Nhà văn từ chối tổ chức thượng thọ linh đình

TP - Nhà văn Trang Thế Hy vừa tròn 90 tuổi vào ngày 29/10. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết, Hội định tổ chức lễ đại thọ cho nhà văn nhưng ông từ chối.
Nhà văn từ chối tổ chức thượng thọ linh đình ảnh 1

Nhà văn Trang Thế Hy đón nhận bức khánh chúc thọ. Ảnh: Lam Điền

Căn nhà của nhà văn nằm ven một con lộ nhỏ mới mở gần thị xã Bến Tre. Đây không phải là mảnh đất nơi nhà văn đã sinh ra nhưng nằm cùng khu. Năm 1992, sau khi nghỉ hưu tại TPHCM, nhà văn đã mua mảnh đất này và về sinh sống. Đối với nhiều người, chuyện từ bỏ cuộc sống nhiều tiện nghi nơi đô thành để về mảnh đất nghèo này là chuyện lạ nhưng với những người hiểu ông thì đều không bất ngờ.

Ông là nhà văn của nông dân, từng nói đóng góp của người nông dân cho đất nước này lớn lắm, không thể coi người nông dân là bạn mà phải coi là người ơn của cách mạng. Vì thế khi hoàn thành công việc của một người cách mạng, ông hòa mình vào cuộc sống nông dân để viết.

Gần một phần tư thế kỷ, ông đã sống đúng nghĩa cuộc sống của người nông dân khi ở trong một căn nhà cấp 4 khá tuềnh toàng. Ông vẫn đọc vẫn viết. Những tác phẩm ra đời khi đã vào tuổi “xưa nay hiếm” được bạn đọc đón nhận, được giới chuyên môn đánh giá cao qua những giải thưởng như tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát, tặng thưởng loại A của UB toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2001 cho tập truyện Nợ nước mắt.

Bước vào tuổi 90, ông lại có thêm niềm vui khi giữa tháng 7, NXB Trẻ đã ký hợp đồng tác quyền trọn đời với nhà văn. Với hợp đồng này, không chỉ những tác phẩm đã từng xuất bản của ông có thêm cơ hội đến với bạn đọc mà cả những tác phẩm đang lưu lạc đâu đó sẽ được sưu tập để xuất bản. Để kịp mừng đại thọ của ông, NXB Trẻ đã in 4 cuốn là Mưa ấm, Nợ nước mắt, Tiếng khóc và tiếng hát, Đắng và ngọt.

Cầm trên tay những cuốn sách còn thơm mùi mực in, ông bảo: “Tôi vui lắm. Ai dè những cuốn sách này vẫn còn có bạn đọc quan tâm”. Ông cũng kể chuyện cách đây mấy tuần, cô nhà văn Cà Mau Nguyễn Ngọc Tư đến thăm. Thấy nhà ông có cây chuối rừng xanh um, cô cũng xin một gốc để đem về trồng. Về mấy bữa cô gọi điện lên khoe cây sống tốt, có lẽ lộc của Bác Tư đã đâm chồi nảy lộc nơi Cà Mau quê cô.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết, Hội định tổ chức lễ đại thọ cho nhà văn nhưng ông từ chối. Ông bảo rằng, làm chi cho linh đình tốn kém và chỉ thật giản dị. Bởi vậy, đoàn nhà văn xuống thăm ông chỉ là mấy món quà nhỏ.

Tình cờ chúng tôi gặp ông Nguyễn Hoàng Khai - người bạn của nhà văn từ TP Mỹ Tho xuống, chúc thọ ông. Ông Khai bảo: “Tôi thua anh Tư 5 tuổi, trước đây khi nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn sống, mỗi lần xuống Mỹ Tho chơi đều ghé qua Bến Tre đón anh Tư. ?Anh Tư thích vui nhưng không thích tụ tập linh đình, chúc tụng nọ kia. Với anh Tư, chỉ đơn giản tới thăm là anh vui rồi”.

Còn ông Võ Phạm Lê - con trai nhà văn cho biết: “Từ ngày chú Sáng mất, ba tui buồn, sức khoẻ cũng giảm sút nhiều. Nhưng ông vẫn đọc sách, vẫn gửi bài cho các báo. Hai tháng rồi, ông bị bệnh phải nằm viện, chỉ đỡ hơn được mấy tuần nay”.

Ngồi tiếp chuyện với mọi người, nhà văn vẫn rất hào hứng. Ông bảo: “Đừng chụp hình tôi nhiều. Các cụ ngày xưa đã nói tốt khoe xấu che, ở tuổi tôi bây giờ dung nhan có gì đẹp đâu mà lên báo. Nói chuyện suông được rồi”. Ông quay ra nói về chuyện sưu tập những tác phẩm cũ đã đăng rải rác trên các tạp chí trước năm 1975 tại Sài Gòn.

Nhận bức khánh với dòng chữ chúc thọ, ông cười móm mém: “Cám ơn mọi người còn nhớ đến tôi, còn đến thăm tôi. Tôi cũng mong sẽ còn viết được để cảm ơn mọi người”. Ông mời mọi người uống nước, mời mọi người ăn mấy trái mận trong vườn. Mừng sinh nhật tuổi 90 của ông chỉ giản dị như thế nhưng ông vui.

Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh- sinh ngày 29/10/1924 tại Hữu Định, Châu Thành, Bến Tre. Ông viết văn viết báo từ năm 20 tuổi và tham gia cách mạng từ những năm 50 tại miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông làm việc tại báo Văn nghệ TPHCM cho đến khi nghỉ hưu. Ông từng là Ủy viên Hội Nhà văn TPHCM, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre. Ông đã viết 65 truyện ngắn, 2 tiểu thuyết và 1 tập thơ.

MỚI - NÓNG