Nhà văn Trần Thị Trường: Đừng thách lên giời

Nhà văn Trần Thị Trường: Đừng thách lên giời
TP - TP - Dân gian có câu: “Bắc thang lên hỏi ông giời”. Nếu có thang lên giời, dám nghĩ, đừng ai dại thách đố Trần Thị Trường. Gặt hái nhiều thành công với nghiệp văn chương nhưng văn chương vẫn không biến nổi chị thành người tình chung thủy. Chuyện gì cũng có thể xảy ra với người đàn bà dư thừa năng lượng này.

> Chuyện từ căn phòng “4 trong 1”
> Hồi ký của một nữ danh ca vang danh với 'Xa khơi'

Trần Thị Trường sinh ra ở “miền gái đẹp” nhưng gốc Hà Nội. Đây đó có bài báo khen chị đẹp. Ngắm chị, vẫn thấy vẻ mặn mà, có lẽ vào cái thuở linh đình cũng thuộc hàng “tốn giai”. Nhưng vẻ ngoài không phải điều đáng nói khi nhắc đến chị.

40 tuổi mới bắt đầu với nghiệp viết, chị dùng luôn tên khai sinh làm bút danh, trở thành một trong những nữ nhà văn có bút danh giàu màu “nam tính” nhất trên văn đàn quá khứ và đương đại. Bập một cái, Trần Thị Trường “chơi” ngay tiểu thuyết, bất ngờ tạo tiếng vang. Hiện tại, Trần Thị Trường đang ấp ủ một cuốn tiểu thuyết, trong quá trình chỉnh sửa.

Chị bảo: “Tôi từng ra hai cuốn tiểu thuyết rồi. Vì hai cuốn trước tôi chưa hiểu về tiểu thuyết lắm nên ra rất nhanh, còn cuốn này viết trong ba năm, sửa đi sửa lại trong vòng ba năm nữa, vẫn chưa xong”. “Đôi khi sự đọc nhiều khiến người cầm bút thiếu tự tin ở mình ?”, tôi hỏi. Trần Thị Trường cho rằng: “Càng đọc nhiều ngòi bút càng trở nên cẩn trọng hơn, chậm hơn, đúng là có thể nói thiếu tự tin hơn. Nhưng với tính cách của mình, dù thiếu tự tin đến mấy tôi vẫn phải cho ra được cuốn này. Vì tôi đã đau đáu về nó lâu lắm rồi”.

Lời hứa ra sách của nhà văn thường… không nên tin nhưng lời hứa của Trần Thị Trường có độ bảo hành cao hơn chăng? Bởi “nói được, làm được” đã giúp chị thành công trên nhiều lĩnh vực, không riêng gì văn chương.

Từ chuyện thang máy hỏng

Đến thăm Trần Thị Trường tại cơ quan chị vào đúng ngày thang máy hỏng. Leo lên tầng 8 của tòa nhà, mướt mồ hôi, câu đầu tiên tôi hỏi nữ nhà văn: “Cảm giác của chị về chiếc cầu thang máy không chạy được?”.

Người đàn bà ở tuổi lục tuần, tóc còn đen, giọng nói còn khỏe, điềm nhiên đáp: “Nó hỏng đương nhiên chẳng ai muốn. Nhưng thay vì cáu bẳn tôi coi như một chuyện rèn luyện bất đắc dĩ. Tôi tập suối nguồn tươi trẻ vào sáng sớm, giờ tôi rèn thêm bài tập leo cầu thang”.

Cứ bình thản thế, chắc khó làm thơ? Chị tiếc nuối: “Tôi yêu thơ lắm nhưng giờ không làm thơ nữa. Tôi thấy làm thơ vất vả nên bỏ”. Trông lại những việc Trần Thị Trường đã làm thì thấy cách nói bỏ vì vất vả, chẳng qua là cách nói khiêm tốn. Chưa biết Trần Thị Trường ngại gì, sợ gì trong đời nhưng ắt không sợ vất vả. Nếu sợ vất vả thì ngày chị từ Bungari trở về nước, bị “sếp” “riềng” (chữ dùng của chị), từ nhân viên văn phòng bị “đầy” xuống làm công nhân thợ hàn, thế mà Trần Thị Trường chẳng kêu ca, chẳng làm đơn tố cáo, chị học luôn nghề hàn: “Lẽ ra phải bực bội đau khổ lắm nhưng tôi lại biến cái đó thành một cơ hội. Nhờ học nghề hàn tôi không bị bật ra khỏi biên chế (điều khủng khiếp thời đó), thêm nữa, tôi lại nhận được công trình bên ngoài”.

Có thể nói “chủ thầu xây dựng” cỡ “mi ni” cũng từng là một nghề “kiếm cơm” của nữ nhà văn họ Trần. Ngay cả chuyện chị học tiếng Anh khi tuổi đã về chiều, đua với công nghệ (Trần Thị Trường nhoay nhoáy với máy tính bảng và “táo cắn dở”)… cũng cho thấy sự không chịu chào thua khó khăn. Chỉ có thể lí giải chuyện Trần Thị Trường không bước vào lâu đài thơ, chỉ đứng ngoài chiêm ngưỡng, là sự tự trọng với nghề viết, khi biết mình chưa thật sự dồi dào năng lượng.

Không vội vã viết ra, không vội vã xuất bản

Trần Thị Trường
Trần Thị Trường.
 

Hồi chạm ngõ làng văn Trần Thị Trường ôm giấc mộng lớn: Viết để giành giải Nobel, còn không, thôi đừng viết. Nhưng dần dần giấc mộng về giải thưởng không còn ám ảnh chị, bây giờ Trần Thị Trường không bận tâm về danh hiệu, giải thưởng, ngay cả giải thưởng danh giá nhất (và lùm xùm nhất) ở nước ta hiện nay: Giải thưởng của Hội nhà Văn Việt Nam.

Chẳng phải chị thờ ơ với thời cuộc mà vì chị đã tìm thấy ý nghĩa đích thực của văn chương. Nếu người xưa quan niệm “văn dĩ tải đạo” thì Trần Thị Trường nói một cách gần gũi hơn, chị mượn câu thơ của Dương Tường để diễn tả: “Tôi đứng về phe nước mắt”.

Không phải tuyên ngôn độc đáo, các nhà văn, nhà thơ lớn từ cổ chí kim đều đã đi theo con đường này. Nguyễn Du khóc kiếp hồng nhan, sau này các nhà văn hiện thực phê phán khóc kiếp đời cùng khổ… Đọc Trần Thị Trường, ngay cả trong những chuyện ngột ngạt, oi bức, vẫn thấy đó đây nụ cười cảm thông của nhà văn.

Trần Thị Trường viết về “Tắc đường” một vấn nạn giao thông đô thị, con người trong cuộc sống bế tắc, bấn loạn đó, vừa đáng trách nhưng cũng vừa đáng cảm thông. Chị nói về tác phẩm của mình dung dị: “Tắc đường có chứa đựng sự hài hước, sâu cay của một người vì yêu mà đanh đá”. Truyện ngắn Trần Thị Trường tuy đứng về phe nước mắt nhưng không chung thuỷ với lối kết thúc “tối đen như mực” hay “ngày mai sẽ khác” (tên một truyện ngắn của chị) mà chị chọn lối kết như… bản tin thời tiết, lúc nắng, lúc mưa, khó đoán biết. Như nhiều nhà văn, Trần Thị Trường không bỏ qua đề tài lịch sử.

“Sóng vỗ mạn thuyền” viết về công chúa Huyền Trân, được thổi vào hơi thở hiện đại: “Ta không thiết sống nhưng… không phải là ta không sợ chết (…). Cha ơi. Cha, con sắp phải lên giàn thiêu cha ạ, cho trọn đạo vợ chồng. Nhưng còn Đa Đa… mà thực ra… con mới mười tám tuổi”.

 “Trước hết văn chương cần phải dành cho tôi và cho những người đọc mong muốn nó”.  

<="" p="">

Cày xới trên mảnh đất lịch sử là con dao hai lưỡi. Người nắm được đằng chuôi sẽ tạo nên những tác phẩm đình đám, người lóng ngóng sẽ gây nên những cuộc tranh luận nảy lửa. May thay, tuy chỉ gieo trồng thử nghiệm nhưng Trần Thị Trường đã có thu hoạch, người đọc dễ dàng chấp nhận và thích thú trước mối tình Huyền Trân- Khắc Chung mà nhà văn dệt nên.

Không ít người viết vẫn loay hoay lựa chọn phương pháp sáng tác. Hỏi Trần Thị Trường điều này, chị thản nhiên: “Tôi không đặt nặng phương pháp, tôi thấy cái gì cần phải viết lên trên trang giấy là viết. Tôi phản ánh cuộc sống này, tôi muốn người đọc tìm thấy ở trang viết của tôi điều gì đó mà họ tâm đắc, bởi vì chính bản thân tôi tâm đắc. Tôi không vội vã để viết ra, không vội vã để xuất bản”.

Chính vì thế, phần đa tác phẩm của chị đều không “được” (hay “bị”) rơi vào trạng thái “cao siêu” khó hiểu. Không cần có chuyên môn chỉ cần có tấm lòng với văn chương đã có thể lang thang trong miền sáng tác của Trần Thị Trường. Nói như thế, không có nghĩa là văn chương của chị dễ dãi, một khi người viết đã “không vội vã để viết ra, không vội vã để xuất bản”, chứng tỏ mỗi “đứa con” tinh thần đều đã được chi chút.

Cuốn tiểu thuyết sẽ ra mắt trong tương lai của chị được thai nghén trong vòng sáu năm nhưng chị vẫn “ém” để đọc và sửa lại. Nhà văn nữ này nói, mình có “tật” không đọc lại, không sửa lại tác phẩm sau khi tác phẩm đã trình làng. Trong sáng tác, chị không bị lệ thuộc vào người đọc, đối tượng Trần Thị Trường muốn nhắm đến không phải người đọc của thời vụ: “Trước hết văn chương cần phải dành cho tôi và cho những người đọc mong muốn nó”.

Chẳng ai cấm được trái tim

Trần Thị Trường không có những thị phi giật gân nhưng vẫn còn đó những dấu hỏi khiến những ai quan tâm đến chị không khỏi tò mò. Nhiều người biết một thời Trần Thị Trường nổi tiếng với nghề “bầu sô” cho danh ca Ngọc Tân. Trong sự nghiệp của mình, Ngọc Tân hát trong khoảng 150 chương trình thì có tới 100 chương trình có mặt Trần Thị Trường ở vai trò tổ chức biểu diễn.

Có hay chăng mối tình giữa “bầu sô” và ca sỹ? Người trong cuộc chưa bao giờ chịu thừa nhận: “Ở thế hệ của tôi tình bạn quý vô cùng. Tôi có những tình bạn lớn. Tình bạn rủ tôi làm gì thì tôi làm cái đó. Tôi đâu có chủ định cuộc đời tôi làm bầu sô ca nhạc?”. Sau bao nhiêu năm Ngọc Tân từ biệt cõi dương gian, Trần Thị Trường vẫn rưng rưng mỗi khi nghe anh hát…
Ngày xưa cha đẻ của Trần Thị Trường lo con gái vì đa cảm sẽ khổ.

Nhưng có lẽ nữ nhà văn là con người “hai trong một”: Vừa đa cảm, vừa lí trí tỉnh táo. Thành công trên nhiều lĩnh vực được chị lí giải đơn giản: “Cơ bản tôi không phải người đánh trống bỏ dùi, tôi là người nhiệt huyết, đã định làm cái gì thì làm cái đó đến nơi đến chốn”. Chẳng biết con người dư thừa năng lượng ấy có quyết liệt trong yêu đương hay không? “Nếu nói về luật hôn nhân và gia đình thì chỉ được yêu một người còn trái tim thì không ai cấm được”.

Hỏi: “Ở tuổi này chị còn yêu thầm nhớ vụng không?”. Trần Thị Trường cười: “Có lẽ là thôi, đã quá tuổi khấp khởi rồi mà hết khấp khởi nghĩa là tình yêu nhạt, thì thôi”. Ở tuổi hiện tại chị dành tình yêu cho những cái rất gần, những kế hoạch gần như con cháu, ngôi nhà, mảnh vườn… T

uy nhiên những lời đồn vẫn không dứt. Một Trần Thị Trường có tiếng trong văn chương, đủ đầy về vật chất, đã ở tuổi nghỉ ngơi, lại vẫn ngày ngày “sáng cắp ô đi, tối cắp về” ở cương vị Phó giám đốc khu vực phía Bắc - Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam. Chị bị Phó Đức Phương bỏ “bùa mê”? Trần Thị Trường lấp lửng: “Tôi nghĩ nhạc sỹ Phó Đức Phương rất đáng yêu và rất nhiều người yêu ông ấy. Còn ông ấy dành tình cảm cho âm nhạc, cho công việc của trung tâm và đương nhiên không thể so sánh được đó là tình cảm với người vợ trẻ xinh đẹp của ông nữa”.

Trong phòng làm việc của Trần Thị Trường treo một tấm hình của cha đẻ “Trên đỉnh phù Vân” tươi rói. Tự hỏi, chẳng biết Trần Thị Trường may vì gặp Phó Đức Phương hay ngược lại, Phó Đức Phương may vì “được” Trần Thị Trường.

Nấu ăn ngon và tự may quần áo

Nhà văn Trần Thị Trường: Đừng thách lên giời ảnh 2
 

Ngay những đồng nhuận bút đầu tiên thu được, Trần Thị Trường đã dùng để xây một ngôi nhà nhỏ, trong khi những nhà văn đồng lứa với chị lại dùng tiền đó để mua linh tinh và… hết lúc nào không biết. Riêng mảng mỹ thuật chưa thấy chị “dụng võ” (dù được đào tạo chính quy): “Tôi phải lựa chọn, nhà đã có một ông họa sỹ rồi, mà ông ấy thì họa sỹ đích thực hơn”. Hiểu biết về hội họa, nên trong cuộc sống, từ những cái bình thường nhất, vào tay chị cũng trở nên có cá tính.

Trần Thị Trường tự tin ở khoản “nữ công gia chánh” của mình. Chị còn bật mí: “Tôi gần như tự may quần áo cho mình, hiếm lắm mới mặc quần áo của người khác may, chỉ với áo vest, hoặc áo thể thao mùa đông là tôi mua ngoài, còn lại tự may lấy”.

Tuy nhiên chị không thuộc mẫu đàn bà truyền thống: “Cái gì thuộc về truyền thống, thấy tốt, tôi cố gắng giữ. Cái gì cần hiện đại tôi vẫn cố gắng vươn tới”. Trần Thị Trường có may mắn lớn, hai con đều thành công trong cuộc sống. Con gái của chị tốt nghiệp đại học ở Mỹ, lập gia đình với người đàn ông Mỹ thành đạt. Còn con trai chị theo nghề luật sư. Nói về bí quyết dạy con, chị bảo: “Tôi rèn con kỹ lắm. Ngay từ bé tôi bắt chúng vừa đi học, vừa đi làm cùng tôi”. Bây giờ con gái của nữ nhà văn sống giữa trời Tây vẫn tự tay cắt may quần áo như người mẹ của mình.

<="" p="">

<="" p="">

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG