Ngược về quá khứ

Minh họa: Trung Hiếu
Minh họa: Trung Hiếu
TP - Câu chuyện ngược về quá khứ của tôi tình cờ xảy ra vào lúc nửa đêm khi tôi choàng tỉnh sau một giấc mơ. 

Tôi mơ thấy “chị pháo hoa” của tôi từ bếp ăn tập thể đi lên. Một bếp ăn rộng thênh thang trong lòng núi thời chiến tranh chống Mỹ. Hàng ngàn đồng đội của chị đang vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả sau nhiều giờ cặm cụi trong những căn nhà hầm, làm việc cận kề với thần chết. Đó là những khối thuốc nổ làm nên không biết bao nhiêu vũ khí cung cấp cho chiến trường. Trên mũ chị gắn một cái khẩu hiệu bươm bướm viết tay dòng chữ nắn nót "Hậu phương đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu".

Không hiểu sao, trong giấc mơ, tôi lại thấy chị đi đơn độc một mình hướng lên đỉnh một quả đồi trơ trọi. Chị vừa đi vừa khe khẽ hát, khe khẽ đung đưa mái đầu có hai bím tóc đuôi sam thắt nơ hồng. Khi chiếc mũ trên tay chị xoay xoay, cũng là lúc chị lấy được từ trong lòng mũ ra một lá thư của người bạn trai cùng lớp, cùng làng mới ra tiền tuyến. Lá thư không phải của người yêu gửi cho người yêu, nhưng cái cách gọi nhau đằng ấy và mình, chị đọc đi đọc lại đến thuộc lòng vẫn cứ muốn dở ra đọc lại. Không thể bảo chị đang vui hay đang  buồn, mà là chị đang có cả buồn vui lẫn lộn.

Bỗng âm vang một cột nổ do bom Mỹ phá rách khoảng không bình lặng phía bên kia núi Thắm, nơi đó có bao nhiêu hang động là bấy nhiêu kỷ niệm tuổi thơ của chị. Gió trung du bất thần cuộn tung lên bầu trời cơn lốc, cuốn theo cánh thư cùng cái khẩu hiệu bươm bướm khiến chị sững sờ. Hàng ngàn hàng vạn lá thư, hàng ngàn hàng vạn cái khẩu hiệu bươm bướm bay lả tả xuống quanh người chị, đậu  xuống chân chị. Chị cúi nhặt lên và nhận ra đồng đội từ nhà ăn tập thể túa ra. Trên tay họ đều có mỗi người một lá thư và một cái khẩu hiệu bướm như chị. Chị hoà vào đồng đội trở về với căn nhà hầm, tiếp tục cặm cụi làm nên những thứ vũ khí mà chiến trường đang ngày đêm mong đợi…

Tôi ngẩn ngơ nhận ra mình đang nằm trong căn phòng đầu hồi của nhà khách cơ quan chị. Gió thốc tung màn. Tôi mang máng nghe đâu đó có tiếng hát ngân nga. Tiếng hát như thể từ trong sâu hút giấc mơ, từ trong sâu hút của rừng đại ngàn chập chờn hiện về thời trai trẻ. Hình như tôi chưa hoàn toàn ra khỏi giấc mơ bởi vòm cây cứ chao ngược lên vì gió. Tôi se sẽ ngồi dậy, chợt nhớ những ngày này của năm 1975, chúng tôi lặn lội trong đêm rừng vượt sông, vượt suối, vượt đồng để về đến cửa ngõ Sài Gòn…

Tôi thả bộ ra khỏi căn phòng, không đừng được bởi cái không khí huyễn hoặc của cây, phơ phất mùi hương nồng nàn của Dạ lan hương, thứ hoa khiêm nhường có có không không ấy. Đã lâu năm rồi, nay tôi mới có dịp trở lại đây, mới hay tin chị đã "xây dựng gia đình" với anh thương binh nặng bên trại thương binh. Mấy chục năm trước, sau chiến tranh hơn chục năm mà chị vẫn ở vậy. Người trai làng "đằng ấy" đã trở về, đã có vợ có con. Còn chị thì cứ đọc đi đọc lại lá thư, tưởng như người ấy vừa mới còn đâu đó…Tôi nhớ mãi dáng chị đứng thẫn thờ trước căn phòng nhà máy mới phân cho hộ độc thân. Rồi chị quay vào, cầm bát cơm lên rồi lại đặt xuống, chỉ có mình với bóng của mình. Chị không thể trách ai, không thể trách mình. Mình có lỗi gì đâu. Đằng ấy có lỗi gì đâu. Nhìn ra cuộc sống sao mà sôi động. Chị quay vào với chiếc giường đôi, có cái gối đôi, nhận ra quá khứ và hiện tại giản dị hơn quan niệm một thời…

Hẳn vì thế mà cái đoạn sau dịu dàng của cuộc đời chị đã và đang được đền bù. Nghe tin chị đã có chồng, có con, có nhà với vườn cây ao cá, tôi háo hức xin được tới thăm. Nhưng anh chị đã về xuôi thăm quê chồng nhân ngày 30 tháng Tư sắp tới. Nhà cửa, ruộng vườn, anh chị "quẳng lại" cho bạn bè trông giúp. Còn cháu gái, con anh chị đã học lớp 6, nó đã biết tự lo, anh chị “gửi” luôn cô giáo. Thế là ổn. Vậy mà giờ đây sao tôi lại cứ thấy nao nao buồn tiếc. Tiếc không gặp chị, gặp anh. Tôi nhớ chuyện lần trước gặp, chị luôn nhắc về quá khứ. Vâng, thoắt cái mà đã mấy chục năm rồi. Cái ngày chị vừa rời ghế nhà trường cùng chị em nhập ngũ rồi được điều động về đây học nghề, làm nghề. Nghề liên quan tới thuốc nổ! Không biết bao nhiêu chiến sĩ đã lập nên công trạng nhờ có bàn tay khéo léo của các chị, các anh nơi hậu phương lớn với những căn nhà hầm tĩnh lặng cùng những nụ xoè, kíp nổ… Tuổi xuân các chị, các anh gắn liền với thứ vật liệu gây nổ vừa dữ dằn vừa thiêng liêng ấy. Không được phép sơ suất. Muốn không sơ suất thì phải bớt đi cái tính hiếu động của tuổi trẻ, bớt đi cuộc sống mộng mơ. Nhưng tuổi trẻ làm sao không mộng mơ. Ấy thế mà các chị, các anh vẫn đi qua tuổi trẻ, đi qua cái mộng mơ để hướng ra tiền tuyến. Tuổi trẻ mỗi thời có nhiệm vụ của mình. Cái thời của các anh các chị là phải quên tuổi trẻ riêng tư để hoà nhập cùng tuổi trẻ cả nước. Hướng về miền Nam ruột thịt, về ngày thống nhất non sông.

Cả ngày hôm nay tôi xuống thăm những doanh trại cũ, những phân xưởng sản xuất cũ. Vẫn những căn nhà hầm nép trong các triền núi. Vẫn những người thợ trẻ cặm cụi làm việc cùng "vật liệu gây nổ". Và tôi cứ ngỡ hơi thở thời tuổi trẻ của các anh các chị vẫn còn đây. Vẫn còn đây những căn hầm sâu hun hút dưới chân núi. Những người thợ trẻ bây giờ vẫn phải luôn nhớ rằng mình đang làm việc với thứ vật liệu đặc biệt nguy hiểm. Nó đòi hỏi suốt trong quá trình thao tác một sự khéo léo ngặt nghèo. Ở đây không có chuyện lỡ tay, sơ ý. Mới hay cái việc chung sống hòa bình đầy cảnh giác của lớp thợ trẻ đi trước và lớp thợ trẻ bây giờ chẳng khác gì nhau. Không những chỉ có chung sống mà còn phải trân trọng, nâng niu, vuốt ve cái “râu” của tử thần một cách tự tin. Tự tin đến độ lạnh lùng. Tựa hồ một nghệ sĩ nâng cây đàn violin lên vai, tựa hồ chàng tài tử cầm roi nuôi dạy hổ. Không có tình yêu nghề nghiệp mà tin vào khả năng chinh phục của mình thì làm sao chinh phục được cái vẻ lặng im rình rập dữ dằn kia.

Những gì tôi vừa kể ra chưa phải là tất cả. Để có được cái "tất cả" như hôm nay ta có, ấy là sự quan tâm đặc biệt đến môi trường sống và làm việc của người lao động. Không phải ngẫu nhiên cả một vùng trung du rộng lớn đã phủ xanh đồi trọc. Càng không phải ngẫu nhiên trên những xưởng máy, những ngôi nhà ở, ẩn chứa bao kỳ tích suốt nhiều chục năm qua là những tán cây, vòm rừng, với những khuôn viên xinh xắn. Nào hoa, nào quả nào cây cảnh, nào hòn non bộ. Ngoài sân, trước hiên, trong nhà, đâu đâu ta cũng ngập chìm trong màu xanh của hoa lá cành. Ta ngỡ mình đang lạc vào một khu nghỉ mát, một an dưỡng đường, nếu không bất chợt gặp những tốp thợ thay ca vừa trật tự trang nghiêm, lại vừa khẩn trương hối hả. Và thấp thoáng đâu đó những đường ống dẫn nhiệt, những dàn hơi. Rất ít thấy khẩu hiệu, ở nơi luôn cần sự nhắc nhở cẩn trọng này. Không! Các anh đã thay thế khẩu hiệu bằng cây xanh, bằng điều kiện làm việc. Những phân xưởng cần thiết đều được trang bị máy điều hoà. Việc trồng cây gây rừng, bảo vệ và chăm sóc cây ở đây đã thành thói quen, đã thành tập quán. Chặt một cây, thậm chí một cành cây đều phải qua kiểm tra và có quyết định. Điều ấy không phải là giải pháp, trên cả giải pháp, đấy là điểm nhấn nhằm biểu lộ tình cảm với cây xanh của cả tập thể.

Ở đây người ta quan niệm môi trường không phải chỉ có cây xanh và bình nước lọc.

Đã lâu lắm rồi tôi mới lại được hoà nhập cùng thiên nhiên, được đi giữa “đường làng” được nghe tiếng gầu khua đáy giếng, tiếng gà gáy, chó sủa, có cả tiếng trẻ học bài. Có tiếng ai đó chạy nhảy trong sân và trên cả những âm thanh bình yên ấy, tôi cứ ngỡ mình đang đi giữa đường làng quê của tôi, một làng quê Việt Nam thân thuộc, chứ không còn nhớ gì tới những sợi khói thuốc nổ, những dây cháy chậm cùng những hạt nổ, nụ xoè. Vâng, nếu sau ngày làm việc ở những căn nhà hầm cận kề với bọn thuốc nổ trái tính trái nết kia được trở về với căn nhà ấm cúng, có vườn hoa, cây cảnh, có ao cá dàn su thế này, thì sự “nổ” của bọn thuốc kia chẳng làm cho thần kinh người ta căng thẳng, mà nó là những màn pháo hoa nở rộn rã trên bầu trời thanh bình đón chào những ngày lễ tết của dân tộc.

Một đàn chim dăng dây bay xào xào trên đầu, tôi chợt nghĩ đến câu: “đất lành chim đậu”. Đúng thế, đất lành chim đậu. Tôi phải trở về nhà anh chị. Anh, người lính bị thương đúng ngày 30 tháng Tư ở cửa ngõ Sài Gòn. Còn chị, người chị pháo hoa của tôi. Tôi được ăn bữa cơm đoàn tụ trước ngày 30 tháng Tư do cô con gái xinh xẻo đãi chú, và chia tay nhau trong màu xanh do chính bàn tay anh chị tạo dựng.

Tháng 3 năm 2020

Các chị, các anh vẫn đi qua tuổi trẻ, đi qua cái mộng mơ để hướng ra tiền tuyến. Tuổi trẻ mỗi thời có nhiệm vụ  của mình. Cái thời của các anh các chị là phải quên tuổi trẻ riêng tư để hòa nhập cùng tuổi trẻ cả nước. Hướng về miền Nam ruột thịt, về ngày thống nhất non sông.

MỚI - NÓNG