Nhân Ngày của Mẹ 10/5: Mẹ tôi, người đàn bà có ngón chân Giao Chỉ

Minh họa: Đỗ Hùng
Minh họa: Đỗ Hùng
TP - Trước khi mẹ tôi tắt nghỉ, thọ 94 tuổi, tôi kịp về bên mẹ.

Đêm đó, sau mấy tiếng đồng hồ bận rộn cho công việc khâm liệm, chuẩn bị, hầu hết mọi người đã đi nằm lấy sức cho ngày mai tang lễ, tôi ngồi cạnh thi hài mẹ, trong làn khói nhang và tiếng tụng kinh đều đều phát ra từ chiếc loa nhỏ.

Tôi thấy mình nhớ bàng bạc có lẽ gần như cả cuộc đời những ngày tháng, những phút giây được ở bên mẹ. Có những khoảng không rõ chi tiết. Nhưng cũng nhiều khoảnh khắc rõ mồn một. Có những chuyện đã hơn nửa thế kỷ mà cứ tưởng như hôm qua.

Tôi nhớ khi mẹ tôi sinh chú em út, khi đó tôi khoảng 5 tuổi. Món bồi dưỡng gần như duy nhất của mẹ để có sữa cho em bú là nồi dưa chua nấu nhừ đập quả trứng gà vào. Đến bữa là tôi xông vào giành ăn và mẹ đợi đến khi tôi bỏ không ăn nữa rồi mới ăn những gì còn lại.

Những bữa ăn hồi nhỏ của chúng tôi thường là cơm độn nhiều khoai hoặc sắn khô. Lớp độn ấy thường nằm bên trên. Ngồi vào mâm, thật ra là cái chõng tre nhỏ, việc đầu tiên của mẹ là hớt lớp khoai hay sắn hấp ấy vào bát mình.

Những năm tôi học phổ thông. Những tối chong đèn làm bài, muỗi như trấu, cắn thon thót dưới chân. Mẹ cầm cái đèn dầu cứ lom khom cạnh bàn tôi để đập những con muỗi đang chổng đít cắm vòi vào chân tôi hút máu hoặc châm đèn vào những con đang đậu ở chân bàn, trên tường.

Đôi khi mẹ châm đèn vào cả những con đang hút máu ở chân tôi. Tôi nhớ rõ cái cảm giác hơi nóng phả chói vào chân mình và mùi thơm của con muỗi cháy xộc lên.

Tôi học đến 11 giờ thì mẹ đốt muỗi đến 11 giờ. Nếu tôi ngồi đến 12 giờ thì mẹ cũng cứ quanh quẩn, lom khom bên cái bàn của tôi đến 12 giờ như vậy. Tối nào tay mẹ cũng đầy những vết máu đập muỗi và cái chao đèn cũng đầy xác muỗi.

Hồi bé tôi hay giở cái hộp của mẹ ra nghịch thấy mẹ có nhiều huy chương, huy hiệu rất đẹp. Sau này, khi đi thi đại học, khai lý lịch, tôi mới biết mẹ đã từng đi tham gia vận động giảm tô, chống cưỡng ép đồng bào công giáo di cư vào Nam một vệt từ Thanh Hóa đến tận Nghệ An, Hà Tĩnh. Rồi tham gia phục vụ cả ban tiếp quản Đồng Hới, Quảng Bình nữa.

Mẹ kể hồi đó toàn đi bộ. Tôi nhìn chân mẹ vì hiểu là đi từ Thanh Hóa vào mấy tỉnh đó rất xa. Mẹ tôi thấp nhỏ, chân ngắn, hơi khuỳnh. Hai bàn chân mẹ có ngón cái toè ra một phía so với những ngón còn lại. Người ta gọi đó là ngón chân Giao Chỉ.

Khoa học bảo người Việt cổ phải đi trên vùng đất trơn ướt, cứ phải trì các ngón chân xuống để chống trượt nên ngón cái mới toẽ  ra như thế. Để tăng diện tiếp xúc. Có lẽ vì mẹ sẽ phải đi một đường đời dài lâu và vất vả nên trời mới cho mẹ ngón chân cái như vậy.

Chắc mẹ may vì hồi mẹ còn trẻ, phụ nữ chẳng ai đi giày. Nếu phải đi giày, chắc mẹ không dễ chịu với ngón chân cái như thế. Sau này mẹ cao tuổi và hay đi dép, tôi cảm thấy dường như ngón chân mẹ bớt toè hơn.

Một lần, trên đường gặp một phụ nữ ăn mày chìa tay xin. Đang vội, tôi đi lướt qua. Một lúc sau, cứ áy náy không yên vì đã nhìn thấy bà ấy có cái ngón chân Giao Chỉ hệt như mẹ. Thế là lại phải quay ngược trở lại đoạn phố đó tìm để biếu người đàn bà ăn mày ít tiền.

Khi mẹ còn sống, tôi đã không nghĩ ra là phải chụp ảnh bàn chân của mẹ. Giờ thì không thể nữa rồi. 

Trần Kiêu Bạc

Hát ru cho mẹ

Mẹ ơi! Mẹ ngủ cho ngon

Để con ru mẹ say tròn giấc say

Đếm tay hơn bốn ngàn ngày

Mẹ ra đồng vắng nằm ngoài   

sương đêm

Mẹ ơi! Mẹ ngủ cho yên

Có con bên cạnh lòng thêm  ấm lòng

Mẹ ngao du cõi khôn cùng

Nhớ con xin mẹ thong dong trở về

Lá vàng mẹ đã rụng đi

Gió bay lá vẫn ôm ghì lá xanh

Ngày xưa được mẹ dỗ dành

Lá xanh giữ được màu xanh hôm nào

Lá vàng mẹ vội đi đâu

Lá xanh con khóc bạc đầu lá xanh

Đêm chừng như đã qua nhanh

Mẹ ơi say ngủ cho lành vết thương

Mẹ ru con suốt đêm trường

Giờ con ru mẹ qua hương  khói mờ

Ngủ đi, mẹ ngủ… ầu ơ!

MỚI - NÓNG