Những gì không được phép làm ở phố đi bộ?

Sau thời gian thí điểm, phố đi bộ Hà Nội chính thức hoạt động với nội quy, quy chế quy củ hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Sau thời gian thí điểm, phố đi bộ Hà Nội chính thức hoạt động với nội quy, quy chế quy củ hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Hộ kinh doanh, người dân và du khách bước chân đến không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận sẽ buộc tuân thủ nội quy do UBND quận Hoàn Kiếm trình lên UBND thành phố Hà Nội. Đặc biệt, biểu diễn nghệ thuật tại phố đi bộ phải được cấp phép.

Ứng xử văn minh

Các nhà quản lý coi không gian khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là “không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể góp phần bảo tồn phát huy lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội”, cho nên nhất thiết mọi hoạt động đều tuân theo nội quy. Nội quy 5 điều gồm quy định chung, những hành vi bị cấm, dành cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và hoạt động khác. Giờ thể dục thể thao cũng được ghi rõ: Kết thúc trước 7h sáng, chiều từ 18-22h.

Hà Nội sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng, người tham gia khu phố đi bộ không ngoại lệ: Có ứng xử văn hóa, trang phục lịch sự, vui chơi giải trí lành mạnh, không uống rượu bia, không có hành vi và lời nói thiếu văn hóa. Không tự ý tổ chức, biểu diễn các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, trò chơi ảo thuật, không sử dụng thiết bị tăng âm phát tán âm thanh lớn ảnh hưởng tới hoạt động chung của không gian…

Loạt hành vi bị cấm trong không gian phố đi bộ như: Cấm tổ chức biểu tình, tuần hành, tập trung đông người, tuyên truyền các nội dung trái pháp luật, tổ chức các hoạt động gây mất trật tự công cộng. Cấm bán hàng rong, tổ chức ăn uống, kinh doanh trò chơi, đánh giầy, đeo bám khách du lịch để nài ép mua bán dưới mọi hình thức.

Cấm tổ chức kinh doanh, cung cấp dịch vụ thu tiền của khách khi chưa có giấy phép kinh doanh hoặc chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Một trong những bất cập của khu phố đi bộ theo phát biểu của lãnh đạo thành phố Hà Nội thời gian qua là vệ sinh môi trường, cho nên nội quy lần này cũng liệt kê “dắt, thả vật nuôi, gia súc, gia cầm ra đường phố và các khu vực công cộng khác” trong số hành vi bị cấm.

Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải kê khai đăng ký kinh doanh, chỉ được phép kinh doanh các mặt hàng được quy định, nộp các khoản lệ phí theo quy định, sử dụng đèn chiếu sáng có ánh sáng trắng tự nhiên có nhiệt độ màu 4.000oK đến 5.000oK. Đạo diễn, NSƯT Trần Lực cho rằng khu vực tượng đài Lý Thái Tổ bị các kiểu dịch vụ cho trẻ con thuê xe điện chạy nhốn nháo, thậm chí gây nguy hiểm cho khách. Anh cho rằng đây là không gian đẹp dành cho các nghệ sỹ biểu diễn.

Quản nhưng vẫn phải vui

Phần quy định biểu diễn nghệ thuật trong không gian phố đi bộ nêu rõ “phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép” và tuân thủ đúng nội dung được cấp phép, đảm bảo nội dung, trang phục, dụng cụ, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và các quy định khác của pháp luật.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội giải thích rằng có thể hiểu thủ tục cấp phép ở đây chính là thông báo nội dung biểu diễn về cơ quan có thẩm quyền như bấy lâu nay. Thủ tục thông báo này được cho là đơn giản, nhưng theo thông tin Thanh tra Sở thời gian qua “không nhận được thông báo biểu diễn nào”. Với nghệ sỹ do Hà Nội mời biểu diễn, thực tế vẫn thường xuyên báo cáo nội dung, chịu sự giám sát của nhà quản lý.

“Nội quy này hoàn toàn cần thiết, nếu không sẽ loạn. Chỉ có điều cần có bộ phận cấp phép trực hàng ngày để cấp phép cho các tổ chức đột xuất xin phép. Đôi khi một nhóm ở tỉnh xa đến đó chơi ngẫu hứng múa, hát phục vụ cộng đồng thì khó xin phép được từ trước”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình nói.

Một bà mẹ có con chơi trong CLB biểu diễn để làm từ thiện kể, phải chạy đôn chạy đáo sát giờ biểu diễn để có được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Những người tham gia biểu diễn ở đây đồng tình cần có quy định biểu diễn, nhưng vẫn cần đảm bảo hoạt động tự nhiên, vui vẻ.

Nhiều lần các nghệ sỹ trực tiếp biểu diễn ở phố đi bộ nêu ý kiến cần quy định chi tiết và cụ thể hơn về cấp phép biểu diễn-điều này chưa thể hiện được trong dự thảo Nội quy và Quy chế của phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Không gian phố đi bộ Hà Nội đương nhiên dành cho các hoạt động văn hóa giải trí, huyên náo là điều khó tránh. Tuy nhiên, thanh tra Sở cũng cho biết, tiếp nhận không ít ý kiến phản ánh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ các hoạt động kinh doanh, biểu diễn ở đây.

Đạo diễn Trần Lực trong đôi lần dẫn con vào phố đi bộ cũng ghi nhận “kèn trống, hát hò cứ gọi là âm lượng hết cỡ”. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình đồng tình và cho rằng “cần hạn chế công suất âm thanh bởi nhiều khi âm thanh của các đám hát oang oang, đối chọi nhau gây khó chịu”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng cần phân loại chất lượng nghệ thuật khi biểu diễn ở phố đi bộ. Theo nhà báo, dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền, ở Nga những ai muốn biểu diễn ở khu phố đi bộ đều phải xin phép, chơi thử cho ủy ban duyệt và cấp phép nhưng thủ tục cấp phép này không quá phức tạp.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.