Nhà văn đạp xe xuyên Việt

Nhà thơ Thanh Thảo (ngồi, phải) tặng sách nhà văn Phạm Ngọc Tiến
Nhà thơ Thanh Thảo (ngồi, phải) tặng sách nhà văn Phạm Ngọc Tiến
TP - Thi thoảng lại có người xuyên Việt. Đi bộ, bằng ô tô, xe máy, xe đạp… hoặc gì gì đấy. Xuyên đất nước trong một hành trình thiên lý ắt hẳn là một chuyện không phải bình thường, nhất là khi lại độc hành. Đó là một cuộc chơi lớn và không hiếm khi gắn với những thông điệp. Xin giới thiệu với bạn đọc chuyến xuyên Việt bằng xe đạp của nhà văn Phạm Ngọc Tiến, qua ngòi bút của nhà thơ Thanh Thảo.

Trước anh, đã có người… xuyên

Tôi quen và chơi với Phạm Ngọc Tiến đã dư 15 năm nay. Tiến là người “chịu chơi”, và cũng “chịu cày” nói theo ngôn ngữ giới văn nghệ. Kể ra, không “cày” thì cũng chả lấy gì để “chơi”. Nào phải “chơi” gì ghê gớm như các cụ nhà văn xưa, đám như tôi hay Phạm Ngọc Tiến chỉ thích sau giờ làm việc thì tụ tập bạn bè, uống mấy cốc bia, chuyện trò rôm rả cho nó sướng cái đời. Đơn giản vậy thôi. Chơi như vậy thì ai cũng có thể chơi được. Nhà văn hay nhà thơ chả nên khác người thường. Mà khác, là hỏng. Nói chuyện cưỡi xe đạp xuyên Việt thì Phạm Ngọc Tiến không phải người đầu tiên, cũng chả phải kẻ sau cùng. Trước Tiến chừng…35 năm, đã có Bảo “thường” một mình đạp chiếc  xe đạp cà tàng của mình từ Hà Nội vào Sài Gòn.

Hồi ấy, nếu xe hỏng lốp thì chỉ có cạp lại, vá lại, chứ không thể thay, vì lốp mới đâu mà thay! Xăm lốp xe đạp hồi ấy bán phân phối. Bảo vốn là dân hướng dẫn du lịch nói tiếng Nga, cho khách Liên Xô là chính. Bảo nói tiếng Nga rất tốt, dù chưa được đi Nga bao giờ. Khi quen biết và chơi với Bảo, tôi cũng không ngờ chỉ ít lâu sau Bảo đã có chuyến xuyên Việt đầy mạo hiểm như vậy. Giống như Phạm Ngọc Tiến bây giờ, hồi ấy Bảo cũng đi xe đạp theo kiểu “vui đâu dừng đó” chứ không cắm cúi đạp xe hàng ngày. Những nơi có bạn bè, những nơi mình từng dẫm chân qua thời còn là lính, là những nơi được ưu tiên dừng lại lâu nhất.

Khi vào tới Qui Nhơn, Bảo và chiếc xe đạp cà tàng của anh đã dừng tại nhà tôi tới hơn…một tuần. Anh em la cà đi chơi đây đó, và Bảo vui tươi chính nhờ có bạn bè. Còn nhớ, với tính cách và những quyết định có phần “điên rồ” của mình, Bảo được anh em tôi âu yếm gọi là Bảo “điên”. Nhưng Bảo hoàn toàn phản đối danh xưng này. Anh nói với nhà văn hóa Đào Hùng-một người bạn vong niên tuyệt vời của cả nhóm chúng tôi: “Em đâu có điên mà gọi em là “Bảo điên”? Anh Đào Hùng đã nén cười để nói thật nghiêm chỉnh: Thế thì từ giờ chúng tớ gọi cậu là “ Bảo thường” vậy. Nhưng điên thì đã sao? Từ đó, Bảo chết danh là “Bảo thường”, theo nghĩa là “không điên”. Nhưng Bảo cứ điên. Bằng chứng là chuyến đạp xe xuyên Việt. Nhưng ở đời, phải hơi “điên” một chút thì mới làm nên chuyện.

Tôi nhớ, cái hôm Bảo rời nhà chúng tôi ở Qui Nhơn để đạp xe tiếp qua hai ngọn đèo lớn là Cù Mông và đèo Cả mà vào Nha Trang, vợ tôi đã dậy rất sớm từ 1 giờ sáng, nấu xôi và nắm cho Bảo một nắm xôi to, kèm bi đông nước chè. Bảo khởi hành lúc 2 giờ sáng, và ngày hôm sau tôi nhận được điện tín của Bảo: “ Em đã vào tới Nha Trang lúc 10 giờ đêm”. Kính phục! 220 cây số đường xấu, qua hai đèo lớn và nhiều đèo nhỏ, mà đạp con xe cà tàng trọn trong một ngày thì phải là người “điên” lắm mới thực hiện được kỳ tích ấy.

Bẵng đi nhiều năm sau, lại tới chuyện hai nhà văn đi bộ. Đó là nhà văn Hòa Vang và nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc. Hai ông bạn văn này khởi sự đi bộ từ trụ sở báo Tiền Phong, được báo chí đưa tin suốt hành trình. Khi vào Quảng Ngãi, hai ông lại tá túc ở nhà tôi suốt một tuần. Chỉ để…chơi. Uống bia rượu. Tán phét chuyện thơ văn chuyện bạn bè. Nhà tôi hồi ấy cũng khá nghèo, nhưng thừa sức nuôi hai ông bạn văn cả tháng, chứ nói gì một tuần.

Ngày hai ông ba lô hành quân rời Quảng Ngãi, lại đúng ngày tôi và nhà thơ Thụy Kha đi ô tô( xe com-măng-ca) vào Qui Nhơn. Vì thế, chúng tôi cứ rà xe suốt hơn 15 cây số để…theo dõi, không cho hai ông này…nhảy xe đò. Bắt đi bộ. Cho nó khỏe. Hai ông mệt nhọc cuốc bộ tới cây số thứ 10 thì tôi gặp một anh bạn làm phó giám đốc Sở Công Thương đang dừng xe ăn sáng. Chúng tôi tấp vào ngay, “ăn theo” đúng nghĩa vị quan chức này. Sau khi ăn no, lúc từ giã hai ông nhà văn đi bộ còn được ông bạn quan chức tặng một tút thuốc lá để hút dọc đường. Như thế là quá ổn. Tôi với Thụy Kha yên tâm phóng xe đi, không còn “kèm chặt” hai ông bạn đi bộ nữa.

Quả như rằng, khi vào tới Mộ Đức quê tôi, hai ông bạn đã lặng lẽ…nhảy lên xe đò, tiếp tục cuộc hành trình “đi bộ”. Chuyện này thật vui. Và cũng rất “đời”. Hồi xưa thì ta hành quân bộ suốt dãy Trường Sơn, còn bây giờ thống nhất rồi, xe chạy đầy đường rồi, đi bộ cho…vui là chính, chứ đi bộ không cốt để…đi bộ.

Trở lại với chuyến đạp xe xuyên Việt của nhà văn Phạm Ngọc Tiến. Đó là cuộc đạp xe đúng năm…60 tuổi. Vừa nhận sổ hưu. Rất có ý nghĩa. Nhưng tôi chợt giật mình khi nhớ lại, cách đây hơn 10 năm, một hôm tôi được báo là có một nhà văn đạp xe xuyên Việt đang… nằm trong bệnh viện thành phố Quảng Ngãi. Tôi vội vàng tới thăm, không quên mua ký cam. Hóa ra, đó là nhà phê bình kiêm Giám đốc nhà xuất bản Văn học, ông Nguyễn Văn Lưu. Ông này thì tôi không quen, nhưng tôi vẫn ân cần vui vẻ thăm hỏi ông. Lại hóa ra, ông Lưu cũng vừa nhận…sổ hưu. Ông bèn làm chuyến xe đạp xuyên Việt có lẽ để…xả hưu (?).

Nhưng khi từ Tam Kỳ đạp vào Quảng Ngãi, thì ông lên cơn huyết áp cao, phải cấp cứu. May mà người ta kịp đưa ông vào bệnh viện thành phố Quảng Ngãi. Cũng may là tôi có quen bệnh viện này, nên nhờ bác sĩ săn sóc ông Lưu cho chu đáo, vì đây là nhà văn đang đạp xe xuyên Việt. Bệnh viện OK. 

Đạp xe không chỉ vì… đạp xe

Chợt nhớ câu thơ của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Xe không kính không phải vì không có kính”, cũng như vậy, Phạm Ngọc Tiến đạp xe xuyên Việt không chỉ vì…đạp xe. Có những nguyên cớ nào nữa khiến một nhà văn 60 tuổi phải khăn gói lên đường cùng con xe đạp của mình. Tôi đọc một đoạn ghi chép của Tiến, và hiểu ra điều này:

“Chặng đầu tiên của chuyến xuyên Việt chỉ hơn chục cây số. Không phải ngẫu nhiên mà bởi điểm đến số một của chuyến đi chính là nơi này. Là nguyên quán của tôi. Xâm Dương, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội. Nguyên quán bởi đó là gốc rễ của cha ông tôi. Có thể không sinh ra nơi này nhưng lại luôn ước muốn khi chết về đó. Và thực tế thì cái quê gốc này gia đình tôi phiêu dạt bởi tao loạn, thế cuộc, bởi thất bát tay trắng nên chẳng còn một tấc đất một nếp nhà. Cái vững bền còn đó là những ngôi mộ dòng tộc. Có chừng đó âu cũng là hạnh phúc”.

Nói đến Thường Tín tôi lại chợt nhớ, cái ngày giáp Tết năm 1970 bước qua 1971 đó, tôi đã lên tàu lửa ở ga này để bắt đầu chuyến hành quân vào chiến trường Nam Bộ. Ngày giáp Tết, mưa phùn, lạnh, tôi nhìn qua cửa sổ toa tàu thấy những người đang đạp xe dưới đường số 1, họ đều cầm trên tay hoặc mang trên xe những cành đào và gói mứt Tết. Nhìn mà nhớ nhà, nhớ thầy má mình đến chảy nước mắt. Bao nhiêu năm đã qua, bây giờ một nhà văn đàn em mình lại đạp xe xuyên Việt mà điểm dừng đầu tiên là Thường Tín, chợt rưng rưng. Đó là quê nội của Tiến. Còn đây là quê ngoại của anh:

“Quê mẹ thôn Quỳnh Chân xã Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam. Làng quê nghèo giờ đã thành phố thị. Dạo chiến tranh phá hoại về quê mẹ sơ tán. Từ thằng bé 8 tuổi trải qua 5 năm sơ tán mình trở thành một nông dân thứ thiệt. Toàn bộ sáng tác sau này từ những truyện ngắn đến một loạt kịch bản nông thôn là nhờ vốn liếng ở 5 năm sơ tán này. Làng Quỳnh chính là nguyên mẫu của làng Kình trong các tác phẩm. Mình biết ơn quê mẹ. Biết ơn những năm tháng tuổi thơ đói khát cực nhọc đã tôi luyện để một thằng bé thành phố biết lội bùn, biết mò cua bắt ốc, biết một thế giới mà nếu không về đấy thì chẳng bao giờ nó có thể nhận biết. Nhớ bà ngoại chân chất đã chắt chiu đùm bọc những đứa cháu phố nghịch ngợm. Nhớ mẹ hôm nào tóc xanh bên những đứa con thơ dại. Mẹ vĩnh viễn ra đi đã hơn 3 năm rồi”.

Nhà văn đạp xe xuyên Việt ảnh 1

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến trên đường xuyên Việt.

Hóa ra, cái làng Kình nổi tiếng trong những bộ phim truyền hình nhiều tập do VTV sản xuất và Phạm Ngọc Tiến viết kịch bản văn học chính là cái làng Quỳnh quê ngoại của nhà văn. “Quỳnh” thì nghe đẹp, dịu dàng, còn “Kình” thì nghe có vẻ bụi, gai góc. Dịu dàng và gai góc cũng là tính cách thường nhật của Phạm Ngọc Tiến. Chơi với Tiến đã lâu nên tôi hiểu tính cách này của anh. Không phải nhà văn nào cũng vừa dịu dàng vừa gai góc, thậm chí “bụi đời” như Phạm Ngọc Tiến. Có lẽ vì tính cách tôi cũng gần gần như thế, nên tôi rất quí Tiến.

Ngày mới quen, tôi đã âu yếm gọi Tiến là “Tiến chim lợn”. Câu chuyện về cái tên này thì dài, nhưng chuyện “Tiến chim lợn” đạp xe xuyên Việt còn thú vị hơn. Cái xe đạp của Tiến, theo lời anh nói, là do một người bạn cho anh mượn. Cái xe đạp địa hình này khá tốt, và Tiến hy vọng sau khi mình “cán đích” ở Sài Gòn, anh sẽ tổ chức “bán đấu giá” cái xe đạp cùng một số vật dụng phụ tùng của chuyến đi.

Toàn bộ số tiền bán được sẽ ủng hộ vào Quĩ “Cơm có thịt” do nhà báo Trần Đăng Tuấn chủ trương, nhằm mang bữa cơm có chất dinh dưỡng tới những trẻ em nghèo vùng núi cao phía Bắc. Đó là một ý tưởng thật đẹp, và tôi hoàn toàn tin Phạm Ngọc Tiến sẽ thực hiện được. Vì anh giao du rất rộng, bạn bè bốn phương khá nhiều, và những người hưởng ứng chuyến đi của anh trên Facebook cũng rất lớn.

Đây là chuyến đi thực tế đặc biệt của một nhà văn, đi bằng xe đạp thì rất gần với nhân dân, nhất là gần với bà con nông dân lao khổ, nên những thu nhận được từ chuyến đi sẽ giúp Phạm Ngọc Tiến rất nhiều trong sáng tác. Nhưng nếu chỉ là “đi thực tế sáng tác” như cách hiểu thông thường, thì sẽ không có những bất ngờ, những va chạm thú vị, những nỗi buồn và niềm vui mà chỉ một người vô tư mới cảm nhận được. Đạp xe là vô tư. Mỗi bữa ăn, giấc ngủ dọc đường xuyên Việt đều để lại những ấn tượng khó phai với Phạm Ngọc Tiến:

“Thử thách đầu tiên là mưa. Kẹt lại ở Tam Điệp. Mưa thối trời thối đất. Cảm giác mưa luôn là những nốt trầm buồn. Đêm nằm nghe mưa rơi nhớ lại những trận mưa Trường Sơn dai dẳng từng giọt gõ vào mái tăng buồn đến muốn chết. Sau này mưa nghe nhạc Trịnh thấm nỗi buồn mưa sầu thảm cô đơn đến tận cùng. Sáng giờ ngồi nhìn mưa chỉ mong tạnh để lên đường. Cái háo hức của ngày đầu đã tan giờ là những toan tính cẩn thận. Đoan Tam Điệp-Bìm Sơn đường hẹp đi mưa rất nguy hiểm thế nên phải chờ tạnh hẳn. Đã là ngày thứ tư nhanh thật. Đoạn đường ngắn nhưng ngoảnh lại đã thấy Hà Nội xa vời. Hết duyên với Hà Nội thật rồi chăng?”.

Cũng nói thêm, năm 1972 Tiến nhập ngũ và lên đường Trường Sơn. Anh là một người lính chống Mỹ. Mà đã là lính thì rất biết tự thu xếp cho mình, tự thích nghi để sống trong những điều kiện sống tối thiểu. Nhưng đạp xe xuyên Việt bây giờ không quá khó như đi bộ trên Trường Sơn thuở chiến tranh.

_______________

 (Xem tiếp trên Tiền Phong thứ 2, ngày 26/9)

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến sinh năm 1956; Hội viên Hội nhà văn VN, Hội Điện ảnh VN, Hội Nhà báo VN. Ông làm việc lâu năm tại Đài truyền hình VN.

Tác phẩm văn học chính: Họ đã trở thành đàn ông (tập truyện ngắn - NXB HNV 1992); Tàn đen đốm đỏ (tiểu thuyết - NXB QĐND 1994); Những sinh linh bé bỏng (tập truyện ngắn - NXB Thanh Niên 1995); Đợi mặt trời (truyện vừa thiếu nhi- NXB Kim Đồng 1995); Kho báu của người điên (truyện vừa thiếu nhi- NXB Trẻ 2001); Cố hương (tập truyện ngắn- NXB Thanh niên 2001); Thằng mõ trâu (tập truyện ngắn- NXB Văn Học 2008); Người cha buôn hàng chuyến (tập truyện ngắn- NXB Trẻ 2013)

Kịch bản phim truyền hình: Chuyện làng Nhô (4 tập); Đất và Người (24 tập -Đồng biên kịch); Ma làng (24 tập - Đồng biên kịch); Gió làng Kình (26 tập); Đàn trời (26 tập)…

Giải thưởng văn học:

Giải nhì truyện ngắn VNQĐ 1989-1990

Giải thưởng Hội nhà văn VN về đề tài chiến tranh 1994

Giải A Nhà xuất bản Kim Đồng 1995

Giải B Liên hiệp văn học nghệ thuật VN 1996

Giải thưởng văn học Hà Nội 5 năm 1991-1996…

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.