Nghệ thuật Trúc chỉ "chạm ngõ" Hà Nội

Không gian sắp đặt "Lời của Sông".
Không gian sắp đặt "Lời của Sông".
TP - Sau hơn ba năm mày mò nghiên cứu và sáng tạo với loại hình nghệ thuật mới - nghệ thuật Trúc chỉ, lần đầu tiên nhóm nghệ thuật Trúc chỉ đặt triển lãm tại Hà Nội với tên gọi "Lời của sông".

Họa sỹ Phan Hải Bằng, người sáng lập của nghệ thuật Trúc chỉ cho biết, người Hà Nội vốn khó tính và khắt khe đối với nghệ thuật, nên giờ anh mới đủ tự tin để mang tác phẩm của mình ra "báo cáo" (tại Viện Goethe từ 2/7 đến 15/7). Trước đó, nhóm đã có một số cuộc triển lãm tại Huế và TP Hồ Chí Minh.

Có lẽ, người Hà Nội mà họa sỹ Phan Hải Bằng e ngại chính là những người thầy của anh tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, nơi anh được Đại học Mỹ thuật Huế cử ra "tu luyện" hơn một năm sau khi tốt nghiệp và được giữ lại ở trường giảng dạy. Họa sỹ Lê Huy Tiếp là một trong số những người thầy đáng kính của Phan Hải Bằng trong thời gian anh ra Hà Nội, nhưng ông lại không phải là thầy giáo đứng lớp trực tiếp, mà Phan Hải Bằng tự "mò" đến nhà thầy xin học riêng.

Tại triển lãm, người thầy đầy vẻ tự hào về học trò cũ của mình. Họa sỹ Lê Huy Tiếp cho biết, ông đang đi công tác nước ngoài 4-5 tuần nay, nhưng đã xin về trước thời hạn vì nóng lòng được xem triển lãm đầu tiên của học trò tại Hà Nội. Và ông  hài lòng với sáng tạo của học trò của mình với lời khen: Đó là triển lãm đẹp và thú vị. Lung linh và huyền ảo.

Với ý niệm "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông" của Hecraclite, nhóm nghệ thuật Trúc chỉ đã khai thác hình tượng Sông, tượng trưng cho Mẹ vào bộ tác phẩm sắp đặt "Lời của sông". Đó là một dải lụa dài 120m được sắp đặt uốn lượn trên không và sà xuống một số tác phẩm sắp đặt khác. Ngoài ra, 12 mô hình chiếc áo tơi, tượng trưng cho chiếc áo của 12 bà mụ, được treo móc thành hai hàng dọc theo chiều dài của không gian triển lãm. Ở cuối phòng triển lãm, chính giữa, sắp đặt một hương án, trước đó có tấm rèm Trúc chỉ được gắn với chiếc đòn gánh với ý nghĩa thờ mẹ. Theo họa sỹ Phan Hải Bằng, ở đâu có không gian triển lãm Trúc chỉ, ở đó có chiếc hương án với tinh thần của Trúc chỉ.

Toàn bộ hệ thống tác phẩm này khai thác chủ yếu là Trúc chỉ và một số chất liệu hỗ trợ khác như plastic, lụa, dây thép, đèn LED... Ánh sáng vàng là hiệu ứng ánh sáng chủ đạo trong không gian triển lãm. Hiệu ứng âm thanh được thể hiện qua hệ thống loa, với tác phẩm âm thanh của nghệ sỹ trẻ Đào Sỹ Tùng soạn riêng cho triển lãm. Hai TV lần lượt trình chiếu các video về Trúc chỉ cũng như các công đoạn thực hiện tác phẩm.

Tác phẩm Trúc chỉ được bắt đầu ngay khi quy trình làm giấy kết thúc. Trên tấm giấy vừa seo, đang còn ướt, nghệ sỹ tác động lên bề mặt của nó, làm thay đổi bản chất cấu trúc của xơ sợi bằng một số kỹ thuật, làm cho các hình ảnh, cấu trúc, sắc độ? hiện lên. Một trong những kỹ thuật cơ bản là water spray. Dùng một vòi nước (có thể điều chỉnh áp lực và kích cỡ hạt nước) phun trực tiếp lên bề mặt tấm giấy ướt với các công cụ được chuẩn bị, che chắn làm cho các hình ảnh hiện lên trên tấm giấy.

Sau hơn ba năm liên tục thử nghiệm với loại hình nghệ thuật mới này, họa sỹ Phan Hải Bằng cho biết, tre là lựa chọn ưu tiên vì đặc tính  xơ sợi và tính thích ứng, dễ kiếm, chứ thực ra nhóm đã từng thử nghiệm với nhiều chất liệu sẵn có tại địa phương như rơm, mía,  chuối, bèo, lá và đều có thể ra sản phẩm Trúc chỉ. Họa sỹ Hải Bằng tiết lộ, chỉ riêng với sợi kén là anh đã từng thử nghiệm nhưng chưa thành công vì quá khó.

Cùng tham dự triển lãm này với Phan Hải Bằng còn có hai nhân vật quan trọng của nhóm nghệ thuật Trúc chỉ là họa sỹ Ngô Đình Bảo Vi, người được coi là "mama tổng quản" của nhóm và họa sỹ trẻ Trần Ánh Phi, người vừa tốt nghiệp khoa đồ họa tạo hình với đồ án tốt nghiệp là tác phẩm Đồ họa Trúc chỉ  "Đi qua thời gian", hiện anh đóng vai trò trưởng nhóm sáng tạo.

Ra triển lãm ở Hà Nội lần này, Ngô Đình Bảo Vi không quên "PR" cho nghệ thuật Trúc chỉ bằng chiếc ví Trúc chỉ mà cô "kè kè" bên người. Vi cho biết, nhóm hiện vẫn đang tập trung nghiên cứu, nên chưa có nhiều sản phẩm trên thị trường. Vì là nghiên cứu, nên nhóm đề cao tính thẩm mỹ với tiêu chuẩn khá khắt khe do nhóm đặt ra và làm hoàn toàn thủ công. Chiếc ví của Vi nằm trong bộ sưu tập ví về Sài Gòn xưa mà nhóm sản xuất khoảng 10 chiếc độc nhất, không cái nào giống cái nào.

Bên cạnh những ứng dụng Trúc chỉ vào các sản phẩm thời trang với số lượng cực ít, theo họa sỹ Bảo Vi, nhóm hiện muốn đầu tư nhiều hơn vào ứng dụng nội thất, vì nó giúp Trúc chỉ nổi bật về giá trị thẩm mỹ.

Nghệ thuật Trúc chỉ "chạm ngõ" Hà Nội ảnh 1

Họa sỹ Phan Hải Bằng (bìa phải) và Ngô Đình Bảo Vi (bìa trái) với bà giám đốc Viện Goethe Meyer-Zollitsch tại triển lãm

Tại hôm khai mạc triển lãm "Lời của sông", chị Duyên, người đã từng sống sát cổng trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, đã đến xem và nhất định phải đến cám ơn tác giả trước khi ra về. Chị bảo: "Tôi đã đi hơn 40 quốc gia trên thế giới, được xem nhiều triển lãm nghệ thuật, nhưng về đây vẫn rất xúc động trước triển lãm nghệ thuật Trúc chỉ. Tôi hy vọng các bạn cố gắng phát huy và mang nghệ thuật này giới thiệu với bạn bè quốc tế".

Được biết, sau Hà Nội, bộ tác phẩm này sẽ được triển lãm ở Huế vào tháng 8, sau đó tiếp tục triển lãm tại TPHCM. Hiện nhóm đã nhận được lời mời sang triển lãm tại Mỹ.

Bên cạnh triển lãm, nhóm cũng có hai workshop về nghệ thuật Trúc chỉ tại Hà Nội. Ngày cuối cùng của triển lãm, nhóm sẽ có buổi trải nghiệm nghệ thuật Trúc chỉ với người xem. Tuy nhiên, họa sỹ Hải Bằng hơi nuối tiếc vì không gian và địa điểm hạn chế nên khán giả chỉ được trải nghiệm một phần công đoạn làm Trúc chỉ. Ở Huế, nhóm thường xuyên mở các lớp học trải nghiệm nghệ thuật Trúc chỉ cho trẻ em và nhận được những phản hồi tích cực.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.