Người lớn rủ nhau đi học viết

Nhà văn Nguyễn Trương Quý đang dạy lớp “Tản văn mùa hạ”.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý đang dạy lớp “Tản văn mùa hạ”.
TP - Học viết là một khóa học thời thượng - trong số các lớp kỹ năng dành cho người lớn đang nở rộ. Nhưng đa phần những người đi học viết hiện nay, mục tiêu không phải để trở thành nhà văn chuyên nghiệp.

Viết chơi và chữa lành

Mới đầu hè, Sakédemy của Hà Nội chiêu sinh lớp viết “Tản văn mùa hạ”, Toa Tàu ở Sài Gòn gọi mọi người tránh nắng trong khóa học “Ngồi xuống viết chơi”. Sinh viên, công chức rối rít chia sẻ thông tin và rủ nhau đi lớp. Học phí trên mức bình dân nhưng chưa cán mốc “thượng lưu”, trung bình 200-500.000đồng/ buổi học, cũng coi như chấp nhận được. Mà mỗi khóa chỉ tiếp nhận tối đa khoảng 20-30 người, ai chậm chân đăng ký chỉ còn cách than dài luyến tiếc trên facebook.

“Tản văn mùa hạ” được coi như một workshop “sinh sau đẻ muộn” của Sakédemy, trước đó, một số lớp dạy viết được trung tâm này khai thác đã chứng minh được độ “ăn khách” của mình với vô số comment “5 sao” và hơn 14 nghìn lượt like. Học viên Tuấn Dật viết: “Giá có ngàn sao thì tôi cũng nhấn cho ngàn sao! Nịnh thế này xong không biết được đi học tiếp hay chăng???”. Duy Vũ: “Nếu cảm thấy đời mình bi kịch, hãy đến với lớp viết mùa đông. Tất nhiên đời bạn sẽ không bớt bi kịch đi (thậm chí bạn còn nhận ra là  không ai quan tâm đâu) nhưng ít nhất bạn có thể lấy nó ra để cười”. Hoặc như Lam Hạ, đã trải nghiệm “2 khoá học tuyệt vời ở đây. Học xong vui hơn, thêm bạn, thấy được cái sai trong việc viết của mình. Chỉ có thắc mắc 1 điều: Sao học phí rẻ thế? Rẻ tới ngỡ ngàng luôn, so với những gì nhận lại”.

Những học viên của “Tản văn mùa hạ” khoe, lớp do nhà văn Nguyễn Trương Quý và Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu hướng dẫn. Người học, ngoài việc được đào tạo kỹ năng viết, còn được học cách thẩm văn, cách tìm hiểu thị hiếu và xuất bản. Các học sinh cũng vô cùng thích cách giao lưu, “phê bài” đầy tính nghệ của các thầy. Kiểu như: “Ai có đủ kiên nhẫn để đọc một bài hươu vượn thế này”! Hay: “Có chỗ hình như đá đểu mình đây”!

Cùng thời gian đó, “Ngồi xuống viết chơi” của Toa Tàu cũng nhận được hưởng ứng “ngoài mong đợi”. Khác với “Tản văn mùa hạ”, “Ngồi xuống viết chơi” tập trung vào việc hướng dẫn người viết sao cho đơn giản thoải mái nhất để nắm bắt ý tưởng, ghi lại những câu chuyện, suy nghĩ và cảm xúc cũng như có cơ hội thả lỏng và chữa lành những cảm xúc tiêu cực vô tình tích tụ trong cuộc sống. Xu hướng dùng nghệ thuật “chữa lành” đã được áp dụng phổ biến trong hội họa, âm nhạc, nhảy, diễn v.v… và đều thu được những kết quả rất khả quan. Trên thế giới và đối với những người viết chuyên nghiệp, việc dùng câu chữ để giải tỏa, tìm vui, tìm ý nghĩa sống đã không còn mới mẻ. Anne Frank đã viết: “Tôi có thể vứt bỏ tất cả khi tôi viết; những nỗi buồn biến mất, dũng khí của tôi như hồi sinh”. Còn đối với Paolo Coelho: ”Nước mắt và ngôn từ cần phải được viết ra”. Cho nên, những người tổ chức cũng không ngạc nhiên nhiều khi các học viên có thể “buông bỏ” sau các khóa viết ngắn hạn, có khi chỉ trong vòng tám tiếng đồng hồ.

Học viên có nick là Sỏi chia sẻ: “Ở buổi này, mình không học gì cao siêu cũng chẳng có gì hứa hẹn, vẽ vời bạn sẽ trở thành một hot blogger hay cây bút tiềm năng… Chỉ đơn giản là viết. Nghĩ gì viết đó, viết không ngừng nghỉ. Không quan tâm nhiều đến con chữ, lỗi chính tả. Bọn mình được quan sát nhau nhiều hơn, miêu tả nhau bằng con chữ, nói cho nhau nghe về suy nghĩ của bản thân với người bạn được bắt cặp. Khi ngồi nghe câu chuyện của người khác và khi được kể câu chuyện của mình, mình đã bật khóc. Thật sự là mình không nghĩ rằng mình sẽ khóc khi kể câu chuyện ấy. Cô bé ở bên cạnh đã vỗ vai mình, đưa khăn giấy và cầm tay mình để mình bình tĩnh trở lại. Mình nhận ra, thật tuyệt vời khi chúng ta có thời gian để ngồi nghe câu chuyện của những người xung quanh…”.

Người lớn rủ nhau đi học viết ảnh 1 Học viết giờ phổ biến và thư giãn như học yoga hay học nhạc.

Chuyên được thì cứ chuyên

Bên cạnh những người đi học viết cho vui, một số khác, thực sự muốn học viết để dấn thân theo con đường chuyên nghiệp. Một học viên đã từng kinh qua “hai nấc học” tổng kết: “Bắt đầu, nên đi theo mấy khóa của Sakédemy, họ sẽ khai phá cho mình những kỹ năng ban đầu. Hơn nữa, các thầy ở đây đa phần trẻ nên lớp có một không khí thanh xuân rất phấn chấn. Tốt nghiệp ở Saké rồi thì đăng ký tiếp ở Hội Nhà văn hoặc Đại học văn hóa học nâng cao. Cũng đều là khóa ngắn hạn thôi, nhưng ở hai nơi sau thì học được nhiều kỹ thuật hơn, cũng có vẻ “chính thống” hơn”.

Tính đến nay, Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn đã mở được 11 lớp bồi dưỡng viết văn. Khoa Viết văn – Báo chí (Đại học Văn hóa Hà Nội) cũng mở được gần 10 khóa dạy viết ngắn hạn. Nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn VN) nhấn mạnh: “Sau khóa học, các học viên phải chấm dứt giai đoạn nghiệp dư, chuyển sang chuyên nghiệp. Bởi đây là đội ngũ hùng hậu sẽ trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam trong tương lai”. Cho nên, giữa những người mới viết với nhau, không hiếm lạ lời động viên: “đăng ký học viết ở Trung tâm Nguyễn Du, đường vào Hội sẽ rộng cửa hơn”?

PGS.TS Ngô Văn Giá (Trưởng khoa Viết văn - Báo chí Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) cũng rất có lòng tin với những khóa viết ngắn hạn. Ông nói: “Có hai đối tượng đi học. Một là những người đã viết rồi nhưng chưa tham gia hội hè nào. Hai là những người mới biết đến văn chương, họ muốn học cách yêu văn chương và muốn bày tỏ.

Với đối tượng thứ nhất, học xong họ tiến bộ vượt bậc. Khá nhiều trường hợp vài năm sau đã vào Hội nhà văn như Nguyễn Đăng An, Nguyễn Trầm Bé v.v… Còn vào Hội tỉnh thì rất nhiều. Với đối tượng thứ hai, tôi vẫn quan sát và giữ quan hệ với rất nhiều học viên. Lâu lâu tôi sẽ hỏi lâu nay có viết không, có công bố không? Thường mỗi khóa học các bạn đều có một fanpage riêng, nên đa số đều tự tin thể hiện”.

Đối với nhu cầu “học để chữa trị tinh thần”, ông Văn Giá cho rằng: “Một hạn chế có tính dân tộc là người Việt ngại biểu lộ con người mình trước đám đông, lời nói, hành động hoặc chữ nghĩa. Điều này rất khác phương Tây. Trong số những nhà văn, thầy giáo người nước ngoài mà tôi quen, họ nói bên Mỹ chẳng hạn, có rất nhiều lớp dài, ngắn hạn dạy viết, từ một tháng, ba tháng, sáu tháng, một năm đến cả đào tạo thạc sĩ viết văn. Và nó dành cho rất nhiều đối tượng, người làm nghề kế toán, lái xe, thiết kế, kỹ thuật viên, bác sĩ v.v… Tôi hay hỏi các bạn là nhiều lớp dạy thế, thì ai học? Họ bảo, người bên đó có nhu cầu rất lớn trong việc học cách biểu đạt con người mình qua trang viết. Một nhu cầu chính đáng dễ thương. Và lý do thứ hai để học viết là họ muốn hiểu được những tác phẩm của các nhà văn khác”.

MỚI - NÓNG