Nhà văn Trung Quốc kiện tác giả phim Avatar

Nhà văn Trung Quốc kiện tác giả phim Avatar
TP - Vừa qua, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Châu Thiệu Mưu, tới Toà án trung cấp số 1 Bắc Kinh, Trung Quốc, đưa đơn khởi kiện đòi đạo diễn James Cameroon phải bồi thường 1 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 2.800 tỷ đồng).

Ông cũng yêu cầu phải ngừng ngay việc chiếu Avatar trên toàn thế giới vì đã sao chép tác phẩm của ông.

Nhà văn Trung Quốc kiện tác giả phim Avatar ảnh 1
Đạo diễn James Cameron buồn rầu bên pho tượng Oscar

Châu Thiệu Mưu cho biết, gần 80% tình tiết trong Avatar trùng hợp với các tình tiết trong tiểu thuyết Truyền thuyết về con chim xanh, do ông hoàn thành năm 1997.

Các tình tiết, hoàn cảnh, quan hệ nhân vật đều rất trùng hợp. Được biết, từ năm 2000, Truyền thuyết về con chim xanh đã bắt đầu được đăng tải trên các báo mạng Sina.com và Ease.net. Tin về vụ kiện đã gây nên sự chú ý trong cộng đồng mạng.

Một số người bày tỏ thái độ nửa tin nửa ngờ, nhưng số đông hơn cho rằng đó chỉ là trò tự đánh bóng bản thân của ông Châu; cũng có người cho rằng việc các tác phẩm viễn tưởng giống nhau về cấu trúc là chuyện bình thường, rất khó xác định có hay không có chuyện sao chép.

Theo Quảng Châu nhật báo, đại ý cốt truyện của Truyền thuyết về con chim xanh kể về người Trái Đất tạo ra người nhân bản để chuẩn bị chinh phục một tinh cầu ngoài hệ Mặt Trời.

Người nhân bản được nuôi trong lồng kính, người Trái Đất kiểm soát hành vi của người nhân bản thông qua việc điều khiển hệ thần kinh đại não.

Còn cốt truyện của Avatar, người Trái Đất tạo ra người nhân bản để đưa tới hành tinh Pandora ngoài hệ Mặt Trời. Người nhân bản được nuôi trong lồng kính, người Trái Đất kiểm soát hành vi của người nhân bản thông qua việc điều khiển hệ thần kinh đại não.

Chương 289 của Truyền thuyết về con chim xanh viết, dân bản địa da màu xanh, tóc vàng, mắt đen, có thể thấy họ gần giống với người Trái Đất. Còn trong Avatar, Pandora là hành tinh màu xanh, người dân Pandora da xanh, khuôn mặt hình lục giác, tết bím tóc phía sau.

Trong Truyền thuyết về con chim xanh, vị Tiến sỹ tiến hành thôi miên người nhân bản và lập trình mọi hoạt động của anh ta. Tiến sỹ yêu cầu mọi người mở tư duy, nhớ lại toàn bộ mọi điều mình đã trải qua.

Trong Avatar, việc nhân bản và kiểm soát cũng tương tự, trước khi xuất phát, phi hành gia bị thôi miên, dò tìm sóng não, khá giống nhau.

Phim Avatar không những nóng về kỷ lục doanh thu, mà còn nóng cả về vấn đề kiện cáo bản quyền. Đầu tiên, có ý kiến cho rằng Avatar đã sao chép các tình tiết trong game Quỷ thú tranh bá; tiếp đến người Nhật nói kịch bản Avatar sao chép từ tiểu thuyết Castle in the Sky của nhà văn Hayao Miyazakinam, rồi người Nga khẳng định cốt truyện phim đã sao chép tiểu thuyết Thế giới lúc giữa trưa của anh em nhà Strugatski chuyên viết truyện khoa học viễn tưởng thời kỳ Liên Xô cũ. Nay đến lượt người Trung Quốc cũng bị cuốn vào vòng luẩn quẩn ấy.

Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ hoài nghi và đặt ra các câu hỏi xung quanh việc khởi kiện của Châu Thiệu Mưu. Khi Avatar khởi quay, tạo hình nhân vật, kết cấu chuyện phim đều đã được công bố, khi đó sao ông Châu không đứng ra nói Avatar sao chép truyện của mình?

Mặt khác việc ông đòi bồi thường 1 tỷ nhân dân tệ, đòi ngừng chiếu Avatar, ai cũng biết đó là điều rất hoang đường, trước một nhiệm vụ bất khả thi như thế tại sao ông Châu vẫn cứ làm? Nếu ông không tự đánh bóng bản thân mình thì là cái gì?

Mặt khác, nếu ai đã đọc truyện và xem phim thì thấy, ngoài một số nội dung quả thật trùng hợp một cách ngẫu nhiên, còn bút pháp, cách miêu tả chi tiết của Avatar khác hẳn.

Có ý kiến cho rằng tốt nhất ông Châu Thiệu Mưu hãy sớm từ bỏ chuyện kiện cáo đi, nói Avatar sao chép Truyền thuyết về con chim xanh lẽ nào không sợ thiên hạ cười cho.

Có người nhắc nhở ông Châu Thiệu Mưu hãy tỉnh táo bởi việc kiện cáo không phải là trò đùa. Theo luật pháp Trung Quốc, bên kiện đòi bồi thường càng cao thì phải chịu mức án phí càng lớn.

Nếu Toà án Bắc Kinh thụ lý vụ kiện, ông Châu phải nộp tới 5 triệu tệ án phí, dù thắng hay thua. Nếu ông chỉ định đánh bóng tên tuổi, hãy nhanh chóng rút đơn kiện trước khi toà án hoàn thành thủ tục...

Thu Thủy
Tổng hợp

Vì sao AVATAR thất bại tại giải Oscar năm nay?

Theo tạp chí Time ra ngày 8-3, có bốn nguyên nhân dẫn tới thất bại của Avatar.

Thứ nhất, nhiều thành viên Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ tuổi đã cao và xem những bộ phim được đề cử giải Oscar chủ yếu là trên màn hình TV ở nhà, nên không thể đánh giá được hết tất cả những hình ảnh đẹp mê hồn của bộ phim.

Thứ hai, Avatar có quy mô quá hoành tráng của bộ phim mà gần đây, các thành viên Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ có xu hướng ưu tiên những bộ phim có bố cục chặt chẽ và có thông điệp xã hội rành mạch.

Thứ ba là quan niệm có phần thủ cựu của các thành viên Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ. Họ khó tiếp nhận khuynh hướng cách tân trong điện ảnh.

Thứ tư, các đồng nghiệp của James Cameron không ưa thích ông chỉ bởi vì ông là đạo diễn thành công nhất trong nền điện ảnh thế giới. Theo tìm hiểu của Time, phần lớn những người bỏ phiếu chống Avatar đều cho rằng con người đã kiếm được 2,6 tỷ USD chỉ nhờ một bộ phim có thể không cần đến bất kỳ pho tượng Oscar nào.

Ngọc Thoa
Theo Time

MỚI - NÓNG