Nhầm lẫn và thừa

Nhầm lẫn và thừa
TP - Lối nói tắt, nhiều khi đã được biến thành chuyện cười. Cụ thể và tỉ mỉ, được nói gọn thành cụ tỉ. Tôi từng đùa mà viết rằng một cô gái vô tư và duyên dáng được nói tắt là cô gái vô duyên, một người vô tư và hồn nhiên được gọi là vô hồn.

Nhưng người dịch câu sau thì không đùa mà viết một câu xem ra rất nghiêm:

- Tăng giờ canh gác lên hai tiếng, cho đến khi cả đơn vị phục sức hoàn toàn (trang 63).

Người đọc tạm hiểu là người dịch muốn truyền đạt ý: cho đến khi cả đơn vị phục hồi sức lực. Nhưng từ phục sức thì có nghĩa khác: y phục và trang sức. Chẳng hóa ra cả đơn vị đi chiến đấu mà sửa soạn y phục và trang sức đầy đủ như đi ăn tiệc.

Đây là một câu trong cuốn Chim cổ đo, Nguyễn Quang Huy dịch, Nhã Nam và NXB Hà Nội, 2015. Ta còn thấy một số câu chữ không chính xác trong bản dịch này:

- Có lẽ cô ta cưới chồng giàu (trang 79). Đúng ra, chữ cưới chồng phải được thay bằng chữ lấy chồng hoặc một chữ tương tự. Một cô gái phải cưới chồng thì chắc thuộc diện phải các thêm tiền mới được rước đi cho. Mà cô chủ động cưới chồng thì chính cô phải giàu, trong khi ở đây chồng cô ta mới là người giàu.

- Chỉ duy nhất bốn người các ông sống sót (trang 253). Duy nhất là chỉ có một. Ở đây có hẳn bốn người rồi mà vẫn duy nhất thì thật lạ lùng.

- Cậu ta gọi cho tôi và nói gần giống hệt như những gì cậu vừa nói (trang 327). Gần giống là chưa đạt đến mức độ giống. Còn giống hệt là giống đến mức không phân biệt được. Vậy đã gần giống thì không thể giống hệt.

- Trang 486: Hai cô gái... cười khúc khích lớn tiếng khi tôi đi qua họ.

Câu này gây cười thật rồi. Cười khúc khích thì âm thanh không bao giờ to. Miêu tả ai đó cười khúc khích lớn tiếng thì đúng là cường điệu, ngụ ý giễu cợt.

Tiếp theo là những câu không chính xác về

thời gian:

- Ta cứ giả sử rằng đó là năm mươi năm trước. Như vậy là ta rơi trúng giữa Thế chiến II (chương Irisveien. Ngày 1-3-2000. Trang 211).

Người dịch nên kiểm tra lại văn bản nguồn, có thể đây là lỗi của tác giả. Thời điểm đang nói là năm 2000, như vậy năm mươi năm trước là năm 1950. Chiến tranh Thế giới thứ II diễn ra từ 1939-1945. Vậy năm 1950 chiến tranh đã kết thúc được năm năm rồi, không thể là giữa cuộc chiến tranh được.

- Vào đêm ngày 21 tháng 12 ông đã ở đâu (trang 252). Đã đêm lại còn ngày. Có thể bỏ chữ ngày ra khỏi câu cho gọn và sáng rõ. Nhân tiện, tôi vẫn cho là tiếng Việt có cấu trúc không sáng sủa khi viết: kỷ niệm ba mươi năm ngày thành lập. Đã năm lại còn ngày, lại đặt cạnh nhau như vậy. Ai dùng cứ dùng, tôi thì từ chối, và tôi kiên trì cách viết khác: kỷ niệm ngày thành lập lần thứ ba mươi.

- Việc đầu tiên họ phải làm là lau sạch chiếc súng máy (trang 67).

- Anh giật khúc thuốc cuối cùng trên cặp môi mím chặt của Dale (trang 77).

Câu trên, dùng chữ chiếc súng máy hay cái súng máy thì không sai, nhưng khẩu súng máy thì chắc là hay hơn. Câu dưới, khúc thuốc không hay bằng chữ mẩu thuốc, vì thực sự đấy là cái phần thuốc còn lại của điếu thuốc đã hút gần hết.

Ngoài ra, trong bản dịch này còn hai từ nằm, vốn là chữ không phải lúc nào dùng cũng hay, mà tôi có nói đến trong một bài khác:

- Bàn nằm gần cửa sổ (trang 139).

Cái bàn có chân đấy, và khi nói cái bàn nằm thì người đọc lại nghĩ là nó đứng trên mấy cái chân ấy. Tất nhiên người đọc hiểu ý cái bàn được đặt gần cửa sổ, nhưng dùng chữ để mà gây thắc mắc thì nên chọn chữ khác.

- Mười chín tuổi, hắn đã nằm trong số bảy tên bị kết tội (trang 170). Nghe cứ như bảy tên này, trong đó có hắn, lúc nào cũng nằm như xếp cá. 

MỚI - NÓNG