Nhầm lẫn

Nhầm lẫn
TP - Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ hai diễn ra tại nhà hát Hoà Bình (thành phố Hồ Chí Minh) tối 10-12-2011 rực rỡ sắc màu, hoành tráng và tất nhiên là thành công tốt đẹp... theo một kịch bản “hoàn hảo”.

Khán giả được thưởng thức những phần thi trang phục áo dài các dân tộc với nhiều cách điệu, “thêm thắt”, trang phục áo tắm nghiêng về sắc đỏ... đẹp và chất lượng! Cũng như các cuộc thi hoa hậu khác, phần thi ứng xử bao giờ cũng quan trọng và hồi hộp.

Trong cuộc thi này, câu hỏi đặt ra để các thí sinh trả lời vừa dễ, vừa khó Em hãy giới thiệu một cách tóm tắt nét văn hoá đặc sắc nhất của dân tộc em! Dễ vì câu hỏi không “gài bẫy”, không “lắt léo”, thí sinh có thể trả lời ở mức trung bình nhưng khó vì trong một phút, ba mươi giây, nói đầy đủ, gãy gọn rất dễ rơi vào kể lể, nhàm chán, lạc đề và điều đó đã hiển hiện, có em trả lời đó là lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, em quê Bình Định trả lời đó là truyền thống đánh giặc, giữ nước.

Em ở vùng Khơ Me, Nam Bộ thì kể về chùa chiền!... Rất may, thí sinh Triệu Thị Hà, số báo danh 13 tự tin bước đến trước Micrô... hát một câu trong điệu Nàng ới và mời quý vị lên thăm quê em (Cao Bằng) sẽ được giới thiệu nét văn hoá đặc sắc của dân tộc em! Ban giám khảo vỗ tay rầm rầm và thở phào vì sự “thông minh” vượt trội của thí sinh Triệu Thị Hà đã tránh đưa các vị vào tình thế khó xử khi các câu trả lời chất lượng sàn sàn nhau!.

Theo dõi rất kỹ màn thi ứng xử tôi thấy tầm hiểu biết về lịch sử, văn hoá của các thí sinh trong cuộc thi này (và cả trong những cuộc thi khác) ngày càng đi xuống! Sự đứt đoạn về truyền thống văn hoá thấy rất rõ đến mức báo động, là thí dụ “minh hoạ” sinh động cho ý kiến của giáo sư Hoàng Chương trong cuộc hội thảo mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá và văn học - nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 12 - 2011.

“Đất nước phát triển kinh tế mà văn hoá thụt lùi, nghệ thuật dân tộc xuống cấp, mất bản sắc thì không thể nói là đất nước ổn định và phát triển kinh tế được. Còn văn hoá là còn đất nước, mất văn hoá là mất tất cả”. Trong tình cảnh ấy xuất hiện cách trả lời ứng xử “khôn khéo” của thí sinh Triệu Thị Hà là điều đáng quý, “thêm điểm” cho em đăng quang ngôi hoa hậu một cách xứng đáng.

Thế nhưng... tôi phải nói ra điều này, “siêu” như em Triệu Thị Hà thì em cũng chưa hiểu đúng về văn hoá dân tộc mình! Em là người dân tộc Nùng mà lại giới thiệu “đặc sản văn hoá” dân tộc Tày là điệu Nàng ới! Bài Nàng ới này của người Tày vùng Bảo Lạc, Cao Bằng do nghệ sĩ ưu tú Nông Xuân Ái - Giám đốc nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc sưu tầm và dịch lời (Bài QUÊ HƯƠNG GIÀU ĐẸP).

Nghệ sĩ ưu tú Xuân Ái và một người anh quê Quảng Uyên, Cao Bằng, khách mời của đêm chung kết tỏ ý tiếc “Giá như em hát một câu Hà Lều hay ngâm một câu sli, đúng “đặc sản văn hoá” Nùng thì trên cả tuyệt vời”. Tôi cười qua điện thoại “Tuyệt vời là được rồi, trên cả tuyệt vời thì không biết sẽ cao đến đâu, vả lại Tày - Nùng rất gần nhau mà!”.

Tôi nghĩ, Ban giám khảo có vị cũng biết thế! Một nhạc sĩ “Lão luyện” như Linh Nga Niêk Đam không khó nhận ra đâu là dân ca Ê đê, dân ca Ba Na, đâu là dân ca Tày, dân ca Nùng... nhưng không muốn “trên cả tuyệt vời” nên không có ý kiến gì?

Nói ra điều này sẽ có người cho là tôi hay soi mói, “Chẻ sợi tóc làm tư”. Đành phải chịu vậy thôi, cần phải nói đúng sự thật! Nhớ lại cái lần chương trình AI LÀ TRIỆU PHÚ bảo Kim Đồng là người Tày, tôi phải viết tới ba bài báo “nói lại cho rõ”, mãi sau VTV mới cải chính: Anh Kim Đồng đích thực là người Nùng!.

Em Triệu Thị Hà sinh ra ở một bản gần thị trấn Quảng Uyên (huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) hiện đang là sinh viên trường Đại học Kinh tế - Quản trị kinh doanh, thuộc Đại học Thái Nguyên.

Bố mẹ em đều ở nhà làm nông nghiệp Năm học lớp 10, trường Phổ thông Trung học Quảng Uyên em có đi thi học sinh thanh lịch toàn tỉnh, được nhận giải thưởng thí sinh có khuôn mặt khả ái nhất. Ở trường em là cầu thủ của đội bóng rổ nữ mà thầy hiệu trưởng Nguyễn Hoán khen là có nhiều quả ném rổ xa chính xác! Ông nội, bà nội em là người hay sli, lượn.

Bố mẹ em không biết sli, lượn. Đến thế hệ em, niềm yêu say văn hoá đặc sắc của dân tộc được khơi lại, nối tiếp. Dù có chút lầm lẫn nhưng thế là quý rồi. Đừng quá cầu toàn. Ở đời làm gì có cái gọi là “hoàn hảo” tuyệt đối!.

Ngày 12-12-2011.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG