Nhân chứng kể chuyện hòa bình ở Hỏa Lò

Không gian trưng bày “Nhật ký hòa bình” tại Nhà tù Hỏa Lò
Không gian trưng bày “Nhật ký hòa bình” tại Nhà tù Hỏa Lò
TP - Nhật ký hòa bình là trưng bày chuyên đề khai mạc sáng 2/7 tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, quy tụ nhiều hiện vật và nhân chứng sống kể  những câu chuyện in hằn vết thương chiến tranh và khát vọng hòa bình.

NHẬT KÝ HÒA BÌNH

Trưng bày Nhật ký hòa bình nhằm kỷ niệm 55 năm sự kiện Vịnh Bắc bộ, 20 năm Hà Nội được trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Ban tổ chức kỳ vọng kể câu chuyện về thời kỳ đấu tranh chống Mỹ, lời cảm ơn tới bạn bè quốc tế không phân biệt sắc tộc tập hợp đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam. Không chỉ là làn sóng phản chiến của người dân tại nước Mỹ, tinh thần ấy còn lan rộng trong hàng ngũ binh lính Mỹ, cả những phi công sống trong trại giam Hỏa Lò và nhiều trại giam khác ở Việt Nam.

Câu chuyện về Việt Nam trong những tháng ngày lịch sử được kể lại bằng hệ thống hàng trăm hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý qua ba nội dung: Nấc thang cuộc chiến, Khát vọng hòa bìnhThông điệp cho ngày mai. Ban tổ chức muốn gửi thông điệp “không bao giờ quá muộn cho hòa bình”, cũng như quảng bá Hà Nội là thành phố vì hòa bình, điểm đến của hợp tác.

Trong số nội dung trưng bày, phần gây chú ý nhất chính là Khát vọng hòa bình. Tinh thần Việt Nam không chỉ thể hiện trong phong trào đấu tranh của người dân Việt, đó còn là làn sóng ủng hộ Việt Nam của nhiều tổ chức quốc tế, nhà báo, sinh viên, nghệ sĩ nổi tiếng với mong muốn sớm chấm dứt cuộc chiến. Nhà văn, nhà hoạt động xã hội Sara Lidman người Thụy Điển từng nói: “Ước gì sau một đêm ngủ dậy, tôi trở thành người Việt Nam”.

Nhân chứng kể chuyện hòa bình ở Hỏa Lò ảnh 1 Nhân chứng sống Bob Chenoweth (phải) kể lại ký ức ở Hỏa Lò khi xem lại hiện vật xưa
 Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Tinh thần phản chiến sôi sục trong nước Mỹ với hàng loạt khẩu hiệu “Mỹ hãy rời khỏi Việt Nam”, “Con trai tôi đã chết một cách vô ích, đừng đi đánh nhau nữa, thà ngồi tù còn hơn”. Quân nhân Mỹ tại Trại giam Hỏa Lò được chăm sóc, được nhận thư và quà từ gia đình. Họ được chơi thể thao, tiếp xúc với các nhà báo Việt. Với sự giúp đỡ của cán bộ trại giam, các phi công Mỹ còn tự làm tờ tạp chí Đường băng mới (New Runway) bày tỏ mong muốn trở lại quê hương, đoàn tụ với gia đình. Tất cả những bức ảnh tư liệu, hiện vật được sắp xếp tái hiện một phần không khí lịch sử ấy.

NHÂN CHỨNG SỐNG

Nhiều cựu chiến binh của Hà Nội tề tựu trong cuộc khai mạc trưng bày đặc biệt tại Hỏa Lò. Người tham dự còn được gặp gỡ với những nhân chứng lịch sử hiếm hoi. Đó là Robert Preston Chenoweth, Hạ sĩ Lục quân Hoa Kỳ-một trong những phi công Mỹ từng bị giam trong các trại tạm giam ở miền Bắc Việt Nam, trong đó có trại giam Hỏa Lò (1968 - 1973), và ông Thomas Eugene Wilber - con trai Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber-cựu  phi công Mỹ từng bị giam tại Hỏa Lò.

Không phải lần đầu có mặt tại Hỏa Lò, chuyến viếng thăm lần thứ ba sau khi hòa bình lập lại đặc biệt hơn cả, bởi ông Robert Preston Chenoweth (Bob Chenoweth) đi cùng cậu con trai Sean đang là sinh viên tại ĐH bang Idaho. Ông ngắm rất lâu tấm ảnh chụp lãnh đạo trại giam Hỏa Lò nói chuyện với phi công Mỹ trước giờ trao trả 12/2/1973. Chỉ cho người xem mình đứng ở ngay hàng đầu trong tấm hình, ông nhắc tới nỗi ám ảnh khó phai mờ về cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Trong số hiện vật trưng bày, ông Bob Chenoweth dừng lại lâu hơn ở chiếc túi màu đen mà các tù nhân năm xưa được trang bị để sử dụng khi trao trả về nước năm 1973. Hiện vật nữa là lá cờ Việt Nam ông được lãnh đạo trại giam Hỏa Lò tặng cũng vào năm 1973, trước khi trao trả về nước. Ông Bob kể, tham chiến tại Việt Nam từ tháng 1/1967, tới tháng 2/1968 trực thăng của ông bị trúng đạn tại Quảng Trị. Bob và các binh lính trên máy bay đều bị bắt. Thời gian sống ở Hỏa Lò, ông bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về cuộc chiến mình dấn thân vào.

Hỏi về những ký ức trong quãng thời gian này, ông nói rằng Hỏa Lò chính là nơi ông bắt đầu đọc lịch sử văn hóa Việt Nam qua các cuốn sách tiếng Anh do Việt Nam xuất bản trong thời chiến. “Tôi không bao giờ quên những ngày Hà Nội trải qua trận Điện Biên Phủ trên không, ngày ký kết Hiệp định Paris”, ông Bob Chenoweth nói. Trở về Mỹ năm 1973, Bob tiếp tục lên tiếng vì hòa bình với Chiến dịch Hòa bình Đông Dương, và dành cả đời để thúc đẩy hòa bình và hiểu biết văn hóa. Đưa con trai trở lại Hỏa Lò lần này, ông mong con tận thấy một phần nơi cha mình trải qua trong quá khứ.

Không từng sống tại Hỏa Lò, nhưng Thomas Eugene Wilber chính là con trai Trung tá hải quân Mỹ Walter Eugene Wilber-cựu tù Hỏa Lò. Năm 2014, lần đầu tiên tới di tích nhà tù Hỏa Lò như một du khách bình thường, bỗng Thomas bắt gặp những bức ảnh có mặt cha mình.

“Đó là tấm ảnh cha tôi nhận quà giáng sinh từ gia đình, trong đó có mấy phong kẹo cao su, bức hình gia đình và vài vật dụng cá nhân. Trong 5 năm qua tôi đã 30 lần quay trở lại Việt Nam, tặng lại nhiều hiện vật cho BQL di tích”, ông Thomas nói. Trong số hiện vật đó có bộ quần áo của cha Thomas, vốn là quà tặng của Chính phủ Việt Nam tặng tù binh là phi công Mỹ năm 1973 trước khi về nước. Thomas cũng nhiều lần phỏng vấn các nhân chứng lịch sử để cung cấp cho BQL di tích Nhà tù Hỏa Lò, trở lại Việt Nam tìm kiếm hài cốt và di vật của Bernie Rupinski- đồng đội của ông Walter ngồi trên chiếc máy bay F- 4 J Phantom II và bị bắn rơi tháng 6 năm 1968 tại Thanh Chương, Nghệ An.

“Hòa bình là thông điệp lan tỏa mà nhân dân khắp hành tinh hướng tới, bảo vệ. Thông điệp này phù hợp với sự kiện kỷ niệm 20 năm Hà Nội được ghi danh Thành phố vì hòa bình. Nhìn lại quá khứ, chúng ta trân trọng hơn hiện tại và hướng tới tương lai hữu hảo, hướng tới cuộc sống văn minh hơn”, Thomas Eugene Wilber nói. Ông hiện là đại diện của tổ chức phi chính phủ Services & Reconciliation Foundation (Quỹ Phục vụ & Hòa giải), luôn sát cánh bên nhân dân Việt Nam trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh.

Trong phần trưng bày Thông điệp cho ngày mai, lần đầu tiên những hiện vật gắn bó với các nhân chứng lịch sử, tổ chức và cá nhân phản chiến giúp đỡ Việt Nam được giới thiệu tới công chúng. Đó là huy hiệu phụ nữ Mỹ đeo trong các cuộc mít tinh phản đối chiến tranh Mỹ tại Việt Nam, bảng thống kê thư của quân nhân Mỹ bị bắt giam ở miền Bắc chuyển về gia đình và ngược lại, giấy ra vào sân bay Gia Lâm cấp cho ông Hoàng Văn Quấn, quản giáo tại Trại giam Hỏa Lò sử dụng trong cuộc trao trả tù binh là phi công Mỹ năm 1973. Một số tư liệu khác như sưu tập báo phản chiến do binh sĩ Mỹ xuất bản và phát hành tại các doanh trại, tàu chiến từ 1968-1972, các tổ chức hòa bình tặng cán bộ quản giáo tại Hỏa Lò. 

MỚI - NÓNG