Nhà sư trẻ và cái duyên đồ cổ

Sư thầy Thích Minh Thông.
Sư thầy Thích Minh Thông.
TP - Tôi cứ ấn tượng hình ảnh vị đại đức trẻ lần tràng hạt trong căn phòng chật ních đồ cổ. Tôi hỏi nguyên do nào đưa nhà sư đến với thú sưu tầm cổ vật thì sư bảo ngay rằng: “Cảm hứng nghề này là từ sư phụ của tôi”.

Ngủ cùng cổ vật

Tôi từng dự nhiều sự kiện văn hóa Phật giáo và viết nhiều bài vở nhưng chưa từng nghe ai nói chuyện về nhà sư trẻ chơi đồ cổ. Mới rồi, các phóng viên nhân viên trẻ trong tổ chức Đoàn thanh niên của văn phòng phía Nam báo Tiền Phong hay đi làm từ thiện, có trò chuyện về một nhà sư trẻ thường xuyên đi cùng: “Nhà sư còn trẻ mà rất thích sưu tầm đồ cổ và có rất nhiều đồ cổ quý hiếm”. Tôi tìm tới ngôi chùa gần sân bay Tân Sơn Nhất và gặp đại đức Thích Minh Thông.

Nhà sư trẻ và cái duyên đồ cổ ảnh 1

Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng.

Ấn tượng của tôi đó là sự bất ngờ về lượng cổ vật  nhà sư sở hữu, cổ vật chất khắp gian phòng nhỏ bé, đến mức chỉ còn lại một lối đi nhỏ vừa lọt một người. Chiếc giường cũng lọt thỏm giữa đám đồ cổ nhiều triều đại và cả những chiếc ghế để ngồi cũng chính là cái đôn cổ, chiếc bàn để uống nước cũng là cổ vật nốt. Trong tất cả những di vật từ nhiều trăm năm trước tưởng chừng im lặng cùng thời gian với nhiều dấu vết đứt gãy phai mờ, thấy bóng dáng nhà sư thấp thoáng áo nâu.

Tôi đã từng gặp nhiều người chơi đồ cổ và phần nhiều họ là những đại gia, những người kinh tế khá giả, nên những chỗ trưng bày rộng rãi, thậm chí có người còn dành những tầng, những căn phòng để trưng bày như thể bảo tàng vậy. Còn sư Thích Minh Thông chỉ có vỏn vẹn một gian phòng nhỏ ở trên gác của nhà chùa bởi sư còn khá trẻ, mới chỉ ngoài ba mươi. Nhà sư nói: “Chùa chúng tôi có hơn bảy mươi vị sư tu hành, học tập, nên ở như thế này cũng là rộng rãi lắm rồi”. Sư bảo: “Nhà sư ở Đồng bằng sông Cửu Long cơ, nhà dưới đó cũng nhiều đồ cổ lắm, mang lên đây thì không có nơi mà để đâu. Chỗ này chỉ là một phần sưu tầm được của thầy thôi đấy!”.

Duyên với hiền nhân

Sư Thích Minh Thông đưa cho tôi xem những bức tượng Phật bằng gỗ đen bóng và những tượng La Hán bằng đồng đã xanh rêu, kể: “Cả nhà thầy đều đi tu. Bố mẹ thầy, anh chị em nữa, tất cả đều xuất gia”. 

“Thầy dự định thời gian tới sẽ mở một khu trưng bày ở đồng bằng sông Cửu Long, vì ở quê đất đai rộng rãi hơn. Khu trưng bày ấy sẽ giáo dục các bạn trẻ quê của thầy thêm hiểu về văn hóa lịch sử về vùng đất phương Nam, để các bạn trẻ biết ơn người đi trước và giữ gìn những phong tục truyền thống của quê hương mình”. 

Sư thầy Thích Minh Thông

Nhà sư kể, từ nhỏ đã được theo học một vị cao tăng đồng thời cũng là một người sưu tầm cổ vật: “Hàng ngày sống với sư phụ, nhìn đâu cũng thấy dấu tích xưa, tự lòng mình đã yêu thương cổ vật, chứ không phải tới bây giờ”. Nhưng thầy chưa bao giờ nghĩ mình sưu tầm đồ cổ, chỉ lo học tập tu hành thôi. Cho đến một ngày, tự dưng nhiều anh em họ hàng và bạn bè khuyến khích bảo: “Thầy hiểu biết về cổ vật, sao không cố gắng lưu giữ những giá trị của tổ tiên, để người ta mua bán tiêu tán mất hết cả rồi!”. 

Thầy Minh Thông bảo tôi: “Thực sự thầy là người tu hành nên không có nhiều tiền. Gia đình anh em có người kinh doanh sẵn sàng hỗ trợ và lại được nhiều người sưu tầm phát tâm giới thiệu, để lại với giá rất khích lệ, do vậy thầy nghĩ rằng mình không giữ gìn cổ vật thì cũng là có lỗi với người xưa, cái duyên đã đến nên mới lưu tâm sưu tầm cho đến giờ”.

Một hôm sư phụ ghé chùa thăm, nhìn thấy người đệ tử nhỏ bé năm xưa nay cũng đã sống giữa cổ vật các đời, bèn gật đầu bảo: “Đúng là một cái duyên”. Sư phụ thì sưu tầm nhiều loại cổ vật khác nhau sang hèn đủ cả, đệ tử thì lại thích những đồ có màu sắc rực rỡ, nom vẫn như tươi mới, rất bắt mắt. Sư phụ thầy nhận xét có một từ: “Đẹp!”. Rồi hai người trầm ngâm ngắm những bức tượng La Hán bị chôn vùi dưới đất sâu, mới được tìm thấy, vẫn còn nguyên dấu đất đai xứ sở. Người thầy tu ở chùa rộng rãi khang trang hơn, đệ tử vẫn còn một mình một căn phòng nhỏ bộn bề sách vở và đồ vật, nhưng giữa họ đã có một sự tiếp nối công việc sưu tập cổ vật dù người sư phụ chưa bao giờ một lần định hướng cho đệ tử của mình.

Nhà sư trẻ và cái duyên đồ cổ ảnh 2

Sư thầy Minh Thông với bức tượng La Hán bằng đồng

Nhiều cổ vật thuần Việt

Thầy Thích Minh Thông không đặt ra những tiêu chí sưu tập như quý hiếm, đắt tiền hay độc đáo. Thầy nói: “Thầy thường chú ý đến những cổ vật được người Việt Nam làm hoặc sử dụng thường ngày. Chẳng hạn thầy thích đồ gốm Nam bộ, hay đồ gia dụng như bát đĩa, bàn ghế mà nhìn vào đó lại nhớ đến công việc và sinh hoạt của tổ tiên xưa”.

Trong bộ sưu tập hàng nghìn cổ vật của nhà sư, có nhiều cổ vật rất giá trị. Chẳng hạn bộ bàn ghế, đôn bằng xương voi cổ được chạm trổ rất kỳ công hầu như là độc bản. Lại có bộ tượng Phật bằng gỗ Trầm Hương chìm nổi khác nhau, thấm nước rồi thì nó tự khô rất nhanh mà tỏa ra mùi trầm hương thơm ngát. Những bộ chén bát cổ của đồng bào trên mạn Tây Nguyên nằm sâu dưới đất nên còn nguyên vẹn, không rõ của gia đình nào. Những cái lộc bình thời chúa Nguyễn vào mở đất chiến tranh liên miên thất lạc trong dân chúng tuy không còn nguyên vẹn nhưng hoa văn đường nét thời mở đất vẫn còn.

Thầy lại đưa tôi xem chiếc va li bằng da rất dày, bảo: “Đây là chiếc va li của công tử Bạc Liêu mà ngay cả khu lưu niệm công tử cũng không sưu tầm được”. Thì ra có người đã sưu tập được chiếc va li từ khá lâu rồi, mới đây đã gửi lên TPHCM cho nhà sư bảo quản. Thầy bảo: “Lắm khi từ chối cũng không được, vì người ta cứ bảo bây giờ nếu để cho người khác thì sợ sau này họ bán đi kiếm lời mất, giao cho sư thì lúc nào muốn xem muốn ngắm cũng đều được cả, vì không thể mất đi đâu”. Thậm chí có gia đình đi nước ngoài, nhiều người mua bán cổ vật tìm tới mua, họ không bán, lại tìm tới nhà sư để giao lại: “Chúng con đi xa đất nước, nhưng sẽ yên tâm nếu những món đồ kỷ vật này được giao lại cho thầy, bởi ngày chúng con về thì người cũ vẫn còn gặp lại vật xưa”. Đấy là những bộ đồ gia dụng cổ, như những chiếc đồng hồ bằng đồng vài trăm năm vẫn còn chạy, những bộ đèn vẫn thắp được sáng hay những bộ nồi đồng cổ xưa dùng để nấu nước, nấu cơm, hẳn là từ đời ông cố bà sơ để lại!

Thầy sưu tập đồ cổ cũng có ý để giáo dục cho người dân. Vào dịp Tết đến xuân về, đôi khi vào chùa người ta thấy trưng bày những cổ vật thu hút nhiều người xem, như những cái lu đựng nước, những bình hoa hay những cái nồi đồng. Ít ai biết chúng là kết quả sưu tầm âm thầm của vị sư trẻ Thích Minh Thông.

                11/2015

Chung quy là một chữ tâm

Thầy Thích Minh Thông nói: “Qua sưu tầm đồ xưa, thầy gặp nhiều bạn trẻ mà nhận xét chung là nhiều bạn chơi đồ cổ theo phong trào chứ ít người chơi đồ cổ xuất phát từ cái tâm. Cái tâm ở đây là sự ghi nhận, biết ơn những lao động của người xưa đã tạo ra nhiều sản phẩm đẹp. Cái tâm là lưu giữ đồ cổ để đời nay biết phong tục đời trước, biết những gian khổ khó khăn của người xưa, từ cái bát sứt cho đến cái chén vỡ, cũng đều đáng được giữ gìn”. Sư thầy có thể nói chuyện hàng giờ về những phong tục tập quán của người dân từng vùng, từng làng, nơi đã làm ra các sản phẩm đồ gốm hay đồ gỗ. Sư thầy cho biết: “Nhờ nghiên cứu văn hóa xưa mà hiểu rõ hơn văn hóa ngày nay”.

Ngoài những lúc tu tập, giảng kinh, giúp Phật tử trong những công việc hàng ngày, thầy Minh Thông còn làm thơ và hiện có 10 bài thơ của thầy đã được phổ nhạc. Thầy cũng thường xuyên đi làm từ thiện, giúp đỡ người dân các vùng xa và giúp khôi phục chỉnh trang những ngôi chùa xuống cấp, hư hỏng. Thầy bảo: “Từ khi sưu tầm cổ vật, nhiều sư thầy thường hay điện hỏi han xem việc phục dựng chùa như thế nào cho đúng, thờ tự sao cho phải, vì theo thời gian thì nhiều ngôi chùa cũng đã hư hại và việc bày biện trong một vài chùa cũng không còn được ngăn nắp như xưa”. 

MỚI - NÓNG