Nhà

Minh họa: Tuấn Tú.
Minh họa: Tuấn Tú.
TP - 1. Tôi chưa có ý định mua nhà trong thời gian này. Bạn tôi có sẵn hơn nửa số tiền nhà rồi mà còn khốn khổ vay mượn huống gì tôi trong tài khoản chỉ có mấy chục triệu. Tôi tính là chờ thêm ba năm nữa, khi mảnh đất mua găm mãi được giá bán đi sẽ mua căn hộ chung cư nào đó gần nhà chồng. Sống trong cảnh nợ nần chẳng thể nào vui được. Thế mà đùng một cái, đang ăn cơm, mẹ chồng buông đũa nói, sẽ cho các con bốn trăm triệu để hai đứa tìm mua nhà ở riêng.

Ngôi nhà chúng tôi đang ở là của bố mẹ chồng mua cách đây chục năm, giá tỷ hai. Số tiền bốn trăm triệu là mẹ tính đã chia đều ra ba phần. Bố mẹ chồng, vợ chồng tôi và và vợ chồng cô em gái. Bố mẹ chồng sống ở quê, một năm ra chơi con cháu một lần, hai căn phòng riêng của ông bà trên này để cho sinh viên thuê, mỗi tháng được thêm hai triệu tư. Lâu nay vợ chồng tôi ở tầng hai, nấu ăn tầng bốn, vợ chồng cô em gái ở tầng ba, nấu ăn ở tầng một. Đội sinh viên ăn ở ngoài. Cô em gái chọn tầng một nấu ăn cho đỡ leo trèo, chọn tầng ba vì cái phòng đó có ban công phơi quần áo rất tiện. Tôi về sau, thấy vậy bất cập nhưng thôi nhịn cho lành.

Vài người bạn biết chuyện đều mừng cho tôi và nhiệt tình cho tôi vay tiền. Người cho vay lâu dài người cho vay nóng. Vậy là tôi quyết. Căn hộ bảy mươi mét, tầng 18, giá 21,5 triệu/m2, cả tiền sang tên lằng nhằng các kiểu là tròn số một tỷ sáu. Trong một tháng tôi lo vay sáu trăm triệu, mẹ chồng vay cho sáu trăm. Sáu trăm này mẹ chỉ đứng tên vay hộ, hàng tháng vợ chồng tôi phải trả lãi. Nói là vợ chồng nhưng chính xác là mình tôi. Hai năm nay tôi còn phải nuôi cả chồng. Một ngày dở trời hắn tuyên bố nghỉ việc để có cơ hội tìm việc tốt hơn. Tôi bảo đi học thêm tiếng Anh tôi sẽ lo học phí hắn nói già rồi học không vào. Hỏi có muốn xuất khẩu lao động không tôi sẽ tìm cách chạy chọt hắn cũng không chịu. Thôi thì kệ.

Sang tên nhà xong tôi đưa hết giấy tờ cho ngân hàng, làm thủ tục vay tiền. Hôm nay tiền về tài khoản. Số tiền tám trăm triệu.

2. “Vợ chuyển ba trăm vào tài khoản chồng rồi đấy, chồng chuyển về cho mẹ nhé”.

“Sao lại ba trăm, ít ra cũng chia đôi chứ”.

“Vợ trả hết cho bạn rồi”.

“Thế này không xong đâu, mẹ cũng cần trả hết cho bạn mẹ”.

“Chồng tự lo số còn lại đi”.

“Làm sao mà chồng lo được”.

“Vợ cũng vậy”.

“Vợ về nhà ngay. Chồng cần nói chuyện”.

“Đang bận làm. Không về được”.

Mẹ chồng gọi điện ngay sau đó. Nội dung như thằng con trai của bà vừa nhắn tin. Con xem thế nào rồi cân đối cho hợp lý. Vâng mẹ, có gì con đã nói hết với chồng rồi.

Tôi chuyển bốn trăm triệu trả bạn bè, các bạn tử tế với mình khi cần kíp thì cũng nên giữ đúng lời hứa. Một trăm tôi giữ lại lấy vốn mở cửa hàng bán cháo dinh dưỡng, trứng vịt lộn và các loại đồ uống, có cả cà phê rang xay nguyên chất. Khu nhà tôi vừa chuyển về đông trẻ con, xung quanh chưa có hàng ăn nào ra trò. Tôi thuê mặt bằng, thuê người làm, tính toán mỗi ngày bán được  trên 50 suất là lãi. Nếu không kinh doanh thêm, chỉ chờ vào lương tôi lấy đâu tiền để hàng tháng trả gốc và lãi cho ngân hàng. Để chấm dứt do dự tôi gọi chủ nhà cho thuê tới làm hợp đồng, đặt cọc luôn. Trong buổi chiều gọi thiết kế, đặt bàn ghế, bảng hiệu, mua đồ, tìm người. Mười một giờ đêm tôi vẫn đang ngoài cửa hàng.

“Vợ suy nghĩ lại đi. Chồng không đồng ý vậy đâu”.

“Chồng kiếm việc gì mà làm đi, ở nhà lắm quẫn trí”.

“Vợ ăn nói ngày càng láo toét. Sống để đức cho con”.

“Chồng đừng lèo nhèo”.

“Ly hôn đi”.

“Ok, giờ ly hôn là chia đôi tài sản đấy”.

Tôi tắt máy. Chả lẽ ngủ luôn ở cửa hàng. Chuyện ly hôn đối với tôi không có gì quan trọng. Với chồng tôi có lẽ cũng thế. Trước chung một phòng còn chịu đựng được nữa là giờ đứa nào cũng có phòng riêng. Chỉ mệt thằng Ken cứ phải chạy từ phòng này sang phòng khác. Gối đầu lên tay bố một lúc lại chạy sang rúc vào ngực mẹ. Con muốn ngủ kiểu gia đình cơ. Ngủ kiểu gia đình là con nằm giữa, bố một bên mẹ một bên.

Gia đình cô em mang hoa tới chúc mừng sinh nhật chị dâu. Mẹ kiếp, thớ lợ quá đi. Nhìn mặt hai đứa là tôi cứ phải kiềm chế nỗi khó chịu. Hoa tôi thắp hương lên bàn thờ ngày rằm nó hắt xuống đất nhưng khi anh chị chuyển sang nhà mới nó lưu luyến phát khóc. Nó hít hà thằng Ken. Ôi cô chẳng muốn xa cháu chút nào. Giống hệt như chồng tôi lúc này đang cưng nựng đứa con của em gái nó. Thật là một gia đình thắm thiết. Tôi pha trà lipton, tôi gọt hoa quả, tôi hỏi thăm nhà cửa bên đó sơn sửa thế nào. Dạ ổn cả rồi chị, Ken giờ về tha hồ nhảy nhót nhé. Nghĩ thầm trong bụng, Ken ứ về nhưng anh trai cô thì có thể đấy, qua tháng này tôi đuổi. Cho các người biết tôi đang chịu đựng như thế nào. Từ khi biết số tiền mẹ chồng đưa cho mua nhà là tiền của gia đình em rể thì tôi càng ức. Hóa ra họ đã toan tính cả rồi. Này anh này chị, cầm lấy chừng này tiền này rồi biến đi để chúng tôi sống đời thoải mái. Giờ thì chúng tô điểm lại ngôi nhà, hai phòng riêng của ông bà cũng không cho thuê nữa. Hay vậy đấy, cắn răng mà đi lại còn phải mang ơn huệ.

Mẹ chồng bảo tôi nên làm buổi liên hoan nhà mới để kiếm thêm đôi ba đồng tiền mừng. Đồ ăn thức uống mẹ gửi  ở quê lên cho, con không phải đi chợ mua sắm lích kích gì nhé. Vợ chồng cô em xoắn xuýt hỏi anh chị thích tặng gì nhà mới. Tôi bảo, tặng anh chị bộ rèm cửa, nhưng mà loại đèm đẹp ý, cỡ tầm vài ba chục triệu. Chồng bảo tôi chơi xỏ, gia đình nhà người ta đã phải rút hết sổ tiết kiệm ra lo cho nhà mình rồi. Tôi hỏi, bị đuổi vậy mà chồng không thấy gì sao. Thấy gì, ở riêng thế này chả sướng à, vợ đã nói là không muốn sống chung với lũ lợn mà.  Phải, một lũ lợn, tôi thường rủa thầm chúng nó thế mỗi khi đi làm về nhìn ngôi nhà bày bừa, bẩn thỉu. Mang tiếng bếp riêng, không gian riêng nhưng cô em chồng ở nhà không đi làm cứ việc bành trướng. Với tay vào tủ lạnh tìm xúc xích luộc cho con chỉ trơ lại cái bao không. Tìm sữa chua cũng chả còn hộp nào. Nước rò ra lênh láng cả tháng trời không ai coi đó là việc của mình. Tôi kêu thợ về sửa. Thuê người giúp việc theo giờ dọn sạch sẽ tinh tươm từ tầng một tới tầng bốn vài lần cho chúng nó biết ý nhưng rồi đâu lại vào đấy. Thôi nhắm mắt mà gãi ghẻ, tử tế với bọn không biết điều này chỉ thiệt mình. Giờ thì biết rồi, cô em cố tình vậy.

3. “Nếu vợ không đưa thêm thì chồng nói thẳng luôn, bốn trăm hôm trước là bà cho riêng chồng, vợ và Ken không có phần trong đó đâu. Coi như chồng đã đóng góp chừng đó mua nhà. Chấm hết”.

“Nhà bà trị giá gần ba tỷ đấy. Chồng bảo bà bán nhà chia ba ra đỡ nặng gánh. Chồng không nghĩ cho vợ thì cũng phải nghĩ cho con trai mình chứ”.

“Nhà đó là kỷ niệm của ông bà, sau này ông bà ra ở. Giờ bà nợ è cổ, vợ còn làm khó”.

“Nhà con bà cùng ở, cùng đứng tên, cùng hưởng thì lo mà cùng trả. Bà vay cho con bà chứ vay gì cho vợ. Chồng khôn vặt, mẹo vặt đẩy trách nhiệm cho vợ. Thương mẹ của mình thì đi làm mà kiếm tiền trả cho mẹ đi”.

“Vợ không phải lên mặt dạy dỗ”.

“Chồng là thằng hèn. Sống vậy không xấu hổ với con à”.

“Vợ ăn nói mất dạy”.

Tôi cần một cái gọi là nhà, để tĩnh tâm làm việc và sống như một con người bình thường nhưng không phải là một cái nhà như thế này.

Cửa hàng mới mở nên khách lác đác. Cả ngày bán được vài chục suất. Cứ đà này là lỗ. Cùng lắm mất một trăm triệu này, tôi động viên mình chờ cho qua tháng đầu tiên. Nửa năm cách đây tôi cũng vừa mở lớp dạy kỹ năng sống cho học sinh 5-10 tuổi, vài tháng nay đã bắt đầu thu lãi. Những ngày này mà không kín mít công việc có lẽ tôi điên mất vì chán chường. Chồng tôi vẫn nằm ì trên giường. Về nhà, mở cửa máy giặt nhìn quần áo hắn xoắn vào quần áo tôi đột nhiên dâng lên cảm giác muốn ói. Tôi phải sống với con người này suốt cuộc đời sao.

4. Chồng tôi đang đứng tên ngôi nhà cũ, giờ tôi không chịu sang tên cho chúng nó, làm được gì nhau nào. Bẽ bàng một thể. Sáng sớm vừa bước trong nhà vệ sinh ra, chồng tôi chặn ngay cửa, hôm nay hai vợ chồng qua phòng công chứng giúp chúng nó cho xong. Tôi quặc, gì mà gấp gáp vậy, cả chục năm nay nhà đó đứng tên chồng có sao đâu, vừa mới chân ướt chân ráo ra khỏi đòi sang tên ngay. Nó nói với chồng là chuẩn bị xong hết rồi, mình chỉ qua ký thôi. Chẳng thấy đứa nào gọi cho vợ. Thì nó nghĩ gọi cho chồng rồi là được. Ờ, vậy mình chồng đi là được rồi. Mười phút sau cô em điện thoại tới ngọt nhạt. Em biết chị bận, để đỡ phiền, em thuê dịch vụ công chứng tới thẳng công ty chị cho tiện nhé. Em ơi sáng nay chị đi giải quyết việc bên chi nhánh Đông Anh. Cô em hàng ngày căn ke từng đồng vậy mà giờ phóng khoáng vậy, thuê hẳn cả dịch vụ công chứng tới tận cơ quan chị. Giữa trưa mẹ chồng nỉ non, con ơi, giúp em chút cho nó yên tâm. Yên tâm gì hả mẹ? Thì thủ tục nó cứ thay đổi liên tục, giờ đang thuận làm luôn lỡ sau này phức tạp. Nếu có phức tạp thì đừng chuyển nữa, ai đứng tên mà chả được hả mẹ, người trong một nhà. Mẹ chồng nghe vậy hoảng quá gọi cầu cứu con trai. Nguyên một ngày dồn dập cuộc gọi đến. Chị dâu ra giá luôn nhé:  vợ chồng em bù cho anh chị tám trăm nữa thì chị chịu.

Tôi qua trường đón Ken. Lâu lắm rồi thằng nhóc mới được mẹ cho đi chơi vườn thú. Nhìn con gầy nhẳng mà lòng không khỏi xót xa. Mẹ ơi, khi nào bố mẹ tân hôn. Sao con hỏi vậy. Bạn Tôm bảo bố mẹ bạn ấy sáng nay vừa tân hôn. Tân hôn là sao con. Là hôn nhau, ở lớp con có hai bạn sắp tân hôn. Tôi đưa con vào cửa hàng thử quần áo mới. Lựa mãi không ra được bộ nào mặc cho khuôn mặt con sáng sủa lên. Con chào đời khi chúng ta chưa sẵn sàng. Phải vực dậy con ạ, mẹ phải cày cuộc nhiều hơn nữa để bù đắp cho con. Mai kia bán được mảnh đất mẹ sẽ sắm xe hơi cho con trai thỏa thích đi chơi, chẳng dại gì mà ôm hết nợ nần. Mẹ sẽ dạy con trai theo một cách khác... Con trai ngủ gục trên vai mẹ về nhà. Chồng nhìn tôi với tia mắt sòng sọc. Vợ đã nói gì với mẹ vậy? Vợ điên rồi à? Vợ không biết là mẹ bị huyết áp cao à, vợ không biết là em gái chồng là đứa yếu tim à. Vợ làm điên đảo cả nhà chồng.

Tôi đã làm cho mẹ phải vào viện cấp cứu?  Người nhà chồng thần kinh yếu vậy sao? Chúng tôi mua vé tàu về quê luôn trong đêm. Lạy trời bà qua khỏi cơn nguy kịch.

5. Mẹ chồng đã mấy lần dọa chết khi chồng đòi cưới tôi. Bà không chấp nhận cuộc hôn nhân này. Bà không ưa tôi ngay từ lần đầu tiên gặp mặt. Viện cớ thầy bói phán hai tuổi này lấy nhau sẽ xảy ra chuyện tệ hại bà đã làm cho chúng tôi khốn khổ. Không cho cưới thì chúng tôi âm thầm sống với nhau. Không xe hoa không váy cô dâu không bánh cốm phu thê. Thằng Ken tròn một tuổi thì bà đành đấm ngực chịu nhịn. Chúng tôi kéo nhau về ở chung nhà với vợ chồng cô em khi trong tay có tờ giấy đăng ký kết hôn.

Bởi vì bà không tin vào cuộc hôn nhân này. Bà không tin thằng con kém cỏi của mình được thương yêu. Người mẹ đáng thương ấy đã mất hết lòng tin vào đứa con trai. Chỉ có câu trả lời đó mới làm cho lòng tôi dịu lại. Tiếng còi tàu đêm nghe hun hút, tôi ôm chặt Ken. Con trai, đừng để một ngày nào đó người đàn bà phải dằn hắt mình nghe con.

6. Chồng tôi rao bán ngôi nhà. Không vấn đề gì. Tra tấn nhau vậy đủ rồi. Tin posts liên tục trên mạng một tuần sau vài người gọi tới muốn xem. Gõ google tìm đường thoát xác, sống thế này không bằng chết, hỡi người đàn bà sắp phát điên lên, đừng ngu gì mà làm vậy. Ngày dọn về nhà mới tôi vui lắm. Hôm nay dọn đi tôi cũng vui không kém. 

Nhà ảnh 1Có cảm tưởng truyện ngắn dưới đây như được trích ra từ một tự truyện nào đó. Vì nó thật đã đành, mà giọng điệu lại còn rất “phóng sự” (hoặc gây sự)! Cả một sự ê chề trong gia đình lớn và nhỏ bị phơi bày không thương tiếc. Và đây chính là thành công của Phan Thúy Hà: Tưởng văn thì phải né chất báo chí đi; nhưng hóa ra, đẩy báo đến tận cùng thì lại gặp văn.

Cũng chẳng lạ, vì Phan Thúy Hà viết văn nhưng lại sống bằng nghề báo mà.

L.A.H

MỚI - NÓNG