Ngủ quên trong chiến thắng là chết!

NSND Đoàn Dũng (giữa) bên đồng nghiệp và học trò tại Nhà hát Lớn nhân cuộc hội ngộ 60 năm Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam. Ảnh: TOAN TOAN.
NSND Đoàn Dũng (giữa) bên đồng nghiệp và học trò tại Nhà hát Lớn nhân cuộc hội ngộ 60 năm Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam. Ảnh: TOAN TOAN.
TP - NSND Đoàn Dũng, một trong số ít nghệ sỹ bay ra Hà Nội dự giỗ tổ nghề sân khấu - Lễ kỷ niệm trang trọng 60 năm Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam tại Nhà hát Lớn. Ông chia sẻ trăn trở về sân khấu trong thời đại thế giới phẳng.

Là một trong số nghệ sỹ lão thành nhiệt tình với các kỳ cuộc hội ngộ, xem ra ông còn nặng lòng sân khấu lắm?

Mỗi một lần ra Hà Nội được gặp bạn bè, tri âm tri kỷ sống và làm việc với nhau mấy chục năm trời nên tôi vui chứ, nhưng cũng buồn vì một số người ra đi. Nhìn lớp trẻ tôi cũng thấy vui hơn, nhiều người cố gắng kế tục sự nghiệp thế hệ đi trước, nhưng cũng đáng buồn khi một số em học ít, lấy bản năng ra làm nghề khá tội nghiệp. Tôi nghĩ rằng niềm vui nỗi buồn nhiều lắm, vì vinh quang cay đắng đè nặng hai vai nghệ sĩ. Tôi “đá” ba sân-sân khấu, điện ảnh và làm thầy- nay 80 rồi cũng có chút vui vì hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cũng còn nhiều thiếu sót. Tôi vẫn nói với học trò rằng đến chết chúng ta vẫn đi tìm mới là trọn vẹn.

Xem clip về chặng đường 60 năm của sân khấu, ông cảm thấy thế nào khi sân khấu ngày càng thụt lùi?

Thời nào cũng có đỉnh của nó. Sau đỉnh cao thì phải tụt xuống mới lên đỉnh cao tiếp được, thậm chí chưa lên được tới đỉnh như cũ đã tụt xuống. Nghệ thuật không có giới hạn. Đỉnh cao luôn ở phía trước, suốt cuộc đời chúng ta phải đi tìm. Không nên so sánh với các cụ, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Thời các cụ có điều kiện riêng, làm nghề và sáng tạo, đam mê mang dấu ấn thời kỳ đó. Các em trẻ hiện nay có điều kiện riêng ở cơ chế thị trường. Thế giới hiện nay là thế giới phẳng, lượng thông tin ghê gớm lắm tôi nghĩ nên trân trọng, nâng niu, vun trồng mới có được thế hệ tuyệt vời sau này. Đừng vội vàng phủ định mầm non mới hé lên, có thể nó sai nhưng tương lai nó đúng và thành  hình tượng nhiều người mơ ước.

Nhưng rõ ràng sân khấu Việt Nam những năm qua không có được tác phẩm gây tiếng vang, phải chăng chúng ta thiếu từ biên kịch cho tới diễn viên ngôi sao?

Có được tác phẩm hay không đơn giản chỉ là đội ngũ tác giả. Đời sống xã hội, tư tưởng, kinh tế và nhiều thứ khác mới hình thành tác phẩm hay. Đôi khi điều đáng buồn là chủ thể sáng tạo đang không tin chủ thể quản lý, chủ thể quản lý đánh mất lòng tin với xã hội thì lấy đâu ra tác phẩm hay. Chúng ta phải khiến lớp trẻ có niềm tin. Các tác phẩm tuyệt vời từ cổ chí kim đều trong hoàn cảnh khó khăn, cho nên đâu phải nhiều tiền là có tác phẩm hay. Thời đói rách lại có tác phẩm hay bởi vì có tấm lòng, niềm tin vào tương lai. Vừa rồi tôi xem hình tượng cha con Quốc Tuấn 15 năm ròng chăm lo cho con. Anh ấy là người bố, người bạn, đồng nghiệp tuyệt vời của chúng tôi, tin rằng điều tốt đẹp ấy sẽ lan toả trong xã hội. Tôi nghĩ mình phải biết chấp nhận, tu dưỡng, chắt chiu từng chút một để tạo ra niềm tin và hy vọng.

Lâu nay một số nghệ sỹ không mặn mà với hội nghề nghiệp. Với tư cách bậc lão thành ông mong mỏi gì ở Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam sau chặng đường 60 năm?

Đây là hội chính trị, nghề nghiệp, xã hội. Tuy nhiên hiện nay hội chưa phải kiềng ba chân vững, còn khập khiễng lắm. Nghề nghiệp là cả  quãng đường dài tích luỹ, nhặt nhạnh. Muốn có tác phẩm hay tác giả phải lăn mình vào đời sống với bà con để thấu hiểu sâu sắc. Cơ chế thị trường hay nhưng cũng hủy hoại nhiều thứ. Nhìn rộng ra văn hóa vẫn chưa được đầu tư xứng đáng. Thử hỏi khách nước ngoài vào đây muốn xem một nhà hát toàn diện, thỏa sức cho đạo diễn và diễn viên sáng tạo cũng không có. Nhà hát Lớn  không đáp ứng được điều này. Chúng ta thiếu một nhà hát đạt chuẩn quốc tế. Thế giới có quá nhiều phương pháp, phong cách sáng tạo ghê gớm, mình ngủ quên trong chiến thắng là chết.

Tới dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đất nước đang phát triển nhanh nhưng văn học nghệ thuật, sân khấu nói riêng còn nhiều bất cập và phải đối mặt nhiều khó khăn do chuyển đổi cơ chế. Những bất cập này có thể vượt qua nhờ sự vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự ủng hộ của xã hội theo tinh thần Nghị quyết 33. Bên cạnh sự tri ân, ghi nhận đóng góp của các thế hệ đi trước, Phó Thủ tướng đề nghị chú trọng đào tạo nhân lực sân khấu, nhất là với chuyên ngành khó thu hút người học, có chính sách tạo điều kiện cho nghệ sỹ sáng tạo.

Tại lễ kỷ niệm sáng 1/10, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sân khấu cho nhiều nghệ sỹ, tặng quà cho các NSND, NSƯT được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước, các nghệ sỹ tròn 70 và 80 tuổi, có đóng góp cho sự nghiệp sân khấu. BTC cũng trao Giải thưởng Nghệ thuật năm 2016 cho các tập thể, cá nhân xuất sắc.

MỚI - NÓNG