Người vẽ tranh bằng máu

Những bức tranh trong dự án Lò mổ được vẽ bằng sơn dầu và bằng máu bò Ảnh: NVCC
Những bức tranh trong dự án Lò mổ được vẽ bằng sơn dầu và bằng máu bò Ảnh: NVCC
TP - Nguyễn Văn Đủ vẽ tả thực lò mổ bằng các màu sắc như nó có và cả bằng một màu. Thoạt nhìn mấy bức đơn sắc trông có vẻ đỡ ghê nhưng thực ra chúng được vẽ bằng máu của con vật bị giết mổ. Chưa hết, Đủ dùng máu của chính mình để vẽ… phong cảnh. Ý tưởng “kinh dị” của anh không phải để câu khách mà dựa trên những tư tưởng, triết lý sâu xa.

Vì sao anh chọn máu động vật, mà lại phải là máu bò, để vẽ?

Tôi bắt đầu dự án Lò mổ từ giữa 2013. Ban đầu cũng chỉ vì tò mò từ nhỏ cho đến lớn chưa có dịp vào lò mổ. Ở đó tôi bị thu hút bởi cảnh bạo lực của con người lên động vật. Nó trộn lẫn vẻ đẹp với sự bạo liệt, sự tập trung tâm lý cao độ đến căng thẳng của người thợ mổ có thân hình nhỏ bé với con dao lăm lăm trong tay, thoăn thoắt khéo léo cẩn trọng xẻo từng chút một, lọc sạch hết thịt ra khỏi xương và da, nhanh nhẹn uyển chuyển xoay quanh xác con bò kềnh càng đồ xộ to lớn gấp mấy lần mình. Khi con bò ngã xuống, chỉ tầm 30 phút, thịt, xương, da, lòng ruột… mỗi thứ đã một nơi.

Cuối năm 2013 đến đầu 2016, những tác phẩm Lò mổ được tôi vẽ bằng sơn dầu trên vải bố. Rồi tôi nhận ra lò mổ nhuốm đầy máu bò từ ngày này qua ngày khác. Máu nhuốm lên dụng cụ giết mổ, cơ thể người thợ mổ, lênh láng trên sàn, bắn tung tóe lên cơ thể con bò, thậm chí là trần lò mổ. Dùng máu bò để phác họa cảnh diễn ra tại lò mổ bò thể hiện đúng nghĩa đen của hành động vẽ rằng nơi đây hình thành nên từ máu của chính loài động vật này. Sắp tới tôi mở rộng dự án, vẽ lò mổ heo bằng máu heo.

Việc thường xuyên lui tới lò mổ và nghiên cứu, tái hiện cảnh giết chóc ảnh hưởng gì đến nhãn quan và sinh hoạt hàng ngày của anh?

Tôi đã chuyển từ thói quen ăn thịt thụ động do được dạy từ bé sang ăn chay một thời gian dài trong suốt thời gian thực hiện những tác phẩm Lò mổ kể từ sau lần đầu tiên biết được sự thật cảnh tượng giết mổ. Sau này tôi ăn thịt trở lại vì sự bất tiện của việc ăn chay trong đời sống hàng ngày, tuy nhiên trải nghiệm ăn thịt của tôi không còn ngây thơ trong sáng cho là hiển nhiên như trước. Khi tôi ăn thịt, những suy nghĩ về lò mổ lại hiện ra, các câu hỏi về đạo đức lại tiếp tục chất vấn tôi. Tôi nghĩ nếu người ta biết được sự thật nguồn gốc của thực phẩm mình ăn thì trải nghiệm ăn chắc là sẽ rất khác…

Nhưng tréo ngoe là lò mổ lại nằm xa khuất khu dân cư đông đúc, càng xa càng tốt. Dưới bàn tay của công nghệ hình ảnh phục vụ cho mô hình kinh tế tư bản toàn cầu hiện nay, hình ảnh chân thật về lò mổ không bao giờ được xuất hiện trên truyền thông, thay vào đó là nhan nhản những hình ảnh giàu cảm xúc kích thích sự ham ăn và ham muốn tiêu thụ của con người.

Động cơ nào tiếp theo dẫn đến việc anh vẽ bằng máu của chính mình? Và chỉ vẽ phong cảnh chứ không phải gì khác?

Những trải nghiệm trên đã làm cho tôi liên tưởng đến “chủ nghĩa quốc gia và lòng tự hào dân tộc” mà tôi có được một cách thụ động là do được dạy dỗ từ nhỏ đến lớn. Tôi đã tưởng tượng ẩn tàng bên dưới đó là cảnh tượng bạo lực thụ động bất chấp lý lẽ của con người lên con người. Nên tôi đã dùng máu của chính mình để thực hiện dự án.

Tôi chỉ vẽ tranh phong cảnh vì tính muôn đời của phong cảnh. Niềm tin hay cảm xúc dẫn đến bạo lực của con người quá mong manh và dễ thích nghi, chỉ phong cảnh mới thật sự vĩnh cữu.

Để máu trở thành màu vẽ, anh có phải xử lý gì thêm? Độ bền của các bức tranh ước tính bao lâu?

Tôi dùng 100% máu để vẽ tranh. Máu bò, máu heo được chống đông bằng muối, máu người được chống đông bằng thuốc chuyên dụng. Máu loãng như nước và đơn sắc nên thao tác vẽ khó hơn rất nhiều so với vẽ màu sắc bình thường. Bức tranh khi vẽ xong, đợi khô hẳn, cho máu oxy hóa đến khi ổn định màu sắc rồi phủ lên bề mặt bức tranh một lớp keo bảo vệ, giúp máu bám chặt thêm vào mặt tranh. Lớp keo chặn đứng quá trình oxy hóa của máu, chống ẩm mốc, chống tia cực tím giúp máu bền màu theo thời gian. Bức vẽ bằng máu bò đầu tiên của tôi qua 5 năm ở phòng triển lãm với đèn rọi hàng ngày, cùng ánh sáng tự nhiên rọi gián tiếp qua khung cửa, đến nay màu sắc vẫn ổn định như ban đầu.

Nguyễn Văn Đủ sinh 1986 trong gia đình nông dân tại tỉnh Bà Rịa, bắt đầu vẽ từ trước khi biết chữ bằng gạch trên sàn xi măng hay que củi trên nền đất. Anh tổ chức triển lãm cá nhân đầu tay ngay sau khi tốt nghiệp khoa Sơn dầu ĐH Mỹ thuật TPHCM năm 2012, sau đó liên tục tham gia các triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Anh đang có tranh trong triển lãm Where The Sea Remembers tập hợp các nghệ sĩ đương đại Việt Nam tại Los Angeles, Mỹ. 

Người vẽ tranh bằng máu ảnh 1 Họa sĩ Nguyễn Văn Đủ Ảnh: Vanya Volkov

“Tác phẩm nghệ thuật xuất phát từ nhận thức và nhu cầu của cá nhân tôi, nên tôi dùng chính cơ thể mình để sống chung, trải nghiệm và thách thức với ý tưởng đó. Thành thử dự án này tôi chỉ dùng máu của chính mình chứ không phải của người khác để vẽ”.Họa sĩ Nguyễn Văn Đủ

Người vẽ tranh bằng máu ảnh 2 Photo: ..
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...