múa đánh đu số phận ảnh 2

Các diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn tung hứng nhào lộn. Ảnh: Hồng Vĩnh


Thế giới đã công bố những nghiên cứu cho thấy, có nhiều nguy cơ về sức khỏe và mắc bệnh nghề nghiệp trong các nghệ thuật như đóng phim hành động, đóng thế, ba-lê, xiếc.

Hamilton W.G và Warren M.P chỉ ra rằng, vũ công nam và nữ có khuynh hướng tổn thương khác nhau do nữ chủ yếu thực hiện động tác múa bằng ngón chân, trong khi nam tập trung vào các động tác xoay, nâng và ôm giữ.

Nữ vũ công cũng dễ bị mắc chứng bệnh biếng ăn, mất kinh và loãng xương bắt nguồn từ áp lực giảm cân. Vũ công nữ thường nhẹ hơn 15 phần trăm trọng lượng lý tưởng so với chiều cao. Một khảo sát khác của học giả nước ngoài nêu: 95 phần trăm nghệ sỹ múa hơn một năm đã bị tổn thương đáng kể, mà hầu hết là ở bàn và cổ chân.

Theo một khảo sát mới, từ năm 2005 - 2009, trung bình số tai nạn ngành xiếc là 305 vụ/năm. Các nhà khoa học về an toàn lao động cho rằng tần suất tai nạn 305 phần nghìn là quá cao, bởi trong công nghiệp tần suất tai nạn là 20 phần nghìn theo số liệu của Hội KHKT An toàn lao động VN.

Một công trình trong nước nêu số liệu từ việc ghi điện tim từ xa: nhịp tim trung bình khi luyện tập xiếc là gấp đôi lúc nghỉ, nhịp tim tức thời của các tiết mục trên cao là gấp ba lúc nghỉ, nói chung là gây căng thẳng cao độ đối với chức năng hệ tim mạch.

Hai tác giả Phạm Ngọc Quỳ và Lê Gia Khải cách đây 15 năm đã nghiên cứu biến đổi chỉ tiêu sinh lý của 32 nam nữ nghệ sỹ ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam với 15 tiết mục khác nhau, cho thấy, xiếc là loại lao động đặc biệt, yêu cầu cao và phức tạp, mang gánh nặng thể lực lớn, căng thẳng cảm xúc cao.

Đóng thế, cũng là một nghề nguy hiểm. Số liệu từ Hiệp hội diễn viên Mỹ SAG và tờ Hollywood Reporter cho biết, từ năm 1980 - 1989, điện ảnh Mỹ có 40 ca tử vong, trong đó 21 trường hợp đóng thế, 19 trường hợp do tai nạn rủi ro khi đóng phim.

Nghề đóng thế không đơn thuần chỉ chấn thương mà có thể dẫn đến tử vong và tàn tật suốt đời, đồng thời có thể mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tim, tuyến yên.

Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cho biết, diễn viên đóng thế muốn đảm bảo quyền lợi và giảm mức độ nguy hiểm cần rõ ràng trong hợp đồng với hãng phim và đạo diễn, từ bảo hiểm, điều kiện làm việc, đến dụng cụ bảo hộ...

Đáng buồn là y phục không xứng kỳ đức. Dù được liệt vào loại lao động nguy hiểm độc hại nặng nhọc, nhưng thu nhập của nghệ sỹ xiếc, múa quá bèo bọt. Xiếc chưa có hệ cao đẳng, múa chưa có hệ đại học, còn điện ảnh thì hoàn toàn không có diễn viên trong biên chế nhà nước.

Vào trường xiếc, trường múa từ nhỏ, ra trường với bảng lương quá thấp (lương trung cấp), và 20 năm sau ngồi chờ về hưu nếu cơ quan không sắp xếp một công việc mới. Đến tuổi 35 - 40, nghệ sỹ xiếc, múa phải ra làm nhân viên bảo vệ cơ quan, chờ sổ hưu đã được coi là may mắn, còn mở hàng bán trà đá đợi đủ tuổi là chuyện thường.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Không ai theo xiếc, múa, điện ảnh mà chịu thừa nhận mình không yêu nghề. Ngay NSND Tâm Chính cũng vậy, cả gia đình gồm vợ chồng, con trai con dâu, cháu chắt đều theo xiếc cả.

Cùng với thu nhập thấp, lao động vất vả và sau cái chết trên đường đi làm về của con dâu 27 tuổi - một nghệ sỹ xiếc, bà Tâm Chính bảo: Tôi khuyên chúng nó vào ngành xiếc, chúng phản đối. Nhưng bây giờ đôi lúc tôi thấy chúng nó nói phải.

Ông Hồ Trí Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nói, Bộ này đang đề đạt sửa đổi Nghị định 132, trong đó giảm tuổi hưu cho nghệ sỹ xiếc, múa, cụ thể là 55 tuổi với nam giới, 50 tuổi với nữ giới.

Ông Hùng cũng cho biết, thay vì diễn viên xiếc phải nhận lương trung cấp bậc một sau khi ra trường, Nhà nước đã cho họ hưởng lương bậc hai.

“Như vậy, qua chế độ thanh sắc, bồi dưỡng tập luyện và chế độ lương cho nghệ sỹ, Nhà nước đã nhìn thấy sự bất hợp lý trong thu nhập của lao động nghệ thuật” - Ông Hùng nói.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.