Nhà hát Tuổi Trẻ làm mới bằng kịch tiếng Anh

Nhà hát Tuổi Trẻ làm mới bằng kịch tiếng Anh
TP - Sau nhiều cố gắng, tới đây, người nước ngoài đến Nhà hát Tuổi Trẻ có thể xem hài kịch bằng tiếng Anh. Tiền Phong trò chuyện với anh Nguyễn Sĩ Tiến, phó đoàn kịch II - Nhà hát Tuổi trẻ xung quanh vấn đề này.
Nhà hát Tuổi Trẻ làm mới bằng kịch tiếng Anh ảnh 1
Nghệ sĩ Nguyệt Hằng và Sĩ Tiến trong "Đời cười 5". Ảnh: PV

Lý do nào Nhà hát Tuổi Trẻ quyết định xây dựng những vở kịch bằng tiếng Anh, thưa anh?

Nếu ai theo dõi con đường của đoàn kịch 2, Nhà hát Tuổi Trẻ thì vẫn biết, dù dàn dựng nhiều vở khác nhau nhưng được khán giả quan tâm và cổ vũ nhất chính là seri Đời cười.

Những đêm diễn của Đời cười khá thành công và hầu như không bao giờ chúng tôi phải nghĩ đến việc bán vé. Nhưng gần đây, trong xu hướng mà khán giả hơi chững lại vì nhiều lý do, chúng tôi cố gắng tìm cách đổi mới mình.

Trong đoàn có một số người thông thạo tiếng Anh, mấy anh em lúc ngồi lại, chợt nghĩ rằng, Đời cười rất ăn khách với người Việt Nam, vậy tại sao không dịch các câu chuyện cười ấy cho người nước ngoài xem?!.

Nhiều khách du lịch và nhất là người nước ngoài sống ở đây cũng rất đông. Ngoài múa rối, các đêm nhạc, dân ca, tuồng chèo..., chúng tôi hy vọng sẽ mang một món quà tinh thần mới, hấp dẫn tặng họ.

Nhưng "món quà mới" này có hấp dẫn không khi diễn viên phải diễn bằng một ngôn ngữ khác?

Kịch nói là của phương Tây chứ không phải của Việt Nam, diễn viên diễn kịch hay đã khó, lại phải diễn bằng ngôn ngữ quốc tế là một điều vô cùng khó. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được.

Thời gian đầu, chúng tôi chỉ dám hy vọng kể lại một câu chuyện Việt Nam bằng hình thức vui vẻ cho người nước ngoài nghe. Cũng là một cách để thử thách và làm mới mình của đoàn kịch 2 - Nhà hát Tuổi Trẻ.

Văn phong của chúng ta khác, cách diễn tả một vấn đề cũng quá khác, và sẽ có những từ chúng ta khó có thể chuyển tải được. Các anh làm thế nào để vượt qua được những rào cản đó?

Chính xác là như thế. Nhưng thậm chí, đó chỉ là một phần khó khăn thôi. Khi bắt tay vào làm, mới thấy biết bao điều gian nan.

Ví dụ, khi diễn cho người Việt xem, đôi khi văn hóa địa phương từng vùng miền cũng tạo nên những tiếng cười rồi. Còn với tiếng Anh, điều gì sẽ làm người nước ngoài cười, điều gì có thể thuyết phục họ rằng, câu chuyện này có ý nghĩa...

Bước đầu, chúng tôi đang hợp tác với trung tâm dạy tiếng Anh Apollo, chuyển kịch bản cho họ hiệu đính lại, rồi thoại thử, điều chỉnh. Sau đó, giáo viên của họ sẽ huấn luyện cho diễn viên nhà hát.

Thậm chí, chúng tôi phải tham khảo nhiều người nữa, bởi chúng tôi xác định, diễn tiếng Anh không chỉ cho người ở quốc gia sử dụng ngôn ngữ này, mà ví dụ như người Nhật, người Trung Quốc... biết tiếng Anh, nghe cũng hiểu được. Nó đòi hỏi phải có sự kiên trì từ nhiều phía, đặc biệt là diễn viên.

Diễn viên phải thật hiểu mình đang nói gì, khi thoại một câu xúc động, liệu có làm cho xúc động thật hay không, hay chỉ thoại như một con vẹt. Thế nên, để làm được điều này, sẽ mất nhiều thời gian và công sức của anh em nghệ sĩ.

Một vài kịch mục nhỏ "Đời cười" sẽ được thử nghiệm, vậy để chọc cười khán giả bằng một ngôn ngữ khác, liệu chính diễn viên có cười được không?

Chúng tôi rất may mắn là có được một ê-kip diễn viên tương đối trẻ, già nhất là tôi, 41 tuổi. Những gương mặt tham gia đều quen thuộc như Nguyệt Hằng, Huy Phương, Thanh Hòa, Tú Oanh, Quỳnh Dương, Bá Anh...

Mọi người đều rất thú vị, bởi họ được thêm một sự trải nghiệm khác, rồi được học và hiểu thêm về ngôn ngữ quốc tế. Đấy cũng là cơ hội để nếu một hãng phim nước ngoài về đây casting (tuyển chọn), họ sẽ là những ứng viên tốt chứ.

Còn gì tốt hơn khi được trau dồi ngoại ngữ trên một bản diễn thực sự, được trải qua những thăng hoa về cung bậc tình cảm bằng ngôn ngữ khác.

Học tiếng Anh như trẻ con học nói vậy, đến khi "thấm", thì lúc nói ra, dần dần sẽ có cảm xúc, Trẻ con mới đầu gọi "Mẹ ơi" có hay đâu, nhưng đến một lúc nào đó, tiếng gọi ấy sẽ tha thiết chứ, đúng không!

Nhà hát Tuổi Trẻ làm mới bằng kịch tiếng Anh ảnh 2
Nghệ sĩ Sĩ Tiến (áo trắng) đang tập kịch cùng giảng viên Apollo và đồng nghiệp. Ảnh: PV

Có phải vì khán giả Việt Nam không còn hào hứng với Nhà hát Tuổi Trẻ nên các anh chuyển hướng sang khán giá nước ngoài?

Không phải, đó là một đối tượng khán giả mà lâu nay bị bỏ quên. Họ ở đây hoặc sang đây du lịch, họ cũng có nhu cầu chứ.

Tôi biết những ngày cuối tuần, nhiều người nước ngoài bay sang Hồng Kông, Thái Lan...để nghỉ ngơi. Mà bây giờ Hà Nội đẹp hơn rất nhiều, vậy tại sao không có những "món ăn" mới để mời họ thưởng thức.

Và sự chuẩn bị đó đến đâu rồi?

Anh em mới tập được gần hai tháng nay, mới thuộc lời thôi. Ngày ngày, anh em phải tập để tạo cảm xúc, có lẽ sang tháng Sáu sẽ cố gắng diễn thử.

Ba vở "Phòng trút giận", "Qua sông" và "Chơi trò diễn ba diễn má" không hẳn là hài kịch, mà cũng có những thông điệp gửi đến khán giả. Diễn viên là nghề "bắt chước", tái tạo cuộc sống mà, nên khả năng bắt nhịp của các diễn viên khá tốt.

Anh là người có ý tưởng chuyển thể kịch sang ngôn ngữ khác, trợ lý tiếng Anh cho đạo diễn Lê Hùng, nhưng chính bản thân mình, có khi nào anh gặp... lỗi?

Ôi, có lần cười gần chết. Bình thường, tôi đi đâu cũng làm phiên dịch cho đoàn, rồi dịch kịch cho anh em, nhìn bản dịch thì đọc ầm ầm, nhanh lắm, nói ào ào rất ghê, ai cũng nghĩ mình là ...ngôi sao cả.

Đến một hôm, giáo viên nước ngoài bên Apollo sang yêu cầu thoại thử, thì hóa ra câu nào cũng lỗi hết, làm tất cả anh em hôm đó sướng quá, vỗ tay ầm ĩ và đùa bảo: máy nổ hôm nay bị ngập nước (cười).

Những nghệ sĩ chúng tôi “rủ” tham gia làm chương trình này chỉ như một sự đánh thức những khả năng còn tiềm ẩn trong họ. Anh Lê Hùng, Giám đốc nhà hát và anh Chí Trung trưởng đoàn cũng rất hài lòng với sự cố gắng của anh em trong đoàn. Hy vọng sẽ làm được điều gì đó thực sự có ý nghĩa.

MỚI - NÓNG