Người bị nhầm tưởng là... “ma lai“

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phùng Sơn. Ảnh: Kiến Nghĩa.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phùng Sơn. Ảnh: Kiến Nghĩa.
TP - Phùng Sơn - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian còn là một cán bộ Đoàn. Anh từng là gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu do Trung ương Đoàn bầu chọn lần đầu tiên, và hiện nay vẫn đồng hành cùng những người trẻ.

Họa sĩ hóa nhà nghiên cứu

Tôi gặp Phùng Sơn tại cuộc tọa đàm “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu: Cống hiến và tỏa sáng” diễn ra gần đây. Hôm đó, nhìn gương mặt và chiếc áo thổ cẩm Phùng Sơn khoác trên người, tôi ngỡ anh là người dân tộc. Lật giở cuốn kỷ yếu giới thiệu khái quát về các gương mặt trẻ được Trung ương Đoàn bầu chọn, tôn vinh trong 20 năm qua (1996-2016), tôi thêm chú ý khi biết anh hiện vừa là một cán bộ Đoàn, vừa đạt được những thành quả đáng kể trong nghiên cứu văn hóa dân gian.

Qua trò chuyện, mới hay quê gốc của Phùng Sơn ở xứ Huế thơ mộng, nhưng những năm tháng lăn lộn trên đất Tây Nguyên khiến anh thấm dần khí chất của người dân tộc. Cách đây hơn 30 năm, trong lần đến Tây Nguyên để vẽ, sinh viên mỹ thuật Phùng Sơn như bị hớp hồn bởi cảnh sắc và con người nơi đây. Vì thế sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, Phùng Sơn tình nguyện rời đất Cố đô để về công tác tại Đoàn nghệ thuật Đam San (Tây Nguyên), làm họa sĩ thiết kế. 

Rồi cơ duyên đến khi anh được Sở Văn hóa tỉnh Gia Lai-Kon Tum cử đi tháp tùng đoàn nghiên cứu của Viện Văn hoá Dân gian vào công tác tại vùng Đăk Glây của tỉnh. GS.TS Tô Ngọc Thanh khi đó là trưởng đoàn nghiên cứu nhận thấy sự sáng tạo, năng nổ trong công việc của Phùng Sơn nên đã giao việc cần kíp cho anh. 

Ngay buổi đầu, ông đưa cho anh một đống đồ thổ cẩm, bảo phải vẽ và ghi chép lại hết trong đêm vì ngày mai đoàn phải di chuyển địa điểm. Đêm đó, Phùng Sơn thức trắng bên đèn dầu, làm một mạch đến sáng thì công việc hoàn tất. Tiếp nhận thành quả của Phùng Sơn, Giáo sư khen: “Cậu rất chịu khó và có khả năng nghiên cứu”.

Có lần Phùng Sơn suýt mất mạng vì bị tưởng là “ma lai”. Nhưng qua những lần “ngậm ngải” đó, anh đã có được vài chục trang viết tay, hàng trăm hình vẽ minh họa về trang phục, phương tiện sản xuất, dụng cụ âm nhạc và mô típ nhà ở của đồng bào các dân tộc.

Sau gần một tháng điền dã, những thu thập mỹ thuật của Phùng Sơn được GS Tô Ngọc Thanh đánh giá cao. Một chiều, anh đang ngồi vẽ ngôi nhà rông của dân tộc Striêng, GS Tô Ngọc Thanh đến bên, bảo: “Cậu có mê công việc này không?”. Phùng Sơn đáp: “Dạ, cháu mê lắm. Cháu được nhận vào làm thiết kế mỹ thuật cho một đoàn văn công của địa phương mà vốn liếng Tây Nguyên chưa có. Công việc này sẽ giúp cháu sau này rất nhiều”. GS Tô Ngọc Thanh nói: “Không chỉ thế. Nếu tiếp tục công việc này cậu sẽ trở thành một nhà nghiên cứu mỹ thuật dân gian. Đây là việc quan trọng, nhưng ít người làm”.

Người bị nhầm tưởng là... “ma lai“ ảnh 1

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Sau chuyến công tác trên, Phùng Sơn thu xếp công việc để có thời gian nghiên cứu về văn hoá của người dân vùng cao. Anh đã lặn lội khắp các vùng sơn cước của Gia Lai-Kon Tum để tìm hiểu những phong tục tập quán, cách lao động, ăn uống, vui chơi của người dân tộc. Để làm được như vậy, Phùng Sơn đã dành thời gian đáng kể để “ba cùng” với họ trong mỗi chuyến đi. 

Anh vào sâu trong rừng thẳm, đến xã Mô Ray (Sa Thầy, Kon Tum) để sống với tộc người Rơ Mâm khi đó chỉ còn trên dưới 30 hộ nhằm tìm hiểu những nét kiến trúc đặc trưng về nhà ở của họ giữa thiên nhiên hoang dã. Lần khác, anh đi bộ băng rừng đến vùng sát biên giới Việt-Lào, tới xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum) để nghe người Bờ Râu kể về tập tục đeo vòng cổ chân và đeo bông tai được làm từ ngà voi.

Không ít lần, Phùng Sơn lặn lội đến với đồng bào các dân tộc Bahnar, Striêng… để tham dự lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới. Những chuyến đi ấy đối với anh có cả nỗi đắng cay lẫn sự ngọt ngào, như là chuyện “ngậm ngải tìm trầm”. Nhiều khi, để đến được nơi đã rất vất vả, nhưng Phùng Sơn lại không được vào làng vì vi phạm những tập tục mà anh không hề biết. Hoặc có lần Phùng Sơn suýt mất mạng vì bị tưởng là “ma lai”. 

Nhưng qua những lần “ngậm ngải” đó, anh đã có được vài chục trang viết tay, hàng trăm hình vẽ minh họa về trang phục, phương tiện sản xuất, dụng cụ âm nhạc và mô típ nhà ở của đồng bào các dân tộc. Đánh giá về những tư liệu này, Nhà dân tộc học Từ Chi nhận xét: “Tôi đã thu nhận được nhiều điều sau khi xem bản thảo của họa sĩ Phùng Sơn”.

Năm 1992, sau khi tách tỉnh Gia Lai- Kon Tum, Phùng Sơn về công tác tại Tỉnh Đoàn Kon Tum, nhưng vẫn dành thời gian nghiên cứu văn hóa dân gian. Năm 1994, anh bảo vệ thành công đề tài “Mỹ thuật dân gian các dân tộc tỉnh Kon Tum”, công trình sau đó được Bộ Khoa học & Công nghệ cấp giấy chứng nhận, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Huy chương và bằng Lao động sáng tạo. Năm 1996, Phùng Sơn được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tôn vinh là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu của năm, rồi được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích sưu tầm văn hóa dân tộc.

Người bị nhầm tưởng là... “ma lai“ ảnh 2

Nhà nghiên cứu Phùng Sơn (trái) đến thăm GS.TS Tô Ngọc Thanh (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Chiếc máy ghi âm tặng già làng

Sau công trình trên, Phùng Sơn tiếp tục sưu tầm những truyền thuyết, những câu chuyện cổ còn lưu truyền trong trí nhớ của các dân tộc tại Tây Nguyên. Anh đã tìm gặp các già làng để nghe họ kể lại những câu chuyện truyền miệng xưa cũ, cẩn thận ghi chép, ghi âm lại. Một lần, trong quá trình làm việc, một già làng thấy chiếc máy ghi âm thu phát được giọng nói nên cứ đề nghị anh tặng lại. 

Đây chính là chiếc máy ghi âm Phùng Sơn được Thủ tướng tặng năm 1996 về thành tích sưu tầm văn hoá dân tộc. Anh rất muốn giữ chiếc ghi âm vì đó là quà tặng của Thủ tướng, đồng thời máy lại rất hữu dụng trong công việc, nhưng vì già làng đề nghị thiết tha quá nên anh đành tặng lại. Nhiều năm sau đó, Phùng Sơn phải tốc ký trong mỗi chuyến đi thực tế.

Sau nhiều năm, những ghi chép, sưu tầm các câu chuyện cổ của Phùng Sơn mỗi lúc thêm phong phú. Và mỗi lần đi thực tế về, anh lại cặm cụi chỉnh sửa, bổ sung những tư liệu vừa thu thập được. Thỉnh thoảng, bạn bè lại thấy anh vui vẻ khoe tập bản thảo mới được đánh máy và in sạch sẽ. 

Qua đó, hàng chục truyện cổ, truyền thuyết của các dân tộc Bahnar, Rơ Mâm, Xê Đăng, Jarai, Striêng… có nguy cơ mai một nay được Phùng Sơn lưu lại cẩn thận như: Đàn T’rưng, Chàng nghèo, Bộ tro thần sét, Chàng Ề, Đăm Hin, Ba anh em mồ côi, Dòng sông Đăk Bla, Truyền thuyết Chư Moray… Những câu chuyện này thường gắn với tập tục, thói quen của làng, hoặc lý giải về sự ra đời của các địa danh, những loài vật hiện diện trong đời sống hằng ngày của từng dân tộc. 

Đó là truyền thuyết về ngọn núi Chư Mo Ray cùng tình nghĩa chị em giữa Blai và Kpalang; là sự tích về loài về hang cọp và loài chim Chơ Vơ; là câu chuyện về dòng sông Đăk Bla chảy ngược cùng sự ra đời của hai làng Kon Tum Kơ Păng và Kon Tum Kơ Nâm thuộc thị xã Kon Tum… 

Những câu chuyện này sau đó được Phùng Sơn in thành cuốn “Truyền thuyết truyện cổ các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum”. Năm 2012, tác phẩm này được Hội đồng thẩm định tác phẩm (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam) chọn xuất bản theo Chương trình công bố tài sản văn hóa các dân tộc do Chính phủ tài trợ.

Phùng Sơn tâm sự: “Tôi thấy mình luôn trẻ khi nhiều năm qua được làm việc và chơi với người trẻ”. Rồi anh cho biết, năm 1992 bản thân đã rời Đoàn Ca múa nhạc Đam San để về làm việc Trung tâm Văn hoá Thể thao Thanh thiếu nhi (VHTTTTN) Kon Tum, thuộc Tỉnh Đoàn Kon Tum. Trước đây, khi còn là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, với niềm đam mê văn hoá nghệ thuật, Phùng Sơn là một trong những thành viên sáng lập Câu lạc bộ (CLB) Sáng tác trẻ của Thành Đoàn Huế. 

Nay anh đem mô hình ấy để thành lập CLB Sáng tác trẻ tại Trung tâm VHTTTTN Kon Tum. CLB Sáng tác trẻ do Phùng Sơn làm chủ nhiệm đã thu hút nhiều cây bút trẻ, mà sau này nhiều người đã thành danh. Ở Trung tâm VHTTTTN Kon Tum, năm nào Phùng Sơn cũng đề xuất để các cây bút trẻ được đi thực tế, nhằm tạo điều kiện cho họ hiểu hơn về con người và văn hoá nơi mình đang sống. Năm 2012, khi được được tăng cường sang Trung tâm Hỗ trợ thanh niên tỉnh Kon Tum, Phùng Sơn lại đề xuất để thành lập CLB Nghề nghiệp Việc làm, góp phần cải thiện nhận thức của thanh niên vùng dân tộc thiểu số thuộc tỉnh về công việc, việc làm hiện nay… 

Phải “hóa thân”

Phùng Sơn cho biết, lần ra Hà Nội gần đây, anh đã đến thăm GS.TS Tô Ngọc Thanh tại nhà riêng.“Hồi tưởng lại chuyến công tác lần đầu với Giáo sư cách đây hơn 30 năm, có kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi”- anh nói. Rồi Phùng Sơn kể: Trong một lần chia tay dân làng, tối hôm đó đoàn được họ mổ lợn chiêu đãi. Tuy nhiên miếng thịt khi thái ra ăn còn rất đỏ, cứ như thịt sống. Được một thành viên trong đoàn nháy mắt, tôi hiểu ý nên tìm cách lẻn khỏi bữa ăn. Cả hai chui xuống gầm nhà rông, mò mẫm mãi mới tìm được chỗ bằng phẳng để ngả lưng.Vừa chớm nằm, chúng tôi bỗng nghe tiếng quát: “Hai cậu kia đâu rồi”. Vài người cầm đuốc bước xuống nhà rông để tìm. Khi thấy chúng tôi, họ yêu cầu phải ăn thịt bằng được.

Sáng sớm hôm sau, trước khi lên đường, GS Tô Ngọc Thanh tập trung cả đoàn để trao đổi. Sau khi nghiêm khắc nhắc nhở hai thành viên của đoàn đã lén ra khỏi bữa ăn tối qua, Giáo sư nói: “Chúng ta đang làm công việc giữ gìn giá trị cho đời sau, những giá trị văn hóa của chính con người nơi đây. Mà văn hóa là gì nhỉ? Văn hóa chính là con người. Chúng ta muốn tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc, trước hết chúng ta phải hóa thân thành đồng bào dân tộc”. Rồi Giáo sư cười, dịu giọng: “Phải chịu khó thôi các bạn. Lúc trước mới làm công tác này ở rừng núi phía Bắc, mình cũng như các bạn thôi. Nhưng dần dần sẽ quen”.

MỚI - NÓNG