Nhạc dân tộc: Khi người trẻ xắn tay vào cuộc

Nhạc dân tộc: Khi người trẻ xắn tay vào cuộc
TP- Một chương trình hòa nhạc đặc biệt tựa đề Gió bình minh- với dàn nhạc chủ yếu là nhạc cụ dân tộc nhưng lại không chơi nhạc dân tộc do nhạc sĩ Đỗ Bảo cầm trịch sẽ diễn ra trong một đêm duy nhất (25/9) tại sân khấu Văn Hiến, số 2 Hoa Lư, Hà Nội.
Nhạc dân tộc: Khi người trẻ xắn tay vào cuộc ảnh 1
Nhạc sĩ Đỗ Bảo

Chương trình mang tính thử nghiệm, không bán vé này sẽ tiếp tục được nâng cấp để đến khoảng 2008 có thể lưu diễn trong nước và quốc tế.

Khai mào cho cuộc gặp gỡ báo giới sáng 21/9 tại Hà Nội, đạo diễn âm thanh Nguyễn Nhất Lý (từ Pháp về) hé mở mục tiêu của chương trình. Trong tình cảnh các đoàn nghệ thuật VN được thành lập tạm bợ mỗi khi có lời mời ra nước ngoài biểu diễn, Gió bình minh có tham vọng trở thành chương trình âm nhạc của Việt Nam (VN) đủ sức kinh doanh ở nước ngoài.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo tiếp lời: “Nhắc đến âm nhạc là mọi người nghĩ ngay đến ca khúc- mà phần lớn đang sử dụng ngôn ngữ âm nhạc phương Tây, được phóng tác để chuyển tải suy nghĩ của người VN.

Theo thời gian, chúng ta lười sáng tạo mà chỉ việc làm theo hình mẫu có trước của phương Tây. Trong âm nhạc cái gì là của VN? Theo tôi không phải là album ca khúc của các ca sĩ đang thành công trong nước...”

Cùng mang trong mình những trăn trở lớn- Đỗ Bảo và Nguyễn Nhất Lý đã nhanh chóng gặp nhau trong một “phòng thí nghiệm” bên hồ Tây để tìm kiếm những âm thanh mới cho Gió bình minh từ tháng 6/2006.

“Dự án trước tiên xây dựng một phong cách giàu tính sáng tạo của người VN cho người VN, khẳng định ngôn ngữ âm nhạc riêng của một thế hệ nhạc sĩ- một trách nhiệm đáng ra phải làm ngay từ thời mở cửa- thời điểm mà âm nhạc phương Tây ùa vào - Đỗ Bảo nói - Để hội nhập thế giới, đây là con đường tất yếu phải đi, không thế hệ tôi thì con cái cháu chắt. Dù đây là con đường rất khó”. Đỗ Bảo cũng cho biết “dân nhạc” lâu nay đã ý thức được điều này, chỉ chưa đủ điều kiện để làm.

Biên chế dàn nhạc của chương trình gồm phần lớn là nhạc cụ dân tộc và một số là nhạc cụ điện tử. Theo anh, âm nhạc VN rộng lớn và có sức quyến rũ nhất định.

“Phương Tây làm cho nhạc dân ca trở thành folk, thành country được thế giới công nhận tại sao VN không phát triển Quan họ, Ca trù, Cồng chiêng, Nhã nhạc... thành những phong cách lớn có sức ảnh hưởng ra bên ngoài!”

Nhạc sĩ Đỗ Bảo tự đặt ra những câu hỏi: Vì sao cứ nhắc đến âm nhạc truyền thống là giới trẻ liên tưởng tới cái gì thô sơ, cũ kỹ... Và Đỗ Bảo tạm thời rút ra mấy điểm yếu của âm nhạc (truyền thống) VN: còn mang tính tùy hứng, dạy bằng phương pháp truyền ngón, chưa được đúc kết thành lý thuyết; không bình ổn vì thiếu các bè trầm, trì tục; nhạc VN không có hòa thanh...

Đỗ Bảo cũng mong muốn công việc mình làm sẽ thuyết phục đồng nghiệp chịu lao động, hy sinh để làm cái gì đó cho âm nhạc VN, cũng là tiền đề cho các thế hệ sau này kế tục phát triển, thay vì giáo điều, chỉ biết khuyên con cháu phải giữ cái này cái kia còn bản thân thì không “giữ” được gì cả!

Nhất Lý nhấn mạnh việc các anh đang làm không phải bảo tồn mà là phát triển: lấy chất liệu dân tộc làm nội dung- chuyển tải bằng ngôn ngữ đương đại để “bất cứ ai trên thế giới cũng cảm nhận được”.

Nhất Lý gọi đêm 25/9 là “đêm giao lưu”. Những người làm chương trình sẽ tìm cách để giảm thiểu khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả, sẽ có tới 3 sân khấu để khán giả có thể nghe và xem từ nhiều phía.

Chương trình sẽ có cả múa đương đại (Tấn Lộc biên đạo). Ánh sáng đã có chuyên gia Pháp lo. Một điểm khá đặc biệt là đêm diễn hoàn toàn được thực hiện ngay tại chỗ (live), nghĩa là không dùng phần âm thanh nhạc nên thu sẵn.

Chương trình có sự tham gia của các nhạc công Lương Hùng Việt- sáo Tây Bắc; La Y San- goong, bro, cồng chiêng Tây Nguyên; Nguyễn Minh Chí- trống chèo, bộ gõ; Bùi Việt Hồng- đàn nguyệt, đáy; Nguyễn Thanh Thủy- đàn bầu, t’rưng. Họ đều đã qua đào tạo tại trường nhạc chứ không phải nghệ nhân cổ nhạc thuần túy. Ngoài ra có ca sĩ: Minh Anh, Minh Ánh, Tùng Dương.

Cái mới có thể chưa hay nhưng cách làm mới của những người làm Gió bình minh là đáng ghi nhận.

N.M.Hà

MỚI - NÓNG