Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Viết nhạc kịch lịch sử như một nghĩa vụ!

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng luyện tập cùng ca sĩ Phạm Thùy Dung cho đêm hòa nhạc Trăng hát 29/9 tại Hà Nội . Ảnh: NVCC
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng luyện tập cùng ca sĩ Phạm Thùy Dung cho đêm hòa nhạc Trăng hát 29/9 tại Hà Nội . Ảnh: NVCC
Trần Mạnh Hùng đã thành thương hiệu trong chuyển soạn, phối khí nhạc giao hưởng. Một số chương trình ấn tượng anh sản xuất cho Đăng Dương, Lan Anh và sắp tới là Phạm Thùy Dung (29/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) đều có sự xuất hiện của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (SSO). Nhưng anh vẫn chưa có một dự án giao hưởng, nhạc kịch cho riêng mình như mong ước…

Sự xuất hiện của dàn nhạc giao hưởng quốc tế Mặt Trời có tác động thế nào với các dàn nhạc giao hưởng trong nước, theo anh?

Điều này hỗ trợ cho âm nhạc của mình tốt lên. Mình cần phải có nhiều dàn nhạc hơn để cạnh tranh. Chứ chỉ có của mình thôi, đôi khi mình sẽ không vươn lên, trở nên thụ động, có thể chủ quan nữa. Khi so sánh với một dàn nhạc tốt, quy củ như vậy, các dàn nhạc khác cũng sẽ cố gắng sắp xếp lại cho chuẩn. Mọi người cũng sẽ tiến bộ.

SSO là tổ chức tư nhân, cũng làm cho mảng âm nhạc thính phòng giao hưởng của mình có xu hướng buộc phải bắt kịp với kinh tế thị trường. SSO đã làm được nhiều điều. Chương trình của Lan Anh, Thùy Dung hay rất nhiều chương trình sau này được họ giúp, tài trợ, nghệ sĩ không phải trả tiền. Những đóng góp của họ đáng được tôn trọng.

Khi các nghệ sĩ khi làm chương trình riêng đều nghĩ tới SSO, cũng có thể coi là một thiệt thòi… cho VNSO chẳng hạn?

Trên thực tế các chương trình của ca sĩ tuy nổi bật nhưng tỷ lệ rất ít so với các chương trình của nhà nước dùng dàn nhạc giao hưởng nên cũng không ảnh hưởng gì.

Phạm Thùy Dung từ giải Nhì dòng dân gian Sao Mai nay chuyển sang thính phòng.  Anh có nhận thấy cô ấy có sự biến chuyển thực sự để có thể hát với dàn nhạc giao hưởng?

Tôi không biết ngày xưa Phạm Thùy Dung thế nào, nhưng trong quá trình lớn lên cùng âm nhạc, người ta cũng có sự thay đổi. Như tôi lúc nhỏ học nhạc cụ dân tộc, cả quãng đời thanh niên chơi nhạc trẻ, đến lúc gần 30 mới phát hiện ra mình yêu nhạc giao hưởng. Mỗi nghệ sĩ cần tìm ra ngôn ngữ và phong cách của mình. Đó là cả một quá trình học tập và trải nghiệm. Tôi cũng thế. Khi đang dạy hòa âm jazz, tôi thấy jazz hay quá, tôi cũng sáng tác jazz… Thực ra âm nhạc nào cũng hay. Cũng có nhiều người không chọn được. Có người là pha trộn của nhiều thứ, có người đa phong cách…

Ngoài việc có đủ khả năng chuyên môn để hát cùng dàn nhạc, anh còn nhận thấy ở Phạm Thùy Dung có điểm gì khác biệt so với các ca sĩ cùng dòng?

Cô ấy rất khiêm tốn. Nhưng qua quá trình làm việc, tôi hiểu có thể cô ấy còn mong muốn những cái lớn hơn chứ không chỉ dừng lại ở việc trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng. Có cá tính âm nhạc, muốn đầu tư để đi thật xa, tôi nhìn thấy điều đó ở Dung. Cũng có nhiều người khác muốn như vậy nhưng từ muốn tới hành động rất khó, hoặc chỉ đi nửa chừng. Chương trình đầu tiên Dung đã làm tới mức độ như vậy thì thử hình dung tương lai cô ấy còn tiếp tục làm những gì.

Các ca sĩ khi làm việc với tôi, tôi nói họ nghe hoặc không. Nhưng với Dung, giống như những lời khuyên của mình chẳng thấm vào đâu. Cô ấy giống như một cơn khát về học tập. Dung vào Sài Gòn học cả về hòa âm, piano… Đã có ca sĩ nào “dám” mua bộ trống về nhà tập, chơi?! Đấy là định hướng để cô ấy theo thể loại cross-over một cách triệt để chứ không phải chỉ pha pha như một số ca sĩ. Tôi chưa biết cô ấy đi đến đâu nhưng tôi tin rằng Phạm Thùy Dung mang tố chất của một nghệ sĩ có sự thôi thúc từ bên trong với ý chí biến nó thành hiện thực.

Tôi cảm thấy Dung không phải kiểu thấy người đi trước thế nào cũng sẽ làm như vậy. Dung không phải là một cô búp bê có sắc đẹp và giọng hát, rồi để tùy nhà sản xuất muốn làm sao thì làm. Tôi chỉ giống như đồng nghiệp hỗ trợ để cô ấy đi đến cái đích mà cô ấy muốn chứ không phải cái đích do tôi chỉ ra.

Anh đang đắt hàng về phối khí, sản xuất, còn trên cương vị sáng tác liệu bao giờ có dự án riêng?

Ở Việt Nam thực sự khó khăn. Gần chục năm trước, tôi đã mơ ước đánh dấu một chặng đường viết lách bằng một đĩa nhạc 5-7 bản giao hưởng. Nhưng khi làm việc với dàn nhạc, nó ra một con số khổng lồ, tôi không kham nổi. Cho nên việc viết cứ viết thôi. Một số tác phẩm của tôi cũng đã được thu tốt, nhưng để hệ thống lại thì còn xa lắm.

Công việc chuyển soạn chỉ là một phần nhỏ trong kỹ năng nghề nghiệp của tôi, nó dễ hơn. Còn công việc sáng tác nghiên cứu dòng này, dòng kia thậm chí có những ý tưởng viết cho dàn nhạc dân tộc phía trước còn rất nhiều khó khăn, chông gai.

Liệu anh có chút lo lắng cho tuổi đời sáng tác của mình?

Nhạc sĩ châu Âu có khi sáng tác đến tận 80-90 tuổi, càng sáng tác càng hay. Tuy vậy viết ngôn ngữ giao hưởng thính phòng nhạc kịch mình cũng không còn trẻ đâu. Sức lực của người Việt mình khác người châu Âu, trong thể thao hay âm nhạc cũng vậy.

Những tác phẩm lớn đòi hỏi sức lực nhiều lắm. Như viết một vở opera, phải đóng cửa ở nhà nhanh thì cũng một năm. Xong thì ai dựng cho mình. Trong khi cuộc sống còn bao nhiêu thứ phải lo. Có những khát vọng vẫn phải thực hiện vì nếu mình không viết thì về già mình cũng không thể viết được. Nhưng một số bị trì hoãn…

Hẳn anh đang cần những nhà bảo trợ nghệ thuật như ở châu Âu thời xưa?

Cũng có những người hỗ trợ mình để làm tác phẩm, nhưng mong muốn của họ lại không phải nhạc kinh viện, mà là nhạc gì đấy phổ thông hơn. Mục đích thuần túy âm nhạc mà mình mong muốn theo đuổi không gần với công chúng. Do vậy các Mạnh Thường Quân cũng chẳng thấy có gì thú vị để hỗ trợ mình. Nhưng dù có được hỗ trợ hay không, việc mình mình vẫn làm.

Sẵn có những thiết chế như các nhà hát nhạc vũ kịch hẳn cũng đang cần tác phẩm, sao anh không kết nối?

Có thể đề tài của mình họ không thích, hoặc tên tuổi của mình chưa đủ để thuyết phục họ.

Vậy anh đã có những ý tưởng gì riêng về opera có thể chia sẻ, biết đâu lại trùng với những gì một nhà hát đang cần?

Những đề tài lịch sử lớn, xây dựng trên cảm xúc nhân bản của con người. Những cốt truyện xúc động mà người dân ai cũng thuộc, nhưng lại ít được chuyển thành phim ảnh hay nhạc kịch. Không chỉ mình đâu, nhiều tác giả cũng muốn làm điều đó. Nó giống như cả một nghĩa vụ, sinh ra ở đây, làm câu chuyện ở đây, không làm câu chuyện nơi khác. Mình cố gắng không trì hoãn việc đó.

Tôi dạy Sáng tác ở Học viện Âm nhạc Quốc gia gần chục năm, dạy ở phía Nam cũng 7-8 năm. Cũng dành hết tâm huyết, thậm chí bỏ hết việc làm ăn bên ngoài để dịch sách, dạy dỗ học sinh. Nhưng học sáng tác giao hưởng ra viết cho ai?! Nhìn đời sống của thầy thấy dặt dẹo thế, các em cũng chẳng hứng thú gì với việc học, nên gần như tôi bỏ luôn mảng giảng dạy.    

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng

Bên cạnh 25 ca khúc, Trần Mạnh Hùng đã viết 3 liên khúc giao hưởng, 6 giao hưởng thơ. Trong đó, Giao hưởng thơ Lệ Chi Viên được đài truyền hình Đức Deutsche Welle đặt hàng để trình tấu trong LH Âm nhạc Quốc tế Beethoven 2009 tại Bonn và Berlin. Tháng 7/2016, chương trình Thiên thanh (Sound of Nature) giới thiệu 11 tác phẩm của anh với khán giả Nga trong hai đêm diễn tại Saint Petersburg.

MỚI - NÓNG