Nghĩ về Robin Williams trong ngày khai giảng

TP - 1/ Tại một trường nam sinh trung học phổ thông, trong khi các giáo viên trịnh trọng dạy những điều mòn cũ, dọa dẫm về điểm chác, thi cử thì thầy giáo dạy ngữ văn John Keating do Robin Williams thủ vai bước vào lớp với tiếng huýt sáo trẻ trung hơn tuổi và dạy cho họ vô số điều mới mẻ bằng giọng nói truyền cảm, ánh mắt cuốn hút thỉnh thoảng láu lỉnh, và chẳng giờ học nào giống giờ học nào.

Giờ học đầu tiên, ông mời một học sinh đọc câu trong Thánh ca: “Nhặt các nụ hồng khi ngươi còn có thể/Thời xa xưa là một mũi tên bay/Và bông hoa này mỉm cười hôm nay ngày mai sẽ lại héo tàn”. 

Để phân tích cho những chàng non choẹt đang mắt tròn mắt dẹt: “Thuật ngữ Latinh cho rằng câu này là Carpe diem - có nghĩa là, sống hết mình hôm nay”.

Nghĩ về Robin Williams trong ngày khai giảng ảnh 1

Robin Williams với khoảnh khắc đáng nhớ trong sự nghiệp - phim “Câu lạc bộ thi ca”

“Bởi chúng ta là thức ăn cho giun, các chàng trai. Hãy sống hết mình, làm cuộc sống của mình trở nên phi thường!”.


Học văn đương nhiên phải tập làm thơ! Có người làm rất dễ dàng: “Để trở thành thủy thủ của thế giới, hãy đến tất cả các cảng”. Có người rụt rè đọc câu thơ về “Con mèo ngồi trên tấm thảm” rồi tịt ngóm trong tiếng cười nhẹ của bạn. Cậu liền được khích lệ: “Thầy không bận tâm nếu bài thơ của em có chủ đề đơn giản. Bài thơ đẹp nhất có thể nói về những điều đơn giản. Như một con mèo hay một bông hoa hoặc mưa. Thơ có thể đến từ bất cứ điều gì với sự khám phá về điều ấy”.

Những giờ học của họ thực sự là tuyệt vời hạnh phúc. Nó phóng khoáng, đầy khám phá bản thân và người khác, khám phá thế giới. Ra khỏi giờ học, họ nghĩ, làm những điều mà trước đó họ không thể, hoặc không quan tâm. Không ai cần giống ai. 

Thầy giáo có lúc thì thầm vào tai họ, có lúc chạy bộ cùng, vừa chạy vừa hô hét. Động tác nhảy lên bàn thật quá bất ngờ! “Tôi đứng lên đây để nhắc bản thân rằng chúng ta phải luôn nhìn mọi thứ theo những cách khác”. 

Rồi thầy mời từng đứa lên bàn, ngó nghiêng xem góc độ mới này có khác thật không. (Cuối phim, Keating bị đuổi khỏi trường, các nam sinh đã biểu thị thái độ phản kháng quyết định bất công và sự ủng hộ thầy bằng hành động tập thể - cùng đứng lên bàn).

Ông đã truyền cho họ sự tự chủ, mạnh mẽ dù chỉ để nói lên ý nguyện của mình với người cha lý tài, hoặc đủ can đảm tỏ tình với bạn gái dù chưa chắc đạt được gì. Mỗi lúc tự làm được những việc nho nhỏ, họ lại hô Carpe diem đầy sung sướng! Sống hết mình và tự hào về điều đó.

Ông truyền cảm hứng để họ hiểu “Từ ngữ và ý tưởng thay đổi thế giới!”; “Chúng ta đọc và làm thơ không phải vì nó dễ thương mà vì chúng ta là thành viên của nhân loại. Và nhân loại được phủ đầy bằng niềm đam mê. Y, pháp luật, kỹ thuật, kinh doanh - Đây là những việc theo đuổi cao quý và cần thiết để duy trì cuộc sống. Nhưng thơ. Vẻ đẹp, lãng mạn, tình yêu. Đây là những thứ chúng ta sống vì”.

2/ Hôm qua, có một trường trung học cơ sở ở Hà Nội khai giảng sớm. Nó là ngôi trường mới tinh, được gấp rút hoàn thành, gắn biển “công trình chào mừng 60 năm giải phóng Thủ đô”. 

Trong khi các đại biểu đọc diễn văn, tôi tham quan một lượt, thấy với diện tích chưa phải là lớn - khoảng 2 ngàn mét vuông, ngoài những phòng như phòng hội đồng sư phạm, có cả phòng nghỉ của giáo viên, phòng thay đồ của học sinh, phòng chuẩn bị... 

Phòng học có các ngăn kéo đựng tư trang, khóa cẩn thận. Trên tường phòng đa năng với các hoạt động thể thao, có bức ảnh lớn rất đẹp Bác Hồ đang tập tạ và câu Bác nói “Tự tôi ngày nào cũng tập”.

Lễ khai giảng năm học đầu tiên đầy ý nghĩa, học sinh hát bài hát sáng tác riêng cho trường của chúng. Tiếng trống đầu tiên vang lên hòa tiếng đọc thơ. Bài thơ này giản dị, thể hiện khát vọng của thầy trò một ngôi trường mới, đặc biệt. Nghe loáng thoáng câu thơ về địa linh Ba Đình, về con phố cổ Cửa Bắc, Quán Thánh mà trường tọa lạc, rồi người anh hùng Nguyễn Tri Phương trường vinh dự mang tên...

Nghe chúng hát “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội” mặt mày rạng rỡ, không hiểu cha mẹ chúng nghĩ gì còn tôi hy vọng tất cả sẽ không chỉ có thế, cái ngôi trường mà tôi chứng kiến từ ngày đặt viên gạch xây dựng đầu tiên.

Robin Williams, thiên tài trong lĩnh vực của mình, vừa tự kết thúc cuộc đời ở tuổi 63. Xem lại bộ phim Dead poets society (tạm dịch: Câu lạc bộ thi ca) với những nội dung vừa kể, càng hiểu vì sao nó được giải Oscar cho biên kịch. Nhân vật của Williams nói với học trò “Một ngày kia chúng ta sẽ ngừng thở, trở nên lạnh lẽo và chết đi” vậy nên “Các chàng trai, các em phải phấn đấu để có tiếng nói của riêng mình. Vì các em càng chờ đợi lâu để bắt đầu, càng ít khả năng các em sẽ tìm thấy nó. Thoreau đã nói: Hầu hết mọi người sống với nỗi tuyệt vọng câm nín. Đừng để điều đó đúng. Hãy đột phá”.

Tôi mơ con tôi, cháu ruột tôi, bạn bè bé nhỏ của chúng cùng những đứa trẻ khác, có được một lần trong đời, người thầy như John Keating mà Robin Williams thủ vai. Điều này không hẳn là không tưởng vì con tôi từng hạnh phúc với cô giáo lớp 4 của nó. Mơ chúng được hạnh phúc thực sự, chứ không phải là sống sót trong những mái trường. Hết 12 năm phổ thông, 5 năm đại học, đi làm lĩnh lương, về hưu rồi cứ thế tiến đến cõi. Học, học nữa, học mãi không chỉ để tranh đấu với đời, ấm vào thân mà còn hiểu thế nào là sức mạnh của ngôn từ, của tư tưởng, sự nhân văn, lòng dũng cảm và, Carpe diem!

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.