Người say mê then cổ

Người say mê then cổ
TP - Cán bộ ngành văn hoá ở tỉnh Bắc Kạn đều biết ông là người có công gìn giữ nhiều bài then Tày cổ. Người già tìm đến Câu lạc bộ then bản Tinh  để nói chuyện với ông.

Ông dạy lũ trẻ trong thôn bản đánh đàn tính và hát then. Ông là Ma Văn Vịnh - người thôn Phiêng Giường, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.

Say mê sưu tầm không quản đèo dốc

Vẫn cái dáng vẻ hiền lành, lù lì của người trai Tày nhưng khi nói về then thì ông lanh lợi, hào sảng hẳn lên: “Tôi bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu then từ khi then không bị coi là hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan nữa. Càng sưu tầm và hiểu biết về then cổ tôi càng thấy say mê”.

Theo hiểu biết của ông, then là một kho tàng lịch sử sống động. Các bài hát then thường diễn xướng đời sống sinh hoạt, sản xuất và nói về thiên nhiên gần gũi với con người, như “Thấu pe” (săn nai), “Thấu quang” (bắt cá), “Bách cốc” (trăm thứ ăn được), “Bách điểu” (trăm thứ chim), “Bách hoa” (trăm thứ hoa)…

Suốt 66 năm tuổi đời, ông gắn bó với những lễ Then cầu an, cầu mùa, ma chay của người Tày - Nùng. Từ nhỏ, ông đã nhận biết được cái hay của các làn điệu then. Trong suốt 34 năm làm giáo viên rồi hiệu trưởng của trường tiểu học xã nhà, ông trăn trở về sự mai một của văn hoá truyền thống.

Đến khi nghỉ hưu, ông bắt tay ngay vào việc sưu tầm và dịch những bài then cổ, không quản đèo dốc hay giá lạnh, mưa nắng. Hiện nay, kho tư liệu then của ông đã có hơn 100 bài. Trong đó có những bài quý hiếm của lễ Lẩu then (lễ cấp sắc của nhà then), then Đệ cộ. Ông đã sưu tầm được 36 kiểu hát then, một số bài có thể hát theo nhiều kiểu. Ông gảy đàn tính và hát ngay cho chúng tôi nghe đầy sinh động.

Bây giờ, then không chỉ là nghi thức thờ cúng mang tính tâm linh nữa mà còn là một hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu. Các nhạc sĩ đã đặt nhiều lời mới cho làn điệu cũ như bài “Lời cây đàn tính” của Hoa Cương, “Lặp xuân” (lập xuân) của Nông Viết Toại. Nhưng ông Ma Văn Vịnh vẫn không thích bằng những bài then cổ với lời thơ giàu hình tượng, gần gũi với tâm hồn và đời sống của dân tộc mình.

Làm đàn và dạy hát

Không chỉ lưu giữ nghệ thuật then bằng tài liệu ghi chép và làm đàn, ông Vịnh còn thành lập Câu lạc bộ then bản Tinh, sau hai năm gây dựng đã có 30 thành viên tham dự, có cả người già và thanh niên. Mỗi lần tổ chức sinh hoạt đều rất tốn công, tốn của do phải lo ăn ở cho người ở nơi xa về, lo bài trí, tạo không gian văn hoá nhưng được sự giúp đỡ của cả gia đình, các thành viên, ông đã tổ chức được hai lần sinh hoạt khá long trọng.

Hiện nay, Câu lạc bộ đang tập luyện tiết mục “Mời Phò mã, Thái Tử về nhập, cấp sắc cho đệ tử trong lễ hội Lẩu then Tày” để tham gia Liên hoan nghệ thuật Hát then, Đàn tính toàn quốc lần thứ III, tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn. Về tiết mục này, nhạc sĩ Lương Nguyên, tổng đạo diễn của chương trình nhận định: Màn biểu diễn sẽ rất rực rỡ, làm nức lòng người xem.

Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn tính toàn quốc lần thứ III diễn ra tại Nhà Văn hóa tỉnh Bắc Kạn, từ ngày 24 - 27/08/2009. Liên hoan quy tụ đông đảo các đoàn nghệ thuật Then, đàn tính của các tỉnh có dân tộc Tày, Nùng, Thái và các câu lạc bộ tiêu biểu trong việc duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật cổ truyền này.

Sưu tầm được các bài then đặc sắc nói về vẻ đẹp của cây đàn tính đã gợi ý cho ông công việc làm và phục dựng những cây đàn tính theo chuẩn xưa. Sự tích cây đàn tính kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, đàn có 12 dây. Mỗi lần đàn ngân vang là vạn vật và con người quên ăn, quên làm. Khi đàn đứt dây là người buồn đến độ gặp người yêu không thưa, con muỗi buồn không đốt…

Theo lời bài hát và kinh nghiệm chơi đàn, ông Vịnh say mê chế tạo những cây đàn tính với gáo đàn làm bằng vỏ quả bầu đắng (một số nơi còn gọi là bầu nậm) có thành dày đều, tròn trịa. Khó nhất là quả bầu phải cho mặt đàn rộng bằng hai nắm tay (slong căm), có thế tiếng đàn mới chuẩn.

Cần đàn phải dài chín nắm (cẩu căm), làm bằng gỗ dâu rừng hoặc gỗ dổi - nhưng giờ loại gỗ này rất hiếm nên ông phải thay bằng loại gỗ rừng vẫn đảm bảo độ mịn và nhẹ.

Mặt của gáo đàn phải làm bằng gỗ vông. Dây đàn xưa là những sợi tơ săn chắc được chuốt sáp ong nhưng giờ không có nên giờ phải thay bằng loại sợi cước tốt, có màu xanh.

Trong hai năm gần đây, ông đã làm trên 200 cây đàn tính. Sản phẩm của ông làm ra không đủ bán. Những chiếc đàn theo người chơi đi khắp gần xa từ người trong bản, huyện đến người ở Thái Nguyên, Hà Nội…

MỚI - NÓNG