Nhà mồ ngõ hẻm

TP - Tươi ở trong ngôi nhà mồ do tổ tiên nhà chồng để lại. May thay cụ cố đã xây huyệt đạo sẵn cho mình ở đây lại chầu thiên cổ tận chốn trời Tây, kiến trúc bên ngoài rõ ràng là nơi thờ phụng, nhưng bên trong chẳng có bộ xương nào.

Hồi còn trẻ, má Tươi dắt đi coi thầy, thầy phán sau này con làm lẽ, sống ở trong một ngôi nhà rất lạ, trong nhà có huyệt, ắt hẳn là nhà mồ. Tươi trợn tròn mắt chửi đông đổng bỏ đi. Người ta còn con gái, nghĩ sao đi làm bé mà phải ở nhà mồ.

Nhà mồ ngõ hẻm ảnh 1

Minh họa: Sỹ Lục

Ngày Tươi gặp Kiên ông trời nổi gió như lời phán của lão thầy năm xưa đến giờ ứng nghiệm. Nhìn Kiên cứ bẩn bẩn, chẳng giống kiểu đàn ông Sài Gòn trong ti vi mà ngày đêm Tươi mộng tưởng. Chị Ba đầu bếp nói dân kĩ sư cha nào chẳng vậy, được cái ga lăng, mới tới nơi đã nhào vô dọn giúp sào đồ khi trời trở mưa giông.

Tươi cười tỉm, ở cái nhà máy xay lúa này đợi miết mới có một cha đàn ông coi bộ lịch sự. Mà Kiên có ý, ngay từ bữa đầu tiên đã mấp mé ra sau bếp xin mấy cọng rau thơm. Thì ra cha này gốc Bắc, chị Ba lại nói thêm, dân Bắc di cư vô Sài Gòn chắc mang theo của ăn của để. Tươi không để ý tới tiền, nói đúng hơn là không muốn giấc mộng đổi đời của mình nhuốm màu vụ lợi. Tươi muốn yêu, ngộ thiệt, yêu thì là yêu, mắc chi phải muốn.

Kiên về nghiên cứu cách ép trấu làm than để tận dụng rác nông nghiệp, Tươi không hiểu mấy cái trò khoa học này, nhưng chắc mẩm anh giỏi lắm. Chiều chiều Tươi ra đứng ngõ sau, chỗ Kiên loay hoay với mấy cái lò than mới đúc, nhưng không phải để “trông về quê mẹ”, mà là trông tới lúc được tặng một cái nhìn, để có ngày dòm ngược lên thành phố, để tránh cái bữa “ruột đau chín chiều”.

Rồi chuyện gì tới nó tới, mỗi ngày Tươi đi chợ có thêm mớ rau thơm, thứ mà ở miệt miền Tây này chẳng mấy người hỏi tới. Chỉ có một người, mà chẳng hiểu cớ gì ăn thức nào cũng hỏi rau thơm. Mấy lần Tươi thử trả lời hết rau thơm, thế nào ảnh cũng hỏi sang thứ khác, cọng rau đắng, ít rau ngổ, mấy thứ mà bữa nào Tươi rửa chén cũng thấy còn nguyên.

Chuyện tới tai ba má, chắc cũng chị Ba. Bữa má đội mưa lên đưa Tươi cái chiếu mới đan, biểu tặng người ta cho có qua có lại, để người ta hổng khinh mình nghèo. Tươi đỏ mặt cười biểu bữa giờ chả có tặng cái chi đâu, cớ sao cọc đi ràng trâu trước. Mà má đúng, ít nhất người ta đã tặng mấy cái nhìn.

Trai quê người ta hổng đòi hỏi nhiều, đẹp thì Tươi đủ, má phính đùi trắng nõn nà như con gái người ta. Nhưng Tươi vụng, ai đời nhà ba mặt sông mà không biết mổ lươn làm cá, Tươi chỉ biết dệt chiếu, cái nghề vận vào phận người cái số nghèo kiết, hết.

Tối tháng mười tới nhanh như quạ canh xác thối, mới sáu giờ chiều đã tối lủi như đêm. Tươi lần mò ra vườn cắt bông chuối sáng mai bóp gỏi, Tươi làm gì cũng chậm nên mấy thức phức tạp phải mần trước một đêm. Tươi giận mấy cây chuối từ lâu, mắc mớ gì mà đơm chồi nảy nhánh nhanh như đàn bà đẻ. Mà nhiều khi má Tươi còn đẻ sai hơn mấy cây chuối quỷ này.

Nhà thì lúc nhúc bảy anh chị em, trên có anh Hai chị Ba dưới còn bốn đứa em con nghịch dai thằng quấy khóc. Cũng may Tươi nằm cửa giữa, trên được nhờ vả dưới còn biểu sai, vậy nên hai bốn tuổi đầu Tươi chỉ biết trông em với đan chiếu. Má kêu mày dở ít nhứt còn cái nghề để hổng ăn bám nhà chồng. Tươi kẹp mấy cọng lát giữa ngón chân trề môi cả khúc, có ngày con phải kéo cả nhà khỏi cái nghề nghèo kiết.

Nhưng bây giờ Tươi tự dưng cưng nghề chiếu phải biết. Cái chiếu má tặng bữa rồi chắc êm dữ lắm hay sao mà cha Kiên lôi ra để trên cái giường gần sàn bếp rồi dọn hẳn ra ngoải ngủ, biểu nằm đây cho mát. Mấy cha bốc vác bị cướp chỗ được dời vô hẳn cái phòng kĩ sư quạt thổi vù vù.

Tươi biết ảnh nằm đây để được gần mình, kế cái giường nằm trong góc bếp chỉ cách một tấm phên. Người gì vô duyên, Kiên kêu nghe Tươi ngáy… đã thiệt. Vậy đúng là yêu, yêu thì thúi cũng bằng thơm. Nhưng Tươi thấy mình thơm thiệt, đẹp thiệt, bởi vậy cha Kiên mới lủi thủi theo ra vườn chuối giả bộ ngâm mấy câu vọng cổ dở ẹc Tươi dạy bữa coi hát đình.

Tươi biết mình phải khen hay, giống như chả từng khen mình ngáy ngọt. Tối đó Tươi không ngáy vì giấc mộng đẹp chưa tan, sáng ra chị Ba kêu trời vì mấy bông chuối còn nguyên chưa xắt, còn mấy cha bốc vác chọc quê hai cái giường cách nhau có tấm phên tối hôm qua lạnh tanh không ai nằm ấp.

Tươi có bầu lẹ như chuối ra bông, bữa Tươi sắp quầy chuối cúng rằm cha quản đốc kêu lên hỏi có biết không thằng Kiên vợ con cặp nách ở Sài Gòn. Mắt Tươi trợn tròn, rớt cái bẹp nát bươm quầy chuối chín.

Buổi chiều vợ Kiên xuống Đồng Tháp hỏi nhà Tươi, ba má gan ruột lồng lên than trời ơi nhục nhã. Tiếng trống vọng từ gánh hát trên đình như đỉnh điểm cao trào màn kịch phổ thông giựt chồng bị đánh. Tươi đợi chị đánh mình, nhưng không, chị làm cô giáo, từ tốn nhỏ nhẹ đưa sấp tiền biểu cưng giữ đó nuôi con.

Tươi mời chị ngủ lại nhà, tối hai chị em dòm nóc nhà dột, mặt ai cũng ướt nước mưa nhưng biết nhau ướt vì nước khác. Tươi thức trắng đêm đợi chị đâm mình. Hồi chỉ tắm, thằng Sáu lục giỏ thấy con dao thái, nó la làng, cũng may Tươi bịt kịp, số chị sao để nó trôi theo vậy, nước sông chảy ào ào mình có giữ được đâu.

Vợ Kiên leo lên xe đò với con dao còn để nguyên trong giỏ. Lúc này Tươi mới hiểu hai chữ ê chề nó mang nghĩa làm sao. Chắc chị thả cơn giận xuống lòng sông, mấy bông lục bình cuồn cuộn giữa dòng xoay như lòng Tươi bị cơn phẫn nộ tĩnh lặng của chị dần dập nát. Nghèo cho sạch rách cho thơm, má chỉ nói bấy nhiêu rồi cắm mặt ngồi đan chiếu.

Lần đầu Tươi thấy má đan hỏng cái kiểu chiếu gia truyền mấy chục năm. Ba nhấn vai Tươi xuống bàn thờ gia tiên bắt thề không gặp lại chồng người ta nữa. Đáng lẽ ông trời phải đổ giông, như trong lòng Tươi đang gào đang khóc, nhưng ổng dửng dưng.

Nắng chói giữa trưa đổ xuống mái lá như muốn thiêu trụi ngôi nhà chứa những người mắc tội. Kịp lúc Tươi chưa thề, má Kiên đứng trước cửa nhà kêu với vô hỏi cháu tui đâu, tức khắc trời sụp nắng.

Có ai biết đâu Tươi đã thề xong, tối hôm qua vợ Kiên gạt nước mắt nước mưa than em ơi em à hai đứa nhỏ cần cha, nếu chả không lo chị sẽ gửi tiền cho em đều đều không thua thiệt, lỗi ở chồng chị, chị mang, em ơi em à. Giờ Tươi phải lội ngược lời thề.

Bà già đáng tuổi ngoại Tươi đang quỳ trước ba má lạy cho trời đánh chết queo thằng con tội lỗi. Ba má khóc, má Kiên khóc, mấy đứa nhỏ tuốt buồng trong không hiểu ất giáp gì ngó ra lơ ngơ cũng sụt sùi nước mắt.

Tươi đứng giữa hai đàng, đàng nào cũng nợ, nợ chồng hay nợ cháu mối nào nặng hơn? Ngoài trời trở trận mưa giông, đúng bài đúng bản, lòng buồn thì cảnh phải buồn. Ngôi nhà đông người lặng mịch như trước giờ liệm xác, những thây ma bất động trắng bệch đã sẵn sàng cho cuộc chia li.

Tươi theo má Kiên về Sài Gòn, ông già Kiên cho cái nhà mồ tổ tiên để lại. Tươi như bị sét đánh tự hồi nào, ông thầy năm xưa phán đúng đến khốn nạn. Chắc tại trời gió nổi to, ba má Tươi không tiễn, cũng chẳng dặn dò gì, vai Tươi nặng nề ba chữ “rách cho thơm”, rồi cười nghệch ngửi mình sao thúi quắc.

Kiên mua phên về lợp bốn vách nhà mồ. Chị Ba sai từ đầu. Nhà Kiên nghèo, cả dòng cả họ sống chen chúc trên miếng đất đã bán lần bán hồi trả nợ mẹ nợ con. Kiên có miếng đất riêng cách ba cây số. Sĩ diện, ổng để lại hết cho vợ cho con. Tươi cười dòm thằng nhỏ trong nôi, ủa đây đâu phải vợ con, chắc là của nợ.

Ngôi nhà không có cửa sau, bốn bề kín mít, ruột Tươi cả ngàn chiều không biết quê mẹ hướng nào để mà trông để mà đau. Hồi xưa coi phim, Tươi ghét hạng con gái giựt chồng ham tài hám của. Mà người ta có của đâu để Tươi ham, vậy mà vẫn nhục.

Chắc chị đang đay đang nghiến Tươi như một con đĩ báng bổ thánh thần, lời đã thề đó, nuốt đó, nghiệp phải trả cả đời. Chị không bén mảng tới rủa xả lần nào, chỉ im lặng nuôi con, đó là cách trả thù đau đớn nhất, phải chịu đựng để mấy người gây tội thấy xót xa.

Một lần đó chị đã nói xong, hết. Tươi tưởng đó là cách chị làm mình đau, bắt mình khổ vầy để trả nợ dài dài, ai dè, còn những cơn khổ khác, nghiệt ngã hơn nhiều.

Sáu năm qua nhanh như mùa nước rút. Lâu lắm rồi Tươi không dòm mặt được dòng sông. Con tập ăn tập đi rồi tập nói, Tươi đẩy con đẩy xe sữa đậu nành ra bán chỗ mấy nhà may gần nhà, nghe người ta kể giờ quê Tươi đổi thay nhiều lắm, nghề gia truyền ôm miết chắc cắn cỏ mà ăn.

Má Tươi vẫn đều đặn lên mang theo mớ chiếu, không than vãn một lời. Má mang cả mớ lát theo lên ngồi đan cặm cụi, mang cả câu hò theo thả giữa ngõ hẻm ồn ào, biểu đời mày đã lỡ thì phải chăm bẵm thằng cu, để cuối đời còn cái cớ ngửa mặt nhìn đời.

Tươi học chỉ hết lớp ba, chỉ biết viết tên mình rồi may ra đếm được mớ tiền lẻ để thối cho người ta, đường đâu mà vẽ cho con nó chạy. Cha Kiên nhờ thằng lớn qua dạy thằng cu. Lúc này cái khổ đời Tươi mới thẳng tay ấn mạnh xuống đầu, cái đớn hèn nào hơn bị con nít nó khinh.

Thằng nhỏ không bao giờ nhìn Tươi bằng nguyên con mắt, chẳng thèm gọi bằng dì, chỉ kinh kỉnh kêu tên. Tươi ơi Tươi à cho năm chục, Tươi ơi Tươi à lấy ly sữa uống coi. Má nó làm cô giáo, Tươi biết nó ngoan, một dạ hai thưa với họ hàng chòm xóm, với Tươi thì tuyệt nhiên không.

Chiều nào nó qua dạy em học, Tươi rúc mình vô góc phòng tim đập loạn xạ chỉ sợ nó kêu tên, sợ nỗi nhục được điểm mặt chỉ vào giữa trán, chẳng bữa nào nó quên, dù cho sữa dù cho tiền dù trái cây bánh ngọt Tươi bày sẵn đó. Thể nào nó cũng kiếm được cớ khác để kêu, biểu sao để tập thằng nhỏ ướt, biểu sao áo thằng nhỏ nhăn, biểu trên trời dưới đất miễn sao tui được hạch sách cô cái tội phá hoại hạnh phúc gia đình.

Có lúc Tươi thấy mình chịu được, đã sẵn sàng đón những mũi tên xỉ vả vào ngay ngực, cái nghèo khó không quật chết được Tươi, nhưng mà cái đau danh dự bị bóp nát còn ngấm ngầm mỗi ngày đó như bom nổ chậm. Rồi một ngày, Tươi cắt mớ vải cũ nối thành một sợi dây dài, đủ chắc để điều gì sẽ đến cũng nhanh như nước chảy qua tay.

Mấy bữa nữa má lên, thấy cảnh này thì trước sau gì má cũng thắt cổ chết. Thôi thì mình chết trước, nợ có bao nhiêu mà nỗi đau lại quá dài. Tươi âm thầm đợi, cho một ngày giọt nước phải tràn li, một cái cớ hoàn hảo cho dấu chấm hết, mộ huyệt đào sẵn giữa nhà kia đang mở cửa đợi chờ đứa người đàn bà lầm lỡ, đúng lắm.

Ráng chiều đổ dài như mây chảy máu, chiều nay bán ế, đã nhiều lần Tươi uống sữa trừ cơm, tối nay chồng sẽ nhậu, con sẽ học, ngực mình sẽ đau… tất cả tụ hợp quá toàn mĩ để Tươi dấn thân vào lựa chọn đã thắt nút giấu trong góc tủ. Thằng Toàn đến khi trời sụp hẳn hàng mi, Tươi cho nó tiền, rót cho nó sữa, dọn cho nó trái cây, và đợi chờ những lời xỉa xói.

Ngồi trên giường, Tươi xõa tóc dài như con gái thanh xuân. Cái chết không đến từ từ vì cái chết đã nằm sẵn trên gương mặt. Lúc Tươi nghe thằng nhỏ tập đánh vẫn cùng là lúc Toàn gọi Tươi ra. Lần này nó không nhờ gì, nó nhờ Tươi đánh vần mấy từ trong sách tập đọc.

Quái lạ, Tươi đã chuẩn bị sẵn sàng cho những điều sắp xảy ra, nhưng điều này Tươi không hiểu. Giọng Tươi lấp bấp, hơi thở hổn hển, cầm quyển sách lớp một, Tươi lập cập nhả từng từ:

Khu Quờn, cây Quiết, con Que.

Khu vườn, cây viết, con ve.

Thằng Toàn điềm tĩnh lặp lại. Bà ngu số bà chịu được, nhưng không được để con cái bà ngu, vì nó sẽ lớn, nó sẽ nuôi ba tôi, điều mà tôi không muốn làm.

Cổ Tươi như đã bị treo lên trên xà ngang nhà mồ. Ba chục năm trời Tươi đã đánh vần như thế, cái sai dù nhỏ, nhưng mà nếu lỡ chết hôm nay, chắc Tươi thác xuống dưới làm con ma dốt. Thằng Toàn đứng gạt nước mắt, biểu bà ngồi xuống ngay đây, phải để tui dạy học, ba tui già rồi, ổng làm kĩ sư, đừng để cuối đời ổng than bỏ bà cô giáo lấy về một mụ tên mình không biết đọc.

Tươi ú ớ, tên mình thì Tươi đọc được, cái tên đẹp lắm, nó chất chứa bao nhiêu kì vọng của ba của má, mong đời Tươi tươi hơn mớ lát khô phơi ngổn ngang trước cửa nhà. Tươi ngó vô sợi dây lấp ló trong giường, giật thót, nếu mình chết bây giờ, cái tên ba má đặt cho mình, chắc héo theo bình nhang nghi ngút khói. Tươi hít một hơi dài, mắt rưng rưng.

Truyện ngắn của
Chung Tử Dạ

“Nhà mồ ngõ hẻm” có giọng văn thoạt nghe hiền lành như câu vọng cổ miệt vườn, chừng khơi khơi nhè nhẹ nhưng nửa chừng bỗng nghe đau nhói tâm can.

Nhà mồ ngõ hẻm ảnh 2

Thích ở truyện ngắn này, không chỉ là nguyên một thổ âm Nam bộ, mà cả một âm hưởng vùng đất dồn lên thăm thẳm.

Chung Tử Dạ, tên thật Nguyễn Trung Hiếu sinh năm 1991 tại Sài Gòn, tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, hiện sống bằng nghề biên kịch phim truyền hình.

L.A.H

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.