Người vẽ chân dung gần 2.000 mẹ Việt Nam anh hùng: 'Có người nói tôi khùng'

Họa sĩ Đặng Ái Việt trong một triển lãm của mình
Họa sĩ Đặng Ái Việt trong một triển lãm của mình
TP - 25/4/2019 cho đến đầu tháng 5, họa sĩ Đặng Ái Việt bày triển lãm chân dung "Mẹ Việt Nam anh hùng khu vực miền Trung" tại Festival Truyền thống Huế. Người này đã nổi tiếng từ nhiều năm nay với sứ mệnh bà tự đặt cho mình, một công việc vô tiền khoáng hậu. Cuộc trò chuyện tháng Tư với sự cập nhật công việc đặc biệt của họa sĩ Đặng Ái Việt.
Người vẽ chân dung gần 2.000 mẹ Việt Nam anh hùng: 'Có người nói tôi khùng' ảnh 1

Với chiếc Chaly trứ danh giờ đã được đưa vào bảo tàng, bà Đặng Ái Việt đã đặt chân đến 62/63 tỉnh thành để vẽ gần 2.000 tranh về Mẹ Việt Nam anh hùng

Triển lãm mới của bà thật ý nghĩa trong tháng Tư này. Lần này bà bày bao nhiêu bức và có gì đặc biệt?

Tôi bày khoảng 5 chục bức, phụ thuộc vào không gian ban tổ chức cho phép. Những bức này vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) khu vực miền Trung. Còn lúc này tôi đang ở Long An, vẽ Mẹ Trần Thị Nữa ở xã Lương Hòa, huyện Bến Lức. Mẹ có chồng và một con hy sinh. Đây là chân dung mẹ VNAH thứ 1993 tôi vẽ, gần được 2 ngàn bức rồi.

Ở tuổi 71 bà vẫn rong ruổi trên các nẻo đường đất nước vì mục đích cao đẹp. Bây giờ đồng hành với bà không còn là chiếc Chaly lịch sử nữa?

Chiếc xe Chaly đã bị Bảo tàng Phụ Nữ tịch thu (để trưng bày) rồi (cười). Giờ có chiếc Honda 81 Cánh Én, tôi độ lại gọi là Cánh Phượng. Xe gọn thì mới len lỏi được vào ngõ hẻm ngóc ngách nhà các mẹ. Ngày xưa các gia đình cách mạng thường ở nơi heo hút. Nay đường sá bê tông hóa nhưng vẫn nhiều nơi khó đi lắm.

Bà không chỉ vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng mà cả các anh hùng? Có khác nhau nhiều không về bút pháp thể hiện?

Tôi đã vẽ 210 chân dung anh hùng lực lượng vũ trang của Quân khu 7 và Quân khu 9 còn các quân khu khác thì chưa vì có những thủ tục.

Tâm thế và sự chuẩn bị vẽ hai loại đối tượng đương nhiên khác hẳn chứ. Bởi anh hùng là những người lập chiến công còn mẹ chỉ tiếp nhận sự hy sinh của chồng con.

Trước khi vẽ các mẹ, tôi phải tiếp xúc, nói chuyện, tạo mối nối. Tôi không vẽ bằng kỹ năng, cảm hứng mà bằng cả tâm huyết.

Phong cách của tôi thiên về ký họa kháng chiến. Đi qua chiến tranh nên phong cách của tôi khẩn trương và sống, gọi là động, trong khi nhiều người vẽ chân dung rất mềm mại. Họa sĩ có người chuyên phong cảnh người chuyên khỏa thân…, còn tôi chuyên đề tài nhân chứng lịch sử.

Tính đến nay với gần 2000 chân dung mẹ VNAH, duy nhất Lào Cai là tỉnh tôi chưa vẽ được mẹ nào còn thì đã đặt chân tới 62 tỉnh thành. Hồi trước tôi đến Lào Cai thì hay tin Mẹ VNAH ở đây mới qua đời. Do đợt đầu, năm 1994 Nhà nước qui định tiêu chuẩn mẹ VNAH phải có 3 liệt sĩ trở lên và con độc nhất. Từ năm 2013, nghị định 56 về truy và phong tặng mẹ VNAH qui định nhà có hai liệt sĩ, nên tháng Năm tới tôi sẽ có mặt ở Lào Cai, tôi được Cục Người Có Công báo tin: mẹ hai con liệt sĩ thì nơi đây có.

Được biết có vị lãnh đạo gọi công việc của bà là việc làm anh hùng?

Đó là cách nói cho vui thôi. Tôi chỉ là một nghệ sĩ. Việc đi vẽ của tôi có thể tóm tắt thế này: Ta đi đâu phải cầu danh/Chẳng phải thiền sư chẳng thỉnh kinh/ Ta tìm hình ảnh người mẹ Việt/Để lại nghìn năm cho thế nhân.

Đơn giản tôi muốn thay những người đồng chí của mình ghi lại hình ảnh những người mẹ đặc biệt, cho muôn đời sau.

Cuộc chiến tranh của chúng ta quá tàn khốc.  Ra khỏi cuộc chiến, nói kiểu Nam bộ là rủi mình sống (không phải “may mình sống”), sống thay cho những người đã mất, vậy phải làm gì cho họ. Chứ tôi không nghĩ mình anh hùng hay gì cả. Có người còn bảo tôi khùng nữa kia. Tôi thấy tôi cũng khùng (cười). Nghệ sĩ trăm người thì khùng 99 em ơi…

Gặp hàng ngàn người mẹ vĩ đại như vậy, nhất là mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam, bà nghĩ gì về sức chịu đựng của con người? Có lúc như là vô hạn vậy?

Mẹ Thứ là người mẹ tiêu biểu cho sự đau đớn. Trên thế gian này không bà mẹ nào muốn trở thành mẹ anh hùng cả. Việc chồng con hy sinh và Nhà nước phong tặng danh hiệu, nó là một sự an ủi.

Nhiều người hỏi tôi, mẹ nào để lại ấn tượng nhất trong gần 10 năm thực hiện công việc này, tôi thưa rằng mẹ VNAH, đó là những câu chuyện bi hùng, chứ không có vui gì ở đây. Mỗi mẹ có một câu chuyện khác nhau, chuyện nào cũng bi hùng, bi thương. Có mẹ sáng nghe tin chồng chết chiều con chết, đau không. Xỉu luôn, không gượng được.

Nhà mẹ Thứ có 13 liệt sĩ gồm chồng của mẹ, 9 con trai,  1 con rể, hai cháu ngoại. Hai cháu gái là con của bà Lê Thị Trị. Bà Trị vẫn còn sống, cũng là Mẹ VNAH. Tôi đã vẽ cả hai mẹ con - mẹ Thứ, mẹ Trị.

Tuổi cao lại độc hành rong ruổi khắp nơi, hẳn sức khỏe của bà rất tốt?

Không biết có phải duy tâm nhưng mấy ông liệt sĩ rình theo tôi không cho tôi bịnh hay sao mà muốn bịnh cũng không được (cười). Tôi là loại người mà bác sĩ chê đó bởi tôi không thuốc men bao giờ, ăn uống thì hết sức đơn giản, cơm hàng cháo chợ. Sáng ăn phở hay bánh canh, cơm tấm. Trưa vẽ ở nhà mẹ thì mẹ cho cơm ăn. Chiều vô nghỉ nhà trọ có mì tôm thì đổ mì ăn, chán mì thì đổ gạo mang theo nấu, hoặc cháo gà cháo vịt gì đó, nói chung rất dân dã.

Tôi có lương hưu. Chồng (đạo diễn NSND Phạm Khắc, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM) mất năm 2007, con cái không phải lo cho tôi. Đi làm công việc này gần 10 năm qua, tôi không bao giờ nhận tiền, nhận tài trợ của bất kỳ địa phương nào, của mẹ hay con cháu Mẹ VNAH nào. Tôi nói vui là nếu tôi lấy tiền thì liệt sĩ bẻ giò tôi.

Gặp các Mẹ VNAH khắp đất nước, bà thấy cuộc sống của các mẹ có tạm ổn?

Nói để em mừng là phải đến 99% các mẹ sống tốt, được chính quyền địa phương và mọi người chăm lo nên không ai gọi là mẹ nghèo cả. Ngoài chế độ của nhà nước thì con cái các mẹ cũng chí thú vươn lên, thành đạt nên các mẹ cũng ổn.

Đó là thời gian gần đây hoặc từ 2010 khi bà có dịp gặp các mẹ chứ trở về trước thì chưa chắc?

Hồi tôi bắt đầu đi vẽ, năm 2010 cho đến 2 năm sau thì vẫn nhiều mẹ rất khó khăn. Có mẹ  ở Quảng Ngãi tôi vẽ cảnh ngồi bán khoai lang ngoài chợ. Không dám nói là tôi kêu cho các mẹ nhưng thông qua những hình ảnh mà tôi triển lãm thì Quốc hội và Chính phủ thấy cần quan tâm các mẹ hơn, nhiều chương trình mở ra. Tôi rất mừng là việc làm của mình cũng có ích.

Nhà nước và địa phương đều có chính sách dành cho mẹ và người chăm dưỡng mẹ. Ngoài ra còn có các đơn vị tình nguyện phụng dưỡng, như ở Long An, mẹ VNAH do Quân khu 7 nuôi. Đến tỉnh Bình Dương tôi vẽ 68 mẹ, cũng thấy chính quyền quan tâm, ngoài các khoản của Nhà nước thì Tỉnh ủy biếu mỗi mẹ tháng một triệu.

Nói mỗi người thêm vài triệu có vẻ ít nhưng tính cả nước thì nhiều lắm đó. Mỗi mẹ có tiền nhà nước bồi dưỡng trên dưới 4 triệu, cộng tiền chăm dưỡng 1,4 triệu, nếu các mẹ là thương binh thì có tiền thương binh, tù đày có tiêu chuẩn tù đày. Cộng với các khoản khác, trung bình mỗi mẹ cũng được khoảng chục triệu một tháng. So với mặt bằng chung thì tôi thấy cũng… vừa vừa.

Cảm ơn và chúc họa sĩ Đặng Ái Việt mạnh khỏe để tiếp tục theo đuổi mục đích, đam mê của mình.

30/4/1975 bà ở đâu?
Đó lại là cái rủi khác, ngày đó tôi không có mặt ở miền Nam. Tôi quê Tiền Giang, đi kháng chiến từ khi 15 tuổi. Năm 1973 tôi vượt Trường Sơn cùng cô Ba Định ra Hà Nội phục vụ Đại hội Phụ nữ nên 30/4/1975 lại đang ở Hà Nội.  Nhưng 20 ngày sau tôi đã về Nam tiếp quản. 
Ra Bắc tôi được học  Mỹ thuật ở Yết Kiêu, lớp dự bị đại học, được mấy tháng thì đất nước hòa bình. Về Nam tôi học lớp 10 rồi thi vào Cao đẳng Mỹ thuật TPHCM sau đổi thành Đại học Mỹ thuật TPHCM. Năm 1981 tôi tốt nghiệp và ở lại trường giảng dạy. 
Thời trong trường tôi hoạt động Đoàn dữ lắm, làm Trưởng phòng Chính trị nên với các phong trào như Ánh sáng văn hóa hè rồi Mùa hè xanh…, đội quân của trường là do tôi dẫn đi hết...

MỚI - NÓNG