Nhà thư pháp Việt ẩn dật ở Đài Loan

Thiền Phong Phạm Văn Tuấn và bức thư pháp Lạc vô dư (tạm dịch Vui không chán). Ảnh: Dã Trúc.
Thiền Phong Phạm Văn Tuấn và bức thư pháp Lạc vô dư (tạm dịch Vui không chán). Ảnh: Dã Trúc.
TP - Thiền Phong Phạm Văn Tuấn vốn là thành viên của nhóm thư pháp Tiền Vệ, “Tiền vệ ngũ nhân bang”. Anh cũng nổi tiếng trong giới vì màn trình diễn thư pháp Vô ngôn ở Huế.

Khoảng 5 năm trở lại đây, sự xuất hiện của Thiền Phong trong nhóm thưa vắng dần. Hóa ra, Thiền Phong đang theo học Tiến sỹ  Khoa Văn học Trung Quốc, Đại học Quốc gia Thành Công Đài Loan.

Thiền Phong cho biết, hiện nền thư pháp của Đài Loan vẫn phát triển khá mạnh, nhất là ở Đài Bắc và Cao Hùng. Đài Nam và một số thành phố nhỏ thì bảo thủ hơn, tức là vẫn bám theo những cách làm truyền thống. Thư pháp là môn học chính thức ở nhiều trường đại học. Chẳng hạn như ở trường mà Thiền Phong theo học, có dạy thư pháp trong khoa Văn. Những bậc cao thủ về thư pháp Đài Loan như Phan Khánh Trung, người đã từng được mời sang giảng dạy tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là rất nhiều. Thời gian học tập ở Đài Loan của Thiền Phong là cơ hội quý báu để anh qua thăm và học hỏi được nhiều điều từ giới thư pháp ở nước ngoài.

Trước một “đối thủ mạnh” như vậy, cộng với công việc học hành khá bận rộn, nhà thư pháp người Việt này dường như ẩn dật. Anh chủ yếu đi xem  triển lãm thư pháp và học hỏi là chính. Đôi khi, Thiền Phong chỉ mang giấy bút ra viết cho đỡ nhớ.

Thế nhưng, với những hoạt động thư pháp đình đám trong nước, nhất là tại các gallery của người nước ngoài ở Việt Nam đứng ra tổ chức, cái tên Thiền Phong đã trở nên khá nổi tiếng. Cứ hễ có các tuần lễ văn hóa của sinh viên Việt Nam tại Đài Loan, Thiền Phong đều được mời viết bảng biểu, hoặc viết thư pháp trong khuôn khổ tuần lễ này. Rồi rất nhiều bạn sinh viên nhờ viết để họ treo trong gia đình. Nói là sinh viên, nhưng đôi khi họ đã  lớn tuổi, có những người sang Đài Loan theo học thạc sỹ hoặc tiến sỹ.

Thiền Phong kể: “ Sinh viên và cả những gia đình người Việt ở bên này, tôi đều đã viết tặng. Thậm chí, các bạn nước ngoài ngoài cũng thích Thư pháp vì họ bảo chữ của Thiền Phong được người Mỹ, người Đức thích lắm. Hóa ra, họ đã từng biết đến các triển lãm của nhóm thư pháp Tiền vệ do các curator người Mỹ, Đức ở Việt Nam đứng ra tổ chức”.

Viết cho đỡ nhớ thôi, chứ thực ra Thiền Phong tâm sự: “Nếu không đi theo con đường nghiên cứu, chắc tôi sẽ theo nghệ thuật. Sang bên này, các bạn dân Nghệ thuật đương đại Đài Loan toàn gọi tôi là nghệ sỹ Việt Nam vì họ đã từng xem video art trình diễn của tôi trước kia. Chứ thú thật, tôi cũng không thích họ gọi mình là nghệ sỹ thư pháp lắm”.

Thiền Phong là một trong số ít nhà thư pháp đương đại Việt trình diễn thư pháp. Buổi trình diễn thư pháp diễn ra trong một chiều mưa xứ Huế tại New Space Arts Foundation (NSAF) - nằm trong chương trình Artists talk chuyên đề “Những xu hướng nghệ thuật sắp đặt và trình diễn hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới”, do anh em Thanh - Hải tổ chức. Hôm đó, Thiền Phong có buổi giới thuyết về Thư pháp Tiền vệ Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Màn trình diễn thư pháp của Thiền Phong khá xuất thần và gây nhiều tranh cãi. Giới trong nghề thì tán thán, dân ngoại đạo thì cho rằng là hành động điên rồ. Sự việc diễn ra vào ngày 14/5/2009, khi Thiền Phong bắt đầu viết ngoài sân thì trời đổ mưa. Dụng cụ viết là chiếc chổi. Vì mưa, nên mực đen đặc trên nền giấy tinh khiết dần loang tỏa theo cấp độ của cơn mưa miền Trung. Đến khi mưa tạnh, mực cũng trôi hết, chổi viết sạch tinh và khuông giấy lại trắng như trước lúc biểu diễn.

Còn Thiền Phong cho biết, thư pháp Tiền Vệ có tư tưởng, có khí, có đạo, có chương pháp, có văn hóa, triết học của nó. Chữ đôi khi còn nguyên chữ, đôi khi nó là hành vi, đôi khi người ta cảm nhận nó, đôi khi nó chỉ là những đường nét đơn lẻ, đôi khi nó chẳng còn chữ nào, đến cùng cực của đạo. Thư pháp hiện đại đôi khi triệt tiêu cả chữ viết, nó chỉ còn là tự thân người nghệ sỹ và tác phẩm. Đôi khi nó là nét chữ, hoặc không thành nét. Nó là mực, giấy, khí, đạo, thậm chí nó chả còn mực, còn nét triệt tiêu hoàn toàn bằng mặc tưởng. Mực thì lưu lại,  khí và đạo thì sẽ tan đi, chỉ người cầm bút nhìn thấy và cảm nhận được, đôi khi chỉ còn lại tờ giấy trắng.

Để thực hiện được bức thư pháp Vô ngôn như vậy, Thiền Phong cho là do nhân duyên. Ban đầu không nghĩ trời mưa, đang lúc chuẩn bị viết thì trời đổ mưa. Đó là từ vô thức đến hữu thức. Và cuối cùng, nó không còn  văn tự nào hết.

Sau khi bảo vệ xong luận án tiến sỹ, Thiền Phong cho biết, anh chắc vẫn tham gia thư pháp, nhưng cơ bản vẫn làm nghiên cứu và giảng dạy. Các nhóm nghệ sỹ đương đại từ Hà Nội, Huế, và TP HCM vẫn mời Thiền Phong tham gia. Nhưng Thiền Phong vẫn đang suy nghĩ cho bước phát triển tiếp theo, bởi lẽ bây giờ tư duy, tư tưởng và cảm nhận của mỗi con người đã khác. Nếu có làm, Thiền Phong muốn  phải làm cái gì mới mẻ, hiện đại hơn, tương tác hơn với nghệ thuật thế giới. Thiền Phong đang nghĩ cách tăng cường giao lưu với các nghệ sỹ thư pháp nước ngoài và  cùng với các nghệ sỹ Việt Nam đưa nền nghệ thuật nước nhà hội nhập vào cộng đồng chung thế giới. 

Ham thư pháp, vợ cảm thông

Hơn 10 năm qua, không năm nào vắng mặt Thiền Phong ngồi viết thư pháp ở Thái Học Miếu, Hà Nội. Dù đi du học, nhưng  cứ dịp hè và tết, Thiền Phong đều tranh thủ về nước thăm vợ con và … không quên lao vào các hoạt động thư pháp nước nhà. Công việc học hành và nghiên cứu vất vả, nhất lại là Hán Nôm khó nhằn, được cái Thiền Phong được vợ hiểu và cảm thông, bởi lẽ vợ Thiền Phong vốn là nhà báo viết về mảng văn hóa. Năm năm theo học tại Đài Loan cũng là khoảng thời gian khá dài người vợ ở nhà đằng đẵng chăm lo việc nhà và chăm con. Hiện gia đình bé nhỏ của Thiền Phong có thêm cu tí 3 tuổi, cũng phần nào giúp người vợ đỡ quạnh hiu khi chồng vắng nhà và hoàn thành luận văn Tiến sỹ.

MỚI - NÓNG