Người chụp ảnh mỹ nhân Sài Gòn

Người chụp ảnh mỹ nhân Sài Gòn
TP - Ngày 30/10, lần đầu tiên một bộ ảnh chân dung các nghệ sỹ nổi tiếng Sài Gòn ngày ấy được triển lãm trước công chúng - tại đường sách Nguyễn Văn Bình - TPHCM. Triển lãm trưng bày 17 tấm ảnh của các mỹ nhân như Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Thái Thanh, Thanh Lan… Tác giả bộ sưu tập, ông Đinh Tiến Mậu hy vọng sẽ có thêm những triển lãm khác để có thể trưng bày toàn bộ bộ ảnh mấy trăm nghệ sỹ của ông.   

Làng Lai Xá (thuộc Kim Chung- Hoài Đức- Hà Nội) là ngôi làng đầu tiên tại Việt Nam có nghề nhiếp ảnh từ năm 1869. Cũng từ ngôi làng này, đã có hàng trăm nghệ nhân đi khắp Việt Nam và cả nhiều nước trên thế giới để mở cửa hiệu nhiếp ảnh. Ông Đinh Tiến Mậu sinh năm 1935. Bố mẹ là dân Lai Xá nhưng ông Mậu lại sinh tại Sài Gòn. Tuy nhiên ông vẫn tự hào mình là người Lai Xá bởi: “Cha tôi ở Lai Xá vào làm nghề ở Sài Gòn từ trước năm 1930 và đưa vợ con vào theo. Mẹ tôi tuy đi theo cha nhưng vì nhà còn mấy mẫu ruộng đang cho cấy rẽ nên cứ đến vụ là phải về quê để thu hoạch. Vì thế hồi nhỏ tôi vừa sống ở Sài Gòn lại vừa sống ở Lai Xá, năm nào cũng phải theo mẹ đi tàu Bắc Nam mấy bận. Khi được hơn mười tuổi, mẹ cho tôi ra Hà Nội học nhiếp ảnh ở tiệm photo Hợp Dung, gần Bờ Hồ. Năm 1948 vào lại Sài Gòn tôi học tiếp ở tiệm ảnh Văn Vấn trên đường Bùi Thị Xuân, chủ tiệm cũng có họ hàng với gia đình tôi. Bà Văn, vợ ông Vấn là em của mẹ tôi. Tôi làm phụ việc thì ban đầu phải học những việc đơn giản. Sau thì cắm đầu làm trong buồng tối, có khi vài ngày chả bước chân ra ngoài cửa tiệm. Tôi học và làm ở đó 10 năm trước khi ra mở tiệm riêng” - Ông Mậu kể.

Ông Mậu cũng có một thời khốn khổ bởi vốn ít lại chưa quen quản lý. 4 lần mở tiệm thì 4 lần phải dẹp khi thì do thiếu tiền thuê nhà, khi thì chủ nhà tăng giá thuê cao quá chịu không nổi và có lần, vì thấy tiệm làm ăn có chút lãi nên chủ nhà đuổi để tự kinh doanh. Mãi cho tới khi ông Mậu mở tiệm ảnh Viễn Kính ở số 277 Nguyễn Đình Chiểu thì công việc của ông mới bắt đầu ổn định. Ông Mậu chiêm nghiệm: “Ngày đó có lúc khốn khó quá tôi đã có ý định bỏ nghề, đi kiếm việc khác làm. Nhưng rồi lại thấy bao năm mình học nghề vất vả giờ bỏ thì phí. Và đúng như các cụ nói là qua cơn bĩ cực tới ngày thái lai. Tiệm Viễn Kính của tôi đã làm ăn dần ổn định”.

Người chụp ảnh mỹ nhân Sài Gòn ảnh 1

Ông Mậu với chiếc máy chụp hình đã từng chụp các Mỹ nhân ở Sài Gòn

Theo ông Mậu nhớ, vào khoảng năm 1965, một người quen của ông đang làm việc tại hãng đĩa Asia - Sóng Nhạc có nhờ ông chụp hình làm bìa đĩa của vài nữ ca sỹ trẻ. Chưa làm ảnh bìa đĩa bao giờ nên ông Mậu đã phải đi tìm kinh nghiệm từ những người đi trước. Nhưng ông nhận thấy nhiều tấm ảnh chân dung do tiền nhân chụp đều cùng một kiểu với nhân vật đứng chính diện khá đơn điệu. Không hài lòng với kiểu chụp này, ông đã tìm tới những tạp chí nhiếp ảnh nước ngoài. Rồi những tấm ảnh chân dung trong tạp chí điện ảnh Pháp (Les Cahiers du Cinema) đã cho ông Mậu thấy nhiều góc máy rất khác biệt trong chụp chân dung. “Tôi thấy để chụp một nhân vật thì không phải cứ chụp chính diện mới đẹp. Rồi cả ánh sáng, sự tương phản cũng góp phần rất nhiều. Vì thế tôi quyết định sẽ tìm cách đột phá để làm những bộ ảnh khác biệt”. Ông Mậu đã trình làng những bộ ảnh chân dung đầy mới mẻ, phá cách. Ban đầu các hãng đĩa cũng như các tạp chí cũng hơi dè dặt, chỉ dám in thử. Nhưng thật bất ngờ khi các bộ ảnh đó lại được khen ngợi và các hãng bắt đầu đặt ông Mậu chụp thường xuyên.

Nhiều người đã tìm đến với tiệm ảnh Viễn Kính, nhờ chụp những bộ ảnh chân dung theo phong cách mới của ông.  Trong đó có nhiều nghệ sỹ, tài tử nổi tiếng. Ông Mậu nhớ lại bộ ảnh của diễn viên điện ảnh Thẩm Thúy Hằng- Một trong những giai nhân đẹp có tiếng ngày đó. Ngoài những tấm ảnh về gương mặt thanh tú đầy sức thu hút của người đẹp được xưng danh là “Người đẹp Bình Dương”, ông còn được đặt hàng chụp ảnh Thẩm Thúy Hằng với trang phục quyến rũ. Ngày đó phụ nữ chụp hình áo tắm đã là khó khăn, còn người đẹp như minh tinh Thẩm Thuý Hằng thì còn khó hơn nữa. Làm sao để kiếm được một địa điểm vừa đảm bảo an toàn, vắng người nhưng lại phải có phong cảnh đẹp, phù hợp với bộ áo tắm? Tìm mãi, ê kíp của ông Mậu mới lựa chọn được khu suối Lồ Ồ (Dĩ An- Bình Dương hiện nay) để thực hiện. Bộ ảnh của ông Mậu đã được khen ngợi là táo bạo, dám đột phá và đã được dùng làm bìa cho bộ ảnh lịch Xuân của báo Phụ Nữ Ngày Mai năm 1967.

Người chụp ảnh mỹ nhân Sài Gòn ảnh 2

Diễn viên điện ảnh Thẩm Thuý Hằng với trang phục áo tắm trong bìa lịch 1967

Tiệm Viễn Kính của ông Mậu đã thu hút nhiều giai nhân có tiếng ở Sài Thành như minh tinh màn bạc Kiều Chinh, ca sỹ Băng Châu, Lệ Thu, Thanh Thúy, Giao Linh, Thanh Lan hay những nghệ sỹ cải lương như Thanh Nga, Bạch Tuyết… chọn tiệm chụp hình Viễn Kính để lưu giữ vẻ đẹp thời xuân sắc của họ. Không chỉ chụp hình với những người nổi tiếng, ông Mậu còn lựa chọn những người mẫu ảnh của riêng mình. Ông Mậu vẫn nhớ có một cô gái trẻ có cái tên khá giản dị là Nguyễn Thị Kim Sang. Khi đến chụp ảnh tại Viễn Kính thì Kim Sang chỉ mới 17 tuổi và đang là học sinh trường Huỳnh Khương Ninh- Sài Gòn. Không ai biết đến cô gái trẻ này cho tới khi bộ ảnh của Kim Sang do ông Mậu chụp đã đoạt giải Hoa hậu ảnh do báo Phụ Nữ Ngày Mai tổ chức.

Các nghệ sỹ thì coi Viễn Kính là nơi lui tới thường xuyên. Nhiều người đẹp coi ông là bạn thân. Ông kể có khi 2 giờ sáng, ca sỹ Thanh Thúy còn gõ cửa rủ ông đi ăn khuya vì buổi tối cô kẹt phải đi hát ở các phòng trà. Còn nghệ sỹ Thanh Nga thì không bao giờ từ chối lời mời chụp hình. Thậm chí có lần đang kẹt đóng phim tại Sài Gòn, Thanh Nga cũng sẵn sàng đi máy bay lên Đà Lạt để kịp chụp bộ ảnh với rừng thông và hồ Than Thở.     

Tính tới ngày giã từ nghề chụp ảnh chân dung, ông Mậu đã có một kho ảnh đồ sộ với vài trăm bức ảnh khổ lớn về chân dung của những người đẹp và người nổi tiếng. Trong đó rất nhiều ảnh trong bộ ảnh của ông đã được dùng để làm lịch Xuân, dùng để in trên các poster quảng cáo của các chương trình ca nhạc sân khấu cũng như để in lên bìa các đĩa nhạc, trang bìa các tạp chí điện ảnh sân khấu. Ông kể, cũng đã có nhiều người hỏi bí quyết chụp ảnh chân dung và ông cũng tận tình chỉ dẫn nhưng ít ai có thể học được theo ông. “Bí quyết để chụp ảnh chân dung của tôi chỉ đơn giản là trước khi chụp nhân vật hãy quan sát thật kỹ gương mặt của họ. Rồi xem thần thái họ ra sao, chụp thế nào để làm nổi bật được nét đẹp của từng người. Một điều quan trọng hơn nữa là người chụp ảnh phải chủ động trong mọi công đoạn chụp ảnh. Từ lúc chuẩn bị để chụp cho tới khi bấm máy, pha thuốc rồi xử lý phim, in tráng, chỉnh sửa ảnh...

Nhưng quan trọng hơn cả là để khắc họa được chân dung một người nghệ sỹ cho hoàn hảo thì người nhiếp ảnh phải hiểu được đối tượng mình đang chụp, phải biết chia sẻ được với người nghệ sỹ đó nhiều điều.

Người chụp ảnh mỹ nhân Sài Gòn ảnh 3

Nghệ sỹ Thanh Nga với tấm hình ghép đôi.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Mậu vẫn giữ tiệm ảnh nhưng ít chụp ảnh chân dung vì lúc đó kinh tế đất nước nhiều khó khăn. Ông chuyển qua đi làm báo với vai trò phóng viên ảnh cho đến khi nghỉ hưu. Bộ ảnh chân dung nghệ sỹ dù qua gần 50 năm vẫn được ông lưu giữ kỹ càng. Điều ông chia sẻ là hiện nay công nghệ chụp ảnh số ra đời nên những kỹ thuật phòng tối của ông ngày xưa đã không còn có ai quan tâm nữa. Mấy đứa con cũng không theo nghiệp cha nên cả di sản cuộc đời của ông, từ kinh nghiệm bao năm làm nghề cho tới bộ ảnh quý, ông chả biết chia sẻ với ai.

Năm nay đã bước vào tuổi 82 nhưng ông Mậu trông  còn rất tráng kiện. Ông bảo hàng ngày vẫn còn đi dạo bộ vài cây số, vẫn ăn tốt ngủ tốt. Thậm chí ông còn sắm một chiếc máy ảnh số nho nhỏ và hàng ngày chụp những gì ông thấy trên đường đi. Ông Mậu giải thích: “Tôi chụp để kỷ niệm, để cho khỏi quên cái cảm giác làm thợ ảnh ngày nào. Thế thôi”. Ông Mậu cho tôi xem những tấm ảnh ông mới chụp, những người bán buôn bình thường trên đường phố, những chiếc xe máy đang chạy vội vã, ánh mắt một đứa trẻ ngồi sau lưng mẹ. Có lẽ những nhân vật của ông không biết người đang chụp mình chính là một nghệ sỹ chuyên chụp giai nhân một thời. 

Ông Ngô Đình Trúc- Giảng viên khoa Nhiếp ảnh đại học kiến trúc TPHCM cho rằng những tấm ảnh chân dung của nghệ nhân Đinh Toàn Mậu có kỹ thuật làm ánh sáng rất tốt, tạo hiệu quả về mặt thị giác và làm nổi bật nhân vật.

MỚI - NÓNG