Nhất quyết không quan họ xin tiền

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Ở vào cái tuổi “tri thiên mệnh”, liền anh Nguyễn Phú Hiệp (thôn Thổ Hà, xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) không chỉ nổi tiếng bởi sự đằm thắm trong những câu quan họ mà còn bởi tấm lòng đau đáu với quan họ cổ. Anh bảo: Quan họ là định mệnh của mình, dường như mình sinh ra là để hát quan họ. Câu hát quan họ cho hàng xóm yêu nhau…

25 năm nay, năm nào anh Hiệp cũng nằm trong Ban tổ chức Lễ hội Thổ Hà, một lễ hội vừa được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Công việc anh phụ trách chính là tổ chức hát quan họ. Nhưng anh có một nguyên tắc là không chấp nhận hát quan họ xin tiền. 

Nhất quyết không quan họ xin tiền ảnh 1

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Năm nay, khi nhiều người muốn học hội Lim, tổ chức cho các liền anh, liền chị hát quan họ trong lán để có thể kiếm được tiền của du khách thì anh gạt phắt đi. Anh bảo, mình chơi quan họ thì phải giữ cái gốc của người chơi, để người người, con cháu sau này nhìn vào còn biết thế nào là quan họ và để không thẹn với liền anh, liền chị các nơi về, xứng với câu ca từ bao đời: “Về Thổ Hà mới ra quan họ”. 

Vậy nên vào mỗi dịp tổ chức lễ hội Thổ Hà, người quan họ Thổ Hà chỉ tổ chức hát trong chùa, hát vô tư bằng tất cả tấm lòng của mình để người dân được thưởng thức. Tất cả số tiền mà quan khách đến tặng lại được chia cho mọi người có mặt để coi như là lộc đầu xuân vậy. “Chúng tôi không bao giờ vì tiền mà đi hát quan họ nên có mấy ai thấy quan họ Thổ Hà đi hát lấy tiền đâu?” - anh Hiệp tâm sự.

Sống giữa không gian quan họ cổ

Thổ Hà là vùng đất còn lưu giữ lại nhiều phong vị của làng quê xưa. Những ngõ dài sâu hun hút, những bức tường cổ kính được xây lên bằng những mảnh sành, mảnh tiểu, chum lọ - dấu tích của làng gốm Thổ Hà nổi tiếng ngày xưa. Nối với đất Bắc Ninh là con sông Cầu thơ mộng qua những chuyến đò mải miết, gắn với những bến sông, bụi tre, cây gạo đỏ rực trời mỗi tiết tháng Ba. 

Nhiều nhà nghiên cứu quan họ vẫn tìm thấy ở đây một không gian quan họ thực sự, trên bến, dưới thuyền với cái mênh mang, trầm tịch của sóng nước, mây trời và rất nhiều khả năng những bài quan họ cổ như “Gọi đò”, “Ngồi tựa mạn thuyền”… cũng được ra đời từ đây. 

Lớn lên trong một không gian như thế, ngay từ lúc để chỏm, cậu bé Hiệp đã theo các ông bà đi xem bọn quan họ hát với nhau để rồi cái chất quan họ ngấm vào người lúc nào không hay. Hơn 20 tuổi, chàng trai Nguyễn Phú Hiệp phục viên trở về giữa lúc thôn xóm đang rộn lên cả một phong trào chơi… cờ bạc. 

Không đi cùng với đám bạn thì họ cho rằng kiêu, mà đi cùng thì anh không thích. Trong những suy nghĩ lúc ấy, anh muốn làm cái gì đấy để kéo mọi người gần nhau, để tránh xa những trò đỏ đen vận mạt. 

Chỉ thế thôi chứ cũng chưa muốn toan tính gì. Và rồi những câu quan họ cứ ngân lên trong đầu, anh bàn với cụ Quảng, một cụ già được tín nhiệm trong làng, cũng là một liền anh quan họ nổi tiếng xưa kia phục dựng lại việc hát quan họ ở Thổ Hà. Có người đi cùng làm anh bớt ngại vì lúc đó chưa có vợ, đi vận động người hát quan họ dễ bị tưởng nhầm là đi cưa gái. 

Và rồi CLB quan họ làng Thổ Hà ra đời từ đó. Với hơn chục người ban đầu họ bắt tay sưu tầm những bài quan họ cổ, những bài quan họ hay để truyền tay nhau học, nắn cho nhau mỗi khi nhả từ, buông tiếng… 

Với chất giọng mượt mà và niềm đam mê của người Thổ Hà, các hội thi hát quan họ giữa các làng của tỉnh Hà Bắc trước đây và hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hiện nay, quan họ Thổ Hà luôn giành được giải cao. Điển hình như năm 1993, tại hội thi hát quan họ toàn tỉnh Hà Bắc tại thị xã Bắc Ninh, quan họ Thổ Hà được giải Nhì hát đối đáp, 3 giải A giọng hát hay. 

Năm 1997, người quan họ Thổ Hà sang Bắc Ninh thi đấu đã rinh về 5/10 giải A của vòng chung kết giọng hát hay tỉnh này mà giọng ca chủ đạo của làng luôn là liền anh Nguyễn Phú Hiệp. Anh hai Nguyễn Phú Hiệp và Nguyễn Đăng Nam ở CLB đã ba lần đại diện cho làng Thổ Hà đi thi hát dân ca Việt Nam được hai giải B, một giải C và được mời tham gia hát tại nhiều sự kiện lớn như: Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đón Bằng công nhận Quan họ là di sản thế giới tại Nhà hát lớn Hà Nội…

Từ “quan họ ở trần” đến “quan họ áo the”

Trong những ngày mới thành lập, CLB quan họ Thổ Hà thiếu thốn đủ thứ. Đặc biệt là những trang phục tối cần thiết cho một liền anh như áo the, khăn xếp cũng không có. Người Thổ Hà có tục đón khách trên sông, tức là cứ vào dịp lễ hội quan họ Thổ Hà lại đón các làng quan họ khác sang chơi. 

Phương tiện chính để đưa, đón khách là chiếc đò ngang qua sông Cầu trầm mặc. Nhưng trong những dịp đón rước ấy, anh Hiệp cùng những người cùng CLB quan họ Thổ Hà chỉ có áo cánh, quần Tây để mặc cho lịch sự. Nghe liền chị quan họ trách yêu: “Ơ, thế quan họ Thổ Hà lại ở trần à?” mà xót xa. 

Rồi có đận, anh Hiệp mượn mãi mới được một bộ quần áo nâu kiểu áo the từ một ông chú họ. Chẳng may đến đúng lúc chuẩn bị diễn thì ông chú đến… đòi quần áo đi chùa, vậy là lại “ở trần” lên hát. Anh Hiệp với tư cách là chủ nhiệm CLB quyết tâm xây dựng đội ngũ lớn mạnh. Ấy thế mà cũng phải mãi mấy năm rồi mới có đủ bộ quần áo cho những thành viên trong CLB. 

Nói về cái sự giàu của người quan họ, anh Hiệp tâm sự: “Nhiều người, thậm chí là học trò của tôi cũng đã có nhà cửa khang trang từ việc đi hát quan họ kiếm tiền. Còn tôi vẫn chỉ một nếp nhà cấp 4 đủ để hai vợ chồng với một đứa con chui ra, chui vào. Chơi quan họ thì không giàu được. Nhưng cái giàu của tôi là giàu về tinh thần. Cái này chắc tôi là tỷ phú”.

Hát quan họ cho… hàng xóm yêu nhau

Một trong những nét độc đáo của quan họ Thổ Hà là đội ngũ liền anh rất đông đảo trong khi nhiều làng quan họ khác chủ yếu là các liền chị. Hiện nay, có tới hơn 20 người trong CLB quan họ, chiếm khoảng 2/3 là các liền anh. 

Trong đó, cặp đôi nổi tiếng nhất là Nguyễn Phú Hiệp và Nguyễn Đăng Nam. Hai giọng ca một ấm, dày, khỏe, đậm - một cao, thanh, nền nã luôn tung hứng, quấn quýt nhau tạo nên một quan họ cực chất, lạ và rất độc đáo. Nhưng để làm được điều đó, anh Hiệp cho rằng, cái may là anh được là học trò của cố nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thao. 

Chính ông Thao đã dạy cho anh cách học hát quan họ như một... nhà nghiên cứu về quan họ để khám phá ra nội hàm của quan họ. Đó là cả một phông văn hóa rất rộng lớn, là phải có tinh rồi mới có tường.

Chính vì vậy, trong khi hát quan họ, dù vẫn là những câu hát cũ nhưng các anh đã khéo léo gọt giũa những phần còn hạn chế để trở thành viên ngọc sáng láng hơn, bài hát quan họ vì thế gần với người nghe bây giờ hơn. Và để rồi khi các anh hát những bài hát cổ thì người nghe có thể không nhớ tên người hát nhưng nhớ tên bài hát đó. 

Đến nay, anh Hiệp và anh Nam vẫn rất tự hào khi cuộc thi đầu tiên ở cấp quốc gia, cả BTC và khán giả đã gọi hai anh Hiệp, Nam bằng cái tên thân mật là các liền anh “Giăng già” - tên một bài hát quan họ cổ mà các anh trình bày hôm đó chứ không nhớ tên các anh. Còn Giáo sư Trần Quang Hải (con của Giáo sư, Tiến sỹ âm nhạc Trần Văn Khê) Việt kiều tại Pháp, khi về Bắc Giang tìm người quan họ sang Pháp đã phải thốt lên: “Người tôi cần tìm chính là anh đây rồi!”. ?

Ngôi nhà của anh hai quan họ Nguyễn Phú Hiệp vẫn là căn nhà cấp 4 nằm nép mình bên dòng sông Cầu. Vợ anh cũng là người nên duyên từ những câu quan họ tình tứ. Con gái anh dù còn nhỏ cũng có thể hát được khá nhiều bài quan họ theo lối cổ. Anh Hiệp luôn tâm niệm, quan họ hay nhất chính là quan họ không cần nhạc đệm, để cái “chất” cái “tình” của người quan họ bung nở, khai hoa, kết trái, hát để cho hàng xóm yêu nhau.

Nhất quyết không quan họ xin tiền ảnh 2 Hai liền anh Nguyễn Phú Hiệp (trái) và anh Nguyễn Đăng Nam trong canh hát đầu xuân tại Lễ hội làng Thổ Hà
Hỏi anh sẽ hát quan họ đến khi nào? Không ngần ngừ, anh nói rằng: “Trái tim tôi còn đập, miệng tôi vẫn còn nói được thì tôi sẽ vẫn hát quan họ. Đó là điều chắc chắn...”.

Quan họ ám ảnh trên đất Pháp

Nhất quyết không quan họ xin tiền ảnh 3 Liền anh Nguyễn Phú Hiệp (bìa phải) cùng người hâm mộ Pháp
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với liền anh Nguyễn Phú Hiệp là chuyến sang Pháp chào mừng 40 năm ngày thành lập UNESCO vào dịp Tết Nhâm Thìn cách đây 2 năm. Có quá nhiều lý do để cho những người vốn xuất thân từ nông dân như anh Hiệp, anh Nam cùng một số nghệ nhân quan họ khác ở Bắc Giang phải ghi nhớ trong chuyến đi này. Nhưng đọng lại là hình ảnh bà Tổng Giám đốc UNESCO đã giành hẳn 5 phút để nói chuyện và chụp ảnh cùng những liền anh, liền chị nón thúng, quai thao, áo the, khăn xếp. 

Đoàn Việt Nam là đoàn được biểu diễn trong phần khai mạc cùng hơn 100 đoàn nghệ nhân đến từ các nước khác. Đặc biệt sau đó, những Việt kiều tại thành phố Lyon, nơi có hàng nghìn người Việt đang sinh sống đề nghị đoàn quan họ đến biểu diễn.

Họ nói rằng: Nếu chưa được nghe câu quan họ thì chưa thấy hương vị Tết Việt. Vậy là đoàn lại di chuyển gần 600km để tới Lyon. Tại đây, hơn 700 người đã ngồi chật cứng hội trường để lắng nghe như nuốt từng lời. 

Anh cả, anh hai, chị hai quan họ trải từng câu hát da diết, cháy bỏng đi hết các cung đoạn của quan họ. Đến khi tiếng hát giã bạn vang lên, khán giả khóc, liền anh liền chị cũng khóc mà dùng dằng không nỡ chia tay. 

Hơn 9 giờ tối mới xong và sáng hôm sau phải trở về Việt Nam sớm nhưng khán giả vẫn yêu cầu đoàn nán lại một chút rồi ngài thị trưởng ra tặng hoa, khán giả đứng hai bên cửa vỗ tay chào tạm biệt. “Đối với nghệ sĩ chúng tôi có lẽ đó là đỉnh cao của những giá trị mà mình đạt được” - Anh Hiệp xúc động nói.

MỚI - NÓNG