Nguy cơ xóa sổ nhiều khu du lịch

Du lịch được xác định sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Du lịch được xác định sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
TP - Cuộc hội thảo về du lịch diễn ra cuối tháng 7 vừa qua tại Ninh Bình đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh: Nếu không cải thiện môi trường sinh thái, nhiều khu du lịch sẽ có nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn.

Vấn đề này cũng được nhấn mạnh tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2017 vừa diễn ra mới đây, khi các chuyên gia đầu ngành du lịch nhận định: 1 trong 3 điểm nghẽn lớn nhất của du lịch Việt Nam hiện nay là vấn đề môi trường du lịch sạch và thân thiện.

Du lịch đi lên, môi trường đi xuống

Hiện nay, các khu du lịch quốc gia luôn là địa chỉ thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Theo quy hoạch, đến năm 2030, du lịch sẽ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và sẽ có 47 khu du lịch quốc gia được đầu tư phát triển. Trong những năm qua, hoạt động du lịch cũng đã đem lại nhiều kết quả to lớn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo Báo cáo tác động kinh tế của ngành Du lịch của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, nếu năm 2010, ngành Du lịch Việt Nam đóng góp trực tiếp 3,9% GDP thì năm 2015, con số này đã tăng lên 6,6%.

Nhưng, việc phát triển quá “nóng” của du lịch cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc công ty du lịch Vietravel cho biết, theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam đã được đánh giá cao với nhiều chỉ tiêu vượt trội so với 135 quốc gia khác trên thế giới như: Tài nguyên văn hóa và Du lịch công vụ (hạng 30), Tài nguyên tự nhiên (hạng 34), Sức cạnh tranh về giá (hạng 35)… Tuy nhiên, Việt Nam bị xếp hạng rất thấp trong một số chỉ tiêu như: Nạn phá rừng (hạng 103), Chất lượng hạ tầng du lịch (113), Hạn chế về xử lý nước (hạng 107), Quy định lỏng lẻo về môi trường (hạng 115), Mức độ bền vững về môi trường (hạng 129).

Thực tế cũng cho thấy, vào mùa du lịch, nhất là các ngày lễ hội, cuối tuần, lượng xe du lịch tập trung chuyên chở khách đến các khu du lịch gây ách tắc giao thông và làm tăng lượng khí thải CO2 vào môi trường. Nhiều cảnh quan đặc sắc, hệ sinh thái nhạy cảm ở vùng ven biển, hải đảo và các khu bảo tồn tự nhiên, vườn quốc gia bị thay đổi hoặc suy giảm cùng với việc phát triển các khu du lịch mới như đảo Cát Bà, Tuần Châu, Hạ Long… Hơn nữa, một số loài sinh vật hoang dã quý, hiếm như san hô, đồi mồi… bị săn bắt để phục vụ nhu cầu ẩm thực, làm quà lưu niệm, buôn bán mẫu vật... đe dọa đến đa dạng sinh học.

Dù công ty Trường Thịnh khai thác du lịch hang Thiên Đường (Phong Nha- Kẻ Bàng) đã rất cố gắng trong công tác vệ sinh môi trường, có nhiều thùng rác đặt rải rác trên đường đi nhưng vẫn không tránh được lượng rác tích lũy phía dưới hành lang bốc mùi khó chịu… Dù có hệ thống cáp treo hiện đại lên đỉnh Fansipan thì vẫn không tránh được một lượng rác thải không nhỏ vô tình hay hữu ý bay xuống những cánh rừng Hoàng Liên Sơn bên dưới, trong số đó có không ít những áo mưa đã qua sử dụng. Dù đã xây dựng được hệ thống bậc thang khá thuận tiện để du khách bước lên, đi đến cột cờ Lũng Cú ở cực Bắc của đất nước, thì trên đường và hai bên đường đi vẫn có thể thấy còn rất nhiều rác do du khách thải ra chưa được thu gom…

Bên cạnh đó, nhà vệ sinh tại các khu du lịch còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhiều nơi xuống cấp, không đảm bảo chất lượng và an toàn cho du khách sử dụng. Nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm cục bộ và tái ô nhiễm sau xử lý vẫn xảy ra một vài khu vực, đặc biệt là tại một số điểm nằm ở hạ lưu các con sông, suối, ao hồ, bãi biển, đảo…

Sắp có Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường

Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng ô nhiễm môi trường ở các khu du lịch hiện nay, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL cho rằng, các chủ thể tham gia hoạt động du lịch còn thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường, thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật, một số chủ thể vì lợi nhuận đã cắt xén các công trình xử lý rác thải, nước thải trong quá trình xây dựng cơ sở kinh doanh du lịch; giảm bớt nhân công thu gom rác thải trong khu, điểm du lịch dẫn tới hiện trạng quá tải rác thải trong nội bộ khu du lịch.

Còn PGS.TS Nguyễn Danh Sơn - Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) lại nhận định: Việt Nam hiện chưa có cơ quan chuyên trách quản lý Nhà nước về môi trường du lịch; chưa có nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và hệ thống về môi trường du lịch làm căn cứ đề ra các giải pháp khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững; công tác quản lý, khai thác và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường du lịch mới chỉ thực hiện ở mức độ nghiên cứu, đề xuất giải pháp chung.

Năm 2016, Bộ VHTTDL đã giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch xây dựng Bộ tiêu chí về bảo vệ môi trường với 3 loại cơ sở du lịch và dịch vụ gồm: cơ sở ăn uống, cơ sở vui chơi giải trí và cơ sở bán hàng lưu niệm. Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với cơ sở ăn uống bao gồm 45 tiêu chí (33 bắt buộc, 12 khuyến khích); Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với cơ sở vui chơi giải trí gồm 47 tiêu chí (38 bắt buộc, 9 khuyến khích); Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với cơ sở bán hàng lưu niệm gồm 43 tiêu chí (34 bắt buộc và 9 khuyến khích).

Bộ tiêu chí cũng đã được phổ biến và xin ý kiến trực tiếp tại khu du lịch Tràng An, khu du lịch Tuần Châu, điểm du lịch làng nghề Bát Tràng. Theo TS Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đa phần các khu du lịch ở địa phương đều đánh giá Bộ tiêu chí là phù hợp và rất cần thiết.

Dự kiến đến cuối năm 2017, Bộ Tiêu chí bảo vệ môi trường sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Bộ tiêu chí này được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước có thêm công cụ để đánh giá mức độ thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua đó, có thể kiểm soát chặt chẽ hơn việc bảo vệ môi trường của các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch quốc gia trên toàn quốc.

PGS.TS Phạm Trung Lương- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam cảnh báo: Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiều khu du lịch ven biển ở Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí sắp bị xoá sổ như khu du lịch Ana Madara (Thuận An, Thừa Thiên - Huế), khu du lịch Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), khu du lịch Khai Long (Cà Mau)… Đây được xem như những cảnh báo nghiêm túc đối với tác động của môi trường đối với phát triển du lịch ở Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.