Nhiều điểm đến có thể “chết” sớm

Hang Sơn Đoòng được xem là hang động lớn nhất thế giới mà loài người khám phá được tính đến nay. Ảnh: S.Đông.
Hang Sơn Đoòng được xem là hang động lớn nhất thế giới mà loài người khám phá được tính đến nay. Ảnh: S.Đông.
TP - Sa Pa, Mù Cang Chải, Sơn Đoòng được liệt vào danh mục những “điểm đến trước khi chết”, tuy nhiên không ít người lo ngại những điểm này trở thành điểm “chết” trước khi đến.

Chuyện buồn Mù Cang Chải

Nhóm thành lập Save Sơn Đoòng (Giải cứu Sơn Đoòng) ngồi lại trong tọa đàm “Điểm đến trước khi chết” ngày 28/10 tại L’Espace, Hà Nội chia sẻ những câu chuyện và sự trăn trở về sự bùng nổ du lịch ở Việt Nam. Lê Nguyễn Thiên Hương-thạc sỹ ngành Phát triển quốc tế bền vững- lấy làm tiếc vì có “nhiều điểm đến chết trước khi chúng ta hoặc con cháu đặt chân đến”.

Khang A Tủa, người nhiều năm nghiên cứu văn hóa Mông kể câu chuyện về mảnh đất chôn nhau cắt rốn Mù Cang Chải. “Cách đây 10 năm Mù Cang Chải bắt đầu phát triển du lịch và phát hiện trào lưu cộng đồng khác bắt đầu đến ngày càng nhiều. Sau này mỗi lần tôi về lại thấy quê hương thay đổi chóng vánh, mới một năm mà như một thế kỷ. Để phục vụ cho phát triển du lịch càng nhiều bê tông cốt thép càng tốt, càng nhiều du khách càng tốt nhưng bên cạnh đó không ít hậu họa”, A Tủa nói. Sự thay đổi này kéo theo mối quan hệ của cộng đồng, xưa thiếu cái gì có thể chạy sang hàng xóm nay không có chợ không biết ăn gì. “Mối quan hệ giữa mọi người với nhau trở thành sự trao đổi vật chất, không còn tình cảm như xưa”, Khang A Tủa nói.

Nhiều người nói Mù Cang Chải sẽ là Sa Pa thứ hai, họ mừng vì điều đó còn Khang A Tủa lo sợ. “Tôi hình dung ngày nào đó Mù Cang Chải chỉ mọc lên những cao ốc như Sa Pa. Các bạn trẻ Sa Pa hay Mù Cang Chải giờ không biết những câu chuyện dân gian của dân tộc mình. Tôi làm dự án nghiên cứu về cổ tích người Mông, tôi thấy phụ nữ Mông, Dao sẵn sàng đeo bám du khách cả ngày bán được 200 ngàn đồng, rồi uống rượu hết”, Tủa kể.

Đất Sa Pa đắt lên, người dân giàu lên nhờ tiền bán đất kéo theo nhiều hệ lụy văn hóa-tiền thách cưới cô dâu ở Sa Pa lên đến cả trăm triệu đồng. “Tiêu cực gần như ở mọi khía cạnh. Người bản địa mất ý niệm họ đang là người bản địa, mất ý niệm về thực hành những nghi lễ bản địa và văn hoá bản địa”, A Tủa nói. Thậm chí nhiều người trẻ đem khèn người Mông chỉ dùng trong đám tang mang ra phục vụ du khách. Diễn giả này cũng nêu thực tế văn hóa không phải ưu tiên số một của người dân, họ phải lo cái ăn cái mặc trước, thành ra chưa nhiều người ý thực được sự mai một văn hóa.

Nguy cơ Sơn Đoòng

Diễn giả Lê Nguyễn Thiên Hương lấy ví dụ trên thế giới nhiều điểm đến du lịch thế giới bị khai tử vì lượng khách quá đông. Jerusalem cũng giống Sơn Đoòng đang đối mặt nguy cơ hủy hoại nếu xây cáp treo. “Sơn Đoòng 5 triệu năm không có dấu chân con người. Ngọc động ở đây bằng quả bóng chày, trong khi các hang khác chỉ bằng viên bi. Nhờ Sơn Đoòng mà Việt Nam lọt Top 1 trong 42 điểm đến hấp dẫn thế giới. Việc phải đi bộ khó khăn khám phá Sơn Đoòng lại chính là điều tốt, giúp nơi đây bảo vệ sự nguyên sơ”, Thiên Hương nói. Chị đem con số 500 người/năm đối với phương pháp đi bộ truyền thống với nghìn người/giờ nếu đi cáp treo để cảnh báo nguy cơ thành nơi xả rác.

“Nếu du lịch đại trà bắt buộc phải có ánh sáng, có đèn flash và tiếng ồn rất hại cho động thực vật. Riêng việc thở cũng làm thay đổi hệ sinh thái của hang Sơn Đoòng. Đó chính là động lực ba năm vừa rồi chúng tôi chiến đấu để bảo vệ Sơn Đoòng”, Thiên Hương nói. Nguyễn Biên Thùy, một trong những người sáng lập nhóm Save Sơn Đoòng cho hay khi lập trang web xuất phát có thể từ sự ích kỷ muốn giữ riêng Sơn Đoòng cho mình, tuy nhiên khi tham gia anh nhận ra việc làm ấy mang nhiều ý nghĩa hơn. Đại diện nhóm Save Sơn Đoòng nói rằng không sợ ý kiến trái chiều.

“Thế hệ trẻ nghĩ mình không còn nắm vận mệnh của di sản nữa, thì đất nước đi về đâu”, Thiên Hương lo lắng. Nhóm Save Sơn Đoòng nói tới kế hoạch phát triển mô hình thực tế ảo đem Sơn Đoòng đến với mọi người. Ở cương vị của những người hoạt động hướng tới du lịch bền vững, Nguyễn Biên Thùy không phản đối cáp treo nhưng cảnh báo nó đi kèm biến đổi văn hóa bản địa, nhiều giá trị bị méo mó. “Tôi đến Thụy Sỹ, nhiều cáp treo nhưng họ kết hợp với nhiều chương trình du lịch khác. Khách du lịch vẫn có thể đi bộ lên đỉnh núi, trên ấy không xây dựng nhiều”. Anh nói thêm, để lựa chọn mô hình phát triển bền vững cần sự kết hợp từ chính quyền, người làm du lịch cho tới du khách. “Nếu chúng ta du lịch không có trách nhiệm nghĩa là chúng ta đang là đòn bẩy cho những loại hình du lịch đó phát triển”, Nguyễn Biên Thùy nói.

GS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng soạn hẳn phụ lục thuyết minh cho nguy cơ tàn phá nếu xây dựng cáp treo ở vùng lõi Phong Nha-Kẻ Bàng, văn bản này được gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ VHTT&DL. GS Phương thừa nhận du lịch bằng cáp treo là xu hướng phổ biến trên thế giới, nhưng người ta không dùng cáp treo khám phá hang động, đặc biệt với loại hang lộng lẫy như Sơn Đoòng. Chẳng hạn hang Lechuguilla ở Mỹ là hang có hệ thạch nhũ đẹp nhất hành tinh đang được bảo tồn bằng cách đóng cửa đối với khách tham quan. Có những hang động khác ở Mỹ chỉ 20 khách được phép vào tham quan một ngày.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".