Những ám ảnh chiến tranh

Những ám ảnh chiến tranh
Frederic Whitehurst đã ra khỏi cuộc chiến ở Việt Nam với nhiều ám ảnh về những gì mình và đồng đội đã làm. Trong và sau chuyến trở lại Quảng Ngãi tháng 8/2005, ông đã kể hoặc viết cho nữ nhà báo Uyên Ly một số ký ức đứt đoạn của mình.

(…) Khi tôi nói chuyện với Hiếu vào buổi tối hôm đó. Tôi quyết định cuốn nhật ký phải trở về với gia đình của nó. Làm sao có thể tìm thấy gia đình của một người lính đã chết trong khi chiến tranh đang diễn ra?

Một lần ở trong rừng, tôi đã cứu một người lính đối phương. Chúng tôi tiến đến căn cứ của quân giải phóng. Thật là một trận đánh khủng khiếp. Rất nhiều người chết. Có một người lính giải phóng cứ thét gọi vợ anh ta “Anh đang chết đây, anh đang chết đây…”.

Thật là kinh sợ. Và chúng tôi vào bên trong. Sau bụi cây có một cái gì đó động đậy. Tất cả đều nhảy dựng lên. Một người lính giải phóng Bắc Việt khoảng 18 tuổi đang bò lết, định trốn đi với hai cẳng chân đã bị gãy. Mạng sống của anh ta nằm trong tay tôi. Tôi quyết định cứu sống anh ta, đó giống như là một món quà cho bản thân tôi vậy.

Tôi đưa cho đồng đội cầm súng, dao, đạn và tới bế anh ta lên. Chúng tôi mang anh ta xuống núi và đột nhiên bị phục kích. Súng bắn pằng pằng xung quanh. Tôi thả anh ta xuống, nhưng tôi không còn súng, tôi phải xoay người né, và anh ta bò đi mất.

Từ Việt Nam mà tôi biết duy nhất trong trường hợp đó là “Đứng lại, đứng lại” và “Tôi bắn, tôi bắn”. Anh ta ngoái nhìn tôi với vẻ giễu cợt như muốn nói: “Bắn bằng gì?”. Sau đó tôi nói: “Thôi được, lại đây, lại đây!”. Cô thấy đấy, đôi khi có những chuyện như hài kịch ở trong cuộc chiến. Súng thì bắn, tôi thì nói “lại đây!”.

Khi quân giải phóng rút đi, tôi đưa anh ta lên trực thăng. Có năm chiếc trực thăng. Và quân giải phóng cứ chĩa súng vào mà bắn. Đúng là một trận đánh kinh khủng. Chiếc trực thăng chở người lính đó bị bắn rơi và anh ta được đồng đội giải cứu.

Tôi đã từng bị tuyên truyền rằng người Việt Nam không trân trọng mạng sống. Và tôi đã tin vào điều đó. Nhưng quân giải phóng ra sức bắn vào trực thăng, và cuối cùng giải cứu được anh ta cùng với hai người bị bắt khác nữa.

Sự cố gắng của quân giải phóng để cứu đồng đội cho tôi biết rằng chúng tôi đã bị tuyên truyền láo. Tôi không biết anh ta đi đâu. Đó là vào cuối tháng Sáu năm 1969. Chỗ đó ở đằng kia kìa. Tôi băn khoăn không biết liệu anh ta có được đưa đến bệnh viện Thùy Trâm không? Và giả sử bây giờ nếu tôi được gặp gia đình anh. Có thể anh sẽ cười tôi. Quả là như một trò đùa, anh ta sẽ nói “Anh định bắn tôi bằng cái gì nào?”. (…)

Truyện 2: Một cô gái bị bắn chết 15 lần

Người phụ nữ đầu tiên tôi bắn, là một người bằng tuổi tôi bây giờ. Chiến tranh mà - trong chiến tranh, người ta bắt buộc phải nổ súng vào đối phương để giữ cho mình mạng sống. Nếu bắn chậm, ta sẽ chết. Đó là sự méo mó của chiến tranh. Và tôi đã dành nhiều năm sau này trong cuộc đời mình để chống lại nó. 

Ở làng số 45, vào khoảng 5h30 sáng. Chúng tôi vừa đi vừa xua đuổi tất cả. Hàng trăm người túa ra khỏi ngọn núi, khỏi ngôi làng. Cô ta ra khỏi nhà dắt theo con bò. Nhưng đó là một người lính vì tôi thấy cô ta đeo thắt lưng quân trang.

Tôi biết điều đó, và tôi bắn cô ta. Tôi nhớ thân thể cô giật lên, nhưng không ngã xuống. Tôi nhớ là tôi bắn 15 lần mà cô vẫn không ngã xuống. Người đồng đội cạnh tôi rút ra một quả M79, đạn nổ, cô ta chết. 15 lần. Cô biết không. Có rất nhiều câu chuyện như thế.

Phản ứng đầu tiên của tôi, không phải là tôi đã giết một kẻ thù, mà là cảm giác sợ hãi. Tôi đã giết một ai đó. Không có ai tôi từng biết hồi còn học ở trường đã giết người. Khi ý nghĩ đó đến, tôi cảm thấy khiếp sợ.

Truyện 3: Việt Cộng làm thơ tình cho… một khẩu súng

Trong những đống tài liệu mà tôi và Nguyễn Trung Hiếu đã đọc, có rất nhiều, rất nhiều thư tình, và thơ. Ôi trời, những người lính giải phóng làm rất nhiều thơ. Tôi còn nhớ một lá thư tình gửi cho… khẩu súng trường, khẩu AK47. Người lính làm một bài thơ, mô tả anh ta yêu khẩu súng đến thế nào.

Và rất nhiều những cuốn sổ ghi chép nho nhỏ, bằng cỡ cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm rất nhiều. Có thể có cả những cuốn nhật ký. Nhưng chúng không giống nhật ký Thùy Trâm. Tôi không thể lưu giữ tất cả, và chúng tôi đốt những tài liệu trong một cái thùng. Đổ xăng vào đó và châm lửa. Chiến tranh mà. Cô biết không. Chiến tranh có thể thiêu đốt tất cả.

Truyện 4: Về người lính bị cụt đầu

Tôi viết “Thuật cắt dán của chiến tranh” (truyện ngắn đã được dịch đăng trên Tuổi trẻ Chủ nhật) vào năm 1995. Mỗi lần đọc lại, tôi khóc. Nhưng có những chi tiết mà tôi không đủ can đảm để đưa vào truyện. Thật ghê rợn.

Chiến tranh có thể hủy hoại nhân tính con người đến độ ấy. Cô có nhớ về người lính bị cụt đầu không? Điều gì đã thực sự xảy ra cho anh ta? Thân thể anh ta nằm trong hầm bí mật. Tôi thấy hai người lính Mỹ chơi trò đá bóng với cái đầu anh ta.

Tháng 12 năm 1971, tôi chuyển tới Đà Nẵng. Chờ để được về nhà. Và tôi rời khỏi Việt Nam đầu năm 1972.

Truyện 5: Người đàn bà dựng lại hàng rào

Cái hàng rào của ngôi nhà ở nơi Nguyễn Văn Giá ngã xuống đã bị vài người quay phim làm hỏng, họ không nhận ra điều đó, họ không nhận ra họ đã làm hỏng hàng rào, không nhận ra người đàn bà của ngôi nhà có hàng rào.

Và tôi nói: Những người này cũng như lính Mỹ vậy, và họ thậm chí còn không biết đến điều đó. Chúng ta thấy được  gì từ việc này?

Người đàn bà thậm chí còn mỉm cười khi bà ấy dựng lại hàng rào. Nhưng bà ấy cười những kẻ xâm lược, cũng như những người ở thôn Nga Mân cười tôi vậy. Cô hiểu chứ? Tại sao chúng ta đã quên mất cái điều chúng ta đã học từ chiến tranh? Một vài người quay phim, chụp ảnh, nhà báo, đã phá hỏng vật sở hữu giản đơn của một ngôi nhà khiêm tốn ở làng quê.

Và điều đó  rất có tính biểu tượng. Điều gì đã xảy ra? ý nghĩ về việc làm đó ảnh hưởng đến những xúc cảm về tình bạn. Tôi đã nói với Chương, anh đạo diễn về điều đó. Chương nói anh biết, và anh đã nói với những người chụp ảnh, quay phim trẻ tuổi đừng lặp lại việc đó. Tôi muốn giúp người đàn bà dựng lại hàng rào, nhưng tôi không biết phải sửa lại nó như thế nào. Và cái điều đơn giản đó xảy ra ở Mỹ Lai. Họ không nhìn thấy toàn cục. Họ chỉ nhìn một chiều mà thôi.

( Còn nữa - Rút từ sách “Bí mật cuộc đời người  Mỹ làm “sống lại” Đặng Thùy Trâm)

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.