Ngôn ngữ đời thường tấn công ca khúc

Cẩm Ly: “Mắng yêu” thôi mà!
Cẩm Ly: “Mắng yêu” thôi mà!
TP - Sau “anh đếch cần gì nhiều ngoài em” của Đen Vâu gây tranh cãi  thì ca sỹ Cẩm Ly trong một gameshow  đã “nhá hàng” hai câu trong  sáng tác mới  của chồng, nhạc sỹ Minh Vy: “Mồ tổ cha mày không về mà thăm đất quê….”. Dư luận lại dậy sóng.

Chỉ là mắng yêu, đừng “rộn”?

“Câu này không phải câu chửi, mấy bà già ở quê hay mắng yêu: “Mồ tổ cha mày”, Cẩm Ly giải thích ngay sau khi cất giọng hát vài câu ở gameshow “Ai sẽ thành sao”. Khi dư luận ồn ào, chồng chị, cha đẻ “Mồ tổ cha mày” lên tiếng khẳng định: “Vợ chồng tôi chưa bao giờ có ý muốn PR hay tạo scandal khi làm nghề trong suốt 30 năm nay. Trong khuôn khổ thời gian cho phép của chương trình thì Cẩm Ly không thể hát trọn vẹn ca khúc, nên cô ấy đã chọn ra những câu đắt nhất để hát nhưng lại đúng ngay câu bà ngoại mắng yêu đứa cháu lâu quá không về thăm quê, thăm bà. Thật ra những câu này nằm ở gần cuối bài rồi. Nếu mọi người nghe trọn vẹn ca khúc này thì chắc chắn sẽ có kỷ niệm đẹp về tuổi thơ miền Tây Nam Bộ”.

Nghe nói, ca khúc mang tên “Ngoại ơi con về” chứ không phải “Mồ tổ cha mày” như dân mạng lao xao. Nhiều khán giả miền Tây cảm thấy “mồ tổ cha mày” đi vào ca khúc không có vấn đề gì, thậm chí khiến họ xúc động, nhớ kỷ niệm tuổi thơ: “Ai là người miền Tây sẽ hiểu tựa bài hát trên. Cách mắng yêu của bà ngoại, giờ muốn nghe cũng không nghe được”; “Tự nhiên nghe câu mồ tổ cha mầy nhớ hai bà cố quá đi…”; “Nghe “mồ tổ cha mày” nhớ ngoại quá. Muốn về thăm ngoại ngay lập tức”; “Nhớ nội quá. Nội hay nói câu này với tôi” v.v...

Nhưng rõ ràng, Cẩm Ly, Minh Vy không chỉ định phổ biến ca khúc loanh quanh ở miền Tây.  Họ có tính đến những người miền khác không hiểu “mồ tổ cha mày”? Và không chỉ ở miền Tây, ở miền nào, trong dân gian cũng có những câu mắng yêu, thoạt nghe có vẻ suồng sã, thậm chí tục. Sau “mồ tổ cha mày” liệu có “mốt” đưa những câu chửi yêu đặc trưng vùng miền vào ca khúc? Khai thác mùi vị đời sống hiện thực kiểu này liệu có tạo nên sức sống mới cho những ca khúc viết về quê hương xứ sở? Nghe lại “bộ sưu tập” những sáng tác về miền Tây của cố nhạc sỹ Thanh Sơn hình như chẳng thấy ông vận dụng một câu chửi yêu nào. Thế mà ông được mệnh danh “nhạc sỹ của miền Tây”.

“Thượng đế” cần thả lỏng hay nhạc sỹ cần chắt lọc?

Ngôn ngữ đời thường gần đây có vẻ gợi nhiều cảm hứng cho người sáng tác ca khúc. Đen Vâu không những đặt tên bài hát “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em”, mở đầu ca khúc còn liên tục nhấn mạnh mấy lần: “Và anh đếch cần gì ngoài em”. Có khán giả phê phán: “Và anh chẳng cần gì ngoài em! Hay và văn minh hơn nhiều. Nghệ sỹ trẻ bây giờ dơ quá!”. Nhưng có rất nhiều người bênh Đen Vâu: “Đừng khắt khe quá. Thả lỏng người và nghe cũng hay mà”. Không ít khán giả cho rằng , nghệ sỹ underground như Đen Vâu được “đặc quyền” dùng từ “đếch”: “Nhiều người không biết gì về Under, lại mang tiêu chuẩn của Vpop ra để cân đong đo đếm” v.v... Nhưng người trong cuộc cũng đã lúng túng khi đứng trước từ “đếch”.

Đen Vâu chia sẻ: “Bản thân mình và những người bạn khi làm ca khúc này đã suy nghĩ rất nhiều về từ đếch, thực sự là tìm rất nhiều cách khác để thay thế mà không được”. Cũng như nhạc sỹ Minh Vy, Đen Vâu phản đối việc có người cho rằng, người sáng tác dùng từ “đếch” để câu view: “Nếu để câu view mình sẽ không dùng từ đấy mà dùng từ sốc hơn, căng hơn”. Và đương nhiên Đen Vâu cũng thấy từ “đếch” đặt trong bài hát không hề dung tục. Đen Vâu đưa ra quan điểm: Không ngần ngại sử dụng từ ngữ đời thường. Cho nên, sau “đếch”, trong tương lai có thể anh cũng sẽ mở ra nhiều cuộc tranh cãi khác.

Giống như việc sử dụng tiếng lóng trong sáng tác văn học, đưa ngôn ngữ đời thường vào ca khúc nên cân nhắc cẩn thận. Khán giả xưa nay luôn nhạy cảm và được quyền nhạy cảm.  Không chỉ ngôn ngữ lạ mà hình ảnh lạ tự nhiên xuất hiện trong một bài hát, thế nào cũng “tạo sóng”. Còn nhớ, trước đây khi nhạc sỹ Ngọc Lễ đưa “cái bô” vào trong ca khúc “Con mãi tuổi lên ba” đã khiến dư luận đứng ngồi không yên. Nhiều người đưa ra lí do phản đối “bô”: Chẳng phải hình ảnh nào của cuộc sống đời thường cũng nên đi vào thơ ca, nhạc họa.  Cách sử dụng ngôn ngữ đời thường trong sáng tạo nghệ thuật cũng thế, cần chắt lọc. Một nhà văn lớn viết, đại ý: Khi giết gà, ta không bao giờ luộc cả gà lẫn lông. Phải học cách lược đi, tước đi.

Ngôn ngữ đời thường tấn công ca khúc ảnh 1 Đen Vâu: “Câu view phải sốc hơn”. Ảnh: Nguồn Internet
MỚI - NÓNG