Nhà báo, nhà sử học Alain Ruscio: Tôi đã được gặp những “ngọn núi lớn”

TP - Hóa ra người nổi tiếng lại rất giản dị. Nụ cười rộng mở và cái bắt tay chặt rất thiện cảm. Với nụ cười vui vẻ, pha chút tự hào, ông kể lại kỷ niệm những lần gặp gỡ với vị Đại tướng Việt Nam lừng danh thế giới Võ Nguyên Giáp. Bản tính nhanh nhẹn, xông xáo, thích sâu sát của một nhà báo đã giúp A. Ruscio đi khắp thế giới, tới những điểm nóng nhất, để sau này giúp ông cho ra đời 16 cuốn sách.

Nghe danh tiếng của nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Alain Ruscio từ rất lâu, nhưng sau cơ duyên gặp và làm việc với ông Patrice Jorland, Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt, nhờ ông giới thiệu, chúng tôi may mắn gặp A. Ruscio.

A. Ruscio - nguyên là phóng viên báo Nhân đạo (L’Humanité) - tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian đã từng cộng tác. Ông là một trong số phóng viên nổi tiếng của tờ báo được cử tới Việt Nam như ?Madeleine Riffaud. Họ được tiếp xúc, phỏng vấn nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và giới văn nghệ sỹ. 

Nhà báo, nhà sử học Alain Ruscio: Tôi đã được gặp những “ngọn núi lớn” ảnh 1 Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Đặc biệt, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp Alain Ruscio nhiều lần và nói chuyện qua điện thoại giúp tác giả ra được cuốn sách rất đáng chú ý về vị tướng nổi tiếng của Việt Nam mang tên “Vo Nguyen Giap - Une vie” (NXB Les Indes Savantes ấn hành năm 2011, đã được NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật dịch tiếng Việt với tựa đề “Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời”). Riffaud đã viết một số tác phẩm ủng hộ cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân VN (Au Nord - écrits sous les bombes - “Miền Bắc - Viết dưới làn bom”- 1967).

Câu chuyện bắt đầu ngay với những kỷ niệm của ông khi phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giọng nói của A. Ruscio sôi nổi hẳn lên.

Được gặp những “hòn núi” lớn

Kỷ niệm 25 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu, năm 1979. Tôi đã đến Việt Nam năm 1978, lúc này tình hình biên giới Việt - Trung bắt đầu căng thẳng. Ấn tượng lớn nhất của tôi là gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc đó phóng viên quốc tế vào Việt Nam chưa nhiều nhưng vì tôi làm cho báo Nhân Đạo nên được ưu tiên và tôi được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. 

Chiến tranh biên giới nổ ra, tôi muốn gặp tướng Giáp để trò chuyện và thật may mắn, người ta đã bố trí cho tôi gặp ông. “Tôi đã gặp nhiều người rất giỏi, có kiến thức nhưng đối với tôi Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hai ngọn núi”. A. Ruscio bồi hồi. “Không hiểu sao tôi cứ liên tưởng đến chuyện ngày xưa Hồ Chí Minh khi ở Pác Bó, người đã đặt tên núi Các Mác, suối Lê Nin”.

Cuộc gặp đầu tiên khiến A. Ruscio rất xúc động vì tướng Giáp có tài cuốn hút khách. Đại tướng đã từng làm báo. Có lẽ vậy nên ông rất gần gũi với người cũng làm báo như tôi - A. Ruscio băn khoăn tự lý giải.

“Ông ấy đón tôi rất dễ thương. Ông nói tiếng Pháp rất thạo”.

A. Ruscio gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vài lần nữa rồi về Pháp.

Nghe chúng tôi hỏi phóng viên quốc tế tại Việt Nam thời đó sống và làm việc ra sao - A. Ruscio cười và dường như không muốn nói nhiều. Ông chỉ nói Việt Nam thời đó rất khó khăn, chiến tranh chống Mỹ thì mới kết thúc và ngay sau đó phải chống Khơ me đỏ và rồi chiến tranh biên giới lại nổ ra.

Nhà báo, nhà sử học Alain Ruscio: Tôi đã được gặp những “ngọn núi lớn” ảnh 2 Chỉ một số cuốn sách ít ỏi của Trung tâm CID được trưng bày. ảnh: Lê Anh Hoài

“Năm 1986, tôi đang ở Pháp thì bỗng có một cú phôn từ Đại tướng Giáp đang ở Tiệp Khắc muốn gặp tôi trò chuyện. Tôi lập tức nhận lời. Nhờ Sứ quán Việt Nam tôi đã gặp Đại tướng tại Praha. Hôm đó, Đại tướng nói với tôi rất nhiều thứ. Tôi ấn tượng với câu chuyện ông kể tại sao và từ khi nào ông trở thành người yêu nước. Ông nói nhiều về đất nước của mình, về số phận Việt Nam. Ngay từ khi đó, tôi đã thấy mình có cơ hội được tiếp cận với một nhân vật lớn không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ mình sẽ viết một cuốn sách từ những câu chuyện của Đại tướng. Tôi nói với ông về ý này, ông chỉ cười”.

Sau đó, A. Ruscio còn có nhiều dịp khác gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Việt Nam. Ông đã ghi chép tất cả tỉ mỉ và đưa “ông Giáp” xem, tôi đề nghị được in sách nhưng lần nào Đại tướng cũng chỉ nói: Cứ chờ đã! Tôi hiểu ông còn những băn khoăn và nhiều cái khó riêng”.

Thời gian trôi đi, mãi nhiều năm sau A. Ruscio mới có thể in được sách. Cuốn sách của ông in bằng tiếng Pháp đúng vào dịp Đại tướng 100 tuổi. 

Đại tướng rất hài hước. Một lần gặp, thấy tôi để râu rất dài, ông hỏi tôi đi tán gái à? – Nhà báo kỳ cựu cười sảng khoái, nhớ lại. “Lần kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004), tôi và 10 phóng viên và nhà nghiên cứu lịch sử quốc tế về Việt Nam, khi gặp gỡ, Đại tướng ôm chầm lấy tôi khiến những người khác ngạc nhiên trước sự tự nhiên của một vị tướng nổi tiếng như thế. Họ cho rằng tôi là thành viên “Bolchevic” đặc biệt.

Những cuốn sách ngủ dưới hầm

Hiện nay, A. Ruscio đang lãnh đạo một trung tâm nghiên cứu về Việt Nam đương đại (Centre d’Information et de Documentation sur le Viet Nam Contemporain - viết tắt CID Vietnam). 

Ông thay đổi hẳn nét mặt khi nói về việc Trung Quốc gây hấn, xâm lấn vùng biển của VN bất chấp luật pháp quốc tế. Theo ông, Trung Quốc đang thực hiện hành động xâm lược bằng thủ đoạn rất khó chịu. Họ đang muốn lập một đế chế, trở thành cái rốn của vũ trụ. 

Một Trung tâm thông tin tư liệu về Việt Nam đương đại, với một khối lượng hồ sơ gần 6.000 cuốn từ nhiều nguồn, tiếng Việt, tiếng Pháp, Anh, Nga, Ý rất lớn nhưng nay phải trú tạm đóng gói ngủ ở dưới tầng hầm, và trụ sở chuyển đến một căn phòng nhỏ hẹp hơn 10 m2.

Tôi chợt nhớ đến một chi tiết thú vị. Năm 1969, chàng trai trẻ Alain Ruscio đã bị cảnh sát bắt vì tham gia biểu tình và rải truyền đơn chống cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành tại Việt Nam. 

“Những chứng cứ về địa lý và lịch sử từ lâu đời chứng minh chắc chắn các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Trung tâm CID Vietnam có đầy đủ tư liệu về chuyện này. Chúng tôi đã đăng trên trang web của mình các bài nghiên cứu và gần đây đã tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn Việt Nam tổ chức tại Paris”.

A. Ruscio và những cộng sự của mình tiếp chúng tôi tại một căn phòng rất nhỏ phía sau sân khấu của Trung tâm Văn hóa Việt Nam (ở quận 13, Paris). Trung tâm CID Vietnam đã phải rời đến đây từ năm 2010, trước đây văn phòng đặt tại ở Montreuil - Một thành phố ngoại ô nghèo Paris. Khi đó ông nguyên thị trưởng Montreuil là thành viên Đảng Cộng Sản đã giúp đỡ cho CDI. Hiện nay, ông thị trưởng mới đã lấy lại trụ sở này, CID Vietnam phải chịu cảnh long đong. 

Một Trung tâm thông tin tư liệu về Việt Nam đương đại, với một khối lượng hồ sơ gần 6.000 cuốn từ nhiều nguồn, tiếng Việt, tiếng Pháp, Anh, Nga, Ý rất lớn nhưng nay phải trú tạm đóng gói ngủ ở dưới tầng hầm, và trụ sở chuyển đến một căn phòng nhỏ hẹp hơn 10m2. Chỉ có vài cuốn thỉnh thoảng được lấy lên trưng bày tủ kính ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp nhân dịp một số triển lãm gần đây liên quan đến Việt Nam. Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, CID Vietnam cũng kết hợp với bảo tàng Hồ Chí Minh, Trung Tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, và một số cơ quan tổ chức triển lãm ảnh, tư liệu tại Paris. Có hơn 10 người tự nguyện tham gia làm việc ở trung tâm này. Họ làm tất cả những công việc này không một đồng lương, không có ai tài trợ cho trung tâm của họ cả.

Chúng tôi ngỡ ngàng trước những người Pháp đặc biệt này. Họ yêu Việt Nam với tình yêu trong sáng không mảy may một vết gợn. Những mái đầu đã hoa râm, nhưng gương mặt ai nấy đều sáng lên, nhiệt tình khi nói về Việt Nam.

Bà Muriel Vaillant cho biết thêm: CID Vietnam thành lập năm 1984, hai năm sau A. Ruscio có cuộc gặp lại Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng rất vui mừng khi biết có một trung tâm nghiên cứu như vậy tại thủ đô nước Pháp. Ông chỉ đạo Thư viện Quốc gia gửi cho CID Vietnam rất nhiều tài liệu.

Bà Vaillant đã theo học tiếng Việt vài năm ở Đại học Paris VII, khoa Phương Đông. Bà nói thêm: một năm chúng tôi có 3 lần in ra danh mục các đầu sách và tài liệu mới mà chúng tôi có để giới thiệu cho bạn đọc.

Ông Francis Gendron chia sẻ thêm: Chúng tôi cũng đã già. Chúng tôi cần người trẻ chung sức cùng chí hướng để mở được thư viện CDI. Tiếc rằng lớp trẻ VN sang du học rất ít quan tâm, hầu hết học về kinh tế, đôi khi họ đã nhầm nghĩ đến với chúng tôi để có sự hỗ trợ về tài chính, và không thiết tha đến những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi hy vọng những người yêu nước trẻ tuổi, biết cả tiếng Việt và tiếng Pháp sẽ tiếp tục công việc của chúng tôi. Chúng tôi cũng rất muốn tìm người có thể dịch ra tiếng Việt một số sách rất quý bằng tiếng Pháp.

A. Ruscio hóm hỉnh chen vào: Ồ, chúng tôi muốn bài trừ thực dân nhưng đa số những người trẻ tuổi lại chỉ thích đi du lịch và làm kinh tế!
Ngạc nhiên và chạnh buồn khi biết ngoài Thư viện Quốc gia Việt Nam và một số học giả Việt Nam vẫn tiếp tục cộng tác với CID Vietnam, hiện tại không có thêm một cơ quan nào chính thức hợp tác với Trung tâm có hoạt động đầy ý nghĩa này.

Lưu luyến chia tay trong buổi chiều muộn, thật nhớ cách khoác vai thật chặt của Alain Ruscio khi cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm. Vốn sinh ra trong một gia đình gốc Ý, và từng là đảng viên cộng sản, A. Ruscio thừa hưởng tính sôi nổi, quyết liệt, dòng máu nóng rất nổi bật.
 

Người tấn công mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân

Ruscio, sinh năm 1947, phóng viên của báo Nhân Đạo (Pháp), tiến sỹ văn chương, nhà sử học, nhà nghiên cứu độc lập chuyên về chủ nghĩa thực dân, về Đông Dương, và Việt Nam. 

Nhà báo, nhà sử học Alain Ruscio: Tôi đã được gặp những “ngọn núi lớn” ảnh 3

Ông là tác giả của nhiều cuốn sách viết về đề tài chống thực dân “Những người cộng sản Pháp và cuộc chiến tranh Đông Dương” 1944-1954, nxb L’harmattan, 1985; “Điện Biên Phủ: Huyền thoại và thực tế 1954-2004”, “Năm mươi năm say đắm Pháp” (hợp tác với Serge Tignères, Paris, nxb. Les Indes Savantes, 2005; “Chiến tranh Pháp ở Đông Dương (1945-1954)”, Bruxelles, nxb. Complexe; “Tuyển tập hồi ký thế kỷ”, 1992; “Việt Nam, lịch sử, đất nước và con người”, nxb L’harmatan, 1989… Ông được coi là người tấn công mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân tại các thuộc địa. Giám đốc trung tâm thông tin và tư liệu về VN đương đại (CID Vietnam). 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.