Người trợ lý của Nguyễn Bính

Người trợ lý của Nguyễn Bính
TP - Thi sĩ Nguyễn Bính từ chiến trường Nam Bộ tập kết ra Bắc một thời gian thì lập ra tờ báo Trăm Hoa. Sau khi ra số báo đầu tiên, Nguyễn Bính thấy cần phải tuyển thêm một người trợ lý, từa tựa như chức thư ký tòa soạn, giúp việc cho mình…
Người trợ lý của Nguyễn Bính ảnh 1
Nhà thơ Nguyễn Bính

Tên khai sinh của người trợ lý này là Trần Đức Quyển, khi làm thơ lấy bút hiệu Tùng Quân, quê xã Hoà Hậu (cùng xã, khác thôn với nhà văn Nam Cao), huyện Lý Nhân, cách thành phố Nam Định chưa đến mười cây số.

Gia tộc nhà ông Tùng Quân có nghề bốc thuốc khá nổi tiếng. Ông nội của ông nhờ chữa khỏi bệnh hiểm cho mẹ quan tổng đốc mà được phong chức chánh tổng. Thân phụ ông là Trần Văn Trung nhưng người ta thường gọi Lang Trung vì cụ là một thầy lang có tiếng trong vùng.

Từ thuở ấu thơ, ông Tùng Quân đã được người cha truyền dạy chữ nho và nghề bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc. Ông Tùng Quân chỉ khác cha mình ở chỗ ông biết làm thơ, viết báo. Ông hơn cha và cũng bất hạnh hơn chính là ở cái duyên bút mực ấy.

Tuổi thanh niên, cứ ở nhà thì cùng với bố bắt mạch kê đơn bốc thuốc, ra khỏi nhà là ông Tùng Quân nhào xuống thành phố Nam Định giao du với bạn bè thơ phú. Nhóm thơ của ông gồm các ông Trần Văn Khuê, Việt Quyên, Hiếu Lang, Vũ Tử Cấu, Tùng Quân và một số người khác nữa; họ thường hay tụ bạ khi ở phố Vị Xuyên, khi phố Hàng Nâu để trao đổi, bàn bạc về nghệ thuật sáng tác thơ.

Khi Nguyễn Bính về quê ở Nam Định, nghe phong thanh ở thành phố này có một nhóm thơ hoạt động rất gắn bó, ông tìm đến chơi. Nguyễn Bính nhận ra trong nhóm có một người bạn cũ là Trần Văn Khuê, thế là thi sĩ họ Nguyễn hòa nhập với họ rất nhanh. Khi Nguyễn Bính ngỏ ý muốn “tuyển” một người trợ lý thì ông Trần Văn Khuê đã tiến cử ông Tùng Quân.

Quan sát diện mạo, nhận thấy ông Tùng Quân có phong độ nho nhã, trung thực và rất nghệ sĩ, Nguyễn Bính ưng ý ngay. Thế là chỉ ít ngày sau, ông Tùng Quân đã “khăn gói quả mướp” về Hà Nội, tìm đến số nhà 14 Lê Văn Hưu (nơi đặt toà soạn báo Trăm Hoa) nguyện làm đệ tử trung thành của Nguyễn Bính.

Gọi là “toà soạn” nhưng thực chất chỉ có Nguyễn Bính (chủ bút), Nguyễn Thị Hạnh (con gái kịch tác gia Trúc Đường, anh ruột Nguyễn Bính), Phạm Vân Thanh (người vợ mới của Nguyễn Bính), bây giờ thêm ông Tùng Quân nữa là bốn người.

Những ngày đầu ông Tùng Quân rất lo lắng về công việc vì ông chưa bao giờ làm biên tập. Nhưng chỉ sống bên Nguyễn Bính ít ngày, ông đã nhận ra Nguyễn Bính là một người làm báo rất “siêu”, xứng đáng bậc thầy lớn của ông. Biên tập thơ, văn xuôi, viết báo, dịch thuật tiếng Hán..., Nguyễn Bính đều giỏi. Tiếng Pháp, Nguyễn Bính cũng mầy mò dịch tàm tạm.

Nguyễn Bính còn tự lên ma-két, khi cần có thể vẽ cả tranh minh hoạ cho báo. Tùng Quân chỉ giúp Nguyễn Bính khâu đọc loại. Phần trị sự, phát hành đã có Nguyễn Thị Hạnh. Phần đánh máy bài vở đã có Phạm Vân Thanh.

Báo bán được, tiền nong rủng rỉnh, gương mặt từ ông chủ bút đến các nhân viên tươi tắn, dáng đi điệu đứng cũng thơ thới hẳn lên.

Nguyễn Bính thích rượu và thuốc lào. Rất sành uống, sành hút. Nhưng từ trước đến nay, vì nghèo, ông thường phải uống tạp, hút tạp. Có khi rượu nấu bằng sắn cũng nhắm mắt khen ngon, thuốc lào hút sái cũng khen đậm. Giờ đây đã có tiền, có đệ tử Tùng Quân bên cạnh, Nguyễn Bính không còn phải uống tạp, hút tạp nữa.

Tùng Quân rất biết cách mua rượu, mua thuốc lào. Rượu thì cứ đến nhà ông Ba Bái (con trai nhà thơ Tú Xương, khi ấy sống ở Hà Nội) là có ngay mấy chai nút lá chuối nấu bằng gạo nếp bắc Nghĩa Hưng, Hải Hậu - Nam Định. Thuốc lào thì cả đất Hà thành chả đâu sánh được với hai hiệu Xương Ký, Xương Hoà.

Tùng Quân hay đi mua thuốc lào ở hai hiệu này, rất tín nhiệm cái “tang” thuốc ở đây mà trong một lần khan thuốc ông đã làm một bài thơ về sự đắt đỏ của thuốc lào, ông còn đưa được tên hai cửa hiệu vào bài: Cái điếu sao rày để mốc meo/ Xe rơi, nõ tụt, bát lăn khoèo/ Vạn đồng trở xuống trăng tròn nhẵn/ Trăm bạc giơ lên gió thổi veo/ Xương Ký, Xương Hoà thôi tạm biệt/ Quốc hồn, quốc tuý đến phăng teo/ Dám đâu thuốc đắt mà xin xỏ/ Nhặt sái đen tay, miệng nhạt phèo!

Bài thơ này sau khi đăng báo Trăm Hoa, ông Tùng Quân nhận được rất nhiều bài thơ về đề tài thuốc lào gửi đến hoạ lại.

Trở lại chuyện phát hành báo. Cứ vào ngày báo phát hành, những người bán báo đến từ sớm chầu chực trước cửa toà soạn. Những nhân viên phát hành xa lạ cũng trở nên thân thiết với những người trong toà soạn, có công to việc lớn gì cũng mời người của toà soạn đến dự.

Nguyễn Bính và Tùng Quân cứ đến dự đám cưới, đám tân gia là lại được mời đọc thơ. Khi đọc thơ, Nguyễn Bính hút hồn người ta bằng trí tuệ sắc sảo, dí dỏm, thâm thuý; Tùng Quân lại được chú ý về tính hài hước gây cười.

Một lần Nguyễn Bính và Tùng Quân đi dạo bên bờ hồ Hoàn Kiếm, có một cô gái vừa nhìn thấy họ thì ôm bụng cười như nắc nẻ. Chờ cho cô ta dứt trận cười, Tùng Quân hỏi, thì cô ta trả lời: “Bởi vì hôm qua ở đám cưới, hai anh pha trò làm em cười chưa hết cơn, hôm nay vừa trông thấy các anh thì cơn cười dở nó kéo đến...”.

Tuy báo Trăm Hoa chỉ xuất bản được 15 kỳ thì dừng, ông Tùng Quân cũng chỉ mới công bố được 4 bài thơ của mình trên báo (đó là các bài Thuốc lào đắt, Tiễn Táo quân, Được cái áo rách cái quần, Di chúc của Ngô Tổng thống), ông vẫn cho những ngày tháng làm việc ở đây thật đặc biệt đối với cuộc đời ông, bởi ông được làm quen với rất nhiều cộng tác viên là những nhà văn, nhà thơ tên tuổi mà trước đó ông chỉ mơ một lần được gặp trong đời cũng khó.

Nhưng điều làm ông Tùng Quân mang cảm giác sung sướng nhất, hãnh diện và khó quên nhất, ấy là được làm một người giúp việc cho Nguyễn Bính, một nhà thơ nổi tiếng.

Những ngày tháng làm báo Trăm Hoa, Nguyễn Bính và Vân Thanh cứ cuốn quyện bên nhau như đôi uyên ương. Tại đây họ đã cho chào đời một cậu con trai. Họ nuôi con ngay ở toà soạn. Cứ sau một hồi mê mải với báo, Nguyễn Bính lại lui vào phòng trong âu yếm, vuốt ve con, ông luôn miệng gọi con là “chàng hoàng tử bé của cha”...

Nhưng rồi cuộc đời nhiều giông gió, họ đã không lưu giữ nổi tình yêu. 

Sau này, khi báo Trăm Hoa đã đóng cửa, tiếp đó là một đoạn đời không ngắn chìm nổi của ông Tùng Quân. Không thuận đường bút nghiên nữa, ông Tùng Quân trở về làng tiếp tục bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc trị bệnh cứu người.

Ông còn dịch hàng chục cuốn sách về y học từ tiếng Hán sang tiếng Việt như: Y học nhập môn, Y phương tập giải, Y tông kim giám, Y tông tất độc, Biện chứng kỳ văn, Nghiêm phương tân phương...vv... Những sách này ông Tùng Quân dịch nhằm tự mình học hỏi nghiên cứu thêm, nhưng ông cũng phổ biến cho nhiều thầy lang khác được tiếp cận, truyền bá.

Với Nguyễn Bính, thời gian làm báo Trăm Hoa tuy ngắn, nhưng lại là những ngày tháng tràn ngập hạnh phúc đối với ông. Ngoài niềm vui báo bán chạy, có thu nhập, thì ở đây ông đã được sống trong một tình yêu mới với bà Phạm Vân Thanh, một thiếu nữ mới 24 tuổi, con một ông Tham ông Đội gì đó, em ruột một ông sĩ quan cỡ tướng tá. Nói tóm lại, gia đình bà Vân Thanh thuộc dòng “danh gia vọng tộc” của Hà thành.

Bà Vân Thanh xinh đẹp, giỏi tiếng Pháp. Nhưng rồi cuộc đời nhiều giông gió, họ đã không lưu giữ nổi tình yêu. Phạm Vân Thanh bước ra khỏi cuộc đời Nguyễn Bính đúng vào cái giờ khắc báo  đóng cửa. Bà ra đi và nhanh chóng lẫn vào hàng ngàn hàng vạn thiếu nữ Hà thành. Nguyễn Bính ôm đứa con còn ẵm ngửa ra ga Hàng Cỏ đáp tàu về quê Nam Định tìm chốn nương thân. Họ hàng ở quê ai cũng nghèo xác xơ.

Nguyễn Bính buộc phải tính đến việc kiếm một người đàn bà khác, có tình yêu hay không không quan trọng, miễn đấy là chỗ dựa để ông nuôi sống thằng bé. Nguyễn Bính đã tìm được người đàn bà ấy.

Về sắc đẹp, văn hoá, người đàn bà này không thể sánh với Vân Thanh, nhưng bà có chút của nả. Nguyễn Bính nhanh chóng làm đám cưới với bà. Cưới xong, Nguyễn Bính mới nhận ra người đàn bà này không thể thay thế người mẹ của con trai như ông mong muốn, trái lại, vì thằng bé mà hai ông bà thường nổ ra những cuộc va chạm, cãi cọ rất khó chịu.

Vậy rồi vào một buổi tối mùa đông, rét cắt da cắt thịt, hai ông bà có cuộc cãi nhau gay gắt, thằng bé thì đói sữa cứ khóc ngằn ngặt, Nguyễn Bính liền bế con ra đường phố toan tính kiếm cho nó chút nước cháo, nước phở đổ vào miệng nó để nó dứt cơn khóc. Không ngờ cái buổi tối mưa phùn gió bấc này trở thành buổi tối định mệnh, định đoạt số phận thằng bé!

Có một người đi đường nhìn thấy cảnh tượng một người đàn ông gầy còm, đầu không mũ nón, ôm một đứa trẻ khóc như xé vải, đi trong mưa bụi, người ấy liền chạy theo đưa đôi tay ra bế lấy thằng bé, vừa nựng nó vừa nói: “Nào, ông để tôi bế cháu cho, tội nghiệp!”. Rồi người ấy bế thằng bé đi luôn.

Nguyễn Bính về nhà, sau cơn choáng váng thất thần, ông sực tỉnh, bổ nhào ra phố tìm con. Nhưng ông chạy sùng sục qua nhiều con phố của Thành Nam, đều không thấy cái người bế thằng bé đâu nữa. Ông gõ cửa một cái quán, mua một cốc rượu uống cạn, rồi thất thểu quay về nhà...

- Năm nay tôi đã sang tuổi tám mươi ba- ông Tùng Quân tâm sự với tôi, người viết bài báo này - cái đầu đã chập chờn, nhớ nhớ quên quên. Nhưng cứ nhớ người xưa thì tôi nhớ nhất là ông Nguyễn Bính.

Gần đây tôi đã thu thập được tất cả những bài thơ của tôi làm trong đời, dồn thành một tập. Tôi nghe nói trưởng nữ của ông Nguyễn Bính là chị Nguyễn Bính Hồng Cầu bây giờ cũng là một nhà thơ. Lại nghe nói chị ấy mới xây một ngôi nhà lưu niệm Nguyễn Bính trong Sài Gòn khang trang lắm…

Thị trấn Liễu Đề, đầu năm 2009.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.